Trang

3.5.12

Việt-Mỹ trong thế cờ biển Đông

Trả lời hãng tin Blomberg trong một phỏng vấn năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh được dẫn lời: "Không ai có thể tưởng tượng được là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lại phát triển nhanh như thế này. Sau 16 năm bình thường hóa quan hệ, chúng ta đã tiến tới giai đoạn phát triển nó trên mọi lĩnh vực".

Hàm ý gì từ  tác động cộng hưởng kép?

Mỹ muốn gì ở Biển Đông? Và các nước ASEAN, mà cụ thể là Việt Nam có  thể hợp tác với siêu cường này như thế  nào để đảm bảo lợi ích của mình? Các  động thái gần đây cho thấy một bức tranh mới trong mối quan hệ hai bên đang dần dần xuất hiện với nhiều gam màu khác nhau. Từ mối quan hệ ban đầu chỉ tập trung vào việc tìm kiếm quân nhân Mỹ  mất tích trong chiến tranh Việt Nam, các dấu hiệu hợp tác gần đây khiến một số nhà quan sát  đã sử dụng cụm từ "mối quan hệ chiến lược" để hình dung về tương lai song phương giữa hai nước từng đối địch.
Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ
thường xuyên xuất hiện ở các vùng biển châu Á trong những năm qua. Ảnh: US Navy
Trả lời hãng tin Blomberg trong một phỏng vấn năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh được dẫn lời: "Không ai có thể tưởng tượng được là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lại phát triển nhanh như thế này. Sau 16 năm bình thường hóa quan hệ, chúng ta đã tiến tới giai đoạn phát triển nó trên mọi lĩnh vực".

Cụm từ "trong mọi lĩnh vực" của tân ngoại trưởng không quá lời, khi cách đây không lâu một hiệp ước giữa hai nước được ký kết tạo cho giới quan sát nhiều chú ý. Đó là hợp tác Quân y Việt - Mỹ. Theo báo chí đưa tin, thỏa thuận bao gồm các hoạt động trao đổi chuyên môn, hội thảo cũng như hợp tác nghiên cứu y học và là một hợp tác đầu tiên trong đó là quân sự - quốc phòng. Liệu y học có là "ngôn ngữ chung"  giúp nối liền những khoảng cách - như lời của quan chức Hải quân Mỹ ví von - thì chưa ai có  thể khẳng định. 

Nhưng những bước đi "mềm"  trong lĩnh vực còn được xem là nhiều nhạy cảm này có lẽ đã khởi động trước đó một thời gian qua lời cựu đại sứ Lê Công Phụng: "Việt Nam và Mỹ đã nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược về an ninh - quốc phòng và cho đến nay đã tiến hành được ba vòng đối thoại. Việt Nam là một trong số rất  ít các nước ở Đông Nam Á có cơ chế  này với Mỹ". 

Bối cảnh nào thúc đẩy mối quan hệ tiến nhanh như vậy, và những viên gạch nào cần tiếp tục  được đặt nền? Vượt trên các tên gọi của giới nghiên cứu hay các nhà ngoại giao, một góc nhìn trực diện vào bản chất thật sự của quan hệ Việt - Mỹ đang cần đưa lên bàn cân đánh giá  làm tiền đề cho quá trình hoạch định chính sách. Trong đó, tác động kép từ sự thay đổi cục diện khu vực đóng vai trò tiên yếu. Một là  quá trình toàn cầu hóa. Hai là sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế - quân sự. 

Tác động cộng hưởng kép

Dẫu đa phương hay song phương, dẫu quan hệ kinh tế hay ngoại giao, dẫu trong hoàn cảnh thuận hòa hay đang tồn tại một số bất đồng trước mắt, có hai yếu tố cần được xem xét, đó là toàn cầu hóa kinh tế và trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một mặt, sự lựa chọn của Việt Nam tham gia thị trường toàn cầu đã làm thay đổi định hướng trong các quyết định về chiến lược ngoại giao. 

Việc gia nhập tổ chức Thương mại Thế  giới (WTO) năm 2007 là một bước thứ hai trong quá  trình cải cách của Việt Nam, đánh dấu phương hướng đa phương hóa, đa dạng hóa trong các lựa chọn về  chính sách đối ngoại. Quá trình xích lại gần với cộng đồng chung thế giới nên được đánh giá trong bối cảnh ưu tiên về phát triển và  hiện đại hóa đất nước được đặt lên hàng đầu. Toàn cầu hóa trong mối quan hệ Việt - Mỹ, vì thế, kiến tạo một hình dung về thế giới ngày càng liên kết mà trong đó chia sẻ lợi  ích sẽ là yếu tố chủ đạo.
Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc xoay quanh cuộc tranh luận rằng liệu cán cân quyền lực toàn cầu có đang chuyển đổi hay không. Với Trung Quốc, một ngôi sao đang lên, đồng nghĩa rằng đây sẽ là đầu máy tăng trưởng và thịnh vượng của nền kinh tế khu vực. Gắn kết vào nền kinh tế  có 1,34 tỉ dân này là xu thế tất yếu, để tận dụng nguồn tài nguyên, giá thành nhân công, thị trường nội địa khổng lồ và xung lực tăng trưởng dồi dào.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế - quân sự làm thay đổi tương đối cán cân quyền lực của các nước trong vùng Thái Bình Dương. Công bố về ngân sách quốc phòng từ Bắc Kinh trong năm 2011, theo phát ngôn viên chính phủ nước này, đã đạt 601 tỉ nhân dân tệ (91,5 tỉ USD), tăng 12,7%. Kế hoạch hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm đạt bước tiến tương đối trong vòng bảy năm trở lại đây: trong năm 2002, chỉ có bảy trong 69 chiếc tàu ngầm đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại, năm 2009 tỷ lệ này tăng lên 31 trên 65 chiếc, trong đó bao gồm 12 tàu ngầm hạng Kilo. 

Một xu hướng tương tự như thế cũng có thể quan sát từ kế hoạch phát triển kho vũ khí hạt nhân với việc thiết lập các loại tên lửa xuyên lục địa Dong Feng-31 và Dong Feng-31A với phạm vi tấn công khoảng từ 7.200km đến 11.200km. Song hành với chuyển động về năng lực quốc phòng, nước này đã có nhiều hành động xác quyết chủ quyền của mình tại vùng tranh chấp ở Biển Đông mà gần đây nhất qua hai vụ cắt cáp vụ tàu Bình Minh và tàu Viking trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Biển Đông: Thế  của nước yếu, thế của nước mạnh 

Với Mỹ, điểm mà các nhà  phân tích chiến lược đặt câu hỏi là sự trỗi dậy của Trung Quốc (i) sẽ làm thay đổi cấu trúc  "đồng minh" của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương như thế nào, và cũng không kém phần quan trọng (ii) là sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn chiến lược của các nước nhỏ hay các nước vẫn chưa định hình vị trí của mình trong bàn cờ khu vực. Trong bài toán biển Đông, trước những hành động mang tính thách thức từ phía Trung Quốc qua hành xử của tàu hải giám, phân chia vùng lãnh hải hay tự diễn dịch UNCLOS phục vụ tùy theo lợi ích, nước Mỹ dường như đứng trước ngã ba đường. Tín hiệu xuất phát gần đây từ Washington cho thấy Chính phủ Mỹ có nhiều tiếng nói khẳng định lợi ích và sự cam kết hiện diện lâu dài tại châu Á. 

Tại Diễn đàn An ninh khu vực châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La 2011) Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cá cược 100 USD đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hiện diện mạnh mẽ hơn trong vòng 5-10 năm tới. Hội nghị Diễn đàn ASEAN (ARF 18) ở Bali trước đấy một tuần, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã kêu gọi các bên giải quyết vấn đề bằng pháp lý và thông báo rằng, Mỹ sẽ đóng vai trò thúc đẩy quá trình này, khuyến cáo tất cả các quốc gia liên quan cần phân định chủ quyền theo Luật Biển quốc tế 1982. 

Mặt khác, Mỹ cũng đang đứng trước bài toán ngân sách và khó khăn tài chính, dẫn đến xu hướng đòi hỏi chính phủ xét lại các vấn đề quốc nội nên đặt làm ưu tiên hàng đầu. Cuộc tranh luận về nợ công giữa lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ chấm dứt nhưng chưa kết thúc, khiến cho bất kỳ cam kết hiện diện quân sự, hay giữa đảm nhiệm vai trò mạnh mẽ hơn tại trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông không chỉ là bài toán địa chiến lược, mà còn cần được phân tích dưới góc nhìn kinh tế. "Biển Đông hay là tôi" (hiểu như người dân đóng thuế Mỹ), quan điểm của một phân tích gia trên tạp chíForeign Policy tháng 6 năm ngoái có thể xem như đại diện một trường phái trong công luận Mỹ đặt dấu chấm hỏi về phí tổn nước Mỹ phải gánh chịu và nhu cầu đứng mũi chịu sào đảm bảo "ô dù an ninh chung" cho khu vực Thái Bình Dương.
Còn với các nước nhỏ trong khối ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, thái độ của nước mạnh Trung Quốc lúc mềm mỏng, lúc cứng rắn với từng quốc gia, diễn ra trong từng diễn đàn, từng tình huống từ Bắc Kinh tạo nên những tiên đoán khác nhau từ các nước liên quan. Hoặc như chính sách của Bắc Kinh trong hồ sơ sông Mekong thời gian vừa qua cũng gây lo ngại cho những nước ở hạ nguồn. Siêu cường Mỹ vẫn giữ vai trò số một, nhưng phần nào đang suy giảm, và không trực tiếp đụng độ lợi ích từ việc tranh chấp, vì vậy giữ nguyên hiện trạng là lựa chọn khả dĩ. Các nước nhỏ ASEAN tổn thương trực tiếp từ tiếp cận sức mạnh, vì thế cần luật hơn cần nắm đấm.
Trái banh bây giờ lăn về phía cường quốc đang lên Trung Quốc thông qua một giả định và hai câu hỏi. Giả định rằng nếu Bắc Kinh tự tin vào sức mạnh của mình sẽ vượt Nhật, vượt Mỹ, thì một trật tự mới (giống như những gì xảy ra trong lịch sử) cần được phải sắp xếp lại. Trung Quốc sẽ đi con đường nào, lựa chọn sức mạnh thủy lôi, tàu chiến, xe tăng để xây mộng bá quyền hay lựa chọn thể chế chấp nhận tự giới hạn mình vào luật, chuẩn tắc giữ vai trò "vương quyền" lãnh đạo dẫn dắt? Và ở cái thế dự đoán giữa những kịch bản khó tiên đoán trước, quan hệ Việt - Mỹ cần dựa vào điểm tựa nào để hoạch định tương lai? 

Nguyễn Chính Tâm (VietNamNet)

0 comments:

Đăng nhận xét