Trang

Diệp Kính Thiên: Nguyễn Tấn Dũng có thắng không?

Khả năng được đề cử chức Tổng bí thư khóa 12 cho Nguyễn Tấn Dũng có thể chắc chắn. Đây mới chỉ là hiệp một. Sang hiệp hai – bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa 12 – mới là chủ yếu.

Anh Ba Thanh: Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư nửa nhiệm kỳ đầu khóa XII ?

Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hé lộ một chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo đó là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Biển Đông. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Biển Đông. Hiển thị tất cả bài đăng

18.7.14

Trọng Nghĩa - Biển Đông: Giàn khoan Trung Quốc và đấu tranh chính trị nội bộ Việt Nam

Sau vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan vào hoạt động ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hà Nội đã lên tiếng dọa kiện Bắc Kinh ra trước tòa án quốc tế nhưng vẫn chưa hành động. Trong bài phân tích công bố ngày 16/07/2014, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc giải thích thái độ rụt rè của Việt Nam bằng giả thuyết: Sự cản trở của phe thân Trung Quốc trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam được ông mệnh danh là «accommodationist».
Giàn khoan Hải Dương HD-981 (DR)
Bài viết « Biển Đông: Giàn khoan Trung Quốc và đấu tranh chính trị nội bộ tại Hà Nội - South China Sea: China’s Oil Rig and Political In-fighting in Hanoi » bao gồm một số câu trả lời phỏng vấn báo chí. Được sự đồng ý của Giáo sư Thayer, RFI xin giới thiệu nguyên văn phần hỏi-đáp.

HỎI: Đấu đá nội bộ giữa hai phe thân Trung Quốc và thân Mỹ trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đã ngăn cản không cho Việt Nam có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc ngay cả trước vụ giàn khoan HY-981. Giáo sư có thể xác nhận điều này hay không, và dựa trên yếu tố nào để chứng minh?

ĐÁP: Việt Nam đã cân nhắc hành động pháp lý chống lại Trung Quốc từ sáu năm nay, theo các nguồn tin từ Hà Nội. Khi xẩy ra cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981, Việt Nam đã xem xét hai phương pháp tiếp cận riêng biệt, một liên quan đến chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và một liên quan đến quần đảo Trường Sa.

Sự kiện Việt Nam vẫn chưa khởi động vụ kiện chống Trung Quốc, và cũng không hỗ trợ vụ kiện của Philippines, là bằng chứng cho thấy phương án pháp lý không đảm bảo được một đa số trong Bộ Chính trị.

Điều cũng đáng ghi nhận là Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã công khai tuyên bố mạnh mẽ về các hành động pháp lý. Theo ông, hành động pháp lý sẽ phụ thuộc vào thời gian. Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nói tại Đối thoại Shangri-La rằng lựa chọn pháp lý là một phương sách cuối cùng.

Có tin cho rằng Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì trong chuyến thăm gần đây, đã cảnh cáo Việt Nam về việc tìm kiếm hành động pháp lý.

HỎI: Trung Quốc hiện đã di chuyển giàn khoan trước thời hạn giữa tháng Tám như từng nói lúc ban đầu. Như vậy có thể nói rằng phe thân Trung Quốc đã giành được thế thượng phong hay không? Nếu đúng thì tại sao? Nếu không, thì tại sao không?

ĐÁP: Việc Trung Quốc rút giàn khoan dầu sẽ làm cho căng thẳng giảm ngay lập tức. Trung Quốc cũng sẽ rút hạm đội hơn một trăm chiếc tàu và chiến hạm. Điều này sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam rút lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư ra khỏi khu vực. Do đó, sẽ có cơ sở cho các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Việt Nam để thảo luận về cách đưa quan hệ hai nước trở lại hướng cũ.

Phe gọi là ủng hộ Trung Quốc, hoặc là thỏa hiệp (accommodationist), sẽ chống lại bất kỳ hành động nào có thể sẽ làm xấu thêm quan hệ với Trung Quốc. Điều này có nghĩa là phương án pháp lý và việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ không có khả năng xẩy ra trong tương lai gần. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nguy cơ bị gạt qua một bên.

Một cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự kiến sẽ cân nhắc lợi hại của hành động pháp lý chống Trung Quốc. Cuộc họp đó sẽ chuyển khuyến nghị lên Bộ Chính trị.

HỎI: Theo quan điểm của phe thân Trung Quốc, hậu quả của việc xích lại quá gần với Hoa Kỳ sẽ như thế nào? Cũng như thế, theo quan điểm của phe thân Mỹ, việc tiếp tục thỏa hiệp với Trung Quốc sẽ có hại ra sao về chính trị và kinh tế?

ĐÁP: Xích lại quá gần với Hoa Kỳ sẽ dẫn đến áp lực tiêu cực, thậm chí biện pháp trừng phạt từ phía Trung Quốc. Xích lại quá gần với Hoa Kỳ sẽ kéo theo một số đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu của Mỹ, đòi Việt Nam chứng tỏ tiến bộ về nhân quyền và áp lực của Mỹ đòi quyền tiếp cận Việt Nam rộng rãi hơn về quân sự, chẳng hạn như Vịnh Cam Ranh, gia tăng các chuyến Hải quân ghé cảng và các cuộc tập trận chung.

Phe gọi là thân Mỹ sẽ cảm thấy rằng việc thỏa hiệp với Trung Quốc sẽ hạn chế quyền tự do hành động của Việt Nam và đưa Việt Nam vào thế phục tùng và lệ thuộc Trung Quốc. Sự phụ thuộc ý thức hệ sẽ làm giảm triển vọng cải cách kinh tế ở Việt Nam.

HỎI : Việc Trung Quốc rút giàn khoan ảnh hưởng ra sao đến đấu đá nội bộ giữa hai phe tại Việt Nam? Trường đấu có thể kết thúc thế nào?

ĐÁP: Sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan sẽ dẫn đến việc giảm căng thẳng và làm tăng khả năng các cuộc đàm phán song phương cấp cao Việt-Trung. Điều đó sẽ có lợi cho những người muốn thỏa hiệp với Trung Quốc. Đấu đá trong nội bộ Đảng có khả năng tăng cường độ trên những bất đồng về lợi ích ngắn hạn so với lợi ích lâu dài.

HỎI : Đấu tranh giữa phe ủng hộ Trung Quốc với phe thân Mỹ sẽ nhào nặn cách Việt Nam xử lý các cuộc xung đột trong tương lai với Trung Quốc như thế nào?

ĐÁP: Nếu lãnh đạo Việt Nam tiếp tục chia rẽ giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ, điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ không thể đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Việt Nam sẽ thận trọng tiến hành việc này và một cách thất thường.

Còn về cuộc xung đột trong tương lai với Trung Quốc, nhóm thỏa hiệp sẽ tự kiểm duyệt chính mình. Họ sẽ phủ quyết bất kỳ chính sách nào có khả năng khơi dậy sự giận dữ của Trung Quốc. Họ sẽ liên kết với Trung Quốc, tức là tránh chỉ trích Trung Quốc với hy vọng rằng Việt Nam sẽ được thưởng công về kinh tế cho hành vi tốt của mình.

Vấn đề là việc chia sẻ cùng một ý thức hệ xã hội chủ nghĩa sẽ trói tay Việt Nam và hạn chế khả năng hoạt động vì lợi ích dân tộc. Tóm lại, cuộc đấu đá tiếp tục giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ sẽ làm suy yếu khả năng của Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích dân tộc của mình và chống lại áp lực từ Trung Quốc.

HỎI: Liệu việc Trung Quốc rút giàn khoan có liên quan đến việc Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết chỉ trích Trung Quốc vào tuần trước, và cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình cách đây vài ngày?

ĐÁP: Việc Trung Quốc rút giàn khoan không liên quan trực tiếp đến nghị quyết của Thượng viện Mỹ và các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình vì các quyết định loại này không thể được thực hiện dưới sự thúc ép của tình hình.

Trung Quốc có thể là đã quyết định dời giàn khoan, vì dữ liệu thương mại đầy đủ đã được thu thập và họ không có gì để mất khi kết thúc sớm hoạt động thăm dò dầu khí. Chắc chắn là bão Rammasun sắp đến cũng tác động đến quyết định rút sớm.

Cuối cùng, Trung Quốc cũng chú tâm đến chính sách chiến lược. Họ muốn tác động đến một cuộc họp quan trọng sắp tới của Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà mục tiêu là quyết định nên hay không nên có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc và, rất có thể là tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ.

Trọng Nghĩa

Theo Đài RFI

10.7.12

Asean ‘thống nhất Quy tắc Biển Đông’

Thủ tướng Hun Sen kêu gọi sớm có bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông

Campuchia nói 10 nước Đông Nam Á đã đồng ‎ý với nhau về một bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông nhưng còn chờ phản ứng của Trung Quốc.

Thỏa thuận được nói là đạt được tại cuộc họp của các ngoại trưởng Asean, những người đã tập trung bàn về những căng thẳng gần đây trên biển.

Trong diễn văn khai mạc tại cuộc họp Asean, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thúc giục các nước trong vùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hợp tác an ninh.

Ông cũng kêu gọi sớm thi hành một bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo cuối ngày thứ Hai, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kim Hourn nói Asean “đã đồng ‎ý với nhau, và nay chúng tôi sẽ phải bắt đầu thảo luận với Trung Quốc”.

Người ta chưa được biết chi tiết của văn bản.

Tuy vậy, cuộc họp của các ngoại trưởng Asean đã không thể đưa ra tuyên bố chung vì bất đồng về ngôn từ.

Philippines muốn tổ chức này đưa tình hình ở Bãi cạn Scarborough vào tuyên bố chung. Nhưng đề nghị bị một số nước trong Asean bác bỏ với lý do tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines còn chưa giải quyết.

Ngoại trưởng Kao Kim Hourn cũng cho biết tạm hoãn việc ký ba văn bản về một Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, mà lẽ ra được công bố trong tuần này.

Tâm điểm Biển Đông

Giới quan sát cho rằng căng thẳng biển đảo sẽ lại nóng trong các cuộc gặp trong tuần, đặc biệt khi Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc có mặt ở Diễn đàn Khu vực Asean (ARF) bàn về an ninh.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm cuối tuần đã đi thăm Afghanistan, Nhật Bản và đã đến Mông Cổ hôm thứ Hai.

Bà Clinton sẽ thăm Việt Nam, Lào và Campuchia, đánh dấu một tuần ngoại giao ở châu Á.

Phát biểu ở thủ đô Ulan Bator, bà nói chuyến công du châu Á “phản ánh ưu tiên chiến lược của chính sách đối ngoại của Mỹ”.

“Sau 10 năm tập trung chú ý vào xung đột ở Afghanistan và Iraq, Hoa Kỳ đang tăng cường đầu tư – ngoại giao, kinh tế, chiến lược – vào khu vực này,” bà nói.

Cũng hôm thứ Hai, Trung Quốc nói sẵn sàng thảo luận vấn đề biển đảo với Asean “khi điều kiện chín muồi”, nhưng khẳng định mọi thỏa thuận không phải để giải quyết chủ quyền.

Người phát ngôn Lưu Vi Dân nói bộ quy tắc ứng xử “không nhằm giải quyết tranh chấp, mà nhằm xây dựng niềm tin và đẩy mạnh hợp tác”.

Theo một số phân tích gia, lập trường này nhất quán với mong muốn lâu nay của Bắc Kinh là giải quyết tranh chấp theo cách song phương.

Tổng thư k‎ý Asean, Surin Pitsuwan, nói với các phóng viên rằng Asean muốn chứng tỏ tổ chức này có thể tạo ra tiến bộ trong tranh chấp biển đảo.

“Chúng tôi sẽ có thảo luận hiệu quả, chừng mực về vấn đề này với mọi bên,” ông nói.

Clinton ở Việt Nam

Trong buổi gặp báo chí hôm thứ Hai trên đường sang Mông Cổ, Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ khi đến Hà Nội, bà Hillary Clinton sẽ thảo luận về "những diễn biến gần đây trong vùng, như ở Biển Nam Trung Hoa".

Ngoại trưởng Mỹ Clinton thăm Mông Cổ hôm thứ Hai

"Chúng tôi sẽ nói về quan hệ song phương, những lĩnh vực có thể giúp củng cố quan hệ chính trị và kinh tế."

"Bộ trưởng sẽ gặp các doanh nghiệp cao cấp người Mỹ, đang ở Việt Nam để thúc đẩy quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam," phía Mỹ cho biết.

Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm một trong những lý do bà Clinton đi Việt Nam là "để lắng nghe, từ cấp cao" lập trường của Việt Nam tại Diễn đàn Khu vực Asean diễn ra trong tuần.

Sau chuyến đi Việt Nam, bà Clinton sẽ đến Lào - chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ sau 57 năm.

Điểm nhấn cuối là sự có mặt của bà tại Campuchia để dự các cuộc họp với Trung Quốc và Asean.
BBC

29.6.12

La Viện hô hào Trung Quốc thành lập đơn vị cấp sư đoàn ở Trường Sa, Hoàng Sa

Nhằm cản trở hoạt động tuần tra định kỳ đối với quần đảo Trường Sa của không quân Việt Nam, La Viện kêu gọi giới chức Trung Quốc thành lập khu vực “phân biệt không phận”, “không phận cảnh giới” và “khu vực phòng không” đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam

Cùng với những leo thang của Bắc Kinh trên thực địa cũng như những bóp méo, nhào nặn trong các tuyên bố ngoại giao về vấn đề biển Đông của giới chức Trung Quốc, một số học giả Trung Quốc theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan hiếu chiến lại tiếp tục luận điệu xuyên tạc và dọa nạt các bên.

La Viện là một trong số các viên tướng học giả theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trung Quốc thường xuyên viết bài mang tính chất bóp méo sự thật, tuyên truyền sai lệch về biển Đông
La Viện, thiếu tướng, một “chuyên gia” thường xuất hiện trên các diễn đàn bình luận về biển Đông tự nhận mình là một “học giả diều hâu tỉnh táo” của Trung Quốc vừa kêu gọi nước này thành lập 1 đơn vị quân sự tương đương cấp sư đoàn trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

La Viện vu khống Việt Nam "gây hấn”

Bắt đầu từ ngày 21/6, chính phủ Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trực thuộc tỉnh Hải Nam quản lý (phi lý, phi pháp và vô hiệu) đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, một động thái leo thang bất chấp mọi quy định của luật pháp quốc tế và công luận.

Khúc Tinh, Viện trưởng viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc nhận định, động thái thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc là nhằm phản ứng với việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển - một kiểu phản ứng hết sức phi lý, phi pháp bất chấp mọi thông lệ và luật pháp quốc tế - PV.

Khúc Tinh: Trung Quốc thành lập (cái gọi là) thành phố Tam Sa nhằm có cớ rót tiền đầu tư (trái phép, vô hiệu) cho việc xây dựng (trộm) cơ sở vật chất tại một số đảo, đá ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam)
Tuy nhiên, cũng theo Khúc Tinh, việc nâng cấp quản lý từ Văn phòng lên thành phố chẳng qua chỉ là cái cớ để Bắc Kinh rót tiền của nhiều hơn cho các hoạt động (trái phép, vi phạm chủ quyền Việt Nam) của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) mà thôi.

Cái gọi là “gây hấn” mà La Viện hoặc không hiểu tí gì về ý nghĩa của từ này, hoặc hiểu và cố tình chụp mũ cho Việt Nam khi ông ta cố tình xuyên tạc 2 sự kiện vốn dĩ là công việc nội bộ của Việt Nam, hoàn toàn không liên quan, không dây dưa gì đến Trung Quốc: "Không quân Việt Nam thị sát quần đảo Trường Sa và Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển thành "hành động gây hấn"- La Viện nói.

La Viện khuyến cáo giới chức Trung Quốc, ngoài việc gây sức ép về mặt ngoại giao đối với Việt Nam, đồng thời Bắc Kinh cũng cần có sự chuẩn bị về mặt quân sự.

Theo đó, viên thiếu tướng này đề xuất các chiến đấu cơ, chiến hạm Trung Quốc phải thực hiện cái gọi là hoạt động tuần tra cảnh giới không định kỳ trên biển Đông nhằm ứng phó với hoạt động của quân đội Việt Nam – tuần tra vùng biển và quần đảo chủ quyền hoàn toàn chính đáng, hợp pháp và hợp lý của mình – PV.

Thành lập một đơn vị cấp sư đoàn (phi lý, phi pháp, vô hiệu) thuộc cái gọi là “Tam Sa”

La Viện cho rằng cần thiết phải thành lập một đơn vị quân sự cấp sư đoàn trực thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa và coi đó như một tiêu chí quan trọng của nền quốc phòng Trung Quốc.

Nhằm cản trở hoạt động tuần tra định kỳ đối với quần đảo Trường Sa của quân đội Việt Nam, La Viện kêu gọi giới chức Trung Quốc thành lập khu vực “phân biệt không phận”, “không phận cảnh giới” và “khu vực phòng không” đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh cứ khăng khăng nhận vơ là của mình.

Viên thiếu tướng này còn đưa ra ý tưởng yêu cầu giới chức Trung Quốc phải vạch rõ các đường hàng hải quốc tế chạy qua biển Đông để tàu thuyền nước ngoài có thể đi lại dễ dàng theo Công ước biển Liên Hợp Quốc, một động thái dễ hiểu rằng Bắc Kinh muốn tránh mặt Mỹ trên biển Đông.
Mỹ là đối tượng số 1 khiến Trung Quốc phải e dè và cân nhắc trước khi leo thang trên biển Đông, nhưng dường như có những lúc lòng tham của Bắc Kinh lớn hơn cả sự sợ hãi
Ngoài ra La Viện đề xuất thêm quân đội Trung Quốc cần tăng cương củng cố và đầu tư thêm cho sân bay quân sự, căn cứ hải quân mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Cùng với những gì Trung Quốc đang nói và làm một cách phi pháp, hung hăng, táo tợn trên biển Đông, những bình luận mang tính chất bịa đặt, bóp méo sự thật và quy chụp cho các nước khác của La Viện và một số học giả Trung Quốc là điều hết sức đáng lên án, vạch trần trước công luận.

Dư luận quốc tế, khu vực cần đẩy mạnh hoạt động đấu tranh truyền thông nhằm vạch trần những âm mưu của nhóm học giả như La Viện phục vụ cho ý đồ bành trướng, độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh bởi nếu không Trung Quốc, truyền thông và học giả nước này sẽ càng được đà lấn tới, dư luận sẽ rất dễ bị tiêm nhiễm và hiểu nhầm. 

************
Trả lời trên báo Tuổi Trẻ, TS Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ cho biết:

Chúng ta đều rất bức xúc và bất bình trước hành động gọi thầu đến chín lô dầu khí, nằm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

TS Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ
Phải nhìn nhận lại cách đi của Trung Quốc trong chiến lược xâm chiếm biển Đông mà họ đã bắt đầu từ khá lâu. Họ đã tiến hành một cách đồng bộ, trên mọi phương diện. Ví dụ ở phương diện quân sự, họ dùng lực lượng vũ trang để đánh chiếm các đảo của chúng ta vào các năm 1956, 1974, 1988, 1995 và gần đây đưa tàu quân sự và bán vũ trang vào bãi cạn Scarborough.

Song song là mặt trận pháp lý, họ tính toán các bước như các tuyên bố của Chính phủ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và dần dần đưa các luật lệ, ví dụ ra tuyên bố về lãnh hải, đưa luật về đường cơ sở, luật về vùng đặc quyền kinh tế... nhằm hợp pháp hóa các hành vi của họ. 

Thứ ba, họ dùng tuyên truyền dư luận, đưa ra các bản đồ, từ bản đồ không chính thức như đường lưỡi bò do một công dân Đài Loan vẽ năm 1946 để dần sử dụng chính thức. Ngoài ra, Trung Quốc còn tiến hành rất nhiều hoạt động địa chất, khoa học để giành chủ quyền các đảo và quần đảo.

Bên cạnh đó, tại các hội nghị ngoại giao, họ luôn nói Trung Quốc thiện chí và kêu gọi các bên không có hành động gây phức tạp nhưng trên thực tế họ làm ngược lại.

* Trong bối cảnh đó, ông bình luận như thế nào về việc Trung Quốc mời thầu chín lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?

- Đây là một bước đi cực kỳ nguy hiểm, đáng quan tâm, không thể chỉ cho đây là “đòn gió” mà thực chất là bước đi cụ thể, nguy hiểm của Trung Quốc. Rõ ràng việc này đúng bài bản của họ. 

Trên vùng biển Đông, các đảo có vai trò quan trọng về chiến lược, vị trí... nhưng chính phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế mới đem lại lợi ích và thu nhập cho các quốc gia. Bây giờ họ muốn lôi kéo các công ty nước ngoài nhảy vào đây khai thác. 

Trong khi chủ trương của họ là có tranh chấp mà chưa giải quyết được thì cùng nhau khai thác, tức là không được khai thác đơn phương hoặc khai thác với bên thứ ba nào. Việc gắn hành động này với việc chúng ta ra Luật biển chỉ là cớ, vì chúng ta xây dựng và cho ra đời Luật biển là thủ tục pháp lý bình thường với một quốc gia có biển như chúng ta. 

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) đã quy định các quốc gia có biển phải nội luật hóa luật biển.

* Vậy nội dung của Luật biển Việt Nam hoàn toàn phù hợp với UNCLOS?

Bản đồ vị trí Trung Quốc mời thầu khai thác dầu khí trên vùng biển VN - Đồ họa: N.Khanh
- Tôi tham gia xây dựng Luật biển từ những ngày đầu và có thể khẳng định nội dung và quy định của Luật biển Việt Nam hoàn toàn phù hợp với công ước đó. Tất nhiên, tham gia UNCLOS là chúng ta chấp hành đầy đủ, nhưng công ước mang tính chất định hướng, nguyên tắc để các quốc gia thành viên áp dụng với tình hình của mình, và các quốc gia phải nội luật hóa cho phù hợp với điều kiện của mỗi nước là điều bình thường và các quốc gia đều phải làm như vậy.

Bên cạnh việc phù hợp hoàn toàn với UNCLOS, Luật biển của chúng ta còn là sự tổng hợp của các văn bản mà chúng ta đã ban hành từ nhiều thập kỷ trước về đường cơ sở, nghị định cho các tàu thuyền qua lại, đánh bắt hải sản... Mục đích của Trung Quốc là biến vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp. Đây là bước đi nguy hiểm mà họ sẽ thực hiện cho đến cùng nếu chúng ta không có những tiếng nói mạnh mẽ.

* Theo kinh nghiệm và quan sát của ông, đã từng có tiền lệ một quốc gia đem dự án nằm trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước khác ra để mời thầu chưa?

- Tôi chưa thấy bao giờ. Thậm chí cả với vùng chồng lấn mà chưa phân định thì tôi cũng chưa thấy ai thực hiện điều ngang ngược như vậy. Với các công ty dầu khí có uy tín, khi hoạt động trên biển, họ nghiên cứu rất kỹ luật quốc tế và luật các nước liên quan nên họ cũng hiểu vùng nào thuộc ai và hiểu tình trạng tranh chấp. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ online


Theo báo Giáo Dục Việt Nam"

24.6.12

Lý do Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông

Trong thời gian gần đây, mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc ngày càng rõ nét, thông qua vụ tranh chấp bãi cạn Scarbourough với Philippines, dùng tàu “áp tải” tàu chiến Ấn Độ ở Biển Đông và mới đây nhất là vụ Bắc Kinh phản đối Luật Biển Việt Nam mà Quốc hội vừa thông qua.


Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề, Đất Việt xin giới thiệu với độc giả bài viết “Why China Wants South China Sea” (Vì sao Trung Quốc muốn có Biển Đông) của nhà nghiên cứu Tetsuo Kotani, Viện Okazaki, Nhật Bản, đăng trên mạng The Diplomat ngày 18/6/2011. Tuy được viết cách đây tròn một năm, nhưng những vấn đề mà tác giả nêu ra vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi.

Trong bài viết nói trên, nhà nghiên cứu Tetsuo Kotani cho rằng Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông không chỉ vì nguồn tài nguyên năng lượng và thủy sản, mà còn vì vùng biển này nằm trong chiến lược tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.
Một căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc. Ảnh worldefensenews.com 
Trong nỗ lực nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này đối với châu Á, nhà phân tích địa chiến lược Nicholas Spykman đã từng mô tả Biển Đông là “Địa Trung Hải của châu Á”. Và cũng giống như Đế quốc La Mã từng kiểm soát Địa Trung Hải và Mỹ kiểm soát vùng biển  Caribe, Trung Quốc hiện đang tìm cách thống trị Biển Đông.

Rõ ràng, những tuyên bố chủ quyền và sự quyết đoán gần đây của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Mặc dù phần lớn sự chú ý tập trung vào sự thèm khát các nguồn tài nguyên thủy sản và năng lượng của Bắc Kinh, vùng biển “nửa kín, nửa hở” này là một phần không thể tách rời trong chiến lược tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Và nếu không hiểu rõ tầm cỡ của yếu tố tàu ngầm hạt nhân trong các tranh chấp ở Biển Đông, người ta không thể thấu hiểu sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.

Sở hữu khả năng răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy là một ưu tiên trong chiến lược quân sự của Trung Quốc. Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 092 (lớp Hạ) được trang bị tên lửa đạn đạo tầm ngắn phóng từ tàu ngầm JL-1 (SLBM) của Trung Quốc chưa từng tiến hành hoạt động tuần tra răn đe trên biển Bột Hải kể từ khi  được đưa vào hoạt động hồi những năm 1980. 

Tuy nhiên, Trung Quốc sắp có khả năng tấn công thứ hai đáng tin cậy khi nước này đưa vào sử dụng các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ hai JL-2 có tầm bắn ước tính 8.000km, cùng với các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cơ động (ICBM) DF-31 và DF-31A. Bên cạnh đó, Trung Quốc có kế hoạch đưa vào hoạt động tới 5 chiếc tàu ngầm Type 094 (lớp Tấn) được trang bị các tên lửa JL-2 và đang xây dựng căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam. 

Rõ ràng, Trung Quốc đang tiến hành mọi nỗ lực để kiểm soát Biển Đông như Liên Xô trước đây đã từng làm ở biển Okhotsk trong thời Chiến tranh Lạnh. Trước đó, Liên Xô đã từng sử dụng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và được trang bị tên lửa đạn đạo (SSBN) nhằm chống lại khả năng triển khai các tên lửa đạn đạo ICBM của Mỹ ở trên mặt đất. Cùng với biển Barents, Moskva ưu tiên biến biển Okhotsk thành nơi trú ẩn an toàn cho các SSBN bằng cách cải thiện phòng thủ cho quần đảo Kuril và tăng cường Hạm đội Thái Bình Dương đóng ở Vladivostok. Hạm đội Thái Bình Dương triển khai 100 tàu ngầm - cùng với 140 tàu chiến, trong đó có một tàu sân bay lớp Kiev - để bảo vệ lực lượng này ở biển Okhotsk. 
Hạm đội tàu ngầm Type 094 của Trung Quốc. Ảnh militaryphotos.net
Cũng giống như vậy, Trung Quốc cần bảo vệ các lực lượng ở Biển Đông, thay đổi chiến lược và học thuyết biển một cách phù hợp. Hiện nay, các chức năng chiến tranh chủ chốt của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) gồm: 1) bảo đảm các con đường tiếp cận trên biển tới Đài Loan; 2) tiến hành các chiến dịch ở phía Tây Thái Bình Dương để không cho các lực lượng thù địch tự do hành động; 3) bảo vệ các tuyến giao thông đường biển của Trung Quốc và 4) chặn các tuyến giao thông đường biển của kẻ thù. 

Với việc đưa vào sử dụng tàu ngầm Type 094, việc bảo vệ các SSBN của Trung Quốc sẽ trở thành một chức năng quan trọng khác của Hải quân Trung Quốc và chức năng này sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải tiêu diệt các lực lượng chống tàu ngầm chiến lược thù địch và kết liễu sự kháng cự của các nước cũng tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông. Khả năng chống và ngăn cản xâm nhập của Trung Quốc, nhất là đối với các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân ít gây tiếng động, có thể được sử dụng để chống lại các chiến dịch tấn công chống tàu ngầm của kẻ thù.

Các tàu sân bay của Trung Quốc, khi được đưa vào hoạt động, sẽ được triển khai ở Biển Đông để buộc các nước láng giềng cùng tuyên bố chủ quyền phải câm lặng. 

Chiến lược này đã từng áp dụng gần hai thập kỷ trước tại thời điểm Trung Quốc bắt đầu bao vây Biển Đông để lấp đi khoảng trống quyền lực do việc Mỹ rút lực lượng quân sự ra khỏi Philippines năm 1991. Trung Quốc tái khẳng định các tuyên bố chủ quyền “mang tính lịch sử” đối với tất cả các đảo nhỏ, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và gần 80% trong tổng số 3,5 triệu km2 vùng biển chạy dọc theo đường 9 đoạn hình chữ U mặc dù không có cơ sở pháp lý quốc tế nào. 
Đường "lưỡi bò" thâu tóm Biển Đông. Ảnh BBC News
Các hòn đảo nhỏ này có thể sử dụng làm các căn cứ không quân và hải quân cho các hoạt động tình báo, theo dõi và do thám, và là các căn cứ để tuyên bố chủ quyền đối với các phần sâu hơn trên Biển Đông để xây dựng căn cứ cho các tàu ngầm được trang bị các tên lửa đạn đạo và các tàu khác. Trung Quốc diễn giải Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) một cách độc đoán và không chấp nhận các hoạt động quân sự của các tàu và máy bay nước ngoài trên lãnh hải của nước này. 

Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm thống trị Biển Đông của Trung Quốc đang gặp phải nhiều thách thức lớn. Sự quyết đoán của Trung Quốc không chỉ thổi bùng sự thù hận của các nước cũng tuyên bố chủ quyền khác mà còn làm gia tăng quan ngại của các nước cũng đi lại trên biển khác như Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Trên hết, không giống như biển Okhotsk, Biển Đông được coi là tuyến hàng hải được quốc tế được thừa nhận. 

Bên cạnh đó, do các tên lửa JL-2 không thể từ Biển Đông vươn tới Los Angeles, các tàu ngầm Type 094 cần phải đi vào biển Philippines, nơi Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản đang tăng cường tiến hành các chiến dịch chống tàu ngầm. 

Để làm yên lòng các nước láng giềng cũng tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc đối thoại và tham vấn với các nước này kể từ những năm 1990. Kết quả là sự ra đời của Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, trong đó kêu gọi giải quyết các vấn đề một cách hòa bình thông qua đối thoại. Tuy nhiên, Trung Quốc không sẵn sàng ký kết một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc. 

Để đối phó với sự quyết đoán gần đây của Trung Quốc, Việt Nam và Philippines  đã tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở các vùng biển tranh chấp và tăng cường quan hệ với Mỹ. Sự hiện diện của Mỹ được cả hai nước coi là phương pháp răn đe rõ ràng nhất. 

Về phần mình, Mỹ đã phản đối hành động quyết đoán của Trung Quốc tại nhiều diễn đàn khu vực bằng cách nhấn mạnh sự quan tâm của nước này đối với quyền tự do hàng hải. Mỹ đã thông báo triển khai nhiều tàu chiến ven biển ở Singapore, với hy vọng sự hiện diện của chúng sẽ làm tăng tác dụng răn đe đối với sự quyết đoán của Trung Quốc. 

Mặt khác, do các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc đã dẫn tới các sự cố như đã từng xảy ra năm 2001 với máy bay do thám EP-3 và năm 2009 với tàu Impeccable, Mỹ tìm kiếm thỏa thuận về biển với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không quan tâm tới bất cứ những gì tương tự vì một thỏa thuận như vậy sẽ bào chữa cho sự hiện diện liên tục của Mỹ ở Biển Đông. 

Ấn Độ là một nước nữa có vai trò quan trọng ở Biển Đông. New Delhi sẽ sớm đưa vào sử dụng tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo đầu tiên Arihant và có kế hoạch đóng thêm hai tàu tương tự khác, được trang bị tên lửa đạn đạo tầm xa K-4. Tuy nhiên, cho đến khi thành công trong việc phát triển SLBM tầm xa, các tàu ngầm của Ấn Độ cần phải hoạt động trên Biển Đông để chĩa mũi nhọn vào Bắc Kinh. 

Australia cũng quan ngại về tình trạng căng thẳng cao độ ở khu vực. Sự ổn định ở Đông Nam Á được các nhà hoạch định chính sách Australia coi là đặc biệt quan trọng vì một quốc gia thù địch có thể phô trương quyền lực hay đe dọa các tuyến thương mại đường biển và tuyến đường cung cấp năng lượng cho Australia. Kết quả, Australia sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở các bang phía Bắc nước này, đồng thời cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của nước này. 

Trong khi đó, Tokyo cũng có những lợi ích chiến lược ở Biển Đông, một tuyến đường biển cực kỳ quan trọng,  bởi vì khoảng 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua tuyến đường này. Tương quan lực lượng ở Biển Đông có ảnh hưởng lớn đối với an ninh trên các vùng biển xung quanh Nhật Bản, trong đó có biển Hoa Đông và biển Philippines. Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc thành công trong việc đạt được khả năng tấn công thứ 2 trên biển bằng cách thống trị Biển Đông, điều đó sẽ hủy hoại sự tin cậy vào khả năng răn đe của Mỹ. 

Nhật Bản đã công bố Những nguyên tắc chỉ đạo chương trình quốc phòng mới hồi tháng 12/2010, trong đó kêu gọi tăng cường các hoạt động tình báo, giám sát và do thám dọc theo chuỗi đảo Ryukyu và tăng cường lực lượng tàu ngầm. Trong cuộc gặp 2+2 (giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao) của Nhật Bản và Mỹ ở Washington, hai bên đã đưa việc duy trì an ninh đường biển và tăng cường quan hệ với ASEAN, Australia và Ấn Độ vào các mục tiêu chiến lược chung. 

Tất cả điều này có nghĩa là Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” ở Biển Đông. Càng tìm cách thống trị tuyến đường biển quốc tế huyết mạch này, Trung Quốc càng vấp phải nhiều sự thù địch. Để tránh làm tình hình trở nên tồi tệ thêm, Trung Quốc cần phải thay đổi các tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn sao cho phù hợp với UNCLOS (và Mỹ cũng cần nhanh chóng gia nhập UNCLOS). Chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục cách hành xử quyết đoán, các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản để thiết lập một hệ thống chiến tranh chống tàu ngầm trong khu vực. 

Tuy nhiên, các quốc gia khác trong khu vực cũng cần tìm kiếm hợp tác. Trong chừng mực có thể, các nước này cần theo đuổi việc hợp tác khai thác các vùng biển tranh chấp và nguy cơ cướp biển ngày càng gia tăng ở Biển Đông cho thấy một lĩnh vực nữa để các quốc gia có thể phối hợp với nhau. Trong khi đó, các nước trong khu vực cần tiếp tục đối thoại với Trung Quốc về an ninh trên biển tại các diễn đàn như Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á. 

Tuy không mấy dễ dàng, nhưng việc xây dựng được một bộ quy tắc ứng xử sẽ là cơ hội tốt nhất để tránh xảy ra  xung đột vũ trang. 

Minh Bích (tổng hợp)
http://baodatviet.vn/Home/thegioi/Ly-do-Trung-Quoc-muon-doc-chiem-Bien-Dong/20126/218657.datviet

18.6.12

Hội thảo về Biển Đông tại Đại học Havard

Gia Minh, biên tập viên RFA


Vào sáng ngày 16 tháng 6 vừa qua, tại Đại học Havard ở Hoa Kỳ diễn ra một cuộc hội thảo về Biển Đông. Sinh họat này có những điểm gì đáng chú ý?
Các diễn giả tại Hội thảo về Biển Đông
 tại Đại học Havard, Hoa Kỳ sáng 16/6/2012.

Do sinh viên Việt tổ chức

Hội thảo do Hội Thanh niên Sinh Viên Việt Nam vùng Boston mở rộng tổ chức. Sinh họat này được truyền hình trực tiếp trên kênh youtube của hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam vùng Boston.
Ba diễn giả của hội thảo là nhà nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Nhã, tiến sĩ Tạ Văn Tài- giảng viên luật Việt Nam tại trường Lụật thuộc đại học Havard, ông Thomas Vallely - giám đốc chương trình Việt Nam của đại học Havard.

Thành phần tham dự ngay tại hội trường chỉ khoảng 50 người; tuy nhiên nhiều người quan tâm khác có thể theo dõi cuộc hội thảo qua kênh youtube của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng. Có người tham dự  mặc chiếc áo No- U đuợc sản xuất từ Việt Nam nhằm gây quỹ ủng hộ cho ngư dân đi đánh bắt tại Biển Đông và phản đối đường lưỡi bò do Trung Quốc áp đặt lên vùng biển đó. Tiến sĩ Tạ Văn Tài nói về điều này:

"Có một sinh viên mặc chiếc áo Đuờng lưỡi bò bị gạch chéo và nói từng đi biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam bị bắt; nay qua đây du học."

Ts Tại Văn Tài cũng nhắc lại mục tiêu tổ chức cuộc hội thảo mà một nguời chia sẻ với ông:

"Một trong những người chủ chốt là sinh viên du học có nói với tôi là chúng em muốn tìm hiểu sự thật lịch sử qua đồng bào hải ngoại, để  không có bị những suy nghĩ sai lạc do những tuyên truyền và định về tương lai cho đúng hơn."

Theo tiến sĩ Nguyễn Nhã, ông từng tham gia nhiều cuộc hội thảo Biển Đông và cuộc hội thảo tại trường Đại học Havard vừa qua để lại nơi ông những ấn tượng như sau:

"Nhiều ấn tượng: thứ nhất là người tổ chức rất trẻ, họ có tầm. Họ là những nghiên cứu sinh, những tiến sĩ tại Havard. Hội thảo lại được trực tuyến qua youtoube. Chỉ mấy giờ sau hội thảo có ngừời từ Việt Nam gửi cho tôi youtube về cuộc hội thảo đó."

Tiến sĩ Tạ Văn Tài nêu lại những quan tâm chính mà những nguời tham gia hội thảo nêu ra với các diễn giả:

"Câu hỏi của họ là tại sao tôi có thể nói được về những vấn đề pháp lý mà có thể kiện Trung Quốc được. Họ tỏ ra ngạc nhiên vì từ truớc theo họ nghĩ đứng trước một nước mạnh và ngang ngược như Trung Quốc thì không có cách gì đối phó được.

Tôi đưa ra những điều luật biển mà có thể kiện Trung Quốc, mà cách kiện khôn ngoan là mình hỏi cách giải thích có ‘dính dáng’ đến đảo với đá và vùng kinh tế đặc quyền. Dựa vào đó, mình nói Trung Quốc sai. Việt Nam không phải ‘nghênh chiến’ nữa mà có cách để làm. Rồi cùng với những nước khác nữa như Phi-luật-tân trong vấn đề đảo đá Scaborough… là có thể ‘lôi’ Trung Quốc ra tòa án International Court of Justice ở La Hague với những thủ tục bắt buộc chứ không thể ‘trốn’ như đối với tòa án kia (Tòa án về luật biển) với những thủ tục ‘nhiệm ý’.

Thứ hai họ cũng cười về chuyện tôi góp ý kiến hơi đặc biệt một chút về chuyện làm sao để cho người dân tự do phát biểu, tự do tỏ lòng ái quốc và lãnh đạo không đến nỗi phải sợ Trung Quốc như thế."


Hội thảo do Hội Thanh niên Sinh Viên Việt Nam
 vùng Boston mở rộng tổ chức sáng 16/6/2012 tại Đại học Havard
Một trong những điều gây xúc động cho tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng đuợc ông nhắc lại:

"Sự kiện năm 74 như ông Thomas Vallely đưa ra, không hiểu sao khi nói đến những sự kiện như thế lại làm tôi xúc động. Tôi cũng nhắc lại cuộc triển lãm tư liệu lịch sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam ở Thư viện Quốc gia ở Sài Gòn, hồi đó tôi cũng xúc động. Hồi đó chúng tôi còn là thanh niên thì vị chưởng môn Việt Võ Đạo Vovinam nói với chúng tôi thân phận một nước nhỏ thì phải làm sao."

Về ý kiến đối với các biện pháp cần có để giải quyết tình hình tranh chấp tại Biển Đông hiện nay thì ông Tạ Văn Tài có nhận xét:

"Tôi bảo về nội dung luật pháp quốc tế ủng hộ cho Việt Nam đối với chủ quyền về đảo, thứ hai là vùng kinh tế đặc quyền để khai thác cá và tài nguyên dầu khí, khoáng sản dưới biển; rồi quyền tự do đi lại của Việt Nam ngoài biển không vướng vào Đường lưỡi bò. Thứ tư nữa là vấn đề thềm lục địa. Rồi những vấn đề về hòa giải, trọng tài và đưa ra Tòa án quốc tế một cách bó buộc.

Họ ‘cười’ khi tôi nói là trong nước phải để cho nhân dân biểu tình, phát ngôn tự do bày tỏ lòng ái quốc của họ. Nhất là đối với những chiến sĩ hy sinh từ năm 1979 đến năm 88. Đối với những lãnh đạo (sợ mất chức, có khi mất mạng luôn) khi giao du với phía Trung Quốc (như đi ăn uống mà ông Nguyễn Văn Hưởng, tướng Công an có tả là khi đi uống cà phê về thì bị cứng tay chân) thì không biết khi bỏ phiếu kín về Trung Quốc không biết ai họ chống mình, ai họ ủng hộ mình; do đó vẫn có thể ăn tiền đút lót của Trung Quốc mà vẫn có thể biểu quyết theo lòng ái quốc của mình; thế là (cử tọa) cười.

Họ nói ‘biết ơn (appreciate)’ hết cả ba người. Thí dụ những bằng chứng lịch sử mà tiến sĩ Nguyễn Nhã đưa ra cho thấy Việt Nam đã làm chủ những vùng hải đảo đó từ lâu rồi. Đối với ông Thomas Vallaely là bài viết đăng trên tạp chí Atlantic nói về đuờng lưỡi bò của Trung Quốc và vấn đề chính quyền của ông Obama chuyển hướng về Đông Á. Đối với tôi là những trình bày về khía cạnh luật pháp mà có cách đối phó với Trung Quốc chứ  không còn ‘mơ mơ, hồ hồ’ nữa."

Theo tiến sĩ Nguyễn Nhã thì ông mong muốn có thêm nhiều hội thảo tương tự như hội thảo vừa diễn ra tại Đại học Havard. Những hội thảo như thế không chỉ giới hạn trong giới sinh viên, nghiên cứu sinh, giới trí thức mà có thể mở rộng ra cho nhiều tầng lớp người Việt đang sinh sống nhiều nơi trên thế giới.

Chính sự hiểu biết về sự thật, về những luật lệ liên quan sẽ giúp hữu hiệu cho công cuộc đấu tranh bảo vệ những vùng biển, hải đảo của Việt Nam tại Biển Đông trước những diễn biến phức tạp như hiện nay.


11.6.12

Ngón đòn "xâm lấn mềm":Trung Quốc dự báo thời tiết toàn bộ biển Đông

Những động thái tương tự như vậy có thể coi như một hình thức mới, “xâm lấn mềm”, tìm cách hợp thức hóa những hành vi thể hiện cái gọi là “chủ quyền” hoàn toàn sai trái của Trung Quốc đối với biển Đông, mà bản thân nó đã là hành động xâm phạm chủ quyền và vi phạm cam kết với các bên tranh chấp khác.

Giới truyền thông Trung Quốc ngày 9/6 dẫn nguồn tin Tân Hoa Xã cho biết, hôm qua 8/6 tại thành phố Giang Môn tỉnh Quảng Đông, trung tâm Dự báo khí tượng Nam Hải (biển Đông) thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc tuyên bố đơn vị này đã phủ sóng dự báo thời tiết, khí tượng trên toàn bộ khu vực biển Đông.

Trung tâm dự báo khí tượng Nam Hải (biển Đông) thuộc Cục Hải dương ký văn bản hợp tác với đài truyền hình bờ biển Quảng Châu về cái gọi là dự báo thời tiết, thủy văn trên toàn khu vực biển Đông, một động thái "xâm lấn mềm" hết sức nguy hiểm, vi phạm chủ quyền các bên tranh chấp và bất chấp mọi thỏa thuận không làm phức tạp thêm tình hình

Thông tin này được Thái Dương, Giám đốc trung tâm Dự báo khí tượng hải dương tỉnh Quảng Đông kiêm Chủ nhiệm Trung tâm dự báo khí tượng Nam Hải (biển Đông) đưa ra. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này đã sớm bắt đầu từ ngày 23/3 vừa qua.

Trước đó cơ quan này cũng đã triển khai hoạt động dự báo thời tiết biển Đông nhưng không qua truyền hình mà bằng hệ thống tin nhắn, sau đó tung nội dung dự báo thời tiết lên mạng, qua các kênh blog, các website để cung cấp thông tin cho tàu cá Trung Quốc.
Cơ sở vật chất đài truyền hình bờ biển Quảng Châu được đầu tư khá hiện đại để tăng cường dự báo, hỗ trợ ngư dân và tàu thuyền Trung Quốc hoạt động trên biển Đông, trong đó không loại trừ cả những vùng tranh chấp hoặc thuộc chủ quyền nước khác

Ngoài ra, trung tâm nay còn xây dựng một hệ thống đảm bảo dịch vụ ngư nghiệp hải dương tại khu vực biển Đông, dự kiến cuối năm nay sẽ đi vào sử dụng. Hệ thống này sẽ cung cấp những thông tin chi tiết hơn về gió, các dòng hải lưu trên từng ngư trường ở biển Đông giúp ngư dân Trung Quốc tăng hiệu quả đánh bắt.

Cùng với việc thành lập hiệp hội Đánh bắt cá xa bờ trên biển Đông, động thái phủ sóng toàn bộ biển Đông theo đường lưỡi bò 9 đoạn phi lý và phi pháp, xâm phạm vùng biển chủ quyền của các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc về biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Những động thái tương tự như vậy có thể coi như một hình thức mới, “xâm lấn mềm”, tìm cách hợp thức hóa những hành vi thể hiện cái gọi là “chủ quyền” hoàn toàn sai trái của Trung Quốc đối với biển Đông, mà bản thân nó đã là hành động xâm phạm chủ quyền và vi phạm cam kết với các bên tranh chấp khác.

Quan trọng hơn và cũng nguy hiểm hơn, chính những động thái tương tự như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân, tàu thuyền Trung Quốc tăng cường hoạt động trên biển Đông, trong đó không loại trừ những vùng biển tranh chấp, thuộc chủ quyền của nước khác.
CCTV 13 chính thức dự báo thời tiết trên bãi Scarborough từ 25/5 trong lúc căng thẳng với Philippines đang leo thang để khẳng định cái gọi là chủ quyền. Trong bản tin này, truyền hình CCTV của Trung Quốc tiếp tục đưa ra dự báo thời tiết tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng ngang nhiên chú thích là Tây Sa, Nam Sa (phi lý và phi pháp) khiến dư luận quốc tế dễ hiểu lầm. 

Một khi sự hỗ trợ của giới chức Trung Quốc đối với ngư dân, tàu thuyền hoạt động trên biển Đông được chính sách hóa, hệ thống hóa sẽ làm tăng thực lực và sự hiện diện của người Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp, điều này đi ngược lại thỏa thuận giữa các bên – không làm phức tạp thêm tình hình.

Khác với việc xây dựng các công trình quân sự, tăng quân hay tập trận, Trung Quốc đang đầu tư mạnh cho các hình thức “xâm lấn mềm” này để nhằm độc chiếm biển Đông, một cách thức được đánh giá là hạn chế sự chú ý và phản ứng của các bên, nhưng lại có thể đạt được hiệu quả cao trên thực tế.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Thủy (nguồn Tân Hoa Xã)

giaoduc.net.vn

Trung Quốc: Tập đoàn dầu khí thành công cụ chính sách hàng hải


Đôi khi tập đoàn dầu khí theo sau những lá cờ, đôi khi lá cờ theo sau họ - và đôi khi tự thân họ trở thành chính lá cờ mang đầy tính biểu tượng.


Kịch bản thứ ba đã xảy ra ở Biển Đông - vùng biển nhiều tranh chấp với việc gần đây Tập đoàn dầu khí ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) khánh thành một giàn khoan nước sâu khổng lồ đầu tiên và triển khai ở khu vực phía nam Hong Kong khoảng 320km.

Vào ngày 9/5, Chủ tịch CNOOC Vương Dĩ Lâm đã mô tả giàn khoan mới của tập đoàn giống như chiếc tàu sân bay, gọi nó là "chủ quyền lãnh thổ di động" và một "vũ khí chiến lược" để phát triển tài nguyên năng lượng Biển Đông. Tuyên bố này khiến rất nhiều người tự hỏi liệu CNOOC có trở thành một công cụ hiệu quả của chính sách quốc gia tại Biển Đông.

Ở mức ít nhất, có vẻ như Bắc Kinh đang cho phép CNOOC gia tăng các hoạt động trong một đấu trường hàng hải, nơi chính phủ Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm nỗ lực nhằm ngăn chặn các quốc gia khác thực hiện các hoạt động tương tự - kể cả những khu vực sát cạnh bờ biển của những nước này. Và họ đã đặt thiết bị cũng như nhân sự của CNOOC vào một vị trí trở nên rất khó khăn để có thể được bảo vệ kể cả trong tình huống xảy ra căng thẳng hoặc khủng hoảng.

Bắc Kinh có lẽ không trực tiếp ra lệnh cho CNOOC tiến hành khoan dầu. Nó nhằm dự phòng cho những kế hoạch dài hạn của công ty nhằm mở rộng hoạt động sản xuất nước sâu tại Biển Đông. Theo giới phân tích, có sự tương quan chặt chẽ giữa quan điểm chính sách chính thức của Trung Quốc và cả các lợi ích quốc gia với khát khao mở rộng của CNOOC ở Biển Đông. Khi đó, hoạt động sản xuất dầu khí trở thành một công cụ chính sách hiệu quả dù người chơi đóng vai nhà nước hay tư nhân.

Thêm vào đó, sự "bật đèn xanh" của nhà nước có thể khuyến khích CNOOC cân nhắc tiến xa, tiến sâu hơn nữa vào Biển Đông. Chúng ta chưa chứng kiến điều này xảy ra với khả năng rất cao ở hiện tại, nhưng việc trùng khớp rõ ràng giữa lợi ích quốc gia và tập đoàn thể hiện trong tình huống hiện tại cho thấy nguy cơ của việc Trung Quốc quyết định khoan thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế chấp thuận đã gia tăng.

Giàn khoan khổng lồ mới, gọi là Haiyang Shiyou 981, đã mở rộng đáng kể các chọn lựa trong hoạt động khoan của CNOOC. Các giàn khoan cũ của Trung Quốc điển hình chỉ có thể hoạt động ở vùng nước có độ sâu chưa đầy 200m. Trong khi đó, HYSY 981 có thể khoan ở độ sâu hơn 3.000m, giúp cho CNOOC có khả năng hút dầu và khí hầu như bất cứ nơi nào tại Biển Đông ngoài trừ những phần sâu nhất của vùng biển thẳm.

Các địa điểm đáng chú ý bao gồm những vùng nước sâu gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng các khu vực khác được biết tới trong phạm vi "đường 9 đoạn" hay còn gọi là hình chữ U được in trên các bản đồ tại Trung Quốc bao trùm phần lớn Biển Đông. Bắc Kinh coi nó như một phạm vi ranh giới mà Trung Quốc có các quyền ưu tiên phát triển tài nguyên.

Khu vực khoan hiện tại của CNOOC rõ ràng nằm trong vùng biển Trung Quốc quản lý, nhưng nó đủ gần các vùng tranh chấp khiến các láng giềng của Bắc Kinh sẽ có khả năng hiểu những hoạt động (thương mại hàng hải) của CNOOC là cách thể hiện sức mạnh ở gần biên giới tranh chấp. Giàn khoan nước sâu cung cấp một dấu mốc quốc gia để mở rộng những chọn lựa của các công ty Trung Quốc trong hoạt động ở Biển Đông và làm dấy lên mối quan ngại rộng rãi trong các nước láng giềng rằng, sự hiện diện của nó đại diện cho bước đi đầu tiên trong chuyện Trung Quốc đơn phương khẳng định quyền kiểm soát các khu vực hàng hải và tài nguyên ở những vùng tranh chấp trong Biển Đông.

Giống như bất kỳ công ty niêm yết nào, mục tiêu chung của CNOOC là tối đa hóa lợi nhuận và giúp các cổ động hài lòng. Thực tế là, ngoài khu vực Đông Á, các hoạt động của CNOOC dường như tương đối độc lập với các mục tiêu cụ thể trong chính sách đối ngoại Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Biển Đông, cả hai yếu tố trực tiếp và gián tiếp có thể giúp CNOOC hoạt động hiệu quả như một công cụ của chính sách đối ngoại Trung Quốc.

Kể từ tháng 6/2011, Bắc Kinh đã cố gắng có cách tiếp cận chừng mực hơn để kiểm soát các tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, những tiếng nói có ảnh hưởng liên quan tới quân đội Trung Quốc (PLA) tiếp tục bày tỏ những quan điểm trái ngược với cách tiếp cận thiên về hòa bình này. Một số - ví dụ như sĩ quan cấp cao PLA  Long Tao thậm chí công khai tuyên bố ủng hộ các cuộc tấn công để chiếm lại những vỉa đá, vùng biển mà Philippines hay Việt Nam tuyên bố chủ quyền, coi đó là cách dạy cho các nước nhỏ hơn một bài học.

Trong khi quan điểm hiếu chiến của Long - được trích dẫn gần đây trong một bài viết của Henry Kissinger - không chính thức đại diện cho chính sách Trung Quốc - thì nó cũng cho thấy tư duy căng thẳng đáng kể trong hàng ngũ sĩ quan PLA rằng, các nhà lãnh đạo dân swjcuar họ hoặc không sẵn sàng hoặc không thể ủng hộ vũ lực. Trước tình hình này, những nước láng giềng hàng hải của Trung Quốc  có thể coi chương trình thăm dò khai thác mới mà CNOOC thực hiện như một kiểu hành xử kép (khắt khe với người này nhưng rộng rãi với người khác - ưu tiên phát triển Trung Quốc trên phí tổn của những bên khác.

Các nhà sản xuất dầu Trung Quốc thường hành xử theo định hướng thị trường, lấy lợi nhuận làm chuẩn. Tuy nhiên, "thường" không có nghĩa là "luôn luôn". Thời điểm và các tuyên bố của CNOOC về giàn khoan mới thường thu hút sự chú ý đặc biệt trong bối cảnh khu vực tăng cường xây dựng quân sự với mục tiêu phòng thủ bảo vệ lợi ích quốc gia; chính phủ các nước thì đau đầu đối mặt với áp lực chủ nghĩa dân tộc trong nước dâng cao và vì những nguy cơ tính toán sai lầm có thể châm ngòi cho xung đột vũ trang...

Trong một thị trường hàng hóa, nhận thức rủi ro của nhà đầu tư thường thay đổi vì những bất ngờ và các sự kiện đại diện có thể tạo ra cảm nhận lo ngại, sợ hãi và bất an. Vì thế, quyết định của CNOOC đưa giàn khơn nước sâu mới ra khu vực ngay cạnh vùng tranh chấp quốc tế được đánh giá là sự tính toán kỹ lưỡng, chứ không đơn thuần là chuyện không đếm xỉa tới vấn đề chiến lược.

Một thực thể thương mại có thể đảm nhận những vai trò quan trọng trong thúc đẩy những lợi ích quốc gia và cung cấp các dịch vụ mà bản thân chính phủ có thể khó cung cấp. Những công ty dầu khí tư nhân ở các nước phương Tây đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình và thúc đẩy các chính sách đối ngoại quốc gia, đặc biệt là trong phương diện an ninh năng lượng. Một ví dụ là sự hợp tác và thông tin liên lạc chặt chẽ giữa chính phru Mỹ với Exxon cũng như Chevron khi trữ lượng dầu Biển Caspia được mở cửa cho các nhà đầu tư bên ngoài vào đầu những năm 1990.

Các sự kiện gần đây ở Trung Quốc đã cho thấy rằng, trong thời gian xảy ra khủng hoảng, chính phủ có quyền lực yêu cầu các công ty như CNOOC tham gia vào phục vụ quốc gia. Khi các cơn bão tuyết xảy ra làm gián đoạn nguồn cung cấp than vào đầu năm 2008, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã kêu gọi các nhà cung cấp giao thông vận tải cung cấp mọi tài sản sẵn có vào phục vụ đất nước. Sau đó, tập đoàn China Ocean Shipping Co. đã triển khai 34 tàu vận chuyển cỡ lớn để giúp bổ sung nguồn dự trữ than bị thiếu hụt.

Các hành động của CNOOC cho thấy, công ty này có khả năng giống như một cánh tay hữu dụng cho chính sách quốc gia một cách trực tiếp hơn nhiều những gì mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã làm ở Sudan. Việc triển khai giàn khoan gần đây được thảo luận và cân nhắc, phân tích kỹ càng vì vấn đề rất có thể tái diễn khi CNOOC theo đuổi hoạt động sản xuất lớn hơn ở Biển Đông trong khi căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Động thái của Trung Quốc làm tăng khả năng rằng, các láng giềng hàng hải của họ cũng sẽ cân nhắc những động thái quả quyết tương tự để khẳng định chủ quyền mà họ đã tuyên bố ở những vùng tranh chấp - điều mà Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn. Trung Quốc có thể phản ứng thế nào nếu PetroVietnam bắt đầu chương trình khoan dầu ở Trường Sa hay bộ Năng lượng Philippines khôi phục hoạt động thăm dò gần bãi cạn Scarborough?

Cân nhắc các khía cạnh liên quan, CNOOC có thể thấy rằng, Biển Đông - cho dù có những hấp lực chào mời về nguồn tài nguyên - thì vẫn sẽ là một nơi phức tạp về chính trị và họ sẽ không thể đưa ra các quyết định chỉ dựa trên những yếu tố thị trường.

Tác giả: NGUYỄN HUY THEO WSJ (tuanvietnam)

8.6.12

Biển Đông: Liệu "gấu" Nga sẽ "vỗ ngực xưng tên"?

Trong những năm gần đây, bất chấp căng thẳng tại Biển Đông đang leo thang, Moscow hầu như không đưa ra một lời bình luận chính thức.

Bất ngờ vào ngày 23/05 vừa qua, Đại sứ Nga tại Philippines đã lên tiếng "phản đối bất kỳ bên thứ 3 nào không có tranh chấp can dự vào hoạt động tranh chấp trên Biển Đông" vào khu vực này và "đây là quan điểm chính thức của (chính phủ) chúng tôi. Cũng giống như Mỹ, Nga không phải là một bên tranh chấp trên Biển Đông, nếu không Nga sẽ trở thành kẻ can thiệp vào công việc nội bộ của các bên tranh chấp", với lí do "Nga quan tâm tới tự do hàng hải". Đây có thể coi là lần đầu tiên một quan chức Nga chính thức có bình luận về tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

Nga có thực sự muốn quay trở lại Biển Đông?

Trong chiến lược lấy lại vị thế của mình sau thời kỳ "ngủ đông", Nga rất cần một đồng minh để phát triển và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam đã hiện lên như là một "đối tác" lí tưởng. Liên tục trong nhiều năm qua, Nga đã bán cho Việt Nam nhiều vũ khí tối tân như máy bay tiêm kích SU-27, SU-30, hộ tống hạm Gepard, tàu ngầm lớp Kilo, hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion và tổ hợp tên lửa phòng không S300.


Ngày 23/03/2010, hãng thông tấn Nga đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly đã thông báo rằng Hải quân Nga sẽ giúp Hải quân Việt Nam trong việc xây dựng căn cứ đồn trú tàu ngầm, có thể là tại Cam Ranh. Tiếp đến ngày 07/05/2011, một hạm đội bao gồm Tàu Đô đốc Vinogradov, tàu chở dầu hạng trung Pechenga và tàu cấp cứu SB-522 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã thăm Việt Nam và ghé Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.

Vào ngày 05/04/2012, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã tuyên bố tham gia dự án khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ở Biển Đông mà công ty Anh BP đã phải từ bỏ dưới áp lực của Trung Quốc. Có thể coi đây là một nước cờ liều lĩnh của Nga, vì trước giờ Nga vẫn đang chơi cờ nước đôi: một mặt bán vũ khí, khí tài cho các quốc gia trong khu vực, mặt khác tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh.
Nga cũng thừa hiểu đây là một "con cá" khó câu vì sẽ làm "phiền lòng" Trung Quốc, xấu nhất có thể dẫn tới xung đột. Nga cũng sẽ phải "oằn lưng" vì cỡ cường quốc như Anh với BP và Mỹ với Exxon cũng đã phải chùn bước, còn Ấn Độ thì đã dừng hợp tác trong dự án thăm dò dầu khí ở hai lô 127 và 128 ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Nga có những lợi thế nhất định để làm cơ sở cho hành động "can đảm" của mình. Nga không hề bị lệ thuộc và càng không phải là "con nợ" của Trung Quốc, điều khác biệt với việc phụ thuộc khá chặt chẽ về kinh tế và tài chính của Mỹ với Trung Quốc. Do đó Nga dám đi những nước cờ táo bạo vì Trung Quốc không thể dùng "áp lực kinh tế", còn Mỹ thì phải thận trọng hơn.

Hiện Nga còn là một trong những đối tác cung cấp vũ khí lớn cho Trung Quốc. Mà Trung Quốc cũng đang mở rộng quy mô lực lượng quân đội cả về số lẫn chất lượng nhằm mục tiêu tạo áp lực cho các nước xung quanh. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc thì tranh chấp ở Biển Đông không phải là vấn đề đối đầu trực tiếp với các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia,.. mà là cuộc tranh giành quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu đúng như thế thì chắc chắn Trung Quốc không muốn rơi vào thế khó "lưỡng đầu thọ địch". Đặc biệt hơn là Moscow đang "rảnh tay" vì không phải vướng bận vào những vấn đề lớn như Iran, Iraq, Bắc Triều Tiên,... trong khi Washington vẫn đang cần Bắc Kinh trong những vấn đề nóng bỏng như Bắc Triều Tiên.

Philippines chắc chắn rất quan tâm đến vụ "đánh cờ" này của Nga. Nếu Nga thành công, Philippines có thể học theo Việt Nam ký hợp đồng với Nga để thăm dò và khai thác tại những vùng mà nước này tuyên bố thuộc chủ quyền của mình còn Trung Quốc thì nói không.

Tham vọng và khả năng

Trở lại với việc đưa ra bình luận của Đại sứ Nga tại Philippines 23/05, có một điểm đáng lưu ý là Nga ủng hộ "giải pháp song phương", điều mà Trung Quốc mong muốn và theo đuổi từ lâu. Nhiều nhà phân tích cho rằng Nga đang dần thể hiện mình "thân" Bắc Kinh. Nếu Nga tiếp tục bày tỏ thái độ về việc này thì có thể coi như là gây thêm khó khăn mới trong việc hướng tới "giải quyết đa phương" của Việt Nam, Philippines. Bất ngờ hơn là Nga còn tuyên bố muốn tập trận chung với Philippines. Đây chỉ có thể lại là một nước cờ đôi đầy ẩn ý của Moscow, theo AP thì đây cũng có thể là một động thái quan trọng chứng tỏ Nga không hề tụt hậu vị thế so với Mỹ .

Chắc chắn nếu Nga xuất hiện thì sẽ khiến tình hình diễn biến tại Biển Đông thay đổi. Trong tình huống Nga tiếp tục đi những nước cờ táo bạo và Trung Quốc sẽ chỉ lên tiếng phản đối "lấy lệ" vì bị "kẹt" như nêu trên thì chủ quyền của Việt Nam trên những vùng biển này sẽ được củng cố vì sự khai thác tài nguyên trên một vùng biển nào đó nếu diễn ra tốt đẹp thì cũng là một hình thức xác định chủ quyền. Nhưng tất cả chỉ là "tình huống giả định", khả năng thành hiện thực còn là một câu hỏi khó.

Trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 11 tại Shangri-La với sự tham dự của đại diện tới từ 28 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cùng với Anh, Pháp, và Mỹ, Nga gần như không có một động thái hay phát biểu cụ thể nào đề cập tới vấn đề Biển Đông. Trong khi Mỹ thì rất mạnh dạn bày tỏ quan điểm khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta công bố "đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% năng lực hải quân tại Thái Bình Dương, và 40% tại Đại Tây Dương, thay đổi so với tỷ lệ 50:50 hiện nay". Điều này khiến các nhà quan sát đặt câu hỏi về khoảng cách giữa "hoài bão" và thực lực của Nga để hiện diện thường xuyên hơn tại khu vực này.

Hiện tại vẫn chưa thấy phản ứng của các nước trong khu vực về những động thái của Nga. Nếu có chỉ là một vài hợp tác nhỏ trên lĩnh vực kinh tế. Ngay cả trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 11 vừa rồi, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu, đã có nhiều cuộc gặp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với các đối tác như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Australia, Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) mà không hề có chi tiết nào đề cập đến việc "gặp gỡ" Nga.

Có lẽ vì Nga đang quá "bận" trong vấn đề Syria - đất nước hiếm hoi còn lại mà Moscow có lợi ích lớn ở khu vực Trung Đông. Thể hiện qua việc Tổng thống Nga Putin vừa có những phát biểu cứng rắn bày tỏ quan điểm của Moscow về vấn đề Syria trước báo giới trong chuyến công du đến Pháp vào ngày 01/06 vừa rồi. Nên tạm thời Nga chưa thể dồn "tâm huyết" để thực hiện "hoài bão" của mình ở khu vực Biển Đông được.

Liệu "gấu" Nga sẽ "vỗ ngực xưng tên" ở Biển Đông? Câu trả lời thì hiện tại chưa nhiều yếu tố để đi đến một khẳng định cuối cùng.
Tác giả: NGHĨA HUỲNH

6.6.12

Biển Đông: "Đa phương" chọi lại "bành trướng"

Chưa bao giờ an ninh và phát triển lại thành hai mặt của một đồng tiền như ở các diễn đàn này, và cũng chưa bao giờ tiếng nói của các nhà lãnh đạo quốc tế, từ kinh tế, quân sự đến lập pháp lại cùng đồng thanh phản đối cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông như hiện nay.

Đó là cảm tưởng chung khi theo dõi hai hội nghị quốc tế quan trọng gần đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới, WEF (Bangkok, từ 31/5-1/6) và Đối thoại An ninh Shangri-La (Singapore, từ 1-3/6) họp liền kề nhau tại hai thủ đô của ASEAN. Chủ đề của WEF là kiến tạo tương lai khu vực thông qua kết nối (shaping the region's future through connectivity), nhưng tranh chấp biển Đông đã trở thành trọng tâm của của các cuộc thảo luận, dù không ghi trong nghị trình. Còn gặp gỡ Shangri-La, diễn đàn routine về an ninh và quốc phòng bấy lâu nay, giờ đây trở thành một hội nghị quốc tế lớn để bàn về cấu trúc an ninh mới trong khu vực và các vấn đề liên quan.

Làm sao để vừa có an ninh, vừa phát triển?

Trong khuôn khổ của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Bangkok (WEF), một buổi tọa đàm về an ninh cho Đông Á thông qua sự hợp tác giữa ASEAN với Mỹ và Trung Quốc đã được tổ chức. Thượng nghị sĩ Susan Collin, thuộc tiểu bang Maine, đảng Cộng hòa, thành viên của Ủy ban Quân lực và Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ đã mạnh mẽ mở đầu phát biểu của bà về "Cách thức các quốc gia ASEAN hợp tác với Mỹ và Trung Quốc nhằm xây dựng một cơ chế an ninh cho Đông Á" trong khuôn khổ Hội nghị WEF.

Từ "khiêu khích" được nhắc lại nhiều lần trong bài phát biểu của bà Collins khi nói về các hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông. Nữ thượng nghị sỹ Hoa Kỳ gọi những động thái của Trung Quốc là "phiêu lưu liều lĩnh". Trao đổi với các diễn giả khác trong buổi tọa đàm, bà Collins cho rằng Trung Quốc "đang tạo ra một cuộc khủng hoảng trong khu vực". "Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, vốn không được xác định rõ ràng ở nhiều chỗ, làm cho việc giải quyết vấn đề trở nên rất khó khăn".

Khi được hỏi, liệu Mỹ sẽ hành động như thế nào nếu căng thẳng hiện nay ở Biển Đông leo thang thành xung đột quân sự, bà Collins cho biết: "Mỹ đối phó với sự phát triển của hải quân Trung Quốc bằng cách thiết lập các căn cứ để có thể tiếp cận hải quân ở khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Mỹ không mong muốn bất cứ sự xung đột nào với Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng rằng các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc sẽ được giải quyết một cách hợp tác với sự giúp đỡ của ASEAN".

Phát biểu trước đại diện của 28 quốc gia và nhiều đoàn quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh và quốc phòng hàng năm của khu vực CÁ-TBD, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thông báo từ nay đến 2020, Mỹ sẽ chuyển 60% hạm đội của nước này đến CA-TBD, trong khuôn khổ "tái cân bằng lực lượng" nhằm bảo đảm sựu hiện diện liên tục và mạnh mẽ của Mỹ tại khu vực này. Đây là thông điệp rõ ràng và nhất quán về chiến lược mới của Mỹ ở châu Á.

Quyết định trên của Mỹ là một phần trong những nỗ lực "chắc chắn và thận trọng" nhằm nâng cao vai trò của Mỹ tại một khu vực vốn được coi là "sống còn" không chỉ đối với hiện tại mà cả tương lai của Mỹ. Chiến lược mới này thực chất đã được Tổng thống Obama loan báo trước thế giới hồi tháng 1/2012. Tại diễn đàn an ninh quan trọng lần này, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã "đắp da thịt cho bộ xương chiến lược" của nước Mỹ (Theo cách nói của Tạp chí The Diplomat ngày 2/6).

Tuyên bố của ông Panetta có thể được xem nhằm trấn an các đồng minh và đối tác mới của Mỹ ở khu vực đang đau đầu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi hắc búa: "Làm thế nào để vừa có an ninh, vừa phát triển?" trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong việc đồi chủ quyền hầu hết toàn bộ Biển Đông.

Khi các đồng minh và đối tác mới của Mỹ bày tỏ lo ngại rằng, liệu Washington có đủ khả năng tài chính để thực hiện chiến lược mới của mình hay không, ông Panetta khẳng định, khủng hoảng ngân sách trong nước sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược "chuyển trục" về châu Á của Mỹ.

Giấc mơ Nghiêu Thuấn và hành động của Trung Quốc

Cũng tại Diễn đàn Shangri-La, Tổng thống Indonesia Susilo Yudhoyono đã thuyết trình một bài diễn văn có tiếng vang khi ông đề cập tới cấu trúc bền vững cho hòa bình trong khu vực. Cấu trúc này được thiết kế trên nền tảng địa-chính trị mới, địa-chính trị của quan hệ hợp tác đang chuyển hóa khi các quốc gia cùng tiến vào kỷ nguyên châu Á-TBD. Tổng thống Yudhoyono cũng nêu rõ định hướng phát triển trong chính sách ngoại giao của Indonesia, từ một quốc gia hướng nội đã trở thành một thành viên năng động của ASEAN. Ông đặt tên cho chiến lược đối ngoại mới đó là chính sách ngoại giao "với triệu người bạn mà không có kẻ thù nào".

Để kiến tạo cấu trúc bền vững nói trên, trụ cột đầu tiên phải xây dựng là một chủ nghĩa khu vực mạnh mẽ và năng động. Biểu tượng cho ý chí này chính là cam kết không mệt mỏi để hiện thực hóa tầm nhìn của cộng đồng ASEAN. Chủ nghĩa khu vực "mở" đã tạo ra các cơ hội chiến lược để chuyển hóa một cách căn bản các quan hệ địa-chính trị mới ở ĐNÁ. Và đương nhiên, chủ nghĩa khu vực năng động này phải gắn kết chặt chẽ với chủ nghĩa dân tộc lành mạnh. Làm sao cho các quốc gia nhận thức được bản sắc khu vực như là bộ phận cấu thành bản sắc dân tộc của quốc gia mình.

Một cấu trúc khu vực bền vững chỉ có thể thành tựu khi nó được xây dựng trên một thế cân bằng động. Duy trì được thế cân bằng động này là nhận thức quan trọng trong quá trình xây dựng các quan hệ đối tác giữa các cường quốc. Thế cân bằng động này luôn chịu sức ép thường trực. Làm sao để quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực luôn luôn hòa hiếu, bền vững và mang tính hợp tác trong một thời gian dài? Làm sao để các quốc gia vừa và nhỏ có thể khuyến khích các cường quốc tương tác với nhau trong khuôn khổ của cấu trúc khu vực bền vững ấy, thông qua nhiều phương tiện khác nhau, mà Hội nghị Cấp cao Đông Á mấy năm gần đây là một hình thức sống động.

Trong khi tình hình Biển Đông cho đến nay vẫn chưa có gì sáng sủa, nhất là Trung Quốc vẫn đang tranh chấp với Philippines tại bãi cạn Scarborough (Dịp Đối thoại Shangri-La năm ngoái thì Trung Quốc xông vào thềm lục địa của Việt Nam và hai lần cắt dây cáp của tàu Bình Minh của Việt Nam). Ngay trong mùa hè này, Trung Quốc ngang ngược cấm ngư dân đánh bắt cá trên Biển Đông, trong khi họ cho người vào tận cảng Cam Ranh của Việt Nam để nuôi trồng hải sản (?)

Mặc dù hai Thượng nghị sỹ trong đoàn Mỹ dự Đối thoại Shangri-La là McCain và Lieberman kiên quyết phản đối các đòi hỏi phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng các nước trong khu vực vẫn đề phòng một cuộc tấn công quân sự chớp nhoáng của Trung Quốc trên Biển Đông. Đặt mọi sự thành chuyện đã rồi là một chiến thuật "xưa như Diễm" của Trung Quốc. Vì vậy, dù có niềm tin vào "con bài" sức mạnh quân sự, các nước khu vực không thể không tiến hành cuộc vận động ngoại giao quốc tế nhằm hóa giải tranh chấp trên Biển Đông và dù trong mực độ có giới hạn, vẫn phải tranh thủ sự ủng hộ của các nước ASEAN, nhất là những thành viên cùng cảnh ngộ.

Nguyễn Thiều Quang

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/75254/bien-dong---da-phuong--choi-lai--banh-truong-.html

31.5.12

Chạy đua vũ trang điên cuồng ở châu Á

Tác giả: Conn Hallinan
Người dịch: Dương Lệ Chi
29-05-2012
Châu Á hiện đang chạy đua vũ trang chưa từng có, đây không chỉ là cuộc đua căng thẳng dữ dội trong khu vực mà còn là sự cạnh tranh của các nước châu Á với những nỗ lực nhằm giải quyết sự chênh lệch giữa đói nghèo và phát triển kinh tế. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo – được tính bằng hệ số Gini, đo sự bất bình đẳng – đã tăng từ 39% đến 46% ở Trung Quốc, Ấn Độ, và Indonesia. Mặc dù các gia đình giàu vẫn tiếp tục có được nhiều của cải hơn và nhận được phần lớn hơn trong chiếc bánh kinh tế, “Trẻ em sinh ra trong những gia đình nghèo có khả năng tử vong khi còn là trẻ sơ sinh có thể lớn hơn gấp 10 lần” so với những em được sinh ra trong các gia đình giàu có, theo Changyong Rhee, trưởng kinh tế gia thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á.
          Súng đạn thay cho thực phẩm
Xu hướng bất bình đẳng này đặc biệt sâu sắc ở Ấn Độ, nơi tuổi thọ trung bình thì thấp và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thì cao, nền giáo dục chắp vá, mù chữ phổ biến rộng rãi, cho dù tình trạng của đất nước là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Theo một tổ chức từ thiện độc lập, Quỹ Naandi, khoảng 42% trẻ em Ấn Độ bị suy dinh dưỡng. Bangladesh, một đất nước nghèo khó hơn, nhưng ở tất cả các lĩnh vực này thì tốt hơn nhiều.
Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo: dấu hiệu chạy đua vũ trang châu Á?
Năm ngoái, Ấn Độ là nước mua vũ khí hàng đầu trên thế giới, đã mua máy bay chiến đấu hiệu suất cao của Pháp, với số hàng trị giá 20 tỷ đô la. Ấn Độ cũng đang chế tạo loại tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân, cũng như mua tàu ngầm và tàu chạy trên mặt nước. Ngân sách quân sự của Ấn gia tăng 17 % trong năm nay, lên tới 42 tỷ đô la.

“Thật là nực cười. Chúng ta đang chạy đua vũ trang vô nghĩa, bằng chi phí của những người nghèo”, ông Praful Bidwai, thuộc Liên minh Giải trừ Vũ khí Hạt nhân và Hòa Bình đã nói với báo The New York Times.

Trung Quốc cũng đang gia tăng việc mua vũ khí, gồm tăng cường hải quân, chế tạo một máy bay tàng hình thế hệ mới, và chế tạo một tên lửa đạn đạo có khả năng vô hiệu hóa tàu sân bay Mỹ đến gần bờ biển của họ. Ngân sách quân sự của Bắc Kinh gia tăng với tốc độ khoảng 12% một năm, khoảng 106,41 tỷ đô la, lớn thứ hai trên hành tinh. Tổng ngân sách dành cho an ninh quốc gia của Mỹ – không tính các cuộc chiến tranh khác mà Washington đang tham gia, hơn 800 tỷ đô la, mặc dù một số người ước tính ngân sách này nhiều hơn 1.000 tỷ đô la.

Mặc dù Trung Quốc có những bước tiến lớn trong việc xóa đói giảm nghèo, nhưng khoảng 250 triệu người Trung Quốc chính thức được coi là nghèo, và nền kinh tế nóng hổi của đất nước trước đây thì đang nguội. “Các số liệu chi tiêu và sản lượng trong tháng 4 chưa thấy hy vọng rằng nền kinh tế của Trung Quốc đang chạm đáy”, Mark Williams, trưởng kinh tế gia châu Á tại Capital Economics, nói với báo Financial Times.

Điều này cũng đúng đối với hầu hết các nước ở châu Á. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Ấn Độ đã giảm từ 9% xuống còn 6,1% trong hai năm rưỡi qua.
          Căng thẳng trong khu vực
Căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực làm gia tăng một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng. Đài Loan đang mua bốn tàu khu trục có tên lửa dẫn đường loại Perry, do Mỹ sản xuất, và Nhật Bản đã chuyển phần lớn lực lượng quân sự của họ từ các hòn đảo phía bắc sang phía nam, đối diện với Trung Quốc.

Philippines đang bỏ ra gần 1 tỉ đô la để mua máy bay và radar mới, và gần đây tiến hành tập trận chung với Hoa Kỳ. Nam Triều Tiên vừa thử nghiệm thành công một tên lửa hành trình tầm xa. Washington đang phục hồi quan hệ quân sự với Indonesia do đảo quốc này kiểm soát các đường biển chiến lược mà hầu hết việc vận chuyển thương mại và cung cấp năng lượng trong khu vực đi ngang qua đó.
Tên lửa tầm ngắn hiện đại EXTRA của Israel 
Úc cũng đang tái định hướng quốc phòng về phía đối mặt với Trung Quốc và ông Stephen Smith, Bộ trưởng Quốc phòng Úc đã kêu gọi Ấn Độ “giữ vai trò mà họ có thể và vai trò mà họ nên giữ, như một cường quốc đang trỗi dậy đối với an ninh và ổn định trong khu vực”.

Nhưng “vai trò” đó không có gì là rõ ràng, và một số người đã xem tuyên bố của ông Smith là một nỗ lực để kéo New Delhi vào một mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh. Thử nghiệm tên lửa đạn đạo hạt nhân Agni V gần đây của Ấn Độ phần lớn được xem như nhắm vào Trung Quốc.

Ấn Độ và Trung Quốc đã đánh nhau trong một cuộc chiến biên giới ngắn ngủi nhưng kinh hoàng hồi năm 1962, và Ấn Độ tuyên bố Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 15.000 dặm vuông lãnh thổ của Ấn Độ. Ngược lại, Trung Quốc, tuyên bố gần như toàn bộ 40.000 dặm vuông của bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ là của họ. Mặc dù ông Manmohan Singh, Thủ tướng Ấn Độ, nói rằng “nói chung, quan hệ của chúng tôi [với Trung Quốc] là khá tốt”, nhưng ông cũng thừa nhận “vấn đề biên giới là một vấn đề lâu dài”.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã cãi nhau ngắn ngủi hồi năm ngoái khi một tàu chiến Trung Quốc yêu cầu tàu tấn công đổ bộ của Ấn Độ Airavat nhận diện chính họ, ngay sau khi con tàu này rời khỏi cảng ở Hà Nội, Việt Nam. Không có gì xảy ra trong vụ việc này, nhưng kể từ đó, Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đã nhấn mạnh sự cần thiết về “an ninh hàng hải” và “bảo vệ bờ biển của chúng tôi, các ‘tuyến đường giao thông trên biển’, và các khu vực phát triển ngoài khơi”.

Lập trường mạnh mẽ của Trung Quốc ở biển Đông đã gây căng thẳng với Việt Nam, Đài Loan, Brunei, và Malaysia. Một sự đối đầu giữa một tàu chiến của Philippines và nhiều tàu giám sát của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough hồi tháng trước vẫn còn đang được kềm chế ở mức độ thấp.
Chiến đấu cơ đa năng tàng hình thế hệ 5 T-50 PAK FA của Nga 
Thái độ của Trung Quốc quyết đoán hơn trong khu vực phần lớn bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan năm 1995-1996, khi hai tàu sân bay Hoa Kỳ làm bẽ mặt Bắc Kinh trong vùng biển của họ. Rủi ro để có thể xảy ra chiến tranh trong cuộc khủng hoảng này thì không lớn – Trung Quốc không có khả năng xâm lược Đài Loan – nhưng chính phủ Clinton đã có cơ hội để chứng minh sức mạnh hải quân của Mỹ. Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân kể từ sự kiện đó.

Sự “chuyển hướng” của chính phủ Obama về phía châu Á, gồm việc gia tăng quân sự ở đảo Wake và đảo Guam, triển khai 2.500 lính thủy quân lục chiến ở Úc, đã gia tăng căng thẳng trong khu vực, và việc xử lý vấn đề biển Đông một cách cứng rắn của Bắc Kinh, đã mở ra cho Washington cánh cửa để bước vào tranh chấp.

Trung Quốc có cảm thấy khó chịu về vùng biển nhà của họ – người ta có thể hiểu điều đó, đưa ra lịch sử 100 năm qua – nhưng không có bằng chứng là họ bành trướng. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói hồi tháng 2, “Không có nước nào, kể cả Trung Quốc, đã tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Hoa Nam”. Bắc Kinh dường như chưa sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự. Bắc Kinh đã học được vài bài học từ cuộc xâm lược Việt Nam thảm khốc năm 1979.

Mặt khác, Bắc Kinh rất lo ngại về những nước kiểm soát vùng biển trong khu vực, một phần là vì khoảng 80% nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc đi qua điểm mấu chốt trên biển, do Hoa Kỳ và các đồng minh của họ kiểm soát.
          Cảnh báo của Eisenhower
Sự căng thẳng ở châu Á là có thật, nếu không phải nói là gay gắt và sâu xa như các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ mô tả. Trung Quốc và Ấn Độ thật sự có “vấn đề” về biên giới nhưng Trung Quốc cũng coi chính họ và New Delhi “không phải là đối thủ cạnh tranh mà là đối tác”, và thậm chí đã đề nghị làm liên minh để giữ không cho “các cường quốc bên ngoài” – được hiểu là: Hoa Kỳ và NATO – can thiệp vào khu vực.

Câu hỏi thực sự là, liệu châu Á có thể lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mà không làm gia tăng hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng và với kết quả là sự bất ổn chính trị có khả năng theo sau? “Sự bất bình đẳng ngày càng lớn sẽ đe dọa sự tăng trưởng bền vững ở châu Á. Một quốc gia bị chia rẽ và bất bình đẳng không thể là một nước thịnh vượng”, ông Rhee, kinh tế gia thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á, nói.

Hơn nửa thế kỷ trước, Tổng thống và là Tổng Tư lệnh tối cao Dwight Eisenhower đã lưu ý rằng: “Mỗi khẩu súng được chế tạo, mỗi tàu chiến được hạ thủy, mỗi tên lửa được phóng ra, đều có nghĩa là… một hành vi trộm cắp từ những người đói khổ mà không có ăn, từ những người bị lạnh mà không mặc… cuộc sống hoàn toàn không phải là như thế… đó chính là đem nhân loại lên treo trên cây thánh giá”.

Người Mỹ đã bỏ qua lời cảnh báo của tổng thống Eisenhower. Các nước châu Á sẽ làm tốt nếu chú ý.
Nguồn: FPIF/ Huffington Post
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012