Trang

26.3.12

Bài học làm giàu từ Nông dân Kiên Giang

Một bài học cho nông dân cả nước học tập làm giàu trên chính quê hương mình trong thời đại mới. Báo Vì Dân xin gửi đến bạn đọc câu chuyện làm giàu rất hay và hữu ích:

Từ giữa tháng 3-2012, cánh đồng xã Nam Thái Sơn (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) vào cao điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân. Máy gặt đập liên hợp, máy cày, xe kéo lúa hoạt động rôm rả khắp nơi...

“Vụ này cầm chắc 50 giạ/công (1.000m), khá nhất từ trước tới giờ” - nông dân Trần Văn Dung, ngụ ấp Hòa Thuận, khoe. Lấy vợ năm 22 tuổi, Dung được bố mẹ chia cho 20 công ruộng làm vốn. Mấy năm đầu tắt mặt tối, kinh tế gia đình anh vẫn chưa có gì chuyển biến do diện tích đất canh tác không nhiều. Cuộc sống bắt đầu thay đổi khi anh mạnh dạn dành ra 8 triệu đồng - một số tiền không nhỏ vào thời điểm cách đây gần 20 năm - mua thửa đất hơn 40 công ở gần nhà.

Thu hoạch lúa ở ấp Sơn Hòa, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang - Ảnh: Tấn Đức

Giảm chi phí

Đây là đất nhiễm phèn nặng, hầu như chỉ cỏ năn và cây tràm sống nổi. Ngày qua ngày, với lòng kiên trì, quyết tâm “đổi đời” từ đất, vợ chồng Dung miệt mài cuốc bỏ từng gốc tràm to cả vòng tay rồi đào mương xổ phèn, kết hợp san ủi mặt ruộng, mở dần diện tích canh tác lúa.
Vụ đầu năng suất chỉ 15-17 giạ/công, sau đó nâng dần lên gấp rưỡi, gấp đôi. Lợi nhuận từ trồng lúa vợ chồng Dung dành hết để mua thêm đất và phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất.
Anh nông dân trẻ cũng chịu khó học hỏi, nghe ở đâu có kỹ thuật mới là tìm đến xem có thể áp dụng trên ruộng nhà. Cách đây ít năm, Dung học được cách phun thuốc bảo vệ thực vật bằng xe tự chế. Trở về, Dung thiết kế rồi nhờ xưởng cơ khí tại địa phương gia công các bộ phận, tạo hình một chiếc xe gọn nhẹ, bánh làm bằng ống tuýp sắt bẻ cong lại để giảm thiệt hại cho cây lúa khi xe vận hành.
Trước đây, việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho ruộng lúa bằng phương pháp thủ công. Một người đeo bình xịt cả ngày còng lưng làm việc cũng chỉ phun được 20 công, nay có xe thay thế, mỗi ngày phun cả trăm công đất.
Cộng với việc sắm máy cày thay con trâu, con bò rồi máy gặt đập liên hợp thay công cắt, Dung đã giảm chi phí sản xuất hơn 500.000 đồng mỗi công.
Nhờ vậy, mới bước vào hàng bốn mươi (sinh năm 1971), anh Dung đã có tất cả những gì mà một gia đình nông dân bình thường ao ước cả đời: căn nhà xây hoành tráng trị giá cả tỉ đồng, thêm chiếc máy cày, máy xịt thuốc và hơn 150 công đất.
“Ruộng lớn chỉ cần lãi 1-2 vụ là đủ mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, giảm hẳn chi phí đầu vào. Nhưng quan trọng hơn, phương tiện cơ giới đã giải quyết được tình trạng thiếu lao động mùa vụ, khi thu hoạch rộ giá thuê mướn nhân công đội lên gấp đôi, gấp ba nhưng cũng không tìm ra, khiến việc đồng áng của mình bê trễ hết” - anh Dung nói.
Cùng suy nghĩ này, nông dân Lê Tấn Đạt (34 tuổi, hàng xóm của anh Dung) phân tích thêm: làm vài bảy công đất thì không có dư tiền mua sắm máy móc. Đi thuê phương tiện thì người ta ngại di chuyển xa, tốn kém nhiều mà công cán không bao nhiêu. Đó là chưa kể nếu đất anh nằm ở trong, không cặp bờ kênh thì coi như hết đường vận chuyển phương tiện cơ giới. Rốt cuộc chủ ruộng lấy công làm lời là chính.
“Tui biết một gia đình có 8 công đất, vậy mà ngày nào 4-5 lao động trong nhà họ cũng dậy từ lúc trời chưa sáng để nấu cơm mang theo ra đồng, vẫn làm không hết việc. Trong khi đó mình tôi làm gần 250 công, chỉ cần thuê thêm một lao động ở mùa là xong vì có máy móc phụ mình hết rồi” - anh Đạt so sánh.
Mong tăng mức hạn điền
Những lão nông tri điền ở ấp Sơn Tiến đều biết con đường trở thành “chúa đất” của ông Lê Văn Phải (Út Phải, 60 tuổi): “Khi địa phương bắt đầu thực hiện chính sách giãn dân và đẩy mạnh khai phá đất hoang hóa trên địa bàn, nhờ có máy cày ông Út Phải đã nhanh chóng phất lên.
Do khó có khả năng khai phá bằng sức người, nhiều nông dân không tiền đã nhờ ông đem máy cày đến san ủi, cải tạo đất rồi trả công bằng một phần diện tích ruộng được cấp. Từ đó, ông nhanh chóng có được nhiều thửa ruộng tốt”.
Rồi ông bỏ tiền mua những thửa ruộng xấu, không bằng phẳng, còn dậy phèn với giá chỉ 5-6 giạ lúa/công, dùng máy cơ giới cải tạo thành ruộng tốt. Cứ thế, diện tích đất của ông đã tăng vùn vụt, có lúc lên tới hơn 600 công.
Bốn người con của ông khi lập gia đình, ra riêng đều được ông chia cấp cho mỗi người cả trăm công. Sau đó họ lại mua thêm đất nên có người mới ngoài 20 tuổi đã có hơn 200 công ruộng cùng nhiều phương tiện cơ giới khác trị giá hàng trăm triệu đồng. Mỗi vụ lúa thu lãi 400-500 triệu đồng.
“Gia đình nào chỉ có 10-20 công đất thì làm không hiệu quả, vì rất khó đưa máy móc vào nhằm giảm chi phí sản xuất. Đó là chưa tính do khó khăn phải đi vay vốn, lãi suất xấp xỉ lợi nhuận trồng lúa. Gặp lúc giá lúa lại trồi sụt thất thường khó tránh khỏi thua lỗ, phải bán đất trả nợ. Cho nên tui kiến nghị cần sớm nâng mức hạn điền từ 30 công lên 60 công đối với khu vực Nam bộ để ai có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm thì đầu tư vô, ai không có khả năng thì dồn cho người khác, chuyển đổi nghề phù hợp hơn” - ông Út Phải kiến nghị.
Cũng như ông Út Phải, ba anh em ông Hai Huần, Ba Hiền, Tư Trọng ở ấp Sơn Hòa từ chỗ chỉ có vài chục công ruộng do cha mẹ chia, nhờ cần mẫn khai hoang cộng với dành dụm tiền mua đất bắt “đất đẻ ra đất”, giờ đây ba anh em ông đã làm chủ tổng số hơn 500 công đất lúa.
Nhu cầu tích tụ ruộng đất cho cuộc làm ăn lớn xem ra vẫn chưa dừng lại khi họ tiếp tục đầu tư hàng tỉ đồng mua sắm máy cày, máy gặt đập liên hợp, xây cất hệ thống kho sức chứa hàng ngàn giạ lúa để có thể chủ động đầu ra khi giá thị trường biến động.
Theo ông Giang Văn Lịch (78 tuổi) - nguyên chủ tịch UBND thị trấn Hòn Đất, quá trình khai hoang mở đất diễn ra trong khoảng 20 năm trở lại đây đã tạo ra một cuộc “cách mạng tích tụ ruộng đất” tại xã Nam Thái Sơn.
Bằng cách đầu tư cho đất để đất sinh lợi, hàng trăm gia đình đã nhanh chóng trở thành những chủ ruộng lớn với diện tích mỗi hộ lên tới hàng trăm công. Ông Lịch lý giải: “Năm 1941 có 752 gia đình nông dân từ hai tỉnh Nam Định, Thái Bình di cư vào đây lập nghiệp theo chính sách khai hoang, lập đồn điền của Pháp.
Với bản tính cần cù, sáng tạo, tương thân tương ái, họ đã trụ vững trên vùng đất này. Không chỉ cải tạo thành công hàng ngàn hecta đất hoang được giao cấp, mà họ còn vươn ra sang nhượng ruộng đất của những nông dân ly hương, chuyển nghề.
Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến Nam Thái Sơn trở thành địa phương tích tụ ruộng đất hiếm thấy ở đồng bằng sông Cửu Long”.
TẤN ĐỨC (TT)

0 comments:

Đăng nhận xét