Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh phải thấu hiểu được người làm ăn, trân trọng “hạt mồ hôi” thuế của dân.
Tiếp tục phiên họp thứ 6, sáng 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế dự kiến sửa đổi, bổ sung 31/120 Điều của Luật hiện hành, gồm 3 nhóm vấn đề với 21 nội dung; trong đó bao gồm nhóm vấn đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; về phục vụ mục tiêu cải cách-hiện đại hóa và hội nhập phù hợp thông lệ quốc tế; về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế để phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo dự án Luật, tần suất kê khai thuế giá trị gia tăng sẽ giảm từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô nhỏ và vừa; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc; bỏ “chứng từ nộp thuế” trong hồ sơ hoàn thuế; rút ngắn thời hạn giải quyết trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp thứ sáu Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Luật bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế; cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) trong chống chuyển giá; quy định về cơ chế phân loại mã số, xác định trị giá, xuất xứ hàng hóa trước khi làm thủ tục xuất, nhập khẩu; quy định nộp dần tiền thuế đối với trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp đủ tiền thuế một lần.
Tán thành với nhiều nội dung của dự án Luật, song Thường vụ Quốc hội cũng còn nhiều băn khoăn về cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế, thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, mức phải nộp đối với trường hợp phân kỳ nộp thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng cơ chế quản lý rủi ro là vấn đề quan trọng, là nguyên tắc mới, áp dụng cơ chế quản lý rủi ro tạo nhiều thuận lợi cho cơ quan quản lý cũng như người nộp thuế. Song, nếu quản lý thuế theo cơ chế rủi ro phải thận trọng, bởi việc gian lận thuế là không thể tránh khỏi, phải tăng trường kiểm tra, kiểm soát để tránh thất thu, phân loại đối tượng quản lý rủi ro như thế nào, có nội dung, biện pháp cụ thể để bảo đảm quản lý rủi ro. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nên quy định trường hợp rủi ro ngay trong luật, đây là khái niệm quan trọng cần có điều để giải thích cụm từ này.
Về vấn đề xóa nợ và thẩm quyền xóa nợ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, nếu không quy định tiêu chí về tài sản, gia cảnh, nhân thân… thì rất khó xác định điều kiện xóa nợ, bởi rất có thể có sự móc nối giữa người nộp thuế và cơ quan quản lý để kéo dài thời hạn rồi xóa nợ. Cần quy định cho ai được xóa nợ? Chính phủ không nên đứng ra xóa nợ, không thể cái gì cũng giao cho Chính phủ, có thể phân loại nợ cho cơ quan chức năng làm. Cần luật định các tiêu chí, nên hạn chế giao cho Chính phủ quy định.
Tán thành với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị Luật quy định các tiêu chí rồi giao cho Bộ Tài chính căn cứ các quy định đó để phân quyền cho địa phương xử lý, không nên đưa về Chính phủ.
Ý kiến của thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng cho thấy, để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xóa nợ, cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật tiêu chí, điều kiện được xóa nợ theo hướng chỉ xóa nợ cho những khoản nợ mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành, bao gồm: kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập, hoạt động và các khoản nợ này đã áp dụng biện pháp thu hồi quá 10 năm nhưng không có khả năng thu hồi. Không nên quy định theo hướng cứ áp dụng cưỡng chế không được thì xóa nợ, dẫn đến tạo kẽ hở cho hành vi tiêu cực, thỏa thuận trốn thuế.
Mức thu chậm nộp thuế cũng là vấn đề được Thường vụ Quốc hội hết sức quan tâm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu , mức thu này phải nghiên cứu từ thực tiễn, 0,05% hay 0,1% đều không có ý nghĩa gì khi không đưa ra được một tiêu thức chung, mức phạt phải trên lãi suất cho vay thì mới khả thi.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tán thành với đề xuất Chính phủ thực hiện xóa nợ theo quy định của Luật, quy định các tiêu chí xóa nợ chặt chẽ hơn. Song, trách nhiệm tổ chức xóa nợ nên giao cả cho Bộ Tài chính và Chính phủ bởi có những khoản thuế lớn, tính chất phức tạp. Bộ trưởng cũng cho rằng mức phạt chậm nộp thuế 0,05% là đã phù hợp, mức này đã cao hơn lãi suất ngân hàng nhiều, nếu tính như Ủy ban Tài chính-Ngân sách (0,1%) thì quá cao và nếu cao quá sức chịu đựng, người nộp thuế sẽ quay lại mua chuộc người thu thuế.
Phải thấu hiểu được người làm ăn, trân trọng “hạt mồ hôi” thuế của dân – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh. Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật cần chú ý cả 2 đối tượng người thu thuế và người nộp thuế. Thuế là kết quả từ sản xuất kinh doanh, mà sản xuất kinh doanh thì bao giờ cũng có rủi ro, việc xử phạt phải tính toán mức độ phạt cho hợp lý, có sự phân biệt, cố tình chây ỳ mà bắt được sẽ phạt nặng, nhưng chậm nộp do rủi ro cần phải xem xét.
Các Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, nên rút ngắn thời gian có hiệu lực của Luật xuống, để đến tận năm 2014 là quá dài./.
(TTXVN)
0 comments:
Đăng nhận xét