Trang

15.3.12

Nghị quyết của Bộ Chính trị: Xây dựng nền hành chính vì dân


Công tác cải cách hành chính của Thủ đô Hà Nội vẫn chưa đạt yêu cầu. Đó là một trong những hạn chế được chỉ ra trong báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) giai đoạn 2001-2010. 

Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 đã chỉ ra rằng, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC mới góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của TP. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm để Hà Nội thể hiện sức vươn của mình trong việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, vì dân.

Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND phường Kim Mã. Ảnh: Bảo Lâm
Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ

Một trong những tồn tại hiện nay của Hà Nội trong vấn đề CCHC là nhận thức và trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) không đồng đều. Tính đến năm 2010, trong số 2.152 CBCC làm việc tại bộ phận "một cửa" chỉ có 664 chuyên trách, nhưng có đến 1.488 kiêm nhiệm. Theo Quyết định 84/2009/ QĐ-UBND của UBND TP về việc "Ban hành quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội", chỉ có bộ phận "một cửa" của UBND cấp xã mới sử dụng cán bộ hợp đồng và cán bộ chuyên môn làm kiêm nhiệm, còn "một cửa" cấp huyện và cấp sở phải sử dụng công chức chuyên trách; song trên thực tế tại UBND cấp huyện và cấp sở còn bố trí nhiều hợp đồng lao động (cấp huyện là 29%, cấp sở là 19,4%) và CBCC làm kiêm nhiệm (cấp huyện là 19,5%, cấp sở là 26,1%). Việc UBND cấp xã còn sử dụng nhiều cán bộ hợp đồng và công chức làm kiêm nhiệm với tỷ lệ 69,1% tổng số CBCC tại "một cửa" cũng là vấn đề không thể để kéo dài. Đặc biệt, sự chênh lệch giữa cường độ làm việc của cán bộ bộ phận "một cửa" ở một số UBND cấp xã, cấp huyện và cấp sở so với một bộ phận cùng cấp là rất lớn. Những tồn tại trên có nguyên nhân cả từ phía khách quan (cơ chế bố trí sử dụng cán bộ, tính phức tạp của hồ sơ...) còn có nguyên nhân từ phía năng lực và hiệu quả làm việc của CBCC. Một số đơn vị chất lượng hồ sơ tiếp nhận không cao, do vậy cũng làm khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết của các cơ quan chuyên môn, hồ sơ phải chuyển lại bộ phận “một cửa” để yêu cầu tổ chức, công dân bổ sung, hoàn thiện lại hồ sơ theo đúng quy định. Tình hình dễ tạo kẽ hở cho các hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong quá trình giải quyết. Phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, còn biểu hiện sách nhiễu, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là những việc khó, phức tạp, nổi cộm. Bên cạnh đó, các vấn đề về nâng cấp trụ sở làm việc; đầu tư công nghệ thông tin (CNTT); việc tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" ở các lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, GPMB, lao động, thương binh và xã hội… chưa trôi chảy.

Nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm trong công tác CCHC thời gian qua, TP Hà Nội thừa nhận điều đó đã phần nào ảnh hưởng đến việc phát huy nguồn lực của TP để phát triển KT-XH, tạo ra những khó khăn, bức xúc đối với công dân, tổ chức, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan công quyền. Vì thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV xác định, đẩy mạnh CCHC là một trong hai khâu đột phá. Thành ủy Hà Nội đã xây dựng chương trình "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCCVC giai đoạn 2011-2015". Theo đó, TP sẽ duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa" tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, từ TP tới cơ sở; 100% TTHC có liên quan đến tổ chức và cá nhân được thực hiện thông qua cơ chế "một cửa, một cửa liên thông"; đào tạo 1.000 công chức nguồn cho cơ sở; 100% CBCCVC đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo vị trí chức danh; 100% các sở, ban, ngành, các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện áp dụng hệ thống ISO trong quản lý hành chính nhà nước theo mô hình, quy trình thống nhất; cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 (tải được các mẫu đơn, hồ sơ) và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 (điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ); hoàn thành kế hoạch đầu tư, nâng cấp trụ sở cấp huyện, cấp xã…

Nâng cao đạo đức công vụ

Có thể thấy, nguyên nhân của những hạn chế trong công tác CCHC thời gian qua là do vai trò quản lý, điều hành còn lỏng lẻo của lãnh đạo một số đơn vị. Thực tế đã chứng minh, ở cơ quan, đơn vị nào người đứng đầu có chuyên môn vững, thực sự có quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt thì ở nơi ấy kết quả của công tác CCHC rõ nét, có hiệu quả thiết thực và ngược lại. Đã qua một chặng đường dài cùng cả nước thực hiện công tác CCHC và TP Hà Nội lại luôn xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, cải cách TTHC và công tác cán bộ là khâu đột phá nên đến giờ không thể để tình trạng "quan tâm chưa đúng mức về CCHC" tồn tại trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Trong giai đoạn tới, Hà Nội xác định làm tốt hơn nữa việc phân công nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và đưa CCHC là một trong những nội dung để đánh giá, bình xét thi đua. Bên cạnh đó, TP sẽ tăng cường tập huấn, kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị. Riêng việc kiểm tra đột xuất, năm 2012, TP sẽ đổi mới bằng cách sẽ kiểm tra một vài đơn vị xã, phường trong một quận, huyện rồi mời những người trực tiếp làm công tác CCHC của các đơn vị thuộc quận, huyện đó cùng họp để rút kinh nghiệm chung. Cách làm này sẽ nhằm tạo sự chuyển biến nhanh hơn, phù hợp với các đơn vị trên cùng một địa bàn. TP kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các trường hợp sai phạm. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về những vi phạm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của CBCC thuộc phạm vi quản lý. Theo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCCVC giai đoạn 2011-2015", TP sẽ chú trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện CCHC và trách nhiệm, thái độ phục vụ của từng CBCC thực hiện nhiệm vụ liên quan đến TTHC.

Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục triển khai Nghị định 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát TTHC. Trong đó có nội dung tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính của UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Theo đó, Văn phòng UBND TP là đầu mối tiếp nhận; địa chỉ tiếp nhận là Phòng Kiểm soát TTHC (trực thuộc Văn phòng UBND TP). Với địa chỉ này, tổ chức, công dân có thể phản ánh, kiến nghị những vướng mắc trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của CBCC VC; sự không phù hợp của quy định hành chính với thực tế, quy định không hợp pháp và tất cả những vấn đề liên quan đến quy định hành chính. Có 3 hình thức để tổ chức, công dân phản ánh, kiến nghị là: văn bản, điện thoại và phiếu lấy ý kiến. Trên cơ sở kết quả đánh giá, phân loại phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, lãnh đạo UBND TP có trách nhiệm ký văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định. Đối với nội dung phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan hành chính nhà nước, trong vòng không quá 15 ngày, cá nhân, tổ chức sẽ nhận được văn bản thông báo về kết quả xử lý, kết quả này cũng sẽ được báo cáo với Chủ tịch UBND TP.

Với quyết tâm cao cùng với mục tiêu và lộ trình cụ thể, TP Hà Nội đã sẵn sàng tâm thế cho công cuộc xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, vì dân, xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia.

Hiền Chi

0 comments:

Đăng nhận xét