Trang

4.10.12

Trầm Bê: 'Sừng mất là từ thú nhồi bông'


Hiệp hội bảo tồn Ðộng Vật Hoang dã (WCS) yêu cầu công an Việt Nam xác nhận tính hợp pháp của chiếc sừng tê “bị trộm” từ nhà ông Trầm Bê, một trong những người giàu nhất Việt Nam.

Trong khi đó, ông Trầm Bê, trả lời BBC hôm 4/10, xác nhận có vụ mất trộm ở nhà ông nhưng bác bỏ nghi ngờ ông sở hữu sừng tê bất hợp pháp.

Công văn của WCS, một tổ chức phi chính phủ, gửi Công an huyện Trà Cú, Tỉnh Trà Vinh đề ngày 03/10/2012 nhắc nhở nhà chức trách về nghĩa vụ đấu tranh chống các hành vi vi phạm liên quan tới động vật hoang dã.

“Thông qua Bấm báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/10/2012, chúng tôi được biết công an huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đang truy tìm kẻ trộm sừng tê giác tại khu đất gia đình của ông Trầm Bê ở Xã Hàn Giang”, WCS viết.

'Tính hợp pháp'

Bài báo ra ngày 02/10 đưa tin “Tối 27-9, người thân của ông Trầm Bê phát hiện sừng tê giác được cất giữ nơi thờ cúng gia tộc trọng lượng gần 4 kg (trị giá hơn 4 tỷ đồng, khoảng 190 ngàn đôla) đã bị mất”.

"Chúng tôi [WCS] cho rằng, chiếc sừng tê giác mà công an đang truy tìm có khả năng lớn là bất hợp pháp"

TS Scott Robertson, Giám đốc Chương trình WCS

“Các thông tin từ bài báo không thể phản ánh toàn bộ vụ việc, do vậy WCS mong được Quý cơ quan xác nhận về tính hợp pháp của chiếc sừng tê giác trong vụ truy tìm này” WCS nói thêm trong công văn.

Giám đốc Chương trình WCS, Tiến sỹ Scott Robertson, cho biết qua cuộc trao đổi của cơ quan này với giới chức phía Việt Nam thì “Ông Trầm Bê không nằm trong danh sách những người nhập khẩu hợp pháp sừng tê giác vào Việt Nam”.

“Ông này cũng không có tên trong danh sách những người xuất khẩu sừng tê giác hợp pháp như là mẫu vật săn bắn từ Nam Phi”.

“Vì vậy chúng tôi cho rằng, chiếc sừng tê giác được đề cập đến trong bài báo trên mà công an đang truy tìm có khả năng lớn là bất hợp pháp” WCS nhận định.

Ông Trầm Bê được xem là một trong các doanh nhân giàu có hàng đầu tại Việt Nam.

Ông từng là phó Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Phương Nam trước khi trở thành phó Chủ tịch của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank).

'Thú nhồi bông'

Nói chuyện với BBC chiều 4/10, ông Trầm Bê bày tỏ bức xúc về những thông tin đang đăng tải trên báo chí trong nước.

"Họ đăng mà không phỏng vấn tôi, sừng thật hay giả cũng không hỏi, họ tự đăng, tự phăng," ông Trầm Bê nói.

"Nào là nói bất hợp pháp, sừng bốn ký, không biết ai chứng minh chuyện này. Họ nói lung tung, tôi hơi buồn."

"Đến tôi còn không biết sừng đó thế nào thì làm sao nhà báo biết sừng đó là 4 kg"

Ông nói thêm: "Hãy chờ hai ba ngày nữa, để tôi làm cho rõ những kẻ ăn cắp là ai."

Vị tỷ phú này xác nhận chính ông "ra lệnh" cho cấp dưới đi báo công an về vụ mất cắp.

"Họ đăng mà không phỏng vấn tôi, sừng thật hay giả cũng không hỏi, họ tự đăng, tự phăng."
Ông Trầm Bê

"Họ đăng báo, tưởng tôi lấy nó đi thờ mồ mả gì đó tùm lum. Nếu tôi mua đồ lậu, chẳng lẽ lại còn đi báo công an?"

"Tôi đã mời công an tới làm việc thì sừng đó phải là hợp pháp, chứ không hợp pháp thì mời công an vô làm gì", ông Trầm Bê cho hay.

Theo giải thích của ông Trầm Bê, "đấy là một con [tê giác] nhồi bông, có sừng chứ không phải là cái sừng rời."

Tuy nhiên ông không bình luận đây là sừng tê giác thật hay giả, và nói "sừng đó thiệt hay giả thì tôi không giám kết luận".

Vào tháng Bảy năm nay, Việt Nam bị Quỹ Động vật Hoang dã (WWF) đánh giá liệt vào danh sách “điểm đến mạnh nhất của sừng tê”, thúc đẩy nạn săn bắn trái phép ở Nam Phi.

Phúc trình của WWF đặt Việt Nam vào số 23 nước “là điểm trung chuyển và điểm đến hàng đầu của tệ nạn buôn lậu các sản phẩm từ voi, tê giác và hổ”.

Trong số các nước bị nêu danh, Việt Nam là quốc gia “thất bại trong các mặt cơ bản về tuân thủ và áp dụng quy định” nhằm ngăn nạn buôn sừng tê và các phần của hổ.

Chỉ trong năm ngoái, theo WWF, có 448 con tê giác bị giết trái phép tại châu Phi để lấy sừng.

- BBC

0 comments:

Đăng nhận xét