Trang

29.5.12

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tham nhũng vẫn là vấn đề nổi cộm


“Chỉ số PAPI giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cũng như cộng đồng phát triển quốc tế hiểu được tâm tư, nguyện vọng, trải nghiệm của người dân. Từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm giảm bớt tham nhũng, cải thiện hiệu quả và hiệu lực của công tác quản trị công, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với bộ máy hành chính công” - bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định như vậy tại buổi công bố kết quả khảo sát trên phạm vi toàn quốc, diễn ra hồi đầu tháng này.

Mặc dù tham nhũng là một vấn đề rộng, song để thuận lợi cho phân tích, Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) tập trung phân tích những vấn đề như lạm dụng công quỹ vào mục đích riêng; tầm quan trọng của việc thân quen (vị thân) khi xin hoặc thi vào làm việc trong khu vực Nhà nước; vòi vĩnh và đòi hối lộ trong xử lý các thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ y tế và giáo dục; nhận thức của người dân về quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và cảm nhận về hiệu quả của những nỗ lực CTN của các cơ quan Nhà nước. 

Dân Hải Phòng phải đưa hối lộ nhiều nhất

Khi được hỏi về một số hành vi tham nhũng cụ thể trong khu vực công, nhiều người cho rằng: Có tình trạng nhận hối lộ trong dịch vụ y tế công (31%), xin việc vào làm trong khu vực Nhà nước (29%), để giáo viên quan tâm hơn tới học sinh ở trường (17%) và trong xin cấp giấy phép xây dựng (16%)…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tại Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN. 
Đáng chú ý, các vấn đề liên quan đến đất đai và quản lý đất đai (chẳng hạn như thiếu công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ); thu hồi và giá đền bù đất) thường có nguy cơ tham nhũng cao và là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng giữa người dân và các cấp chính quyền.

Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn người dân không được biết về quy hoạch, kế hoạch SDĐ của địa phương. Cứ 8/10 người được hỏi cho biết, không được biết về quy hoạch, kế hoạch SDĐ của xã, phường.

Gần 2/3 người dân không biết tới đâu để tìm kiếm thông tin về khung giá đất được chính quyền địa phương chính thức ban hành. Ở tỉnh Trà Vinh, hơn 90% số người được hỏi không biết tìm kiếm thông tin này ở đâu. Tỉ lệ này ở Hòa Bình khoảng 30%.  

Trong số gần 30% hộ gia đình bị thu hồi đất, chỉ số ít cho biết, giá đền bù đất là xấp xỉ giá thị trường. Ở Bến Tre, khoảng một nửa số người được hỏi cho biết, giá đền bù xấp xỉ giá thị trường, đưa Bến Tre trở thành tỉnh được người dân đánh giá có vẻ là công bằng nhất về giá đền bù đất. Trong khi đó, 100% số hộ bị thu hồi đất ở Đắk Lắk cho biết, giá đền bù thấp hơn giá thị trường. Trung bình toàn quốc chỉ có 12,86% số hộ bị mất đất cho biết, giá đền bù gần với giá thị trường. Tỉ lệ này thấp hơn con số 17% của năm 2010.

Trong quản lý đất đai, thủ tục và dịch vụ hành chính liên quan đến chứng nhận quyền SDĐ là nội dung mà người dân còn phàn nàn nhiều nhất. Người dân không những chưa hài lòng với dịch vụ và quy trình thủ tục, mà còn phàn nàn nhiều về thái độ làm việc của công chức và thủ tục nhiêu khê. 

Khi được hỏi về tình trạng tham nhũng trong khu vực công, trên toàn quốc có 21% người trả lời cho biết, hối lộ để làm xong thủ tục về chứng nhận quyền SDĐ là cần thiết! 

Về mức tiền hối lộ để có được giấy chứng nhận quyền SDĐ, người dân Hải Phòng dường như phải chi nhiều nhất bởi giá trị trung bình ở ngưỡng 9,8 triệu đồng. Ngược lại, ở Hà Giang người dân hầu như không phải đưa hối lộ để làm xong thủ tục này. Ở Sơn La, 79,01% cho biết, không phải đưa hối lộ để nhận được giấy chứng nhận quyền SDĐ. Ngược lại, tại Hưng Yên, hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn bởi chỉ có 29% người dân cho biết, không phải đưa hối lộ khi đi làm giấy chứng nhận quyền SDĐ.

Ngoài ra, 13% người dân cho rằng, cán bộ chính quyền dùng công quỹ vào mục đích riêng.

“Đây là những phát hiện được tổng hợp ở cấp quốc gia. Những phát hiện này không thay đổi nhiều khi lấy kết quả khảo sát ở 5 TP trực thuộc T.Ư để phân tích so sánh với 57 tỉnh còn lại. Điều này phần nào phản ánh mức độ phổ biến của tham nhũng và hối lộ ở khắp các tỉnh, TP”, đại diện UNDP khẳng định. 

Khoảng cách lớn trong kiểm soát tham nhũng

Kiểm soát tham nhũng là trục nội dung có mức độ khác biệt nhiều giữa các tỉnh/TP, ở cả cấp độ mẫu khảo sát và cấp tỉnh. Khoảng cách về điểm số trung bình giữa nhóm đạt điểm cao nhất và nhóm đạt điểm thấp nhất là 2,33 điểm. Khi so sánh điểm trung bình của các tỉnh/TP, điểm số cao nhất (7,269 của Long An) cao hơn nhiều so với điểm số thấp nhất (4,944 của Cao Bằng).

Các tỉnh Bình Dương, Cà Mau, Bình Định, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng Nam Trung bộ và Nam bộ thuộc nhóm đạt điểm cao nhất. (10 địa phương đứng đầu và 12/15 địa phương đứng đầu là các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ).

Trong số 10 địa phương đạt điểm thấp nhất có Quảng Ninh, Trà Vinh, TP Hải Phòng, Hà Giang, Bắc Ninh, Tây Ninh, Ninh Bình, Ninh Thuận và Lâm Đồng (với sự kết hợp của nhiều đặc điểm địa lý, xã hội như đô thị, miền núi, duyên hải, cao nguyên và đồng bằng).

Số người dân cho rằng, chính quyền tỉnh/TP nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng khá thấp. Trên toàn quốc, chỉ có 22,95% số người được hỏi cho rằng, chính quyền tỉnh/TP của họ đã nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng được phát hiện. Tỉ lệ này ở Hà Nội là cao nhất (50,66%), ở Bạc Liêu là thấp nhất (5,39%).

Theo kết quả khảo sát trên toàn quốc, 46,52% số người được hỏi cho biết, không có hiện tượng phải đưa hối lộ để được chăm sóc y tế tốt hơn ở bệnh viện công lập tuyến huyện/quận, và 59,14% cho biết, không có hiện tượng phụ huynh học sinh phải đưa hối lộ để con em mình được quan tâm hơn, và ở trường tiểu học công lập để học sinh được quan tâm đặc biệt hơn là 1,2 triệu đồng. 

Vậy nhưng, đã có sự khác biệt lớn khi xét đến trải nghiệm thực tiễn của người dân đối với vấn đề hối lộ ở bệnh viện công lập tuyến huyện/quận. Hành vi nhũng nhiễu này dường như xảy ra thường xuyên ở bệnh viện tuyến quận/huyện ở tỉnh Quảng Ngãi khi có tới 100% số người trả lời hoặc trực tiếp hoặc đưa người thân đi khám, chữa bệnh cho biết, đã phải đưa thêm tiền ngoài quy định cho y sĩ, bác sĩ. Tỉ lệ này ở tỉnh Đắk Nông là thấp nhất, với 19,83%. Tỉnh Bình Phước có số người dân phản ánh tình trạng tương tự rất gần với số trung bình toàn quốc - 55,05%. Về số tiền đã phải chi ngoài quy định cho y sĩ, bác sĩ, con số trung vị cấp tỉnh được người dân cho biết thông qua khảo sát có giá trị lớn nhất là 29,2 triệu đồng ở tỉnh Cà Mau, và thấp nhất là Điện Biên, ở mức 5 nghìn đồng. 

Về số tiền chi ngoài quy định ở trường tiểu học trong học kỳ vừa qua, giá trị trung vị lớn nhất là ở Hải Phòng, với mức 11,2 triệu đồng. Số tiền trung vị thấp nhất gần bằng giá trị ‘0’ ở Quảng Ninh. Đây là những thái cực đáng lưu ý khi so với giá trị trung bình chung toàn quốc là 1,2 triệu đồng.

An Hà

http://chongthamnhung.thanhtra.com.vn/tabid/73/newsid/2995/seo/Tham-nhung-van-la-van-de-noi-com/Default.aspx

0 comments:

Đăng nhận xét