Ông Trần Xuân Giá - người thích đổi mới
Là người có thời gian công tác cùng thời khi ông Trần Xuân Giá còn làm Bộ trưởng, khi nói về vị cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB vừa bị khởi tố, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận cho biết:
“Dưới góc nhìn của tôi thì ông Trần Xuân Giá là một trong những thành viên của Chính phủ tích cực ủng hộ đổi mới và thích sáng tạo. Ông ấy cũng là người đã nói là làm”.
Ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Nói về sự đổi mới sau những cố gắng của ông Trần Xuân Giá khi còn tại vị Bộ trưởng, ông Trần Quốc Thuận nói: “Tôi đánh giá rất cao những người tích cực ủng hộ đổi mới trong đó có ông Trần Xuân Giá.
Hiện nay ở nước mình, sự đổi mới cũng chưa phải là hoàn toàn vì đến nay mình vẫn phải đang yêu cầu thế giới công nhận kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường. Tôi ủng hộ phương hướng đổi mới một cách triệt để, toàn bộ về kinh tế”.
Khi được hỏi về hành vi của ông Giá ra chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền Ngân hàng ACB gửi vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng như trong Quyết định khởi tố đã nêu, ông Thuận cho biết: “Nói về dấu hiệu pháp lý thì không phải tội làm trái quy định của nhà nước”.
Ông Thuận cũng cho biết ông không hề bất ngờ trước thông tin ông Trần Xuân Giá – người từng giữ cương vị Bộ trưởng, cựu chủ tịch HĐQT của Ngân hàng ACB bị khởi tố. Vì theo ông Thuận, ngay sau khi Bầu Kiên bị bắt, ông đã nghĩ ngay đến vấn đề này rồi. “Thực ra người có thực quyền ký quyết định ủy quyền đó là ông Lý Xuân Hải nhưng mà ông Trần Xuân Giá là Chủ tịch HĐQT cho nên tất cả mọi việc ông ấy phải biết, phải chịu trách nhiệm”, ông Thuận nói.
Những ý kiến trái chiều về việc quan chức sau khi nghỉ hưu làm cho các DN và Ngân hàng
Thời gian gần đây và nhất là trong khoảng thời gian ông Trần Xuân Giá vừa bị khởi tố, có nhiều ý kiến cho rằng: các cán bộ cấp cao của Nhà nước và Chính phủ sau khi về hưu thì không nên tham gia vào các tập đoàn kinh tế, ngân hàng nữa.
Tuy nhiên, ông Thuận lại cho rằng: “Cũng không nên nói thế bởi theo tôi, những người từng giữ cương vị quản lý cấp cao của Nhà nước và Chính phủ có chất xám, trí tuệ, hãy để họ phát huy. Ở các nước tư bản, quan chức nước họ sau khi đã về hưu thì chuyển sang làm ở những vị trí khác nhau ở các tổ chức kinh tế - xã hội khác. Ví dụ như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara sau khi về hưu đã qua làm Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới là điều bình thường…
Việc này chỉ bị cấm khi quan chức đó lợi dụng những kiến thức của mình, lợi dụng “kẽ hở” trong nhà nước để làm lợi cho các tập đoàn, tạo sự bất công bằng giữa các doanh nghiệp. Còn nếu không vi phạm pháp luật thì không có lý do gì không cho người ta làm”.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (Ảnh: Tuấn Nam)
Về vấn đề quan chức sau khi nghỉ hưu có nên làm việc cho các doanh nghiệp, ngân hàng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong buổi họp báo chiều 27/9 đã cho biết: “Với tư cách cá nhân, theo tôi Bộ trưởng hay ai thì trước nhất cũng là một công dân. Tôi cũng đã nghe nhiều nhà báo nói.
Tôi nghĩ các nước khác, điều đó rất nhẹ nhàng: ngày nay làm quan chức nhưng ngày mai không làm quan chức nữa thì tiếp tục làm những việc có ích cho xã hội. Còn làm việc nào thì tùy vào sở trưởng, sở thích và dù làm việc gì thì cũng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật vì pháp luật phải được thượng tôn và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.
Với những suy nghĩ khác, trao đổi với chúng tôi, ông Thang Văn Phúc – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại cho biết: “Đối với cán bộ, công chức đã làm ở những vị trí nhất định thì có quy định của Chính phủ về những việc công chức không được làm và kể cả sau khi đã về hưu”.
Khi được hỏi về “bảo bối” của ông Trần Xuân Giá “là cái mà pháp luật không có quy định, không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm”, ông Phúc cho biết đó là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Theo ông Phúc, ông Trần Xuân Giá là người có đầu óc và là người dám nói dám làm…
0 comments:
Đăng nhận xét