Trang

Diệp Kính Thiên: Nguyễn Tấn Dũng có thắng không?

Khả năng được đề cử chức Tổng bí thư khóa 12 cho Nguyễn Tấn Dũng có thể chắc chắn. Đây mới chỉ là hiệp một. Sang hiệp hai – bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa 12 – mới là chủ yếu.

Anh Ba Thanh: Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư nửa nhiệm kỳ đầu khóa XII ?

Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hé lộ một chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo đó là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Võ Trung Dung. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Võ Trung Dung. Hiển thị tất cả bài đăng

21.6.12

Nhà báo Võ Trung Dung: Nhà báo phải có tư cách nhà báo

Võ Trung Dung, nhà báo tự do sống ở Pháp được tiếp cận với kỹ năng của báo chí phương Tây. anh đã có hơn hai mươi năm đi viết bài tại nhiều quốc gia, có mặt tại các điểm nóng chiến sự, quan tâm đến các vấn đề chính trị quốc tế, làm nhiều phóng sự điều tra. Bạn đọc Việt Nam đã từng biết loạt phóng sự do anh viết về người Việt nhập cư chui lủi trong các cánh rừng xứ người. Anh cũng cộng tác với nhiều báo đài trong nước và là một trong số các nhà báo quốc tế được đánh giá là “rất ít người biết Việt Nam rõ như vậy”.

Bạn đọc rất chú ý những phóng sự điều tra đặc biệt của anh và muốn biết làm cách nào anh xâm nhập vào khu rừng Calais (Pháp) có người Việt nhập cư lậu vào năm 2009 để thu thập được nhiều thông tin như vậy?

Khu rừng lớn lắm, không biết thì không tìm được đâu. Phải hỏi thăm cảnh sát, các cha xứ, thu thập tin tức từ báo chí địa phương... Họ chỉ cho quy luật đi về của những người này, giờ nào ra ngoài mua bánh mì, giờ nào lấy nước... Lần theo đó, tôi tìm gặp những người nhập cư, tìm cách vào rừng nơi họ sinh sống.

Anh có phải giấu thân phận khi hành nghề, giấu mình là nhà báo để thâm nhập cho dễ như nhiều nhà báo Việt Nam thường làm không?

Tôi vào rừng và tự giới thiệu. Rất ít khi tôi giấu tư cách phóng viên, vì nếu làm như vậy sẽ không lấy được nhiều thông tin. Chỉ khi làm việc gì đó với mục đích có thêm không khí, mắm muối cho bài viết thì tôi mới không giới thiệu mình là nhà báo. Tôi hỏi hải quan một ngày bắt được bao nhiêu người nhập cư lậu, và được biết rằng mỗi ngày có cả mấy trăm xe cam - nhông chở người nhập cư lậu đi qua, nhưng lâu lâu họ mới chụp được một chiếc. Tôi phỏng vấn những người nhập cư lậu, những người đã thoát rồi.

Nhưng họ là dân nhập cư lậu, trốn chui nhủi, làm sao dám nói chuyện với nhà báo? Anh thuyết phục họ bằng cách nào?

Nhà báo Võ Trung Dung

Tôi đưa danh thiếp, nói rõ tôi là thế này, không ép ai cả, tôi chỉ chụp hình, quay phim họ một khi họ đồng ý. Hỏi họ có muốn nêu tên thật hay không. Và giữ lời. Tôi không hứa giúp họ điều gì. Đừng lừa dối bằng cách hứa hẹn, cốt được việc mình. Tôi chỉ muốn biết vì sao họ cố sống chết đến được đây, để phải ăn ở trong điều kiện như thế này. Người thứ nhất không nói, người thứ hai, thứ ba không nói. Rồi người tiếp theo nói cho một chút, người tiếp nữa nói được nhiều hơn... Ai kể cho nghe thì tôi cảm ơn, không kể thì thôi. Những ai không kể, có thể tôi hỏi nhiều lần. Bởi tôi biết họ khổ, họ cần được nói ra. Theo tôi, quan trọng là xử sự với nhau theo cách giữa con người với con người và họ cảm thấy mình thành thật.

Các nhà báo ở Việt Nam vẫn phải đóng giả để thâm nhập thực tế, như giả làm hộ lý bệnh viện, nhân viên ở khách sạn để điều tra đường dây mại dâm, nhất là khi điều tra chống tiêu cực, hối lộ. Anh nghĩ đó có phải là phương pháp tốt?

Quan điểm của tôi, nhà báo phải có tư cách nhà báo, chính danh. Trừ khi để viết sách, cần hiểu sâu tâm trạng, thân phận, thêm mùi vị. Báo chí không cần thiết theo cách đóng giả đó, mà phải có phương pháp khác. Muốn biết tiêu cực, thái độ phục vụ của bệnh viện đâu có khó. Đi theo người khám bệnh, phỏng vấn bệnh nhân, hộ lý.

Theo công thức xã hội học điều tra, trong mười người nói có khoảng bảy người nói đúng. Không cần đóng giả, chỉ hãn hữu trong những việc quan trọng liên quan đến lợi ích cộng đồng và không còn phương pháp nào khác. Nghĩa là tùy vào thông tin ấy có quan trọng cho cộng đồng không (luật của Liên minh châu Âu còn cho phép phạm luật nếu việc điều tra ấy có liên quan đặc biệt quan trọng đến lợi ích lớn của cộng đồng). Còn đóng vai để vào động gái nghe tâm trạng, theo tôi là không ích gì. Có thể vào để quan sát, miêu tả, nhưng thông tin từ việc đó là cực kỳ ít. Cần phải qua nhiều nhân chứng. Thực hiện phóng sự 80% là nghiên cứu, tài liệu, 20% đi lấy màu sắc thực tế.

Một nhà báo Ý đi lấy tài liệu viết sách phóng sự xã hội về giới xã hội đen (mafia), thế lực toàn cầu ghê gớm thế, mà ông không giấu mình. Ông làm trong ba năm liền. Năm đầu tiên không ai thèm nói gì cho ông. Cứ kiên nhẫn rồi sau đó cũng có người không sợ, nói ra. Sách của ông gây chấn động. Dù bị đe dọa, ông vẫn công khai mình là nhà báo.

Làm phóng sự điều tra, anh có gặp phải những rắc rối kiện tụng?

Trong phóng sự điều tra, vấn đề pháp lý rất quan trọng. Những rắc rối thường gặp là người viết bị kiện vu khống. Vậy nên thông tin phải đưa ra cho ban phụ trách luật nghiên cứu trước. Làm nhà báo viết phóng sự điều tra, điều quan trọng không phải là xâm nhập lấy thông tin, mà là tư liệu và xây dựng các mối quan hệ. Phải tốn rất nhiều thời gian.

Nhưng  phóng viên khi viết bài đã buộc phải qua bước tự phối kiểm thông tin?

Kiểm tra tin tức chỉ là lý thuyết, lỗi thường gặp chính là sự hấp tấp. Phóng sự không "ăn nóng" được, phải kiểm tra hai, ba nguồn, phỏng vấn một số người khách quan. Tuyệt đối không dùng những dữ liệu bí mật quốc gia.

Anh viết về chiến tranh, bắt cóc, thị trường thuốc Tây, cúm heo, phỏng vấn đại sứ, nhà văn... Làm sao có thể biết rành rẽ tất cả mọi điều như thế? Anh đã đầu tư cho kiến thức như thế nào?

Tôi sẽ nghĩ ra đề tài để viết sau khi đã đầu tư công sức trong một quãng thời gian dài. Quá trình thu thập thông tin đã tích lũy những vấn đề hay, khi có biến động thời sự sẽ nảy ra cho mình đề tài thích hợp. Thí dụ, vấn đề Myanmar, tôi đã theo dõi hai, ba năm. Khi có biến chuyển thời sự ở nước này, tôi đã có đủ tư liệu và mối quan hệ để viết bài một cách đầy đủ. Làm báo là bán hàng, thông tin là chiến lược và thương mại. Nghề báo là một lý tưởng nhưng cũng là một sản phẩm kinh tế. Phải sản xuất, phải đầu tư thông tin, phải bán. Không nên mắc cỡ khi nói ra chuyện này. Tôi viết cho báo Việt Nam từ những gì ở nước ngoài đi vào. Viết cho châu Âu thì từ những gì châu Á đi ra.

Anh đã đầu tư những thông tin về mảng chính trị quốc tế như thế nào mà thường đáp ứng rất nhanh và có những bình luận sâu sắc về những sự kiện lớn?

Báo chí yêu cầu phải có ngay, nhưng nếu viết giống thông tấn thì không ai cần. Sự kiện xảy ra ở nước ngoài, nhà báo đang ở đó quan sát, chi tiết "màu mỡ" hay hơn, nhưng đó không phải tin tức. Thông tin ở chỗ khác. Thí dụ, kết quả bầu cử tổng thống ở Pháp, chỉ cần hơn bốn dòng là xong. Nhưng khi nghiên cứu chiều sâu: cơ cấu nền dân chủ, hệ thống, cương lĩnh như thế nào, giải thích vai trò truyền thông báo chí, dư luận trong bầu cử..., thì để làm được điều đó, các mối quan hệ cá nhân là cực kỳ quan trọng. Dựa trên lòng tin tưởng nghề nghiệp và tác phong làm việc, mới có được những thông tin mà đồng nghiệp không có. Tôi xây dựng quan hệ ở hai nơi: câu lạc bộ báo chí chuyên ngành và quan hệ với những người viết về khoa học chính trị... Tôi viết nhiều lĩnh vực, thể thao cũng có nhưng ít, chỉ có tài tử là không viết thôi.

Đặc biệt yêu thích viết mảng chính trị quốc tế, anh đã đầu tư cho lĩnh vực này như thế nào?

Chính trị quốc tế rất quan trọng. Không nước nào có thể sống được một mình, tất cả đều liên quan đến nhau. Ngay trong lĩnh vực kinh tế, một quốc gia bị cảm, sổ mũi là tất cả cũng bị lây liền. Mối quan hệ chính trị của các chính phủ trong Liên minh châu Âu là vùng tôi thích viết. Bất cứ lĩnh vực nào, kinh tế, chính trị, xã hội, nếu chỉ đọc tin thông tấn, nghe truyền hình thì hoàn toàn không đủ và quá trễ. Các tin thông tấn, kể cả các blog báo chí công dân tuy không phải dân nhà nghề nhưng đều cung cấp thông tin và có nhiều người đọc cả.

Báo chí chuyên nghiệp nhà nghề có trách nhiệm đi xa hơn và cung cấp những điều giúp xác định đúng, sai. Muốn độc đáo phải đi xa hơn. Tôi tham gia nhiều câu lạc bộ nhà báo quốc tế ở Paris, ở đó các phóng viên làm việc, gặp gỡ, cà phê, có khi mời bộ trưởng tới như họp báo bán chính thức. Thông tin bên lề rất quan trọng. Tôi tham gia các hội nghị quốc tế, các cuộc họp của nhóm G8, Liên minh châu Âu, viện nghiên cứu chính trị, các ThinkTalk (nhóm tư vấn)... Phải tổ chức nhiều nguồn dữ liệu, làm hồ sơ chính trị châu Á, các nước như Trung Quốc, Myanmar... Còn có những hồ sơ nhỏ hơn nữa về xã hội và vùng, khu vực. Trước đây tôi viết về Nam Mỹ, châu Phi. Đôi khi vì là thành viên của câu lạc bộ nghiên cứu, tôi được mời thuyết trình các vấn đề liên quan đến Việt Nam.

Khi đó, anh thường nói những gì?

Nói về vai trò, các quá trình chính trị Việt Nam từ 1945 đến nay, về tổ chức nhà nước, Đảng, Quốc hội, về một số mâu thuẫn tồn tại trong lĩnh vực kinh tế...

Người nghe thường hỏi và quan tâm đến những gì?

Họ hỏi những vấn đề về dân chủ, quan tâm đến vai trò của Quốc hội...

Anh viết cho nhiều báo lớn của Pháp và một số nước khác, vậy vì sao anh không trở thành phóng viên chính thức cho một tờ báo nào đó mà chọn con đường nhà báo tự do có vẻ không ổn định?

Nếu muốn trở thành phóng viên của một tờ báo, tôi cũng có đủ điều kiện. Nhưng trong tờ báo dù có tốt, có lý tưởng đi nữa cũng vẫn là các mối quan hệ con người, quan hệ nội bộ, cạnh tranh chức quyền... Làm như hiện nay, tôi được tự do 100%. Cái giá phải trả là cuộc sống không có kế hoạch. Thu nhập tháng có tháng không. Cuộc sống không ổn định. Có những bài đầu tư tốn kém hơn tiền nhuận bút. Nếu có gia đình thì càng chịu nhiều áp lực, nên 90% nhà báo tự do phải ly dị.

Hy vọng anh không sa vào số 90% đó chứ?

Cũng sa rồi. Thật khó biết được.

Theo anh, phải có những gì để trở thành một nhà báo giỏi?

Sống cho đàng hoàng, đạo đức. Chọn nghề báo là có lý tưởng rồi. Ở Pháp, nếu đi làm một thợ điện sướng hơn nhiều. Tôi tin vào truyền thông chính xác, chất lượng, sẽ làm cho xã hội phát triển. Xã hội là tập hợp những người bỏ lá phiếu bầu ra người lãnh đạo đất nước. Mình không kêu gọi, mà cung cấp cho họ thông tin, công cụ để biết cái hay, dở, tốt xấu. Làm báo được tiếp xúc với rất nhiều người thuộc nhiều tầng lớp xã hội, từ người ăn xin cho đến tổng thống. Nhà báo nhìn cuộc sống xám xám, không trắng cũng không đen. Không đưa những phán đoán cực đoan. Thấy một hiện tượng, phải nghĩ rằng sự thật phía sau chưa chắc như thế. Nhà báo là một người quan sát đưa sự thật đó cho người ta đọc, không nói hay, dở. Khi cần tỏ quan điểm thì viết xã luận.

Anh nghĩ gì về đạo đức nghề báo?

Chấp nhận cuộc sống, đừng mơ giàu, vì kinh tế không phải là cái gì quá quan trọng. Nếu viết tốt thì vẫn sống được. Thứ hai: phải có sự cứng rắn, bởi nghề này có những cám dỗ khủng khiếp.

Tôi đã có lần viết bài vì sao gạo Thái Lan là số một thế giới. Hiệp hội xuất khẩu gạo quốc gia này rất giàu, có tới 99% là người Thái gốc Hoa, họ mời mọc, đón tiếp. Tôi từ chối ở khách sạn năm sao, đưa đón bằng xe Mercedes. Họ gửi phong bì số tiền tương đương một tháng thu nhập, tôi phải cảm ơn không nhận. Viết cả tháng trời không bằng một cái phong bì, rất dễ cầm. Vậy nên khó nhất đối với nghề báo không phải là những luật lệ, mà là có chống chọi được với cám dỗ hay không, từ chối được hay không.Sống phải thật với mình, với mọi người. Hiền thì đừng làm ra vẻ dữ. Người ta nhận ra ngay, không tin tưởng, sẽ cho thông tin đến mức nào đó thôi.

Làm báo, kiến thức phải rộng. Thí dụ, viết về kinh tế cũng phải am hiểu tất cả, vì chúng đều có sự liên đới, tác động qua lại với chính trị, xã hội... Dù không trực tiếp đi nữa, cũng sẽ cho chúng ta sự phán đoán tốt. Trong thế giới ngày nay, thông tin truyền thông là một chiến lược để mà thắng.

Theo anh, tuổi già có đáng sợ với nhà báo lắm không?

Gừng càng già càng cay. Trẻ thì xông xáo. Phóng viên chiến trường phải chạy hàng chục cây số mỗi ngày thì người ba mươi tuổi chắc chắn có ưu thế hơn người năm mươi tuổi. Người ba mươi tuổi thấy cái gì bên ngoài rất nhanh, còn người năm mươi tuổi còn thấy được cả những gì phía sau. Tôi còn nhờ việc tham gia dạy học để thấy mình không "hết đát". Sinh viên dở hơn mình, nhưng qua các câu hỏi ngây thơ của họ mình hiểu thêm những gì chưa biết. Có gì hay, mình truyền đạt cho học trò và học lại từ các em. Thầy trò cùng học chung. Nhà báo Jean Claude Pomonti của báo Le Monde đã ngoài bảy mươi tuổi, ông vẫn lang thang ở Bangkok viết bài. Ai đã theo nghề báo, chắc chỉ thôi không viết khi bị bệnh Alzheimer.

Anh có tham gia giảng dạy, xin anh cho nhận xét việc đào tạo nhà báo bên đó thế nào?

Có hai loại trường, một loại đại học năm năm, còn một loại là những trường lớn tuyển người tốt nghiệp các đại học khác rồi về đào tạo thêm hai năm. Năm đầu, học một số công cụ như cách điều tra, sử dụng thống kê, cách dùng từ ngữ... Năm sau, học các phương tiện báo in, điện tử, phát thanh, phóng sự truyền hình, sử dụng các công cụ cần cho nghề nghiệp... Có cả một đài truyền hình mô phỏng cho học viên thực hành.

Cuộc sống của một nhà báo tự do như anh có gì khác biệt?

Một năm tôi chỉ ở nhà một nửa thời gian. Đi làm phóng sự nhiều, ở khách sạn nhiều. Vì thế thời gian ở với gia đình tôi không làm việc vào buổi tối, vì chỉ lúc đó cả nhà quây quần đông đủ, phải dành thời gian ấy cho gia đình. Chỉ khi sáng sớm cả nhà còn ngủ, mới tranh thủ dậy sớm đọc sách, viết bài. Sử dụng thời gian chết khi di chuyển trên xe điện, phi trường để đọc sách.

Chắc ai sống với nhà báo tự do như thế, phải thông cảm lắm.

Nhà báo nhìn cuộc sống xám xám, không gì đen hay trắng hẳn. Tôi đã từng thấy những người rất giàu sau thành nghèo và ngược lại. Không cái gì mãi mãi. Bà xã tôi thường bảo "anh hay rắc rối".
Nhưng chị hiểu anh?

Hiểu là một chuyện. Chấp nhận khó khăn hằng ngày là chuyện khác.

Anh có nhận xét gì về đặc điểm người đọc ngày nay?

Nhiều người "cái gì cũng biết nhưng không biết gì". Mới đây, trên máy bay, tôi có ngồi cạnh một anh đi học tiến sĩ ở nước ngoài về. Anh giở tờ báo thấy bài về bà đại biểu Quốc hội Hoàng Yến đang đứng trước việc bị bãi nhiệm. Chỉ nhìn tấm hình (chắc mấy bữa đó nhiều báo đăng) anh ta bảo hình này thấy rồi, bài cũ, không đọc.

Anh tham gia viết báo Việt Nam nhiều, anh thích đọc những tờ nào nhất?

Tôi thích nhiều, trong đó có cả một số tờ báo nhỏ thôi, gần đây có báo Người cao tuổi viết về vấn đề đất đai có dựa vào luật rất tốt. Có lẽ vì người cao tuổi ở nông thôn nhiều và hiểu rõ chăng. Tờ Người lao động cũng tốt lên nhiều.

Là nhà báo nước ngoài hay về nước viết, anh thấy điều gì hay, dở ở Việt Nam?

Xã hội năng động, làm việc này không được, xoay làm việc kia, giống châu Âu ở chỗ đó. Quan hệ tình bạn lý tưởng. Nếu ở châu Âu bạn chỉ là bạn, thì ở đây người ta có thể bỏ cả bữa ăn trưa để làm điều gì đó cho bạn. Cái dở là tham nhũng, con ông cháu cha, thiếu lý tưởng chính trị. Nếu chọn lý tưởng cộng sản, theo con đường xã hội chủ nghĩa thì phải cố gắng thực sự để đạt tới nó. Còn thực tế, nhiều người không có lý tưởng gì hết. Miệng nói thôi, còn làm thì trật lất. Tôi gặp những người thế hệ kháng chiến, thấy họ có lý tưởng chính trị tốt hơn.

Nếu phóng viên trẻ muốn nghe một ý kiến về nghề nghiệp, anh sẽ nói gì với họ?

Đừng chỉ mơ làm việc to tát như đi viết chiến sự Trung Đông, mà chuyện kể nơi góc đường kia cũng hay vậy.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần