Trang

21.3.12

Vụ án Hủy hoại tài sản gia đình ông Đoàn Văn Vươn: Phải có bị can chịu trách nhiệm

Thực tế nhiều vụ án được khởi tố rồi lại “chìm xuồng”, thậm chí có vụ án cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can nhưng bị can không bị đình chỉ sinh hoạt Đảng rồi lại leo lên chức vụ cao hơn nữa. Chính vì vậy, dư luận không khỏi băn khoăn khi cho tới nay vẫn chưa thấy bị can nào phải chịu trách nhiệm trong vụ án “Hủy hoại tài sản” của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng… Tiến sỹ luật Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân - Hà Nội, lý giải những vấn đề trên thế nào?

Luật sư Trần Đình Triển
Trong vụ việc ở Tiên Lãng, Cơ quan điều tra đã khởi tố hai vụ án: “Giết người – chống người thi hành công vụ” và “Hủy hoại tài sản”. Tuy nhiên, cho tới nay vụ án “Hủy hoại tài sản” vẫn chưa có quyết định khởi tố bị can, việc này có vi phạm gì về tố tụng không, thưa ông?

Đối với án truy xét người ta khởi tố vụ án và có thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo tố tụng. Ví dụ: Vụ án rải truyền đơn, vụ án cháy nổ xe máy ở Bắc Ninh… không biết rõ bị can thì người ta ra án truy xét tìm tung tích thủ phạm rồi mới khởi tố bị can. Thời hạn của án truy xét không thể xác định là bao nhiêu để khởi tố bị can cả. Nhưng trong trường hợp vụ ván Hủy hoại tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn thì khác, đây là vụ án mang tính chất phạm pháp quả tang. Hành vi đưa cả máy ủi vào phá nhà của ông Vươn đã rất rõ, việc tìm ra thủ phạm không hề khó nên có thể khẳng định đây không phải là án truy xét. Người ta cũng đã chứng minh được ai là người đưa xe ủi đến phá nhà ông Vươn, ai là người ra lệnh. Vậy tại sao hơn hai tháng qua cơ quan tố tụng vẫn không khởi tố bị can mà chỉ khởi tố vụ án và để câu lưu lại.

Sai thì phải bồi thường. Để làm được việc đó phải thành lập Hội đồng định giá để xác định lại tài sản của bị hại là bao nhiêu. Thậm chí, cho tới nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có một động thái nào để định giá thiệt hại về tài sản của gia đình ông Vươn như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Theo ông, vụ án “Hủy hoại tài sản” của gia đình ông Vươn hiện còn vướng mắc ở đâu?

Người đưa xe ủi đến đập nhà ông Vươn đã xác định. Nhưng ông này chỉ nói rằng là được thuê bởi cơ quan có thẩm quyền của xã, của huyện. Phía chính quyền thì trả lời “nhân dân bức xúc tự phá” tức là muốn người trực tiếp phá nhà ông Vươn nhận “lỗi”. Dư luận cho rằng cơ quan tố tụng chưa thể khởi tố bị can vì đang “mắc" ở trong mối quan hệ này. Nếu người lái máy ủi được thuê bởi cơ quan có thẩm quyền thì ông ta không có tội gì cả. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có bị can nào chịu trách nhiệm.


Ai ra lệnh đập phá, san phẳng nhà ông Vươn?
Nhiều trường hợp khởi tố vụ án rồi “chìm xuồng”. Trong trường hợp hành vi vi phạm pháp luật khá rõ ràng mà không có bị can nào phải chịu trách nhiệm thì tức là có dấu hiệu để lọt người lọt tội?


Đương nhiên, đã khởi tố vụ án thì phải có bị can. Nếu vụ án mà không có bị can thì cơ quan tố tụng phải ra quyết định đình chỉ vụ án. Trong vụ án hủy hoại tài sản nhà ông Vươn, chắc chắn phải có bị can chịu trách nhiệm bởi vào thời điểm cưỡng chế, chính quyền còn huy động cả lực lượng vũ trang mà nói không có bị can thì không ai nghe được.

Báo NNVN từng phản ánh trường hợp ông Nguyễn Văn Lương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh An, hiện là Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Chương, tỉnh Nghệ An bị cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can về những sai phạm trong quản lí sử dụng đất tuy nhiên trong quá trình điều tra ông Lương không bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, không bị đình chỉ chức vụ. Ở đây, việc cơ quan điều tra khởi tố bị can mà đối tượng vẫn là đảng viên có điều gì bất thường?

Nguyên tắc của Đảng là không thể bắt tạm giam hay khởi tố đảng viên được, quy định này của Ban Tổ chức TƯ đã được quán triệt đối với các cơ quan tố tụng. Trường hợp một đảng viên bị khởi tố thì cơ quan điều tra phải có văn bản cho cơ quan Đảng có thẩm quyền quản lí đảng viên đó ra quyết định tạm đình chỉ sinh hoạt. Khi đó mới được áp dụng các biện pháp tố tụng. Nếu không làm được việc đó là vi phạm nguyên tắc của Đảng về quản lí đảng viên. Trường hợp để đảm bảo công tác bí mật của cơ quan điều tra có thể bắt khẩn cấp nhưng sau khi bắt rồi phải kịp thời có văn bản cho cơ quan quản lí đảng viên ra văn bản tạm đình chỉ sinh hoạt.

Trong quá trình điều tra xét xử nếu họ không có tội, không có vi phạm thì lại kiến nghị với cơ quan quản lí đảng viên đó bố trí sinh hoạt lại. Nếu trường hợp bị truy tố, chịu án thì phải gửi bản án có hiệu lực pháp luật cho cơ quan quản lí đảng viên tùy theo từng mức độ để xử lí. Với lỗi không cố ý thì kỉ luật. Nếu là lỗi cố ý thì cơ quan Đảng sẽ khai trừ ra khỏi Đảng.

Xin cảm ơn ông!

 KIÊN CƯỜNG  (Báo Nông Nghiệp)

0 comments:

Đăng nhận xét