Trang

Diệp Kính Thiên: Nguyễn Tấn Dũng có thắng không?

Khả năng được đề cử chức Tổng bí thư khóa 12 cho Nguyễn Tấn Dũng có thể chắc chắn. Đây mới chỉ là hiệp một. Sang hiệp hai – bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa 12 – mới là chủ yếu.

Anh Ba Thanh: Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư nửa nhiệm kỳ đầu khóa XII ?

Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hé lộ một chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo đó là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Scarborough. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Scarborough. Hiển thị tất cả bài đăng

31.5.12

Chạy đua vũ trang điên cuồng ở châu Á

Tác giả: Conn Hallinan
Người dịch: Dương Lệ Chi
29-05-2012
Châu Á hiện đang chạy đua vũ trang chưa từng có, đây không chỉ là cuộc đua căng thẳng dữ dội trong khu vực mà còn là sự cạnh tranh của các nước châu Á với những nỗ lực nhằm giải quyết sự chênh lệch giữa đói nghèo và phát triển kinh tế. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo – được tính bằng hệ số Gini, đo sự bất bình đẳng – đã tăng từ 39% đến 46% ở Trung Quốc, Ấn Độ, và Indonesia. Mặc dù các gia đình giàu vẫn tiếp tục có được nhiều của cải hơn và nhận được phần lớn hơn trong chiếc bánh kinh tế, “Trẻ em sinh ra trong những gia đình nghèo có khả năng tử vong khi còn là trẻ sơ sinh có thể lớn hơn gấp 10 lần” so với những em được sinh ra trong các gia đình giàu có, theo Changyong Rhee, trưởng kinh tế gia thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á.
          Súng đạn thay cho thực phẩm
Xu hướng bất bình đẳng này đặc biệt sâu sắc ở Ấn Độ, nơi tuổi thọ trung bình thì thấp và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thì cao, nền giáo dục chắp vá, mù chữ phổ biến rộng rãi, cho dù tình trạng của đất nước là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Theo một tổ chức từ thiện độc lập, Quỹ Naandi, khoảng 42% trẻ em Ấn Độ bị suy dinh dưỡng. Bangladesh, một đất nước nghèo khó hơn, nhưng ở tất cả các lĩnh vực này thì tốt hơn nhiều.
Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo: dấu hiệu chạy đua vũ trang châu Á?
Năm ngoái, Ấn Độ là nước mua vũ khí hàng đầu trên thế giới, đã mua máy bay chiến đấu hiệu suất cao của Pháp, với số hàng trị giá 20 tỷ đô la. Ấn Độ cũng đang chế tạo loại tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân, cũng như mua tàu ngầm và tàu chạy trên mặt nước. Ngân sách quân sự của Ấn gia tăng 17 % trong năm nay, lên tới 42 tỷ đô la.

“Thật là nực cười. Chúng ta đang chạy đua vũ trang vô nghĩa, bằng chi phí của những người nghèo”, ông Praful Bidwai, thuộc Liên minh Giải trừ Vũ khí Hạt nhân và Hòa Bình đã nói với báo The New York Times.

Trung Quốc cũng đang gia tăng việc mua vũ khí, gồm tăng cường hải quân, chế tạo một máy bay tàng hình thế hệ mới, và chế tạo một tên lửa đạn đạo có khả năng vô hiệu hóa tàu sân bay Mỹ đến gần bờ biển của họ. Ngân sách quân sự của Bắc Kinh gia tăng với tốc độ khoảng 12% một năm, khoảng 106,41 tỷ đô la, lớn thứ hai trên hành tinh. Tổng ngân sách dành cho an ninh quốc gia của Mỹ – không tính các cuộc chiến tranh khác mà Washington đang tham gia, hơn 800 tỷ đô la, mặc dù một số người ước tính ngân sách này nhiều hơn 1.000 tỷ đô la.

Mặc dù Trung Quốc có những bước tiến lớn trong việc xóa đói giảm nghèo, nhưng khoảng 250 triệu người Trung Quốc chính thức được coi là nghèo, và nền kinh tế nóng hổi của đất nước trước đây thì đang nguội. “Các số liệu chi tiêu và sản lượng trong tháng 4 chưa thấy hy vọng rằng nền kinh tế của Trung Quốc đang chạm đáy”, Mark Williams, trưởng kinh tế gia châu Á tại Capital Economics, nói với báo Financial Times.

Điều này cũng đúng đối với hầu hết các nước ở châu Á. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Ấn Độ đã giảm từ 9% xuống còn 6,1% trong hai năm rưỡi qua.
          Căng thẳng trong khu vực
Căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực làm gia tăng một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng. Đài Loan đang mua bốn tàu khu trục có tên lửa dẫn đường loại Perry, do Mỹ sản xuất, và Nhật Bản đã chuyển phần lớn lực lượng quân sự của họ từ các hòn đảo phía bắc sang phía nam, đối diện với Trung Quốc.

Philippines đang bỏ ra gần 1 tỉ đô la để mua máy bay và radar mới, và gần đây tiến hành tập trận chung với Hoa Kỳ. Nam Triều Tiên vừa thử nghiệm thành công một tên lửa hành trình tầm xa. Washington đang phục hồi quan hệ quân sự với Indonesia do đảo quốc này kiểm soát các đường biển chiến lược mà hầu hết việc vận chuyển thương mại và cung cấp năng lượng trong khu vực đi ngang qua đó.
Tên lửa tầm ngắn hiện đại EXTRA của Israel 
Úc cũng đang tái định hướng quốc phòng về phía đối mặt với Trung Quốc và ông Stephen Smith, Bộ trưởng Quốc phòng Úc đã kêu gọi Ấn Độ “giữ vai trò mà họ có thể và vai trò mà họ nên giữ, như một cường quốc đang trỗi dậy đối với an ninh và ổn định trong khu vực”.

Nhưng “vai trò” đó không có gì là rõ ràng, và một số người đã xem tuyên bố của ông Smith là một nỗ lực để kéo New Delhi vào một mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh. Thử nghiệm tên lửa đạn đạo hạt nhân Agni V gần đây của Ấn Độ phần lớn được xem như nhắm vào Trung Quốc.

Ấn Độ và Trung Quốc đã đánh nhau trong một cuộc chiến biên giới ngắn ngủi nhưng kinh hoàng hồi năm 1962, và Ấn Độ tuyên bố Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 15.000 dặm vuông lãnh thổ của Ấn Độ. Ngược lại, Trung Quốc, tuyên bố gần như toàn bộ 40.000 dặm vuông của bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ là của họ. Mặc dù ông Manmohan Singh, Thủ tướng Ấn Độ, nói rằng “nói chung, quan hệ của chúng tôi [với Trung Quốc] là khá tốt”, nhưng ông cũng thừa nhận “vấn đề biên giới là một vấn đề lâu dài”.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã cãi nhau ngắn ngủi hồi năm ngoái khi một tàu chiến Trung Quốc yêu cầu tàu tấn công đổ bộ của Ấn Độ Airavat nhận diện chính họ, ngay sau khi con tàu này rời khỏi cảng ở Hà Nội, Việt Nam. Không có gì xảy ra trong vụ việc này, nhưng kể từ đó, Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đã nhấn mạnh sự cần thiết về “an ninh hàng hải” và “bảo vệ bờ biển của chúng tôi, các ‘tuyến đường giao thông trên biển’, và các khu vực phát triển ngoài khơi”.

Lập trường mạnh mẽ của Trung Quốc ở biển Đông đã gây căng thẳng với Việt Nam, Đài Loan, Brunei, và Malaysia. Một sự đối đầu giữa một tàu chiến của Philippines và nhiều tàu giám sát của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough hồi tháng trước vẫn còn đang được kềm chế ở mức độ thấp.
Chiến đấu cơ đa năng tàng hình thế hệ 5 T-50 PAK FA của Nga 
Thái độ của Trung Quốc quyết đoán hơn trong khu vực phần lớn bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan năm 1995-1996, khi hai tàu sân bay Hoa Kỳ làm bẽ mặt Bắc Kinh trong vùng biển của họ. Rủi ro để có thể xảy ra chiến tranh trong cuộc khủng hoảng này thì không lớn – Trung Quốc không có khả năng xâm lược Đài Loan – nhưng chính phủ Clinton đã có cơ hội để chứng minh sức mạnh hải quân của Mỹ. Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân kể từ sự kiện đó.

Sự “chuyển hướng” của chính phủ Obama về phía châu Á, gồm việc gia tăng quân sự ở đảo Wake và đảo Guam, triển khai 2.500 lính thủy quân lục chiến ở Úc, đã gia tăng căng thẳng trong khu vực, và việc xử lý vấn đề biển Đông một cách cứng rắn của Bắc Kinh, đã mở ra cho Washington cánh cửa để bước vào tranh chấp.

Trung Quốc có cảm thấy khó chịu về vùng biển nhà của họ – người ta có thể hiểu điều đó, đưa ra lịch sử 100 năm qua – nhưng không có bằng chứng là họ bành trướng. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói hồi tháng 2, “Không có nước nào, kể cả Trung Quốc, đã tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Hoa Nam”. Bắc Kinh dường như chưa sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự. Bắc Kinh đã học được vài bài học từ cuộc xâm lược Việt Nam thảm khốc năm 1979.

Mặt khác, Bắc Kinh rất lo ngại về những nước kiểm soát vùng biển trong khu vực, một phần là vì khoảng 80% nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc đi qua điểm mấu chốt trên biển, do Hoa Kỳ và các đồng minh của họ kiểm soát.
          Cảnh báo của Eisenhower
Sự căng thẳng ở châu Á là có thật, nếu không phải nói là gay gắt và sâu xa như các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ mô tả. Trung Quốc và Ấn Độ thật sự có “vấn đề” về biên giới nhưng Trung Quốc cũng coi chính họ và New Delhi “không phải là đối thủ cạnh tranh mà là đối tác”, và thậm chí đã đề nghị làm liên minh để giữ không cho “các cường quốc bên ngoài” – được hiểu là: Hoa Kỳ và NATO – can thiệp vào khu vực.

Câu hỏi thực sự là, liệu châu Á có thể lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mà không làm gia tăng hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng và với kết quả là sự bất ổn chính trị có khả năng theo sau? “Sự bất bình đẳng ngày càng lớn sẽ đe dọa sự tăng trưởng bền vững ở châu Á. Một quốc gia bị chia rẽ và bất bình đẳng không thể là một nước thịnh vượng”, ông Rhee, kinh tế gia thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á, nói.

Hơn nửa thế kỷ trước, Tổng thống và là Tổng Tư lệnh tối cao Dwight Eisenhower đã lưu ý rằng: “Mỗi khẩu súng được chế tạo, mỗi tàu chiến được hạ thủy, mỗi tên lửa được phóng ra, đều có nghĩa là… một hành vi trộm cắp từ những người đói khổ mà không có ăn, từ những người bị lạnh mà không mặc… cuộc sống hoàn toàn không phải là như thế… đó chính là đem nhân loại lên treo trên cây thánh giá”.

Người Mỹ đã bỏ qua lời cảnh báo của tổng thống Eisenhower. Các nước châu Á sẽ làm tốt nếu chú ý.
Nguồn: FPIF/ Huffington Post
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

29.5.12

Biển Đông: Philippines sẽ mất trắng Scarborough nếu thiếu tàu lớn?

Trong trường hợp không có tàu tuần tra (Cảnh sát biển) lớn hơn, Philippines có “nguy cơ mất trắng” bãi cạn Scarborough vào tay Trung Quốc trong mùa mưa bão năm nay. “Đây là thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt. Chúng tôi không chỉ phải chống chọi với nhiều tàu tuần tra hiện đại cỡ lớn của Trung Quốc trên khu vực bãi Scarborough mà còn phải đối mặt với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên trong những tháng tới”

Tờ Philippines Star ngày 29/5 dẫn lời một quan chức an ninh giấu tên của Philippines cho hay, trong trường hợp không có tàu tuần tra (Cảnh sát biển) lớn hơn, Philippines có “nguy cơ mất trắng” bãi cạn Scarborough vào tay Trung Quốc trong mùa mưa bão năm nay.
Hình ảnh bãi cạn Scarborough nhìn từ vệ tinh (nguồn Globalsecurity)
“Đây là thách thức lớn nhất mà chúng tôi (Philippines) đang phải đối mặt. Chúng tôi không chỉ phải chống chọi với nhiều tàu tuần tra hiện đại cỡ lớn của Trung Quốc trên khu vực bãi Scarborough mà còn phải đối mặt với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên trong những tháng tới”, vị quan chức an ninh giấu tên cho biết.
Trong khi căng thẳng leo thang trên bãi cạn Scarborough từ ngày 10/4, phía Trung Quốc đã phái rất nhiều tàu thuyền ra khu vực này, đỉnh điểm lên tới 92 chiếc trong tuần trước, trong đó có 6 chiếc tàu hàng hải “công vụ” của chính phủ Trung Quốc, 17 tàu cá, còn lại là các tàu “đa chức năng”.
Lực lượng tàu Hải giám, Ngư chính Trung Quốc hoạt động trên khu vực bãi cạn Scarborough từ 10/4 trở lại đây
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Ngoại giao Philippines, số lượng tàu Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough đã giảm từ con số 92 của tuần trước còn 60 tàu vào hôm thứ 7 ngày 27/5 và còn 35 tàu tính đến thời điểm ngày 29/5.

Trong đó có 6 tàu “công vụ” (Hải giám, Ngư chính), 12 tàu đánh cá và 17 tàu “đa chức năng” vẫn đang hoạt động trên bãi cạn Scarborough.
Về phía Philippines, Manila vẫn duy trì hai tàu của chính phủ trên vùng biển bãi cạn Scarborough, trong đó có một tàu thuộc lực lượng Cảnh sát biển, một tàu thuộc Cục Thủy sản Philippines.

Tuy nhiên các quan chức Philippines đang hết sức lo ngại, nếu không có phương án dự phòng thay thế, trong mùa mưa bão sắp tới nhiều khả năng Philippines phải rút 2 chiếc tàu này về tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trong đất liền.
Tàu Cảnh sát biển Philippines BRP del Pilar đang trực ban trên khu vực bãi cạn Scarborough cùng với 1 tàu khác thuộc Cục Thủy sản nhằm canh chừng, thu thập thông tin hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền của Philippines. Mùa mưa bão sắp đến, việc duy trì hoạt động này của Philippines sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn
“Chúng tôi không muốn một kịch bản tương tự như Đá Vành Khăn (Đá Vành Khăn nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Philippines cũng tuyên bố cái gọi là chủ quyền bằng tên gọi hòn Panganiban bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép tháng 2/1995 và xây dựng các kết cấu quân sự tại đây – PV) lặp lại với bãi cạn Scarborough”, quan chức này cho biết thêm Philippines đang xem xét các giải pháp để có thể duy trì sự hiện diện của Philippines tại bãi cạn Scarborough quanh năm.
Sau khi chiếm quyền kiểm soát Scarborough, Trung Quốc sẽ cho xây dựng các cấu trúc quân sự đa lớp hoàn chỉnh với nhiều thiết bị thông tin liên lạc tiên tiến, vị quan chức này nhấn mạnh, “Đây là những gì chúng ta (Philippines) nhìn thấy sẽ xảy ra tại Scarborough nếu như tàu thuyền của chúng ta (Philippines) rời khỏi khu vực này”.
Những tàu cá Philippines phải rời ngư trường quen thuộc của họ tại đầm phá bãi cạn Scarborough do sự xua đuổi, ngăn cản (phi lý) của lực lượng Hải giám, Ngư chính Trung Quốc trong khi phía Philippines cáo buộc các tàu cá Trung Quốc đang ra sức vơ vét nguồn tài nguyên nơi đây, bất chấp cái gọi là "lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông" do chính Bắc Kinh mới ban hành
Những ngày qua, mặc dù Trung Quốc có rất nhiều tàu công vụ, tàu cá, tàu “đa chức năng” hoạt động trên khu vực bãi cạn Scarborough và chiếm ưu thế hơn tàu Philippines cả về số lượng lẫn tính chất, quy mô nhưng tàu Cảnh sát biển Philippines vẫn không rời vị trí.
Bằng những chiếc xuồng cao su cơ giới, lực lượng Cảnh sát biển Philippines vẫn liên tục giám sát tất cả các hoạt động của tàu Trung Quốc bên trong khu vực đầm phá bãi Scarborough nhằm xác định và thu thập chứng cứ về các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực này.
Philippines vẫn cắt cử lực lượng kiên trì bám trụ Scarborough, đồng thời liên tục cập nhật thông tin về những hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc tại bãi cạn này
Tuy nhiên, nếu không có giải pháp kịp thời tăng cường trang bị, tàu thuyền phù hợp, rất có thể trong mùa mưa bão sắp tới hoạt động tuần tra, thu thập các bằng chứng hoạt động của tàu Trung Quốc tại bãi Scarborough mà Philippines đang triển khai cũng sẽ phải dừng lại.
Nhìn thấy rõ điểm yếu của Philippines về thực lực lực lượng tuần tra, kiểm soát biển nên cánh “học giả diều hâu” Trung Quốc, tên gọi có phần châm chọc dư luận đặt cho La Viện và viên thiếu tướng, “học giả biển Đông” này vui vẻ đón nhận, đã liên tục đăng bài cổ súy giới chức Trung Quốc nên tiếp tục duy trì lực lượng (Hải giám, Ngư chính) trên bãi cạn Scarborough bởi về thực lực “sức bền” thì Trung Quốc có ưu thế vượt trội hơn hẳn.
Sự hiện diện của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ trên biển Đông và hỗ trợ Philippines trên bãi cạn Scarborough là cần thiết, nhưng sẽ thiết thực và hiệu quả hơn nếu giúp được Manila duy trì sự hiện diện của mình trên bãi Scarborough (hình ảnh tàu Cảnh sát biển Nhật Bản dự kiến sẽ bán cho Philippines cuối năm nay)
Trong cuộc chiến chống lại sự xâm lấn của Bắc Kinh trên bãi cạn Scarborough rõ ràng Philippines đang yếu hơn về thực lực.

Sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước khác, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản để tăng cường năng lực phòng thủ cho Manila trong bối cảnh đó có ý nghĩa rất lớn, tuy nhiên sự giúp đỡ ấy sẽ thực sự có hiệu quả cao nhất nếu giúp Philippines có thể duy trì sự hiện diện của mình trên bãi cạn Scarborough .
Hồng Thủy

26.5.12

Vì sao Trung Quốc dùng chiến lược ‘mơ hồ’ ở Biển Đông?

Trung Quốc đã tung ra những hồ sơ lịch sử để củng cố tuyên bố chủ quyền về một bãi cạn tranh chấp ở gần Philippines tại Biển Đông.

Theo các chuyên gia hàng hải, trong khi chiến dịch tuyên truyền rõ ràng thể hiện việc Bắc Kinh sẽ có quan điểm cứng rắn với Manila ở cuộc đụng độ tại bãi cạn Scarborough thì những lý lẽ pháp lý chính xác cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và phạm vi lãnh thổ bị ảnh hưởng lại vẫn không hề chắc chắn.

Giống như hầu hết các tuyên bố chủ quyền với toàn bộ vùng biển giàu tài nguyên và chiến lược quan trọng Biển Đông, Bắc Kinh vẫn còn mơ hồ về các chi tiết.
Theo tiết lộ của WikiLeaks, một chuyên gia luật hàng hải cấp cao của chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận không biết căn cứ lịch sử cho đường 9 đoạn. Ảnh: wordpress
Điều đó cho phép giới lãnh đạo Trung Quốc thể hiện trước những người dân với chủ nghĩa dân tộc đang tăng cao rằng, họ có thể bảo vệ quyền của Trung Quốc trong kiểm soát một vùng lãnh thổ đại dương.

"Sự mập mờ này phục vụ mục đích trong nước của Trung Quốc là đảm bảo tính hợp pháp của chính phủ và thỏa mãn quan điểm dân chúng”, Sun Yun, một chuyên gia đối ngoại Trung Quốc tại Washington D.C từng là nhà phân tích cho Tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế cho biết.

Điểm nóng 

Xung đột chủ quyền ở Biển Đông khiến nơi đây trở thành một trong những điểm nóng nhất, có nguy cơ châm ngòi cho xung đột tại châu Á - Thái Bình Dương.

Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông - vùng biển cung cấp khoảng 10% lượng cá đánh bắt toàn cầu và mang giá trị 5 nghìn tỉ USD trong giao dịch thương mại đường biển.

Mỹ - nước tuyên bố có lợi ích quốc gia ở Biển Đông - gần đây đã tiến hành tập trận hải quân với Philippines gần bãi cạn Scarborough. Họ tăng cường sự hiện diện trong khu vực với nỗ lực thực hiện một phần chiến lược “trục xoay” hướng về châu Á sau hơn một thập niên chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.

Đối đầu gay gắt ở bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) bắt đầu từ tháng trước, khi Bắc Kinh điều tàu hải giám ngăn chặn không cho Philipines bắt giữ các ngư dân Trung Quốc ở khu vực tranh chấp.

Cả Bắc Kinh và Manila đều tuyên bố chủ quyền với bãi cạn. Philippines nói, nó nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) - nghĩa là họ có quyền khai thác các tài nguyên tự nhiên trong khu vực này.

Hồ sơ lịch sử

Trong một phản ứng có phối hợp từ Bắc Kinh, người phát ngôn chính thức của chính phủ, các nhà ngoại giao cấp cao và báo chí đều đưa ra những viện chứng lịch sử từ các triều đại cổ xưa để đáp trả tuyên bố chủ quyền của Manila.

Họ nói, tài liệu cho thấy, các thủy thủ Trung Quốc đã phát hiện ra đảo Hoàng Nham từ 2.000 năm trước và trích dẫn hồ sơ các chuyến thăm, quyền hoạch định bản đồ cũng như cư trú của bãi cạn từ thời Tống (960-1279 SCN) cho tới thời kỳ hiện đại.

Trung Quốc còn triển khai một số tàu tuần tra bán quân sự hiện đại nhất tới bãi cạn như nỗ lực thể hiện sức mạnh trỗi dậy, cho dù vẫn đang giữ hải quân ở một khoảng cách nhất định.

Một người phát ngôn chính phủ Philippines hôm thứ tư cho hay, Trung Quốc có gần 100 tàu thuyền ở bãi cạn, gồm cả 4 tàu tuần tra chính phủ. Trước đó, Manila yêu cầu tất cả tàu thuyền Trung Quốc rời khỏi khu vực.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời rằng, chỉ có 20 tàu cá Trung Quốc tại đây - một số lượng bình thường tại thời điểm này trong năm và khẳng định họ hoạt động phù hợp với pháp luật Trung Quốc.

Đường 9 đoạn

Các chuyên gia lưu ý rằng, Bắc Kinh thường xuyên đưa ra phạm vi tuyên bố chủ quyền của họ với cái gọi là đường 9 đoạn, bao trùm khoảng 90% trong 3,5 triệu km2 Biển Đông trên các bản đồ Trung Quốc.

Ranh giới mơ hồ này lần đầu tiên được chính thức công bố trên một bản đồ của chính quyền Trung Quốc năm 1947 và được tái hiện ở những bản đồ sau đó.

Trong khi Bắc Kinh không gặp khó khăn gì khi sản xuất ra những bằng chứng lịch sử để hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền liên quan tới rất nhiều đảo, vỉa đá thì lại có rất ít tài liệu để chứng tỏ bản đồ 9 đoạn xuất phát từ đâu.

Bức điện tín ngoại giao tháng 9/2008 của Mỹ mà WikiLeaks tiết lộ cho thấy, đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh thông tin rằng, một chuyên gia luật hàng hải cấp cao của chính phủ Trung Quốc - Yin Wenqiang - đã “thừa nhận” ông không biết căn cứ lịch sử cho đường 9 đoạn.

Bãi cạn Scarborough rơi vào phạm vi đường 9 đoạn, cũng như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - hai nhóm đảo quan trọng nhất đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Luật Biển

Trung Quốc luôn khẳng định có chủ quyền với cả hai quần đảo trên nhưng vẫn chưa xác định rõ bao nhiêu phần lãnh thổ còn lại nằm trong phạm vi đường 9 đoạn mà họ đưa ra yêu sách tuyên bố chủ quyền.

Một lý do cho sự thiếu minh bạch này là, Trung Quốc đã ký vào Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Nếu Bắc Kinh xác định rõ các tuyên bố chủ quyền của mình để phù hợp với những quy định của công ước này, thì rõ ràng họ sẽ bị giảm bớt phạm vi lãnh thổ mong muốn và chính quyền sẽ đối mặt với những chỉ trích khi chủ nghĩa dân tộc dâng cao.

Ở phương diện khác, nếu Bắc Kinh tối đa hóa phạm vi các yêu sách chủ quyền bao gồm toàn bộ hay hầu hết khu vực trong đường 9 đoạn, họ sẽ gặp khó khăn khi bào chữa theo luật quốc tế và gây phản ứng với những nước láng giềng.

"Không có lựa chọn nào dẫn tới viễn cảnh hứa hẹn”, Sun nói.

Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục mơ hồ, các chuyên gia nhấn mạnh, nhất là trong bối cảnh nước này đứng trước sự chuyển giao lãnh đạo dự kiến vào cuối năm nay.

Thái An (theo Reuters)

Nhân nhượng Trung Quốc trên Biển Đông là tự sát

Đó gần như chắc chắn là lời khẳng định từ Mỹ và các quốc gia đồng minh nhằm nhắc nhở Philippines cần phải luôn kiên quyết trước những hành động gây hấn có “hệ thống” của Trung Quốc trên Biển Đông...


Không để Trung Quốc tự tung tự tác, Mỹ sẽ là hậu phương lớn của ASEAN
Tại đối thoại Mỹ - ASEAN lần thứ 25 tại Manila, Philippines không thảo luận về vấn đề tranh chấp tại bãi cạn Scarborough.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario dự định sẽ trình bày vấn đề tranh chấp ở Scarborough tại cuộc họp cao cấp của đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Bộ ngoại giao Philippines nói chủ đề lần này tại hội nghị cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc là “vai trò hòa giải của các nước thành viên”, Albert del Rosario sẽ phát biểu về các biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua con đường hòa bình, dự báo xung đột cũng như tính chất quan trọng của việc tìm kiếm các phương pháp phù hợp với tình hình thực tế.
Theo truyền thông Philippines, nước này đang nhận được sự giúp đỡ quân sự từ nhiều nước cung cấp tàu tuần tra, tìm kiếm cứu nạn, mua sắm máy bay.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines - Trung Quốc, tại Hội nghị đối thoại Mỹ - ASEAN lần này, đại diện phía Mỹ nhấn mạnh mong muốn xây dựng một bộ quy tắc hành động ở biển Đông.
Ông Joseph Yousang Yun, Phó trợ lý Giám đốc khu vực an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Quốc hội Mỹ cho rằng, đây là ý kiến mà Mỹ đề xuất với các lãnh đạo cấp cao của ASEAN, đối với tình hình căng thẳng hiện nay ở khu vực này, điều này sẽ rất có lợi.
“Chúng tôi rất mong muốn ASEAN và Trung Quốc có thể xây dựng một bộ quy tắc ứng xử. Tôi cho rằng điều này đều có lợi cho cả hai bên”. ông này nói.
Không thể nhân nhượng đối với Trung Quốc, bởi càng nhân nhượng Trung Quốc càng lấn tới... 
Vào đầu năm nay trong công du vài nước Đông Nam Á, ông McCain và Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman cũng nói tới vấn đề Biển Đông. “Đang có căng thẳng gia tăng với Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông và những vấn đề khác, nhưng chúng tôi cho rằng phương pháp tiếp cận đa phương với Trung Quốc, cũng như là việc tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và các quốc gia Asean sẽ giúp giải quyết những vấn đề này”, Thượng nghị sĩ McCain chia sẻ.    
Thượng nghị sĩ Lieberman thì cho rằng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Mỹ rõ ràng có những mối quan ngại chung về việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông. “Đây là điều không chấp nhận được đối với bất cứ quốc gia nào”, Thượng nghị sĩ Lieberman khẳng định. “Ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi là đồng minh của Philippines và nhiều quốc gia khác, vì chúng tôi không chấp nhận sự khẳng định chủ quyền của một cường quốc trên Biển Đông”.
Theo vị thượng nghị sĩ bang Connecticut, việc khẳng định chủ quyền phải thông qua biện pháp thương lượng hòa bình hoặc thông qua luật pháp quốc tế.
“Trong các cuộc thảo luận của chúng tôi với lãnh đạo các quốc gia có chung biển Đông, chúng tôi thấy họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò lãnh đạo của khối ASEAN”, ông Lieberman nói.
Nước xa khó cứu lửa gần, Philippines tự hiện đại hóa quân đội để “kháng” Trung
Có được sự ủng hộ tích cực từ Mỹ và nhiều quốc gia khác nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các quốc gia Asean chỉ trông đợi vào sức mạnh từ bên ngoài.
Thay vì trông chờ thụ động, các quốc gia có chung biển Đông cần chủ động cải tiến, từng bước hiện đại hóa quân đội trước tình hình mới.
Ý thức được điều này, hải quân Philippines đã rất tích cực nghiên cứu chế tạo khí tài phục vụ nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc song song với việc tìm kiếm nguồn bổ sung từ bên ngoài. Bằng chứng là mới đây, hải quân nước này đã giới thiệu một loại tàu tấn công đa dụng (Mpac) mới do chính quốc đảo Đông Nam Á tự chế tạo, trong dự án hiện đại hóa hệ thống phòng vệ lãnh thổ kéo dài 5 năm.
Mpac được thiết kế phục vụ việc triển khai binh sĩ nhanh chóng trong các chiến dịch đặc biệt. Tầu này được trang bị các súng máy M-60 và có thể mang theo tối đa 21 lính được vũ trang đầy đủ.
Lớp vỏ của Mpac được làm bằng nhôm hàn kín. Chiếc tàu tấn công phản lực mớn nước nhẹ này có thể hoạt động tại các vùng nước nông, đồng thời có thể tiến hành những cuộc điều động và vây ráp bất ngờ. Nó cũng có thể hỗ trợ việc đổ quân lên những bờ biển ở các điều kiện khác nhau. Vận tốc tối đa mà Mpac đạt được là 35 hải lý/giờ. Nó có thể được triển khai tại bất cứ nơi đâu ở Philippines.
Philippines hy vọng với loại tầu mới tự sản xuất trong nước sẽ góp phần cải thiện sức mạnh hải quân của quốc gia này 
Theo thiết kế Mpac có khá nhiều điểm tương đồng với loại tầu tuần duyên hạng nhẹ của Mỹ có tên sói biển Riverine CB. Cho dù không được đánh giá cao bằng “người anh em” bên Mỹ, nhưng rõ ràng loại tầu mới của Philippines có thể “tự tin” đối đầu với đội tầu hải giám, ngư chính của Trung Quốc.
Cùng ra mắt với Mpac là hai chiếc tàu chống thảm họa đa dụng (MPDR). Hai tàu này là dạng tàu đổ bộ có thể hoạt động cả trên bộ và dưới nước, với sức chứa tối đa là 20 người. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gazmin tiếp tục cam đoan rằng quân đội nước này cam kết đẩy nhanh việc mua mới các khí tài hiện đại. Đây là một phần trong dự án hiện đại hóa hệ thống phòng vệ lãnh thổ kéo dài 5 năm của quốc đảo Đông Nam Á.
Trước mắt, hải quân Philippines sẽ được trang bị khoảng 6 chiến tầu loại này để đưa ra biển Đông trực tiếp phối hợp với số tầu hiện có để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của quốc gia này.
Về lâu dài hải quân Philippines sẽ tiếp tục đặt mua một số tàu khu trực, 5 trực thăng hải quân, tiếp tục mở rộng hệ thống theo dõi bờ biển và các dự án nâng cấp năng lực bảo vệ biển đảo. Những động thái trên của Philippines chứng tỏ quốc gia này sẽ kiến quyết “kháng” Trung đến cùng.
Thái Yên (Tổng hợp/PNTD

25.5.12

Trung Quốc vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá của chính mình?


Ngày 24-5, Philippines buộc tội Trung Quốc cố tình làm căng thẳng tình hình tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông sau khi báo chí Manila đưa tin Bắc Kinh triển khai nhiều tàu tại khu vực này, bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá mới được thực thi.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ "hết sức quan ngại” trước sự tăng đột biến số lượng tàu thuyền của Trung Quốc xung quanh khung vực tranh chấp căng thẳng Scarborough Shoal/Hoàng Nham trong mấy ngày qua.
Bãi cạn Scarborough Shoal/ Hoàng Nham  - nơi tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines

Theo đó, đêm ngày 22-5, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết có khoảng 76 tàu của Trung Quốc xuất hiện trong khu vực này. Đây hầu hết là các tàu con, được triển khai từ các tàu lớn hơn để hoạt động tại các vùng nước nông, đánh bắt cá, sò và san hô. Manila cũng buộc tội Trung Quốc đã khai thác trái phép, đe dọa tới hệ sinh thái biển trong khu vực. "Đáng tiếc là những hành động này diễn ra trong lúc Trung Quốc đang nỗ lực giảm căng thẳng và cả hai bên đã có nhiều cuộc thảo luận về việc làm dịu tình hình trên Biển Đông” – Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết nhiều ngư dân Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động đánh bắt trong khu vực, bất chấp lệnh đánh bắt cá mà chính nước họ mới đưa ra ngày 16-5. Lệnh cấm có hiệu lực tới ngày 1-8, phía Philippines cũng đã đưa ra một lệnh cấm tương tự.

Hiện giới chức chịu trách nhiệm quản lý khai thác thủy sản của Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về sự việc. Trong một bài phát biểu vắn tắt, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nói có khoảng 20 tàu đánh cá của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển tranh chấp. Ông Hồng cho rằng các tàu cá này đang hoạt động trong khu vực hoàn toàn hợp lệ đối chiếu với lệnh cấm mà họ đưa ra.

Trong tuyên bố của mình, Manila đã thể hiện rằng họ hy vọng lệnh cấm đánh bắt cá mà đã đưa ra là một cách thức giải quyết căng thẳng "giữ thể diện” cho cả hai bên trong tranh chấp tại bãi cạn Scarborough.

Căng thẳng bắt đầu tăng kể từ tháng trước, sau khi một số tàu của Chính phủ Trung Quốc ngăn cản chính quyền Philippines bắt giữ các tàu cá của họ đang khai thác trái phép trong khu vực. Các tuyên bố chủ quyền ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh trong thời gian qua đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực quan ngại, trong đó có Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam.

Giới phân tích cho rằng, nếu tình hình tranh chấp trên Biển Đông càng kéo dài, sẽ càng khó cho bất kỳ bên nào chịu nhường bước và chịu mang tiếng là "nước yếu”. Đặc biệt, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông như một cường quốc, đối với cả trong nước và quốc tế... trước thời điểm chuyển giao các nhà lãnh đạo được coi là khá nhạy cảm.

Ngày 20-5, lần đầu tiên Nga lên tiếng về tình hình Biển Đông sau hơn một tháng khu vực này rơi vào căng thẳng vì tranh chấp lãnh hải giữa Philippines và Trung Quốc. "Moscow rất quan ngại về "sóng gió” gần đây ở Biển Đông. Liên bang Nga tuyên bố phản đối bất kỳ hành động can thiệp nào của các nước bên ngoài vào những cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Đây là lập trường chính thức của chúng tôi” – Đại sứ Nga tại Manila, ông Nikolay Kudashev cho biết. Theo ông Kudashev, Nga rất lưu tâm đến việc nước này cũng như Mỹ không phải là một bên trong cuộc tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh xung quanh bãi cạn Scarborough.

Đây là lần đầu tiên một quan chức Chính phủ Nga công khai nói trực tiếp về cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Ông Kudashev nhấn mạnh, Chính phủ Nga "không thờ ơ” trước tình hình hiện nay ở Biển Đông - khu vực rất gần biên giới Nga này. Cũng như Mỹ, Nga "rất lo ngại” về vấn đề tự do hàng hải. "Chúng tôi liên tục cam kết bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Chúng tôi là một phần của khu vực này. Chúng tôi tin các nước sẽ coi trọng hàng đầu việc bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực. Chúng tôi cần môi trường thương mại, giao thông an toàn. Điều đó là cho tất cả các nước như Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Singapore và tất cả mọi người” – ông Kudashev nói thêm.

Ngoài ra, ông Kudashev cũng lên tiếng ủng hộ các nước trong khu vực tìm kiếm một giải pháp hòa bình trên cơ sở đàm phán và đối thoại.

Khánh Duy (ĐĐK)

Mặt trận Biển Đông khi nào yên tĩnh?

Những khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử ít khi được dự đoán trước và dự đoán đúng. Điều này có hoàn toàn chính xác khi một động thái quân sự hay pháp lý có thể giúp các bên hạ nhiệt trong cuộc tranh chấp vốn đã tồn tại từ lâu?

Giữa lúc Trung Quốc và Philippines (PLP) đang vờn nhau tại vùng bãi đá ngầm Scarbrough, ngày 13/5 Mỹ đã điều tàu ngầm USS North Carolina, loại tàu ngầm tấn công hạng tối tân nhất vào cảng PLP. Chiếc tàu ngầm này được tuyên bố sẽ ở lại PLP đến 19/5 để tu bổ định kỳ. Theo các khẳng định từ phía Mỹ và PLP, sự hiện diện của chiếc tàu ngầm này không liên quan gì đến tranh chấp chủ quyền trên bãi cạn Scarborough giữa Bắc Kinh và Manila từ hơn tháng nay.

Họa phúc phải đâu một buổi

Gần đây, dư luận chứng kiến hàng loạt tuyên bố sắt máu của các tướng lĩnh TQ. Tướng La Viện, một chuyên gia hoạch định chính sách của Quân Giải phóng TQ coi việc PLP đối đầu với TQ như trứng chọi đá, TQ đủ sức chơi đến cùng, PLP thì ngược lại, chỉ hao tiền tốn của mà thôi. Tướng Trương Triệu Trung, Đại học Quốc phòng TQ còn đưa ra sáng kiến, dùng tàu cá chở thuốc nổ đánh chìm khu trục hạm tàng hình DDG-1000 hiện đại nhất của Mỹ.

Theo tướng Kiều Lương, Phó chủ nhiệm Ủy ban chính sách an ninh quốc gia TQ, tranh chấp trên Biển Đông là điều Bắc Kinh không thể né tránh. "Kháng nghị ngoại giao không ăn thua, dùng vũ lực lại là biện pháp cuối cùng". Tướng Kim Nhất Nam, Đại học Quốc phòng TQ cũng cảnh báo, nếu coi thái độ "kiềm chế chiến lược" của Bắc Kinh là "thời  cơ chiến lược" của Manila thì TQ cần có hành động cảnh cáo. Chỉ cần PLP "đi quá đà", thì không sưng đầu cũng mẻ trán.
Ngư dân Philippines tại bãi Scarborough Shoal. Ảnh Reuters.
Sự kiện tàu ngầm Mỹ cập neo tại vùng biển PLP lần này không phải là hiện tượng đơn nhất. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao PLP ngày 4/5 cho biết, viện trợ quân sự của Washington cho Manila trong năm 2012 sẽ lên tới 30 triệu usd, tức là tăng gấp ba lần so với các năm khác. Mỹ đồng thời cam kết sẽ cập nhật các thông tin liên quan đến vùng biển của Philippines, qua đó, giúp PLP tăng cường khả năng thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.

Việc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự đã được khẳng định trong chuyến viếng thăm Washington gần đây của Ngoại trưởng Alberto de Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin. Trong chuyến đi này, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng PLP đã hội đàm với Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta. Manila còn đề nghị Washington cung cấp tàu chiến, máy bay và hệ thống radar nhằm hiện đại hóa binh chủng hải quân PLP.

Vẫn theo đại diện Bộ Ngoại giao PLP, nguồn tài chính trong viện trợ quân sự có thể được dùng để mua các thiết bị quân sự mới hoặc bảo trì các thiết bị hiện có. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đang tìm kiếm thêm các nguồn tài chính khác để giúp đỡ PLP. Năm ngoái, PLP đã đón nhận một tàu chiến lớp Hamilton của Mỹ. Trước đó, Washington đã giao một tàu tuần tra cho Manila. Việc chuyển giao các thiết bị kỹ thuật này diễn ra vào thời điểm Mỹ đang giảm ngân sách quốc phòng.

Dư luận thế giới, nhất là các nước trong khu vực, từ lâu từng bức xúc trước việc TQ tuyên bố có chủ quyền đối với gần 80% diện tích Biển Đông, bao gồm cả lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Trong những tháng qua, PLP liên tục bày tỏ lo ngại trước thái độ hung hăng, quyết đoán của TQ, tại những vùng biển mà PLP khẳng định thuộc chủ quyền của mình và ở những nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.          

Sự ngang phân về an ninh là giải pháp?

Với những tranh chấp lãnh thổ kéo dài, ít nhất bắt đầu từ năm 1965 như đã từng diễn ra ở bãi đá ngầm Scarborough này, sự bất ngờ bùng nổ gần đây giữa TQ và PLP được các nhà phân tích dự đoán, ngoài những chuyển dịch về địa-chính trị trong khu vực, còn liên quan đến tình hình nội trị trong mỗi nước. Mặt trái của việc kích động chủ nghĩa dân tộc ở mỗi nước đã khiến cho các nhà ngoại giao lúng túng trong lựa chọn chính sách với những điều kiện hiện nay.

TQ thể hiện lập trường cứng rắn đúng vào thời điểm đang có bê bối chính trị liên quan cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Giới quan sát cũng cho rằng thông qua chủ đề biển đảo, Đảng Cộng sản TQ đang muốn chứng tỏ rằng nội bộ đảng vẫn đoàn kết và đủ sức mạnh bảo vệ lãnh thổ cho dù đang có nhiều đồn đoán trước kỳ Đại hội cuối năm nay. Các nhân vật đang nhắm những vị trí lãnh đạo cấp cao nhất cũng đang muốn chứng tỏ tinh thần dân tộc và liên hệ với phe quân đội.

Trong khi đó, PLP cũng đang cảm thấy hiện nay là thời điểm có thể tỏ thái độ cương quyết hơn đối với TQ, nhờ vào chính sách "chuyển trục sang châu Á" của chính quyền Obama, và PLP tin rằng, Mỹ sẽ hỗ trợ PLP trong trường hợp cần thiết. PLP trù liệu rằng, nếu Bắc Kinh hung hăng quá mức thì các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines sẽ xích lại gần nhau hơn, cũng như sẵn sàng hơn trong việc nâng cấp quan hệ với Mỹ để làm đối trọng.

Sự đối đầu giữa TQ và PLP trên Biển Đông cũng không diễn ra một mình. Hàng loạt các sự kiện liên đới như diễn tập quân sự chung Mỹ - PLP, giao lưu hải quân Mỹ -  Việt, tái khẳng định đồng minh quân sự Mỹ - Nhật, Mỹ điều quân đến Ốtxtrâylia, tàu sân bay đầu tiên của TQ đã nhiều lần thử ra khơi, cuộc thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của TQ... cho thấy ván bài an ninh Mỹ - Trung nói riêng và giữa các nước lớn nói chung đang đứng trước khúc quanh quan trọng.

Luật quốc tế, trong đó có cả Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) lẫn Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) đều không đươc cả TQ, Mỹ và PLP công nhận một cách chính thức. Tuy nhiên, tổng thống PLP Aquino, trong một động thái được coi là để kiềm chế căng thẳng, đã tuyên bố: "Lúc này chúng tôi không muốn làm gia tăng căng thẳng. Những gì Manila đang làm là chuẩn bị các hồ sơ và đưa vấn đề ra trước tòa án ITLOS.

Có thể PLP hy vọng, thời gian tới đây, Mỹ sẽ nhanh chóng phê chuẩn UNCLOS, từng được tranh luận lâu nay trong nội bộ nước Mỹ, nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia của Mỹ ở khu vực CÁ-TBD. Nếu điều này chưa xẩy ra thì việc PLP yêu cầu sự trợ giúp quân sự của Mỹ đối với bãi đá ngầm Scarbrough sẽ thiếu cơ sở pháp lý vững chắc. Tuy nhiên, PLP cho biết nước này sẽ đơn phương và liên tục đề xuất lên ITLOS, bất luận TQ từ chối tham dự phiên tòa.

Cuộc tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila đến nay vẫn đang dừng ở mức khẩu chiến. Dù có thêm sự "khua chiêng gõ trống" từ truyền thông, dư luận vẫn mong đợi là tình hình không xấu thêm. Biển Đông chỉ có thể yên tĩnh khi tất cả các bên chấp nhận sự thượng tôn luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và ITLOS. Ngoài ra, một sự cân bằng tương đối về an ninh, mà việc xuất hiện chiếc tàu ngầm của Mỹ có thể là biểu tượng hoặc ngẫu nhiên, chưa hẳn đã là giải pháp cuối cùng

Tác giả: HẢI ĐĂNG

23.5.12

Biển Đông: Trung Quốc kéo 100 tàu ra Scarborough, âm mưu xây sân bay, cầu cảng

Doãn Trác cho biết, ngay tới đây Trung Quốc sẽ xây dựng trạm quan sát khí tượng trên bãi Scarborough và cho rằng còn phải tăng cường cái gọi là "lực lượng chấp pháp" trên biển Đông, hoàn thiện cái gọi là "căn cứ pháp lý". Về lâu dài, Trung Quốc phải tính đến việc xây sân bay, cầu cảng trên biển Đông, đồng thời thống nhất chỉ huy và quản lý thông tin cho các "lực lượng chấp pháp".



Tàu Trung Quốc ngày càng xuất hiện dày đặc trên biển Đông, nhất là khu vực bãi cạn Scarborough (ảnh: lực lượng "chức năng" Trung Quốc tràn ra sàn tàu quan sát bãi cạn Scarborough và cảnh xua đuổi tàu thuyền Philippines
Theo thông tin mới nhất từ bộ Ngoại giao Philippines, tính đến 7 giờ sáng ngày 21/5 đã phát hiện được 5 tàu "công vụ" Trung Quốc mang các số hiệu CMS-71, CMS-84, FLEC-301, FLEC-303 và FLEC-310 đang hoạt động (trái phép) bên trong đầm phá bãi Scarborough cùng với 10 chiếc tàu cá Trung Quốc, một động thái leo thang mới của Bắc Kinh trong hơn một tháng qua.

Philippines đang đau đầu nghĩ cách đối phó với các hành động lấn lướt của Trung Quốc (ảnh: Trụ sở bộ Ngoại giao Philippines, hình minh họa)
6 tàu cá Trung Quốc khác được Philippines phát hiện đang hoạt động trên vùng biển Bajo de Masinloc thuộc Philippines. Cũng trong ngày 21/5 có 56 tàu cá Trung Quốc trang bị nhiều phương tiện hiện đại đã được phát hiện, trong đó 27 chiếc bên trong, 29 chiếc hoạt động ngoài đầm phá bãi Scarborough.
Con số tàu thuyền Trung Quốc tăng nhanh từng ngày, sang ngày thứ Ba, 22/5 đã có 16 tàu cá và 76 tàu "đa phương tiện" của Trung Quốc bị Philippines phát hiện đang hoạt động trái phép tại Scarborough.

"Thật đáng tiếc rằng những hành động trên lại xảy ra đúng thời điểm Trung Quốc đã nối lại đàm phán và hai bên đã và đang thảo luận với nhau làm thế nào để xoa dịu tình hình căng thẳng trong khu vực", bộ Ngoại giao Philippines vừa phát đi thông điệp này ngày hôm nay cho giới truyền thông địa phương.
"Những hành động gần đây của Trung Quốc là vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, cụ thể là Điều 2.4", bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ, Philippines phản đối những hành động này của Trung Quốc, Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và quyền tài phán đối với bãi cạn Scarborough và vùng  đặc quyền kinh tế của Philippines bao gồm vùng biển xung quanh Bajo de Masinloc.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez

Philippines lo ngại rằng sự gia tăng liên tục của các tàu Trung Quốc trên bãi Scarborough sẽ làm gia tăng căng thẳng.

Manila đã gửi kháng nghị chính thức đến chính phủ Trung Quốc thông qua đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh để phản đối vấn đề này ngay trong hôm thứ Hai, 21/5.

Dù đã dự báo trước về các động thái leo thang của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough ngay từ khi Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát Scarborough bằng tàu Ngư chính 310, Hải giám 75 và Hải giám 81, sau đó lại ban hành cái lệnh quái gở và phi pháp, vô hiệu "cấm đánh bắt cá" trên biển Đông, đặc biệt nhằm vào bãi Scarborough thì kiểu gì Trung Quốc cũng sẽ kéo cả dàn tàu các loại ra khu vực này, nhưng khó ai ngờ rằng tàu Trung Quốc xuất hiện nhiều và nhanh như vậy.

Doãn Trác, thiếu tướng hải quân Trung Quốc tự cho mình có quyền dùng vũ lực quân sự trên biển Đông, tỏ ra "hí hửng" với việc xây cầu tàu, sân bay (trái phép - PV) trên biển Đông
Bất ngờ hơn, Nhân dân nhật báo bản điện tử của Trung Quốc hôm nay 23/5 đăng bài xã luận của Doãn Trác, thiếu tướng hải quân - một trong 5 gương mặt "học giả" đeo lon thiếu tướng theo đuổi quan điểm hiếu chiến trên biển Đông từng được điểm mặt, đã kêu gọi: "(Trung Quốc) trên thực tế đã kiểm soát Scarborough rồi, cần tăng ngay "lực lượng chấp pháp" trên biển Đông!"
Doãn Trác cho biết, ngay tới đây Trung Quốc sẽ xây dựng trạm quan sát khí tượng trên bãi Scarborough và cho rằng còn phải tăng cường cái gọi là "lực lượng chấp pháp" trên biển Đông, hoàn thiện cái gọi là "căn cứ pháp lý". Về lâu dài, Trung Quốc phải tính đến việc xây sân bay, cầu cảng trên biển Đông, đồng thời thống nhất chỉ huy và quản lý thông tin cho các "lực lượng chấp pháp".
Hoạt động diễn tập của hạm đội Nam Hải trên biển Đông đang có dấu hiệu ngày một gia tăng về tần suất và mức độ, quy mô (hình minh họa)
Bất ngờ ở đây không chỉ là sự trùng lặp giữa hành động lấn lướt trên thực địa ở biển Đông với các luận điệu, thông tin tuyên truyền bóp méo sự thật (về chủ quyền lãnh thổ và những cái gọi là “hoạt động chấp pháp trên biển” – PV) của Trung Quốc mà còn ở mức độ trắng trợn, táo tợn trong những nước cờ tiếp theo nhằm củng cố thực lực trên vùng biển Trung Quốc vừa chiếm được quyền kiểm soát.
Về chiến lược dài hạn hơn, hôm nay tờ Quang Minh báo xuất bản tại Bắc Kinh dẫn nguồn tin “tình báo Mỹ” trích dẫn trong báo cáo Lầu Năm Góc trình Quốc hội Mỹ về tình hình quân sự Trung Quốc cho hay, hiện có 3 chiếc tàu ngầm của hải quân Trung Quốc có những “hoạt động bất thường” ở khu vực cảng Tam Á, đồng thời “trận địa phóng tên lửa” mà Bắc Kinh xây dựng trên đảo Hải Nam sẽ giúp Bắc Kinh tăng sức mạnh khống chế trên biển Đông.

Tàu ngầm hải quân Trung Quốc diễn tập trên biển (ảnh minh họa, nguồn CCTV)

Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh kiểm soát và xây dựng các cơ sở, kết cấu trên các bãi đá, đảo chìm hay rặng san hô mà họ vừa chiếm được từ nước khác là một nước cờ tất yếu theo chiến thuật lấn đến đâu, cắm chốt đến đấy.

Đây là một bài học cảnh giác cho tất cả các bên đang có tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ với Trung Quốc và các bên cần tính toán cách đối phó với sự tham lam không cùng này của Bắc Kinh.
Điều này sẽ càng gia tăng hơn nữa những khó khăn cho Philippines vẫn đang theo đuổi thiện chí giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, đồng thời cũng làm bộc lộ rõ bản chất, âm mưu thôn tính các vùng biển tranh chấp với chiến lược gặm nhấm từng mảng, tằm ăn dâu của Bắc Kinh.

Hồng Thủy (GDVN)

9.5.12

Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Philippines ?

Một phát thanh viên của truyền hình quốc gia Trung Quốc đã "sơ suất" tuyên bố Philippines là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Vụ việc xấu hổ này diễn ra trong lúc căng thẳng giữa hai nước về chủ quyền trên Biển Đông đang gia tăng.

Hòa Giai, phát thanh viên của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã đưa ra tuyên bố trên trong bản tin tối hôm thứ Hai và sau đó đoạn băng ghi lại bản tin đã được đưa lên mạng Internet.
Tại phút thứ 1:35, nữ phát thanh viên Hòa Giai đã nói nhầm như sau: “Như tất cả chúng ta đều biết Philippines là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Philippines”.

Người phát thanh viên này định nói đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

“Tất cả chúng ta đều biết rằng Philippines là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và Philippines thuộc về chủ quyền của Trung Quốc, đây là thực tế không thể tranh cãi”, nữ phát thanh viên nói trong bản tin và bản tin này sau đó đã bị rút khỏi trang web của kênh CCTV nhưng đoạn video của chương trình truyền hình này vẫn được đưa lên tại một số trang web trên mạng.

Người xem đã bàn tán, đùa cợt về vụ việc và cho rằng tinh thần dân tộc của cô phát thanh viên đã khiến cô mắc sai lầm đó nhưng cũng có không ít khán giả Trung Quốc tranh thủ "té nước theo mưa" và đưa ra những lời bình luận sặc mùi hiếu chiến.

“Cô phát thanh viên này thật đáng tuyên dương, một người rất yêu nước, cô ấy đã tuyên bố với cả thế giới rằng Philippines thuộc về Trung Quốc”, một tiểu blogger có tên helenjhuang bình luận.

“Chúng ta nên tấn công trực tiếp, đóng gói đồ đạc của ngài Aquino (Tổng thống Philippines) và lấy lại lãnh thổ không thể tách rời của chúng ta”, một người khác bình luận.

Xem clip tại đây:


Một tiểu blogger khác có biệt hiệu kongdehua thì nói “Về cơ bản Philippines đã gây ra những rắc rối hết sức vô lý, nếu họ muốn một cuộc chiến tranh thì chúng ta sẽ chiến đấu, chẳng ai sợ họ cả”.

“Nếu mỗi người Trung Quốc chỉ cần nhỏ một bãi nước bọt, thì chúng ta sẽ nhấn chìm (Philippines)”, một bình luận khác xuất hiện.

Các quan chức của đài CCTV đã từ chối bình luận về sai sót của cô Hòa và cũng không cho biết liệu đài này đã đưa ra lời xin lỗi hay chưa.

Khi nhận xét về các tranh chấp chủ quyền và các phong trào ly khai ở Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và các vùng biển quanh nước này, các nhà ngoại giao và truyền thông Trung Quốc vẫn thường gọi những vùng này là “phần không thể tranh cãi của chủ quyền và lãnh thổ Trung Quốc”.

Hôm thứ Hai, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Huỳnh tuyên bố Bắc Kinh đã sẵn sàng cho “bất kỳ sự leo thang nào” trong tranh chấp lãnh hải với Philippines khi căng thẳng giữa hai nước về bãi cạn Scarborough chưa có dấu hiệu suy giảm.

Lê Dung

Thật là trò hề, không biết mai mốt Truyền hình Trung Quốc có tuyên bố Hoa Kỳ, Châu Âu...là lãnh thổ thuộc Trung Quốc ?

http://infonet.vn/the-gioi/truyen-hinh-trung-quoc-gop-philippines-vao-lanh-tho-cua-minh/a20982.html

30.4.12

Trung Quốc, Philippines: Lưỡng bại câu thương

Philippines khẳng định nếu xung đột với Trung Quốc xảy ra, hai bên sẽ cùng chịu tổn thất

Hôm qua (29/4), Tổng thống Philippines đã bác bỏ cảnh báo gần đây của giới chức Trung Quốc về một hành động quyết định đối với Philippines nhằm củng cố chủ quyền với bãi đá Scarborough (phía Trung Quốc gọi là Hoàng Nham).

Scarborough / Hoàng Nham là một bãi đá cạn hình móng ngựa không có người sinh sống và cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây. Cả Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền đối với bãi đá này.
Bãi đá Scarborough / Hoàng Nham. (Ảnh vệ tinh: NASA)

"Chúng tôi cho rằng, vào lúc này, họ sẽ không can dự bất kỳ hành động quân sự nào", Tổng thống Benigno Aquino cho hay. Theo ông, cả Philippines và Trung Quốc đều bị thiệt hại nếu xung đột vũ trang xảy ra trong vụ tranh chấp này.

Ông cho biết đã lệnh cho quân đội không được làm vấn đề nghiêm trọng hơn. Tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc bắt đầu từ 10/4 khi tàu Trung Quốc cản tàu Philippines bắt ngư dân Trung Quốc bị Philippines tố cáo đánh bắt trộm.

Cũng hôm qua, Trung Quốc bác đề xuất của Philippines về đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế. Vụ trưởng biên giới và hải dương Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu một nhà ngoại giao Philippines để trao kháng nghị về động thái của Philippines.

Trước đó, hôm 28/4, Philippines đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc đang chơi trò "bắt nạt" trên Biển Đông, sau khi một chiếc tàu cỡ lớn của Trung Quốc quấy rối hai tàu cỡ nhỏ của Philippines gần khu vực bãi đá tranh chấp Scarborough.

"Không ai bị thương nhưng những hành động như thế này của tàu Trung Quốc đã cho thấy mối đe dọa đối với các tàu của Philippines", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez nói trong thông báo đưa ra hôm 28/4.

VNN