Nhiều doanh nhân công nghệ hàng đầu tại Việt Nam khẳng định các công ty nội địa còn đang phải đối đầu với quá nhiều rào cản khi gia nhập và kinh doanh trên thị trường.
Năm 2005, khi Lê Hồng Minh rời bỏ công việc sáng giá trong ngành tài chính để theo đuổi đam mê với trò chơi trực tuyến, anh chưa biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo. Người thanh niên 35 tuổi từng học ngành kinh doanh và tài chính tại đại học Monash ở Úc từng làm việc tại công ty kiểm toán PwC và tổ chức quản lý quỹ VinaCapital. Việc sáng lập ra Vinagame, một công ty chuyên về trò chơi trực tuyến, theo anh, là khởi đầu của một quá trình thử nghiệm.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc IDG Ventures. |
Tại văn phòng của mình giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, thương mại của Việt Nam, anh nói: “Tôi là người thích mạo hiểm. Bạn nói: ‘Hãy làm điều này đi’. Và bạn không nghĩ quá nhiều về hậu quả.”
7 năm sau, nỗ lực của Lê Hồng Minh dường như đã mang lại kết quả xứng đáng. Tung ra Vinagame ở thời điểm hoạt động kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam còn hiếm và gần như không ai có kinh nghiệm lập trình trò chơi, anh đã cố gắng tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet để xây dựng công ty.
Công ty đã phát triển mạnh các sản phẩm trò chơi trên mạng Internet, mạng xã hội, tin tức và website nhạc trực tuyến.
Khi điều kiện giáo dục và tư tưởng tại Việt Nam còn chưa đánh giá đúng mức kinh nghiệm và nỗ lực của giới trẻ, người ta chưa biết đến Việt Nam như một đất nước của nhiều nhà phát triển phần mềm hay các công ty Internet. Thế nhưng anh Minh nằm trong nhóm doanh nhân công nghệ độ tuổi khoảng ngoài 30 đã luôn cố gắng để đi đầu.
Chỉ 10 năm trước đây, rất ít người Việt Nam sở hữu điện thoại di động hay máy tính cá nhân. Nay tại thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, điện thoại thông minh và máy tính bảng iPad phổ biến chẳng kém gì so với tại London hay New York.
Dù tiềm năng của thị trường Internet tại Việt Nam không hề nhỏ, những doanh nhân đi đầu ngành công nghệ Việt Nam còn phải vượt qua không ít trở ngại. Hệ thống giáo dục tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, chủ yếu sinh viên công nghệ phải tự học.
Từ khi là học sinh cấp 3, Nguyễn Hòa Bình đã tiết kiệm tiền ăn sáng để mua sách lập trình. Năm 2011, người thanh niên 31 tuổi này đã bán 20% cổ phần tại PeaceSoft, công ty chuyên kinh doanh sản phẩm trực tuyến, cho eBay.
Hồ Minh Đức, người sáng lập ra công cụ tìm kiếm trực tuyến bằng ngôn ngữ tiếng Việt đầu tiên cùng với 4 người bạn từ thời tiểu học, học chuyên ngành công nghệ thông tin tại trường đại học thế nhưng người thanh niên 29 tuổi khẳng định anh học được từ đồng nghiệp và bạn bề nhiều hơn từ các thầy cô giáo, người chỉ toàn dậy lý thuyết.
Công ty Socbay của anh hiện đang đặt trụ sở tại một trong những con phố khá sầm uất của Hà Nội. Anh Đức khẳng định nhóm người sáng lập ra công ty muốn sử dụng vốn hiểu biết về văn hóa Việt Nam cũng như ngôn ngữ tiếng Việt để phát triển công cụ tìm kiếm tốt hơn dành riêng cho người Việt chứ không muốn những công cụ do nước ngoài phát triển.
Năm 2006, đại diện của Google đã đến gõ cửa công ty, và đưa ra lời đề nghị trị giá 5 triệu USD dành cho nhóm người sáng lập, ngoài ra còn chấp thuận dành cho họ quyền mua cổ phiếu cùng lương tổng trị giá khoảng 8.000USD/tháng.
Anh Đức nói: “Nếu chúng tôi gia nhập Google, chúng tôi hẳn đã học được nhiều. Thế nhưng chúng tôi đã từ chối bởi cái giá quá rẻ mạt và chúng tôi muốn phát triển công nghệ Việt để đáp ứng nhu cầu của người Việt.”
Anh Phùng Tiến Công, một doanh nhân Internet 32 tuổi, người từng sáng lập ra website chuyên dịch vụ hẹn hò và âm nhạc, khẳng định: “Tại Việt Nam, bạn cần rất nhiều mối quan hệ.” Gần đây, anh đã đảm nhiệm chức vụ phó tổng giám đốc phụ trách mảng nội dung số tại tập đoàn MV hiện đang nỗ lực phát triển nhiều ứng dụng sử dụng trên di động.
Công ty công nghệ như VNG cho đến nay có độ phủ khá lớn tại Việt Nam. Công ty đã thu hút được tới 18 triệu người dùng đến với sản phẩm trò chơi, mạng xã hội, nhạc và trang tin tức, tương đương khoảng 60% người dùng Internet tại Việt Nam.
Henry Nguyen, tổng giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm IGD Ventures, cho rằng: “Quy định như hiện nay có lợi cho nhóm công ty nước ngoài nhưng phần nào tạo bất lợi cho nhóm công ty tại Việt Nam.”
Nhiều doanh nhân lo lắng về tốc độ thay đổi hiện nay: “Công nghệ biến đổi nhanh và các công ty địa phương đối mặt với nhiều khó khăn. Chúng tôi chưa có đủ người, kinh nghiệm và một hệ thống xung quanh để giúp chúng tôi tăng trưởng hơn.”
0 comments:
Đăng nhận xét