Trang

Diệp Kính Thiên: Nguyễn Tấn Dũng có thắng không?

Khả năng được đề cử chức Tổng bí thư khóa 12 cho Nguyễn Tấn Dũng có thể chắc chắn. Đây mới chỉ là hiệp một. Sang hiệp hai – bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa 12 – mới là chủ yếu.

Anh Ba Thanh: Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư nửa nhiệm kỳ đầu khóa XII ?

Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hé lộ một chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo đó là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Chủ tịch. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chủ tịch. Hiển thị tất cả bài đăng

28.3.12

Cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình mua tàu nghìn tỷ 'để thử nghiệm'

Cựu chủ tịch Vinashin mua tàu nghìn tỷ 'để thử nghiệm'  

Những sai phạm gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng trong dự án mua tàu Hoa Sen là nội dung chính tại phiên sơ thẩm chiều 27/3. Theo cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình, khi mua tàu Hoa Sen, bị cáo tin tưởng sẽ có 3 thử nghiệm.

Chiều 27/3, phần lớn thời gian Hội đồng xét xử tập trung xét hỏi về những sai phạm trong dự án đầu tư mua tàu Hoa Sen (chở khách và ôtô). Theo cơ quan công tố, đầu năm 2007, Phạm Thanh Bình khi đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin được Công ty Maersk Broker (Singapore) môi giới mua tàu Cartour của Italia. Đây là tàu cũ được sản xuất năm 2001.

Phạm Thanh Bình đã giao cho Trần Văn Liêm - Giám đốc Công ty vận tải Viễn Dương Vinashin thực hiện mua tàu. Tàu Hoa Sen (Cartour) kể từ khi đưa về nước hoạt động (cuối tháng 12/2007) chỉ chạy được 39 chuyến đã phải dừng hoạt động vì kinh doanh không có hiệu quả. Tàu bị thủng vỏ ở đáy phải sửa chữa với chi phí hết hơn 340.000 USD.

Cựu chủ tịch Vinashin mua tàu nghìn tỷ 'để thử nghiệm'
Cựu chủ tịch Vinashin mua tàu nghìn tỷ 'để thử nghiệm'  
Theo kết quả giám định của công ty cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam, nguyên nhân thủng vỏ là do khuyết tật ẩn tỳ bên trong tấm tôn từ khi đóng tàu mà người sử dụng không phát hiện được. Điều này do việc đầu tư mua tàu Hoa Sen không thực hiện đúng quy trình và thủ tục đầu tư, không có biên bản tổng nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, không lập báo cáo quyết toán dự án đầu tư hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quá trình kiểm tra chất lượng của tàu trước khi nhận bàn giao tàu không đảm bảo tính khách quan…

Cơ quan công tố cáo buộc, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư mua tàu Hoa Sen của công ty Viễn Dương, các bị can Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Hồ Ngọc Tùng, Giang Kim Đạt đã có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước. Trong đó, Phạm Thanh Bình giữ vai trò là người tổ chức. Hậu quả các bị can đã gây thiệt hại gần 470 tỷ đồng gồm thiệt hại tiền lãi vay và phí vay vốn, chi phí sửa chữa vết nứt ở đáy tàu.

Tại phiên tòa chiều 27/3, bị cáo Bình cho rằng, trên thế giới loại tàu như Hoa Sen không có nhiều, phù hợp với Việt Nam nên ông đã quyết định mua trước khi dự án được cấp trên đồng ý. Mua tàu Hoa Sen, bị cáo Bình tin tưởng sẽ có 3 thử nghiệm.

Thứ nhất muốn vận hành con tàu này vì trước nay chưa có. Thứ hai muốn thử nghiệm một phương thức vận tải mới bởi từ trước đến nay chỉ có vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ chứ chưa có đường sông trong khi tai nạn giao thông và lũ lụt xảy ra nhiều. Thứ ba đó là mục tiêu chung của Chính phủ và Vinashin tạo tuyến đường cao tốc Bắc - Nam trên đường sông trong thời kì đổi mới.

“Nếu để xây dựng tuyến đường sắt phải mấy 10 năm với chi phí hàng chục ngàn tỷ đồng, trong khi tuyến đường cao tốc Bắc - Nam trên biển chỉ mất chừng 5 năm với chi phí khoảng 2.000 tỷ đồng”, bị cáo Bình viện dẫn lý do khi phải thực hiện gấp rút dự án mua tàu Hoa Sen về để thử nghiệm.

Trả lời luật sư về niềm tin ra sao khi đầu tư mua tàu Hoa Sen, cựu chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình cho rằng, thời điểm đó rất khó khăn để đưa ra quyết định vì biết rằng đầu tư sẽ lỗ. Tuy nhiên, ông hy vọng với số lượng tàu lớn dần chỉ vài năm sau sẽ có hiệu quả.

Trước những con số thiệt hại mà đại diện cơ quan giám định đưa ra trong phiên xử chiều 27/3 như trả tiền lãi cho việc đầu tư mua tàu Hoa Sen, chi phí cho vết nứt sửa chữa tàu… bị cáo Bình cho rằng không thể coi đó thiệt hại bởi đây là khoản đầu tư.

“Bị cáo xin khẳng định vết nứt ở dưới đáy tàu là tiềm ẩn, không phải lỗi của người đi mua. Sau 3 tháng hoạt động ở Việt Nam mới xảy ra sự cố”, bị cáo Bình với vẻ mặt bình tĩnh khi khẳng định thông tin trên với cơ quan công tố.

Tại phiên xử, cựu chủ tịch HĐQT Vinashin khẳng định, trước khi mua tàu Hoa Sen cũng đã thông báo cho Hội đồng quản trị và các phòng ban biết. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng lời nói đó không chính xác bởi trong lời khai với cơ quan điều tra ông Bình có nói: “Với dự án tàu Hoa Sen không đưa ra hội đồng quản trị vì mất thời gian và phức tạp. Quyết định và đưa ra chỉ là hình thức”.

Nhận định về dự án tàu Hoa Sen, bị cáo Bình thừa nhận có một số sai phạm như bản cáo trạng đã truy tố.

Liên quan đến dự án này, nhiều bị cáo như Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Trần Văn Liêm cũng lần lượt bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan công tố cáo buộc bị cáo Liêm (thời điểm đó là giám đốc công ty Viễn Dương) ký hợp đồng mua tàu Hoa Sen trong khi chưa lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự án chưa được thẩm định phê duyệt, không thực hiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư… Còn bị cáo Hậu dù biết rõ hồ sơ dự án chưa lập xong, chưa thẩm định nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của ông Bình tiến hành chuyển 80 tỷ đồng dưới hình thức tiền gửi và có công văn đề nghị ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng mua tàu cao tốc Hoa Sen.

Riêng bị cáo Hiệp, cơ quan công tố cho rằng đã thực hiện giải ngân gần 2,8 tỷ đồng để công ty Viễn Dương ký quỹ cho ngân hàng phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng mua tàu khi dự án chưa lập xong và chưa được thẩm định.

Tại phiên tòa, bị cáo Hậu và Hiệp lần lượt cho rằng mình vô can, không làm sai trái các quy định. “Công ty Viễn Dương trình lên để vay vốn khi chưa hoàn thiện và thẩm định thì đó là trách nhiệm của khách hàng vay vốn chứ không thuộc về bên cho vay”, bị cáo Hiệp nói.

Với vẻ mặt khá điềm tĩnh, bị cáo Liêm ông cho rằng chỉ làm theo cấp trên bởi công ty của ông chỉ là công ty con.

Chiều cùng ngày, Hội đồng xét xử cũng lần lượt hỏi các bị cáo như Trần Quang Vũ, Trần Văn Liêm, Phạm Thanh Bình, Tô Nghiêm liên quan đến các sai phạm tại dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân và việc phá dỡ vỏ tàu Bạch Đằng Giang để bán.

Tàu Hoa Sen là loại tàu ro-pax (tàu chở xe và hành khách) trọng tải 7.550 DWT, cao 7 tầng và có sức chứa 500 ôtô 4 chỗ, 70 xe tải, 160 xe container 40 feet cùng gần 640 hành khách. Tàu được đóng năm 2001 và được Vinashin mua lại từ Italia vào cuối năm 2007 với giá 60 triệu euro (tương đương gần 1.300 tỷ đồng tính theo tỷ giá lúc đó) nhằm chuyên chở hàng hóa, khách du lịch trên tuyến Bắc - Nam. Tuy vậy, chỉ sau 40 lần hải hành với trục trặc, Vinashin đã phải cho dừng hoạt động con tàu từ đầu năm 2009 do thua lỗ, kém hiệu quả.
Hà Anh

20.3.12

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Phải trân trọng “mồ hôi” thuế của dân


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh phải thấu hiểu được người làm ăn, trân trọng “hạt mồ hôi” thuế của dân.
Tiếp tục phiên họp thứ 6, sáng 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. 
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế dự kiến sửa đổi, bổ sung 31/120 Điều của Luật hiện hành, gồm 3 nhóm vấn đề với 21 nội dung; trong đó bao gồm nhóm vấn đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; về phục vụ mục tiêu cải cách-hiện đại hóa và hội nhập phù hợp thông lệ quốc tế; về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế để phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo dự án Luật, tần suất kê khai thuế giá trị gia tăng sẽ giảm từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô nhỏ và vừa; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc; bỏ “chứng từ nộp thuế” trong hồ sơ hoàn thuế; rút ngắn thời hạn giải quyết trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp thứ sáu Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Luật bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế; cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) trong chống chuyển giá; quy định về cơ chế phân loại mã số, xác định trị giá, xuất xứ hàng hóa trước khi làm thủ tục xuất, nhập khẩu; quy định nộp dần tiền thuế đối với trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp đủ tiền thuế một lần.
Tán thành với nhiều nội dung của dự án Luật, song Thường vụ Quốc hội cũng còn nhiều băn khoăn về cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế, thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, mức phải nộp đối với trường hợp phân kỳ nộp thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng cơ chế quản lý rủi ro là vấn đề quan trọng, là nguyên tắc mới, áp dụng cơ chế quản lý rủi ro tạo nhiều thuận lợi cho cơ quan quản lý cũng như người nộp thuế. Song, nếu quản lý thuế theo cơ chế rủi ro phải thận trọng, bởi việc gian lận thuế là không thể tránh khỏi, phải tăng trường kiểm tra, kiểm soát để tránh thất thu, phân loại đối tượng quản lý rủi ro như thế nào, có nội dung, biện pháp cụ thể để bảo đảm quản lý rủi ro. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nên quy định trường hợp rủi ro ngay trong luật, đây là khái niệm quan trọng cần có điều để giải thích cụm từ này.
Về vấn đề xóa nợ và thẩm quyền xóa nợ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, nếu không quy định tiêu chí về tài sản, gia cảnh, nhân thân… thì rất khó xác định điều kiện xóa nợ, bởi rất có thể có sự móc nối giữa người nộp thuế và cơ quan quản lý để kéo dài thời hạn rồi xóa nợ. Cần quy định cho ai được xóa nợ? Chính phủ không nên đứng ra xóa nợ, không thể cái gì cũng giao cho Chính phủ, có thể phân loại nợ cho cơ quan chức năng làm. Cần luật định các tiêu chí, nên hạn chế giao cho Chính phủ quy định.
Tán thành với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị Luật quy định các tiêu chí rồi giao cho Bộ Tài chính căn cứ các quy định đó để phân quyền cho địa phương xử lý, không nên đưa về Chính phủ.
Ý kiến của thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng cho thấy, để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xóa nợ, cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật tiêu chí, điều kiện được xóa nợ theo hướng chỉ xóa nợ cho những khoản nợ mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành, bao gồm: kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập, hoạt động và các khoản nợ này đã áp dụng biện pháp thu hồi quá 10 năm nhưng không có khả năng thu hồi. Không nên quy định theo hướng cứ áp dụng cưỡng chế không được thì xóa nợ, dẫn đến tạo kẽ hở cho hành vi tiêu cực, thỏa thuận trốn thuế.
Mức thu chậm nộp thuế cũng là vấn đề được Thường vụ Quốc hội hết sức quan tâm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu , mức thu này phải nghiên cứu từ thực tiễn, 0,05% hay 0,1% đều không có ý nghĩa gì khi không đưa ra được một tiêu thức chung, mức phạt phải trên lãi suất cho vay thì mới khả thi.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tán thành với đề xuất Chính phủ thực hiện xóa nợ theo quy định của Luật, quy định các tiêu chí xóa nợ chặt chẽ hơn. Song, trách nhiệm tổ chức xóa nợ nên giao cả cho Bộ Tài chính và Chính phủ bởi có những khoản thuế lớn, tính chất phức tạp. Bộ trưởng cũng cho rằng mức phạt chậm nộp thuế 0,05% là đã phù hợp, mức này đã cao hơn lãi suất ngân hàng nhiều, nếu tính như Ủy ban Tài chính-Ngân sách (0,1%) thì quá cao và nếu cao quá sức chịu đựng, người nộp thuế sẽ quay lại mua chuộc người thu thuế.
Phải thấu hiểu được người làm ăn, trân trọng “hạt mồ hôi” thuế của dân – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh. Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật cần chú ý cả 2 đối tượng người thu thuế và người nộp thuế. Thuế là kết quả từ sản xuất kinh doanh, mà sản xuất kinh doanh thì bao giờ cũng có rủi ro, việc xử phạt phải tính toán mức độ phạt cho hợp lý, có sự phân biệt, cố tình chây ỳ mà bắt được sẽ phạt nặng, nhưng chậm nộp do rủi ro cần phải xem xét.
Các Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, nên rút ngắn thời gian có hiệu lực của Luật xuống, để đến tận năm 2014 là quá dài./.
(TTXVN)