Trang

30.3.12

Cái xe vẫn đặt trước... con bò?

Thu phí là chuyện bình thường ở khắp nơi trên thế gian này. Tuy nhiên, thu phí gì là điều cần bàn.

Không giống ai?
Những lần được hỏi so Việt Nam với các nước anh đã đến thì thế nào, anh bạn tôi người từng đi học, đi thăm khá nhiều nước tiên tiến thường nói: "Việt Nam mình chẳng giống ai." Có thể là vì mình độc đáo? Cũng có thể là bất bình thường? Người nghe hiểu thế nào thì tùy.
Ở nước mình, những chuyện "ngược đời" vẫn đang diễn ra hàng ngày hầu như trên mọi lĩnh vực của đời sống.
Xin điểm vài chuyện trong lĩnh vực giao thông đô thị.
Trong khi chưa có hệ thống giao thông công cộng thì định cấm xe cá nhân. Khi thu nhập bình quân đầu người vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới thì định cấm xe máy. Khi chưa chuẩn bị chỗ gửi xe mới thì đã giải tán chỗ gửi xe cũ. Khi thu phí bảo trì đường thì thu theo lối thu "mớ" không phân biệt xe to xe bé...
Tại sao lại cấm taxi chỗ này chỗ kia, giờ này giờ kia và dành đường cho ô tô cá nhân. Ảnh minh họa
Tại sao lại cấm taxi chỗ này chỗ kia, giờ này giờ kia và dành đường cho ô tô cá nhân. Ảnh minh họa  
Việt Nam không phải là quốc gia phát minh ra động cơ đốt trong, không phải là nhà sản xuất và sử dụng ô tô đầu tiên. Khái niệm chỉ sinh ra từ thực tế, những khái niệm về phương tiện xe cộ đã được loài người phát minh xác định từ lâu.
Người viết bài này lại không ở lĩnh vực chuyên môn giao thông nên không biết có quốc gia nào xác định taxi là phương tiện cá nhân hay không? Nhưng trong các từ điển khái niệm của Việt Nam và nước ngoài đều coi taxi là phương tiện công cộng.
Nếu nhà quản lý cho rằng taxi là xe cá nhân thì VN là nơi duy nhất có khái niệm đó.
Đo chân mình để đóng giầy cho người khác
Tại sao lại cấm taxi chỗ này chỗ kia, giờ này giờ kia và dành đường cho ô tô cá nhân, trong khi về bản chất nó vẫn là phương tiện công cộng?
Có một phát biểu trong một bài viết khác "Nhà quản lý không chỉ cần có cái đầu, biết nhìn bằng cả hai con mắt mà còn phải có một con tim. Hoạch định chính sách phục vụ ai: Đa số nhân dân hay một nhóm nhỏ?"
Với một thành phố của một nước nghìn năm nông nghiệp mà phố hẹp, người đông như Hà Nội, nếu cần phải cấm xe tư nhân vào một số đường phố, thì ôtô là phương tiện cần cấm đầu tiên.
Thu phí là chuyện bình thường ở khắp nơi trên thế gian này. Tuy nhiên, thu phí gì là điều cần bàn.
Ai cũng biết xe cơ giới phá hủy môi trường như thế nào. Đường hỏng có thể làm lại, nhưng sức khỏe, tính mạng con người, thì không làm lại được.
Các nhà quản lý giao thông chắc hẳn phải biết, nhiều nước thu phí bảo vệ môi trường hơn là phí bảo trì đường. Vì bản thân trong giá xăng từ lâu đã thu thêm phí lưu thông. Không rõ phí nằm trong giá xăng đó bây giờ ở đâu, hay vào túi doanh nghiệp xăng rồi?
Người viết bài này có một người bạn sống ở thành phố New York. Chị dạy tại trường SIPA (Ngoại giao) thuộc ĐH Columbia, nhưng thường di chuyển bằng phương tiện công cộng như xe bus, xe điện ngầm hoặc taxi. Chị cho biết: "Mua một chiếc ô tô ở Mỹ thì quá dễ, tương tự như anh mua xe máy ở Việt Nam thôi. Nhưng nuôi nó thì tốn kém lắm, đủ các loại phí." Tương tự cái khó khăn tìm được chỗ đỗ xe mà một lần tôi đã dẫn.
Thu phí theo "mớ"?
Thiển nghĩ nên thu phí bảo vệ môi trường theo độ lớn của dung tích xe (cm3). Đơn giản vì xe càng có phân khối lớn càng tiêu thụ nhiên liệu nhiều và thải khí độc càng nhiều. Xe có phân khối càng lớn càng nặng, càng phá đường nhanh, ...
Có thể lấy 50cm3 làm mức tối thiểu để tính. Quá dễ vì ngay trên đăng ký đã có chỉ số phân khối, chứ đừng thu theo "mớ" như chủ trương đã nêu. Gần như đánh đồng các loại xe lớn, xe nhỏ, xe anh, xe em..., vừa không khoa học vừa bất công!
Mặc dù 80.000-150.000đ/năm đối với xe máy và 180.000-1.440.000/năm đối với ô tô không phải là lớn lắm, nhưng nhìn vào con số, ta thấy ngay sự bất hợp lý và không công bằng.
Lấn chiếm vỉa hè để bày hàng là chiếm dụng vốn của nhân dân!
Lấn chiếm vỉa hè để bày hàng là chiếm dụng vốn của nhân dân!

Ví dụ ô tô có dung tích trung bình là 2000 cm3, nặng trên dưới một tấn tiêu thụ nhiên liệu, thải khí độc và phá hỏng đường gấp bao nhiêu lần chiếc xe máy dung tích 100cm3, nặng trên dưới một tạ?
Câu trả lời là gấp 20 lần!
Đã là luật thì cho dù chỉ ảnh hưởng đến 2 xu vẫn phải hợp lý.
Cho dù xe máy to đến mấy, với trọng lượng của nó, cũng không phải là thủ phạm phá đường! Thủ phạm chính là ô tô.
Lợi ích của việc thu phí theo dung tích xi-lanh là khuyến khích người sử dụng chọn phương tiện nhỏ hơn nếu vẫn đáp ứng nhu cầu. Lợi ích rất rõ: Ít phá môi trường, tiết kiệm cá nhân và xã hội.
Nhưng cách văn minh nhất vẫn là thu theo lít nhiên liệu sử dụng.
Mọi người bình đẳng trước pháp luật?
Hình như xe biển xanh được miễn trả phí? Mặc dù ai cũng biết, thu phí xe biển xanh là thu túi trái bỏ túi phải. Tuy nhiên, trên tinh thần "mọi người bình đẳng trước pháp luật", xe biển xanh cũng phải thu. Việc này vừa tôn trọng tinh tần thượng tôn pháp luật đồng thời giúp nhắc nhở các cơ quan Nhà nước giảm bớt khoản chi công.
Một thời xe biển xanh được miễn phí cầu phà đã khiến xe công bị lạm dụng vào việc ... rong chơi của một số "người Nhà nước".
Hơn nữa, quy định như thế vẫn giẫm lên vết xe cũ phân biệt "quốc doanh" với "dân doanh", "nhân dân" với "cán bộ" -  điều tối kỵ trong một xã hội hướng đến dân chủ, công bằng.
Nếu có miễn phí thì chỉ miễn phí xe hộ đê, cứu hỏa hay xe cảnh sát/quân đội đang làm nhiệm vụ.
"Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ"?
Từ ngày cấm trông giữ xe trên vỉa hè, giao thông trên đường đã tốt hơn. Quyết định giao việc quản lý vỉa hè cho ngành giao thông là hợp lý vì nó là bộ phận của hạ tầng giao thông. Trước đó, giao việc quản lý vỉa hè cho phường, quận đã có ý kiến cho là "giao trứng cho... ác". Bởi đó là nguồn thu cho họ thì làm sao vỉa hè thông thoáng đươc?
Xã hội cần phải nhận thức đúng rằng việc chiếm dụng vỉa hè để bày hàng, để xe nhân viên chính là hình thức chiếm dụng vốn của nhân dân.
Số người này chiếm bao nhiêu phần trăm trong hơn 4 triệu cư dân Hà Nội?
Vỉa hè vẫn mỗi ngày bị lấn một ít, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Láng Hạ .... Ngay tại lúc này đây đi qua đường La Thành, ai cũng thấy trước cửa một dãy quán ăn (ví dụ, số 448, ... 578, ...), xe máy để thậm chí hai hàng xuống hẳn xuống lòng đường, còn vỉa hè là các bếp nấu, đồ gỗ, xe máy chắn ngang để ... ngăn người đi bộ. Việc này xảy ra hàng ngày mà không ai hỏi han.
Ai can thiệp đây? Người dân với nhau là không thể giải quyết được. Còn phường ư? Đã thu phí rồi thì "ăn làm sao, nói làm sao bây giờ"!
Một đề xuất
Các đô thị lớn cần tổ chức lực lượng tuần tra như ở các thành phố lớn khác trên thế giới, thay cho các chốt... "núp và rình" như hiện nay.
Sự có mặt của lực lượng này sẽ tạo hiệu quả. Người vi phạm luật giao thông sẽ giảm. Người chiếm dụng vỉa hè sẽ giảm vì họ thường đối phó bằng cách khi thấy lực lượng đến, họ dẹp hàng, sau lại bỏ ra. Nhưng thử hỏi có thể khuân ra khuân vào một ngày vài lần những tủ gỗ, bếp nấu ... được mãi không?
Thêm vào đó việc xử phạt nghiêm khắc sẽ làm nản chí những kẻ tái phạm.
Tuy nhiên, không biết cái dùi trống này sau khi đánh lên mấy hồi, liệu có sẽ bị bỏ xó hay không? Hay để rồi, chính người chiếm dụng vỉa hè bảo nhau: "Phong trào ấy mà. Được mấy thở?"
Vì thế, người dân vẫn quan sát.
Tác giả: NGUYỄN PHƯƠNG



0 comments:

Đăng nhận xét