Trang

25.5.12

Trung Quốc vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá của chính mình?


Ngày 24-5, Philippines buộc tội Trung Quốc cố tình làm căng thẳng tình hình tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông sau khi báo chí Manila đưa tin Bắc Kinh triển khai nhiều tàu tại khu vực này, bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá mới được thực thi.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ "hết sức quan ngại” trước sự tăng đột biến số lượng tàu thuyền của Trung Quốc xung quanh khung vực tranh chấp căng thẳng Scarborough Shoal/Hoàng Nham trong mấy ngày qua.
Bãi cạn Scarborough Shoal/ Hoàng Nham  - nơi tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines

Theo đó, đêm ngày 22-5, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết có khoảng 76 tàu của Trung Quốc xuất hiện trong khu vực này. Đây hầu hết là các tàu con, được triển khai từ các tàu lớn hơn để hoạt động tại các vùng nước nông, đánh bắt cá, sò và san hô. Manila cũng buộc tội Trung Quốc đã khai thác trái phép, đe dọa tới hệ sinh thái biển trong khu vực. "Đáng tiếc là những hành động này diễn ra trong lúc Trung Quốc đang nỗ lực giảm căng thẳng và cả hai bên đã có nhiều cuộc thảo luận về việc làm dịu tình hình trên Biển Đông” – Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết nhiều ngư dân Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động đánh bắt trong khu vực, bất chấp lệnh đánh bắt cá mà chính nước họ mới đưa ra ngày 16-5. Lệnh cấm có hiệu lực tới ngày 1-8, phía Philippines cũng đã đưa ra một lệnh cấm tương tự.

Hiện giới chức chịu trách nhiệm quản lý khai thác thủy sản của Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về sự việc. Trong một bài phát biểu vắn tắt, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nói có khoảng 20 tàu đánh cá của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển tranh chấp. Ông Hồng cho rằng các tàu cá này đang hoạt động trong khu vực hoàn toàn hợp lệ đối chiếu với lệnh cấm mà họ đưa ra.

Trong tuyên bố của mình, Manila đã thể hiện rằng họ hy vọng lệnh cấm đánh bắt cá mà đã đưa ra là một cách thức giải quyết căng thẳng "giữ thể diện” cho cả hai bên trong tranh chấp tại bãi cạn Scarborough.

Căng thẳng bắt đầu tăng kể từ tháng trước, sau khi một số tàu của Chính phủ Trung Quốc ngăn cản chính quyền Philippines bắt giữ các tàu cá của họ đang khai thác trái phép trong khu vực. Các tuyên bố chủ quyền ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh trong thời gian qua đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực quan ngại, trong đó có Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam.

Giới phân tích cho rằng, nếu tình hình tranh chấp trên Biển Đông càng kéo dài, sẽ càng khó cho bất kỳ bên nào chịu nhường bước và chịu mang tiếng là "nước yếu”. Đặc biệt, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông như một cường quốc, đối với cả trong nước và quốc tế... trước thời điểm chuyển giao các nhà lãnh đạo được coi là khá nhạy cảm.

Ngày 20-5, lần đầu tiên Nga lên tiếng về tình hình Biển Đông sau hơn một tháng khu vực này rơi vào căng thẳng vì tranh chấp lãnh hải giữa Philippines và Trung Quốc. "Moscow rất quan ngại về "sóng gió” gần đây ở Biển Đông. Liên bang Nga tuyên bố phản đối bất kỳ hành động can thiệp nào của các nước bên ngoài vào những cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Đây là lập trường chính thức của chúng tôi” – Đại sứ Nga tại Manila, ông Nikolay Kudashev cho biết. Theo ông Kudashev, Nga rất lưu tâm đến việc nước này cũng như Mỹ không phải là một bên trong cuộc tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh xung quanh bãi cạn Scarborough.

Đây là lần đầu tiên một quan chức Chính phủ Nga công khai nói trực tiếp về cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Ông Kudashev nhấn mạnh, Chính phủ Nga "không thờ ơ” trước tình hình hiện nay ở Biển Đông - khu vực rất gần biên giới Nga này. Cũng như Mỹ, Nga "rất lo ngại” về vấn đề tự do hàng hải. "Chúng tôi liên tục cam kết bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Chúng tôi là một phần của khu vực này. Chúng tôi tin các nước sẽ coi trọng hàng đầu việc bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực. Chúng tôi cần môi trường thương mại, giao thông an toàn. Điều đó là cho tất cả các nước như Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Singapore và tất cả mọi người” – ông Kudashev nói thêm.

Ngoài ra, ông Kudashev cũng lên tiếng ủng hộ các nước trong khu vực tìm kiếm một giải pháp hòa bình trên cơ sở đàm phán và đối thoại.

Khánh Duy (ĐĐK)

0 comments:

Đăng nhận xét