Trang

Diệp Kính Thiên: Nguyễn Tấn Dũng có thắng không?

Khả năng được đề cử chức Tổng bí thư khóa 12 cho Nguyễn Tấn Dũng có thể chắc chắn. Đây mới chỉ là hiệp một. Sang hiệp hai – bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa 12 – mới là chủ yếu.

Anh Ba Thanh: Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư nửa nhiệm kỳ đầu khóa XII ?

Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hé lộ một chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo đó là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Nông dân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nông dân. Hiển thị tất cả bài đăng

21.6.12

Chiến lược nông nghiệp mới hay giấc mơ của ông viện trưởng

Khi quyền lợi được đặt ra thì người ta sẽ muốn làm nông dân và chủ động đi học, đi thi để lấy "bằng nông dân". Chứ hiện nay những người đang buôn bán đất đai, bất động sản, hay vật tư, đều cho anh nông dân là mạt hạng nhất, ai cũng có quyền làm nông dân và có thể làm nông dân.

LTS: Tiếp nối câu chuyện về Tam Nông, Mục "Gặp gỡ & Đối thoại" tuần này của Tuanvietnam xin được giới thiệu cuộc trò chuyện của phóng viên Huỳnh Phan với Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, người đứng đầu Viện Chính sách Phát triển Nông nghiệp & Nông thôn - cơ quan tham mưu chính cho chính phủ trong việc hoạch định chiến lược nông nghiệp mới.

Cách đây khoảng một năm, tại Buôn Ma Thuột, khi phóng viên hỏi TS Đặng Kim Sơn về đề án "Mô hình cụm ngành cà phê quốc gia & Mô hình nông thôn mới tích hợp liên hoàn" của Tập đoàn Trung Nguyên, ông đã nói: "Phải nói đó là bức tranh quá đẹp. Mà cái gì đã quá đẹp thì chỉ tồn tại trong giấc mơ thôi."

Thế nhưng, sau một năm, ông chủ tập đoàn Trung Nguyên hầu như đã chứng minh được với những người có trách nhiệm ở cả cấp trung ương và cấp tỉnh về tính khả thi của nó, cũng như đã thuyết phục được một đối tác nước ngoài cùng thực hiện giấc mơ đó cùng với ông.

Thế còn giấc mơ của ông Viện trưởng về chiến lược nông nghiệp mới?

Thả mồi bắt bóng

Theo ông, cho đến giờ nông nghiệp được coi là có vai trò như thế nào trong nền kinh tế?

Có hai quan niệm rất khác nhau, nhưng lại thống nhất với nhau như hai mặt của đồng tiền.

Theo cách nghĩ thứ nhất, nông nghiệp là cái cần hy sinh để làm nền móng, làm bậc thang đầu tiên cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sau này, khi nông nghiệp bị thu hẹp lại, nền kinh tế sẽ bù đắp cho nó.
TS Đặng Kim Sơn
Theo cách nghĩ thứ hai, nông nghiệp là phần lạc hậu, là phần mà ánh sáng văn minh chiếu không tới và đô thị vươn không đến. Đó là chỗ rắc rối nhất, dễ cháy nhất, dễ lụt lội nhất, dễ nổi loạn nhất. Khủng hoảng và đói nghèo đều ở đấy cả, cho nên cần phải đề phòng và giám sát hết sức cần thận, cũng như rất cần cưu mang.
Về nguyên tắc người ta nghĩ nông nghiệp sẽ tiêu biến. Giai cấp nông dân như ở nước ngoài chiếm chưa tới 5% thì coi như tiêu biến, lột xác và biến thành giai cấp khác. Nông thôn sẽ biến mất nhường cho thành thị, hay phát triển nông thôn chính là đô thị hóa. Công cuộc phát triển nông nghiệp, hay công nghiệp hóa nông nghiệp, thực chất là đa dạng hoá các ngành nghề khác nhau để giải quyết lao động dư thừa ở nông thôn.

Rất may là hình như thông qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chúng ta đã học được bài học về sự hy sinh nông nghiệp để phát triển nông nền công nghiệp gia công trình độ thấp và tận khai tài nguyên khoáng sản, đúng không ạ?
Cuộc khủng hoảng vừa rồi nói cho mình nhiều chuyện, nhưng cái chính là sự tất yếu về con đường đi của mình là phát triển theo chiều sâu. Không thể không vượt qua ngã rẽ từ chiều rộng sang chiều sâu được.

Quan điểm của nước ta về công nghiệp hóa là phải sản xuất thật nhiều sản phẩm công nghiệp, phát triển đô thị thật nhiều, thật nhanh, cũng như tỷ trọng công nghiệp phải lớn. Điều đó dẫn đến hệ lụy là đến các tỉnh, chúng ta luôn được nghe những câu đại loại như "thu hút được bao dự án nước ngoài, tỷ trọng công nghiệp trong thu ngân sách là bao nhiêu...". Ít có ai quan tâm tới lợi thế so sánh của địa phương của mình.


Chính vì vậy, người ta đã lấy đi đất màu mỡ ở vùng Đông Nam Bộ, hay Tây Nguyên, để làm khu công nghiệp, kể cả công nghiệp khai khoáng. Nhiều nơi làm không thành công thì chuyển sang làm sân gôn.

Như ở Hòa Bình, có những ngọn núi rất đẹp, người ta cho nổ mìn, nghiền đá để bán, lấy đất làm khu công nghiệp. Còn Vịnh Hạ Long là vịnh đẹp hàng đầu thế giới mà người ta nỡ san đá xuống vịnh làm khu công nghiệp...

Tất cả những ví dụ đó là minh chứng rõ ràng của cái tư duy "không biết sở trường của mình là gì".
Thế giới ngày nay đang cạn dần nhiên liệu hóa thạch và tài nguyên tự nhiên. Với sự gia tăng của biến đổi khí hậu toàn cầu thì nông sản sẽ là một hàng hóa khan hiếm. Tức là về dài hạn, thế giới sẽ bước sang một điểm rẽ, nơi nông nghiệp được đánh giá là một ngành hàng có giá trị cao. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận và đối xử với nông nghiệp một cách khác hẳn.

Và chính ngành nông nghiệp lại là một tiền đề để các ngành công nghiệp đi theo nông nghiệp phát triển?

Vấn đề lại là so sánh lợi thế từng nước. Chẳng hạn, Nhật Bản họ không dại gì đi vào nông nghiệp.
Nhưng ở Việt Nam có lợi thế so sánh về nông nghiệp, thì đây không chỉ là cơ hội mà là lối đi duy nhất để bước vào hàng ngũ một nước công nghiệp mới. Bây giờ chúng ta không thể nào nói về một ngành công nghiệp ô tô như Nhật Bản, hay một ngành công nghiệp điện tử như Hàn Quốc, hoặc thậm chí một công xưởng của thế giới như Trung Quốc. Bởi chúng ta làm gì cũng ở mức lắp ráp, và còn lắp ráp ở mức thấp nhất nữa.

Trong khi đó, làm nông sản thì khác hẳn. Chúng ta có nguồn nguyên liệu, lại sát những thị trường lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. Ngoài nông sản, hàng loạt các ngành công nghiệp đi cùng có thể phát triển. Đó là chưa nói tới chuyện Việt Nam cũng là thị trường lớn với gần 100 triệu dân, và chỉ riêng việc cung ứng đủ thị trường nội địa đã là một miếng bánh lớn với giá trị gia tăng rất cao.

Giấc mơ của ông Viện trưởng

Với tư cách là người đứng đầu một cơ quan tham mưu về chiến lược và chính sách nông nghiệp cho chính phủ, xin ông cho biết hình dung của ông về một nền nông nghiệp mà Việt Nam phải xây dựng, để có thể phát huy cái lợi thế so sánh đó?

Thứ nhất, người sản xuất nông nghiệp phải liên kết ngang với nhau làm thành hợp tác xã. Còn các hiệp hội liên kết với nhau thành chuỗi ngành hàng. Người sản xuất, người chế biến, người kinh doanh... đều gắn với nhau.
Không phải gắn với nhau bằng hợp đồng kinh tế, mà là sự liên kết ba bốn nhà. Bởi vì theo hình thức hợp đồng có cái hay là rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm, nhưng lại có sự lỏng lẻo là người ta ký hay không tuỳ theo ý thích, hoặc dễ bị lợi ích trước mắt chi phối.

Cái liên kết ở đây là liên kết thành một thể chế. Một cá thể mà rời bỏ thể chế đó thì không thể sống được. Nhiều nhà thì mới mua được cái máy, thuê cái cửa hàng, mới chung nhau cái thương hiệu, cái hệ thống tiêu chuẩn, cũng như cùng tiếp cận nguồn tín dụng.

Thứ hai, một chiến lược nông nghiệp mới phải đảm bảo toàn bộ sự liên kết như vậy.

Thứ ba là vấn đề chuyên nghiệp. Đã sản xuất nông nghiệp thì cần phải có tiêu chuẩn, có kỷ luật của một nền sản xuất hiện đại, cũng như đối với các ngành giao thông, vận tải, xây dựng chẳng hạn.

Tức là phải có quy chuẩn, co thương hiệu, có sự đảm bảo chất lượng. Chứ ngành nông nghiệp không thể theo kiểu "cha truyền con nối" như bao đời nay, bao thế kỷ nay.

Qui chuẩn ở đây được hiểu là người sản xuất nông nghiệp phải làm ra một sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam, Đông Nam Á, hay châu Âu..., tuỳ theo thị trường mà sản phẩm đó hướng tới. Tức là phải học cả kỹ thuật lẫn quản lý.

Như vậy, anh nông dân phải có bằng cấp. Bằng ở đây không phải là cái chứng chỉ khuyến nông được cấp sau mỗi khóa học. Mà anh nông dân đã có "bằng nông dân" phải lái được máy cày, phải biết chăm sóc sản phẩm nông nghiệp như thế nào để người tiêu dùng không bị ảnh hưởng bởi những loại thuốc và phân bón sử dụng trong quá tình nuôi trồng. Hay anh nông dân phải nuôi trồng thế nào để không ảnh hưởng tới thiên nhiên.

Nói tóm lại, anh nông dân phải biết kiến thức về kỹ thuật, cơ khí, nông học, môi trường và quản lý. Như vậy, không phải ai cũng làm được anh nông dân.

Thậm chí, những người làm nghề nông theo liểu cha truyền con nối, với con trâu đi trước - cái cày theo sau -con người đi sau rốt, cũng không thể làm người nông dân trong tương lai được.

Bằng cấp cũng thể hiện tính chuyên biệt của nghề nông, chứ không chung chung như hiện nay được. Anh nông dân trồng rừng thì phải chuyên nghiệp về trồng rừng, anh nông dân chuyên trồng lúa thì phải chuyên trồng lúa...

Cái mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) thể hiện rất rõ sự manh mún của nền nông nghiệp nhỏ. Đã chăn nuôi là phải nuôi mấy trăm đầu lợn, chứ không phải như người dân tộc để dưới gầm nhà mấy con trâu, mấy con gà, một - hai con con bò, mà gọi là chăn nuôi được. Chăn nuôi phải cách ly ra, rồi khi vào trại chăn nuôi, người nông dân phải làm tuân thủ tất cả các thủ tục, như đi qua vôi, mặc áo quần bảo hộ được khử trùng....

Thứ tư, khi đã sản xuất lớn, chuyên môn hóa và liên kết với nhau rồi, anh nông dân Việt Nam còn phải liên kết toàn cầu.

Chúng ta lấy ví dụ về khu công nghiệp ở Việt Nam cho dễ hiểu. Hiện nay, khu công nghiệp của mình chia làm hai loại. Loại thứ nhất là "thượng vàng hạ cám", làm ra sản phẩm xong là đưa thẳng ra cửa hàng, hay đại lý của mình. Loại thứ hai là của các nhà đầu tư nước ngoài như Canon, Toyota..., và linh kiện từ nhiều nước được nhập vào đây để lắp ráp. Khu công nghiệp loại thứ hai này đang nằm trong liên kết toàn cầu.

Anh nông dân Việt Nam đã làm sản xuất lớn thì phải nằm trong liên kết toàn cầu đó. Tức là dùng nguồn nguyên liệu ở nơi khác, thậm chí nước ngoài nhập về, rồi nâng cao giá trị nó lên. Và tất cả sản phẩm trong một thời gian nhất định phải được chuyển đến những địa điểm nhất định để đưa đi bán trên thế giới.

Như vậy, sản phẩm của người nông dân từ chất lượng, những thành phần hợp thành, thời gian, không gian, đều phải nằm trong liên kết toàn cầu. Đây là cách sản xuất khác hẳn cách sản xuất cũ, khi nhà sản xuất mà không cần biết nhu cầu ở nước ngoài ra sao, hay luật pháp, tỷ giá, hàng rào chất lượng, giá thức ăn gia súc..., như thế nào.

Thứ nữa, các sản phẩm phải được thiết kế sản xuất trên lợi thế so sánh của địa phương và của quốc gia. Chúng ta sẽ có một số sản phẩm quốc gia là những sản phẩm cả nước tập trung vào làm, với sự tham gia của trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm sản xuất giống, và đảm bảo đầy đủ nhãn mác, thương hiệu, bao bì, quảng bá ... Giống như người Malaysia với sản phẩm cọ dầu, hay người Brasil làm cây cà phê.

Còn những ngành hàng mà Việt Nam không có lợi thế thì chúng ta kiên quyết chuyển sang nhập khẩu. Tiền từ đâu ư? Từ tiền lãi xuất khẩu.

Ví dụ như sữa, ta không có điều kiện bằng họ, nên chỉ có thể làm ở những vùng có điều kiện nhất thôi. Những cái chúng ta làm được như mía đường, dầu ăn... tiến tới là cà phê. Không dại gì mà cố gắng mọi giá trên những vùng không có thuận lợi để sản xuất sản phẩm có thể nhập khẩu ở nước ngoài với giá rẻ hơn nhiều.

Điểm cuối cùng của nền nông nghiệp tương lai là trong một nền sản xuất lớn, chuyên môn hóa, toàn cầu hóa, ranh giới giữa đô thị nông thôn bị xóa nhòa. Một trang trại sản xuất hiện đại thì mức đầu tư, trình độ của người quản lý, kỹ thuật viên cao không kém gì nền công nghiệp cả. Giá trị sản xuất ra cũng không kém gì nhau cả.

Một khu mà người nông dân sinh sống như vậy đòi hỏi hạ tầng, dịch vụ cao để phục vụ cả đời sống lẫn sản xuất thì chẳng khác gì một khu đô thị hiện đại cả. Vì thế nó đòi hỏi ngược lại từ những ngành công nghiệp hỗ trợ, vật tư, giao thông, hạ tầng, cảng biển... Một nền nông nghiệp như thế phải gắn với một xã hội hiện đại, và đòi hỏi sự liên kết công nghiệp - nông nghiệp,ầhy đô thị - nông thôn, phải rất chặt chẽ. Đó là bức tranh của một nền nông nghiệp hiện đại.

Những thách thức không dễ vượt qua

Đây đó nhiều điểm trong bức tranh ông đưa ra đã được người ta nhắc đến, nhưng tại sao đến giờ vẫn chỉ là một viễn cảnh thôi?

Muốn làm được nền nông nghiệp như thế sẽ có những khó khăn rất lớn mà cho đến bây giờ vẫn chưa xử lý được.

Thứ nhất, tích tụ đất đai, muốn làm được nền sản xuất nông nghiệp lớn thì phải tích lũy được đất đai. Như vậy, luật và chính sách đất đai phải có thay đổi. Từ trước đến nay, luật và chính sách đất đai của chúng ta thiên về bảo vệ công bằng, chia phải chia đều, và không khuyến khích tích tụ đấy đai. Nói cách khác, chúng ta vẫn bị ám ảnh bởi cái định kiến về địa chủ thời phong kiến, mà không nhận thức được rằng tư duy tiểu nông mới là thách thức lớn nhất của một nền nông nghiệp hiện đại và hiệu quả.
Thứ hai, trong luật  pháp về đất đai, sở dĩ có cái khái niệm sở hữu toàn dân là vì chỉ sợ đất đai rơi vào tay tư nhân, sau này nhà nước cần không lấy lại được.

Quan điểm của ông?

Với định hướng cho một nền sản xuất như vậy, đất đai phải thuộc về tay những người làm ăn có hiệu quả, để đất đai phải phát huy tác dụng và được bảo vệ. Rõ ràng hai mục tiêu của luật đất đai và nền sản xuất mới của chúng ta đang rất khác nhau. Thay đổi là điều không dễ.

Những người ủng hộ cho quan điểm "công bằng kiểu cào bằng" lập luận rằng nếu tiến hành tập trung hóa đất đai thì lao động dư thừa sẽ giải quyết ra sao?

Nền sản xuất ngày nay khác với nền sản xuất thế kỉ 18-19 là phát triển theo chiều rộng, tăng vốn, tăng lao động và giờ làm, theo công thức của Mác, thì đầu ra tăng. Nhưng hiện nay, việc đảm bảo cho đầu ra tăng lên còn bao gồm cả yếu tố khoa học công nghệ.

Như thế bài toán tiếp sau đất đai là giải quyết lao động. Hiện nay, chúng ta không có một ngành công nghiệp nào mà chúng ta có thể tăng lao động lên để lấy sản phẩm cả, bởi nó vẫn bị giới hạn về quy mô công nghệ, nhà xưởng, thị trường... Hơn nữa, về lâu dài, Việt Nam không thể cạnh tranh với các nước có giá lao động thấp hơn.

Vì vậy, chúng ta cần nghĩ đến đầu ra khác, nhất là với một nền kinh tế có lao động chất lượng chưa cao như hiện nay. Chúng ta phải đối mặt với một thách thức là chuyển nền giáo dục đang khủng hoảng của chúng ta sang một nền giáo dục có thể nâng cao chất lượng tay nghề. Bởi vì khi muốn thu hút lao động sang ngành khác thì chỉ có một đối pháp là đào tạo người lao động lên trình độ cao hơn.
Ông nghĩ sao về câu chuyện chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp? Không ít nông dân, nhất là ở miền Bắc, vẫn sống tạm ổn với cái mô hình VAC mà ông cho là nhỏ lẻ, manh mún.

Vấn đề chuyên môn hóa nông dân cũng là thách thức lớn. Nếu nông dân được chuyên môn hóa thì quan trọng nhất thì cần phải có động lực để buộc người ta chuyên môn hóa. Tức là phải học lên, tham gia thi, anh nào không lấy được bằng thì phải tự rút ra.

Kinh nghiệm của những nước thành công với chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp là họ đặt ra những tiêu chuẩn rõ ràng, có "bằng" thì mới được tích tụ đất đai, được vay vốn, được bảo hiểm nông nghiệp, cũng như nông sản họ làm ra mới được đóng dấu chất lượng và được bán với giá cao...

Khi quyền lợi được đặt ra thì người ta sẽ muốn làm nông dân và chủ động đi học, đi thi để lấy "bằng nông dân". Chứ hiện nay những người đang buôn bán đất đai, bất động sản, hay vật tư, đều cho anh nông dân là mạt hạng nhất, ai cũng có quyền làm nông dân và có thể làm nông dân.

Đó là những câu chuyện về mặt chính sách, đòi hỏi phải rất cương quyết, nhất là trong vấn đề tích tụ đất đai. Những người hiện nay có nhà vườn, trang trại, không trực tiếp sản xuất mà đi thuê người làm, đang chiếm hữu không ít đất đai. Chúng tâiphỉ đặt ra tiêu chuẩn "người nông dân phải là sản xuất trực tiếp". Cần một quyết tâm rất lớn của xã hội và đó là thách thức rất lớn.

Đúng vậy. Về mặt xã hội, đây cũng là cách trả lại vị thế công bằng cho người nông dân.

Nhân nói đến chuyện này, sự bất bình đẳng về đối xử giữa thành thị và nông thôn cũng là một thách thức không nhỏ đối với mục tiêu liên kết giữa đô thị và nông thôn. Anh nông dân bị cấm không được nhập hộ khẩu vào Hà Nội, không được mang xe công nông vào Hà Nội. Hay gần đây còn bị cấm không được gánh hàng rong vào nhiều tuyến phố ở Hà Nội

Thế nhưng, anh nông dân thì không có quyền được cấm gì anh thành thị cả. Cái gì tốt nhất của nông thôn, từ con người đến nông sản, thì thành thị lấy hết. Còn những thứ thành thị thải ra thì đổ hết về nông thôn. Con người thì lúc ngon lành lên thành phố mong lập nghiệp, tìm vận may, đến khi thất bại thì "về quê".

Vấn đề ở đây không phải chuyện cấm, mà phải hòa hợp với nhau. Câu chuyện này sẽ đụng chạm tới rất nhiều vấn đề. Như muốn giải quyết vấn đề quyền chuyên môn hóa của người nông dân thì phải xử lý được nhóm lợi ích. Làm thế nào để quyền hạn, vị thế của người nông dân cũng được công nhận như công chức, thị dân, hay doanh nhân.

Dường như những vấn đề ông đặt ra không chỉ đụng chạm tới luật pháp, thậm chí là Hiến Pháp, hay chính sách, mà còn là vấn đề thay đổi quan niệm xã hội?

Còn sao nữa. Tất cả những cái đó sau cùng vẫn qui về khái niệm "thay đổi tư duy". Anh sẽ phải nghĩ rằng nông nghiệp không phải là đám đông nhất, nghèo nhất, lạc hậu nhất, và nằm ở bên ngoài đô thị và dòng chảy của sự phát triển. Cần phải thấy đó chính là nền tảng của sự phát triển bền vững, là cái phao đỡ cho quá trình phát triển.

Hơn thế nữa, như Michael Porter đã nhận xét, lợi thế so sánh duy nhất của Việt nam là nông nghiệp. Muốn nền kinh tế thị trường phát triển, trước hết anh phải dựa vào lợi thế so sánh của mình đã. Như vậy, nông nghiệp ít nhất phải được sánh ngang hàng với các khu vực kinh tế khác.
Xin cám ơn ông.


Tác giả: HUỲNH PHAN
Tuanvietnam




10.6.12

Đừng bỏ mặc nông dân

Chưa bao giờ chuyện thương lái Trung Quốc (TQ) ép giá nông dân VN lại nở rộ như hiện nay. Từ trái cây, thủy hải sản cho đến những mặt hàng nông sản là thế mạnh hàng đầu của VN như gạo, tiêu, cà phê đều điêu đứng vì thương lái TQ.

Từ "ép" ở cửa khẩu đến tiến tới ép tại thị trường nội địa; từ thu mua qua các đầu nậu trong nước nay họ trực tiếp "cắm chốt" sản xuất, nuôi trồng tại các địa phương. Nhức nhối hơn cả là họ chỉ dùng "chiêu" gần như duy nhất nhưng chúng ta vẫn "sập bẫy" hết lần này đến lần khác, từ năm nọ sang năm kia.

Đó là lao vào thu mua với giá cao, bao tiêu dẫn đến thống lĩnh toàn bộ thị trường. Khi đầu ra phụ thuộc duy nhất vào họ, họ bắt đầu ép giá đến "đáy". Không bán cho họ, chỉ có nước đổ đi nên nông dân phải chấp nhận lỗ, thậm chí phá sản. Không dừng lại ở đó, họ còn "xúi" doanh nghiệp (DN) trong nước làm ăn gian lận, trộn gạo thường với gạo thơm rồi bán với giá gạo thơm... Đến mức này thì câu chuyện không còn dừng lại ở việc "buôn gian, bán lận" mà là vấn đề uy tín, thương hiệu của DN, của đất nước với thế giới. Bởi VN là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, rất nhiều nước, rất nhiều các nhà nhập khẩu, bạn bè quốc tế biết đến VN từ gạo.
Thương lái Trung Quốc ép giá nông dân VN
Những hành động của thương lái TQ ngày càng nghiêm trọng trong khi "thái độ" và hành động của chúng ta lại không tương xứng. Mỗi lần nói đến chuyện bị thương lái ép giá, chúng ta vẫn kêu gọi sự cảnh giác của người dân và coi đây là vũ khí chủ lực. Nhưng phải khẳng định rằng, không thể đổ lỗi hay trách cứ người dân trong việc này. Họ có sản phẩm, có hàng hóa và họ muốn bán với giá cao là điều hoàn toàn chính đáng. Cũng đừng trách họ "trồng, chặt - chặt, trồng" bởi thị trường cần cái gì, họ trồng, họ nuôi cái đó. Đó là chưa kể, trước khi có chuyện thương lái TQ, không ít DN trong nước cũng "hành xử" với nông dân trong chuyện thu mua nông sản chẳng khá gì hơn. Chẳng nói đâu xa, ở Nghệ An cách đây nửa tháng, chuyện thu mua dứa "tréo ngoe" và ép giá rẻ mạt của một DN trong nước khiến cả chính quyền lẫn người dân đều bất bình.

Nói thế để thấy rằng, việc đối phó với các chiêu trò của thương lái TQ cần có sự tham gia của rất nhiều các cơ quan, ban ngành. Đơn cử như chính quyền địa phương phải tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động của thương lái TQ trên địa bàn.
Một thương lái Trung Quốc ở trạm mua khóm xã Long Định - Ảnh: S.N
Các hiệp hội ngành nghề phải đẩy mạnh kết nối, phối hợp giữa người dân - DN trong nước để giữ giá, thậm chí "ép" giá lại các thương lái TQ. Rõ ràng là hàng hóa, sản phẩm trong tay chúng ta; nông sản là thế mạnh xuất khẩu của chúng ta, DN trong nước cũng cần nguyên liệu... Tại sao để vài thương lái ở xa đến thao túng giá, quậy nát thị trường? Phải chăng là chúng ta chưa thật sự làm, hoặc làm chưa tới? Còn về dài hạn, điều quan trọng nhất để giải quyết tận gốc là phải có một quy hoạch tổng thể về nuôi, trồng song song với việc xây dựng ngành công nghiệp chế biến nông sản thật mạnh, tương xứng với sự phát triển của ngành nông nghiệp trong nước.

Bốn thương lái Trung Quốc hoạt động trong thời gian dài tại khu vực cửa khẩu biển An Phú và thuê nhà ở trọ tại xã Nghĩa An nhưng chính quyền địa phương không hay biết
Sở dĩ chúng ta luôn phải "lao" theo thị trường là bởi chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào bán thô, xuất khẩu thô. Nên khi được mùa, ngay lập tức rơi vào tình trạng dội hàng, phải chấp nhận bán rẻ, bán ế. Nếu có các nhà máy chế biến nằm trong vùng nguyên liệu, thu mua nông sản, thực phẩm để chế biến, vừa tạo giá trị gia tăng cao cho người dân, vừa tránh tình trạng rớt giá, cũng không còn phụ thuộc vào một đầu ra là thương lái TQ như hiện nay.

Là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng chúng ta gần như chưa có thương hiệu nông sản nổi tiếng trên thế giới, cũng do xuất khẩu thô. Vấn đề xây dựng ngành công nghiệp chế biến đã được đặt ra nhiều năm nay để giải quyết nghịch lý trên nhưng lúc này, nó càng trở nên cấp thiết khi "nạn" thương lái TQ ngày càng hoành hành, gây thiệt hại cho người dân, cho đất nước. Giải pháp ngắn hạn, dài hạn đều có. Vấn đề chỉ là, chúng ta có bắt tay vào làm hay lại vẫn hô hào như lâu nay?

Nguyên Hằng

26.5.12

Chuyện con cua và cán bộ "cận dân": "Cao chạy xa bay" mới quản lý...

Thương người nông dân "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" một nắng hai sương đến khi có thành quả chỉ để mà 'ngắm' chơi.
Thời gian gần đây tại một tỉnh xa nhất nước bỗng trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận. Mà có gì mới đâu cơ chứ, chuyện nông dân khốn khổ bị thương lái Trung Quốc quỵt tiền hay "xù" theo những bài bản quen thuộc đã xẩy ra cách đây hàng thập kỷ. Vẫn chiêu đẩy giá cao để người người, nhà nhà đổ xô vào làm đến khi có hàng rồi bỗng nhiên mất hút.
Đó là chuyện con cua ở Cà Mau. Theo người dân Năm Căn, địa phương "vùng sâu vùng xa" nhất nước, từ 4 - 5 năm nay thương lái Trung Quốc đã đến đây thu mua cua. Ban đầu trả tiền rất "ngọt", thậm chí trả tiền trước, nhưng sau cứ lần lượt gối đầu, rồi sang nợ và cuối cùng trốn mất.

Còn chuyện củ khoai ở Vĩnh Long, cũng vậy. Thương lái Trung Quốc hoạt động như chỗ không người. Mua bán thu gom cứ như ở đất họ. Làn sóng trồng khoai dâng cao, giá cả được đẩy lên, thế là nhà nhà lao vào trồng, đến khi sản phẩm tràn đồng, họ liền hạ giá mua nhỏ giọt hoặc đánh bài chuồn.
Thương người nông dân "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" một nắng hai sương đến khi có thành quả chỉ để mà 'ngắm' chơi.
Một điểm thu mua cua của thương lái Trung Quốc - Ảnh: Gia Bách/ Thanh Niên  
Kể cũng lạ những chiêu như vậy đã xẩy ra ở phía Bắc hàng chục năm nay. Từ chuyện nuôi chó cảnh, chuyện mua móng trâu, rễ Hồi, đến chuyện mua đỉa mua cây hoa Hải đường. Có người thạo các chiêu lừa kiểu trên cho biết, các thương lái đến thu gom nhưng họ có mang về nước đâu. Lúc đầu thì mua với giá cao để người người nhà nhà săn lùng hoặc sản xuất. Đến khi đẩy giá lên cao ngất ngưỡng, hàng hiếm họ liền xuất những thứ đã mua để bán lại. Đến khi bán hết thì họ đánh bài chuồn còn người dân và những người "năng động" làm ăn đi thu gom thì rơi vào cảnh trắng tay, nhìn hàng để đấy.
Cũng một chiêu đấy, cũng những người của đất nước ấy mà sao dân mình lại không biết mà phòng nhỉ. Phải chăng dân ta ngây thơ, vì lòng tham hay vì họ không có thông tin?
Lòng tham cũng có đấy, không trách được người dân. Kiếm được một đồng thời "gạo châu, củi quế" đâu phải đơn giản. Chỉ tính sơ sơ giá cả cao ngất thế thì làm gì mà không lao vào. Khốn nỗi họ chỉ nhìn thấy trước mắt.
Còn chuyện không có thông tin? Có người lập luận, ta hiện nay có hàng ngàn tờ báo, tạp chí, hàng trăm báo mạng rồi vô số các trang blog sao lại nói không có thông tin? Nước ta hiện nay đứng vào hàng những nước phát triển mạnh nhất về thông tin cơ mà. Nhưng khốn nỗi có thông tin và thông tin có đến với người dân hay không lại là chuyện khác. Ở những vùng sâu vùng xa hiện nay, lo chạy từng bữa ăn thì lấy đâu ra tiền mua báo, mua tivi để xem, chưa nói đến dùng đồ xa xỉ là máy tính.
Thế cán bộ của ta đâu? Những người có điều kiện đọc báo xem tivi, truy cập mạng? Thì cứ xem cán bộ ta ở một số nơi lo cho dân thế nào thì đủ biết. Có địa phương được Chính phủ bỏ tiền giúp cho trong vụ bão lụt những năm trước thì cán bộ lại "năng động" đem chia cho người nhà hay thân quen. Hay chuyện tiền Tết của dân được Chính phủ hỗ trợ, một vài nơi cán bộ "cất kỹ" quá nên hết cả mùa xuân, đào mai rụng hết cũng chẳng thấy tiền đâu. Những vụ ấy báo đài đã chỉ đích danh và đã bị xử lý kỷ luật. Tệ hại hơn có cán bộ khi bão đến không lo chống bão cùng dân mà đang say mê tiệc rượu thì đủ biết thông tin đến được với dân bằng cách nào.
Nói dại có vụ việc gì xẩy ra thì chỉ tổ người dân lãnh đủ. Mà đúng là người dân đã lãnh đủ. Thương lái sang bên này cả năm trời, đi đủ các nơi như chỗ không người, thu mua các kiểu, tận tình chỉ bảo "trồng cây gì, nuôi con gì" thế mà chẳng nơi nào quản lý hay báo cáo. Trên một tờ báo, ông Phạm Hữu Đức - Chủ tịch UBND xã Thuận An (Vĩnh Long) một cán bộ cấp "cận dân" cho biết: "Tất cả các thương buôn này đều có hộ chiếu du lịch và đến đây kinh doanh thông qua phiên dịch. Còn lại hoạt động kinh doanh của họ như thế nào, địa phương không thể quản lý được".
Và đến khi sự việc xẩy ra thì chính quyền mới vào cuộc. Ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cũng "đang chỉ đạo các ngành, các huyện rà soát số nợ của thương lái Trung Quốc". Không quản lý được để họ cao chạy xa bay  thì rà soát nợ để làm gì nhỉ?
Tác giả: ĐĂNG TẤN (TVN)

24.4.12

Nông dân phá sản: Kêu chẳng thấu vì không biết PR

Hàng triệu lao động, đóng góp cả chục tỷ USD xuất khẩu mà đến khi khó khăn phá sản kêu không thấu, chẳng qua là tại nông dân không biết PR?

Cuối tuần rồi, hàng loạt người dân ở các làng nuôi nghêu ở Thái Bình trở nên điêu đứng khi nghêu chết hàng loạt. Không có thu hoạch, nợ ngân hàng đến kỳ không có trả, nợ nần vật tư, công sá đè nặng lên vai... Cả làng nghêu được một phen điên đảo vì nhưng chẳng biết kêu ai. Ngân hàng đến hạn thì thu nợ, nghêu chết do thời tiết thì địa phương cũng chỉ cử người xuống ghi nhận rồi về ngồi phòng lạnh viết báo cáo. Biết phận mình, người nông dân lại đành gạt mộ hôi, nuốt nước mắt bán tài sản, gán nhà để trả nợ... rồi lạy lục khắp nơi để tìm vốn nuôi trồng vụ mới chỉ với hy vọng trả được món nợ cũ.


Trong khi đó, hàng loạt nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên cũng đang điêu đứng vì bị nợ nần. Số là hàng loạt DN cà phê nơi đây mua cà phê rồi kinh doanh thua lỗ, không thể trả nợ cho nông dân. Thế là "đại gia" cà phê lên ô tô về Thành phố lánh mặt, bỏ lại người nông dân khốn cùng giữa nợ nần ngân hàng, nợ vật tư phân bón và cuộc sống khốn cùng vì không có tiền chi trả... Nông dân nhiều vùng cà phê Tây Nguyên đang điên đảo vì phá nợ nần và đẩy đến bước đường cùng khi không có tiền trang trải cuộc sống và nguồn sống của họ là các rãy cà phê cũng đang chết dần vì không có tiền để mua phân bón, bơm nước chăm sóc.

Trong khi đó, ở Miền Tây Nam bộ, không chỉ có Bianfishco mà hàng loạt DN thu mua và chế biến thủy sản cũng đang gặp khó khăn và các DN chọn cách dễ nhất là xù nợ của nông dân. Người ít thì vài trăm triệu, người nhiều cũng bị DN chiếm dụng vài chục tỷ tiền cá... Nông dân bán cá có tiền tỷ tưởng là giàu có lắm nhưng đằng sau đó là một khối nợ lớn từ tiền con giống, tiền thức ăn, nhân công, vật tư chăn nuôi... có lấy tiền về, trang trải nợ nần, ngân hàng siết nợ - lãi... May mắn lắm, nông dân mới có khoản tiền lời gọi là lấy công làm lãi. Thế nhưng, nay DN phá sản và trốn nợ, nông dân không còn con đường nào khác là phá sản. DN nợ không trả cho nông dân vẫn ô tô, nhà đẹp, tài sản triệu USD... còn nông dân thì quay quắt trong nợ nần chỉ còn nước bán nhà, bán ao đầm mới thoát được cảnh ra tòa.

Một chuyên gia kinh tế đã chua chát cho biết: Những DN như cà phê, thủy sản vừa qua có phá sản thì các ông chủ chỉ mất tý tiền vốn họ đóng vào công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn. Mà chừng đó chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận họ kiếm được từ trước tới nay, so với tài sản ngàn tỷ của họ. Vì thế, nên dù cho DN họ làm chủ có bị phá sản thì họ vẫn đàng hoàng nhà to, xe đẹp, tài sản triệu USD không ai dám đụng đến. Còn người nông dân cả nhà, cả cuộc sống và tương lai dồn vào đồng ruộng, ao cá hay mấy tấn cà phê... mất là mất hết, nợ không trả được thì chỉ có ra tòa. Không bán nhà trả nợ không thể sống nổi với ngân hàng và chủ nợ. Cũng là phá sản nhưng ông chủ chỉ là tai nạn còn nông dân là đòn chí mạng, tàn đời.
Chuyện phá sản trong thời buổi khó khăn nghe ra đã quá nhàm. Ai cũng đứng trước nguy cơ phá sản: Ngân hàng cũng có đến chục ông nguy cơ đỗ vỡ, BĐS thì hàng loạt DN đứng trên bờ vực phá sản vì không bán được hàng, các DN kinh doanh khác khốn khó vì thiếu vốn - khó bán hàng... Khó thì phải kêu và đã rất nhiều tiếng kêu được đáp ứng. Ngân hàng khó khăn, nhà nước đảm bảo không đổ vỡ, được hỗ trợ để cấp cứu, thậm chí chấp nhận chưa thể giãm lãi suất để lo cho thanh khoản của các ngân hàng. BĐS khó khăn, khó bán hàng... kêu nhiều rồi cũng dần được gỡ. Tín dụng mở ra, đến nay không chỉ dành cho một vài đối tượng mà mở cho cả đầu tư, đầu cơ và cho những dự án hoàn thành sau năm 2012... với mục địch rõ ràng, kích thích để cứu BĐS nhằm gỡ khó cho ngân hàng và các DN.

Sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức đã bơm vốn hàng ngàn tỷ đồng để cứu BĐS, thêm vốn cho các DN. Thậm chí, ngân hàng còn giúp DN bằng cách cơ cấu lại nợ, hỗ trợ trả nợ quá hạn... Tất nhiên, trong mối quan hệ đó, mọi thứ đều phải được đảm bảo bằng tài sản và cả hai cùng có lợi nên ai cùng sốt sắng. Vì cứu BĐS là cứu ngân hàng.

Còn nông dân, cứu làm sao khi họ chỉ có tài sản duy nhất là sổ đỏ và căn nhà thì đã cầm cố để vay nợ. Nợ không trả được thì chỉ có nước siết nhà. Hết tài sản thì chẳng có gì để có thể làm tin mà vay vốn làm ăn tiếp. Hết tài sản thì chẳng ngân hàng nào dại mà dây dưa với nông dân đã khánh kiệt. Đã khó khăn lại càng thêm bĩ cực.

Chỉ có điều, trong khi những khó khăn và đỉnh điểm là thảm cảnh điêu đứng và phá sản của nhiều nông dân ở ngay tại những vùng sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn nhất đang diễn ra ngày càng nhiều thì cho đến nay từ các địa phương, cho đến các bộ ngành quản lý vẫn chưa có mấy ai lên tiếng về những kế hoạch trợ giúp và phục hồi cho nông dân. Có chăng cũng chỉ là những ghi nhận, báo cáo và sớn nhất là những đề xuất cứu DN rồi từ đó mới có hy vọng cứu nông dân. Với thứ tự ưu tiên như vậy xem ra quá xa vời, vì cứ nhìn Bianfishco thì thấy, dù có được quan tâm nhưng còn lâu nông dân mới được trả hết nợ. Còn dân trồng cà phê thì chưa thấy một lời hứa hay phương hướng nào đề thoát cảnh khốn cùng.

So sánh thì thật là khó, hãy nhìn vào BĐS hay cả ngân hàng, cả một năm qua, trước những khó khăn họ đã kêu ca, vận động rất nhiều mới có được ngày mở cửa, thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ, phá sản. BĐS từ phi sản xuất, cấm cho vay rồi được mở dần những nhóm đối tượng nhỏ, sau đó chuyển qua không khuyến khích và cuối cùng là mở cửa cho cả đầu tư và đầu cơ... thế coi như là thoát. Ngân hàng khó khăn, thiếu thanh khoản thì được hỗ trợ, quản trị kém thì được theo dõi chấn chỉnh... cả một lộ trình như thế xem ra nông dân làm sao mà theo được.

Kêu không thấu thì không ai biết, xem ra nông dân cũng nên trách mình trước?!. Cả hàng triệu nông dân, chiếm số đông lao động xã hội với vai trò lớn trong an sinh xã hội, mỗi năm còn đóng góp hàng chục tỷ USD xuất khẩu nông sản mà không biết kêu, không được giúp cũng chỉ tại cái tội không biết PR. 
  Tác giả: LÊ KHẮC (VEF)

26.3.12

Bài học làm giàu từ Nông dân Kiên Giang

Một bài học cho nông dân cả nước học tập làm giàu trên chính quê hương mình trong thời đại mới. Báo Vì Dân xin gửi đến bạn đọc câu chuyện làm giàu rất hay và hữu ích:

Từ giữa tháng 3-2012, cánh đồng xã Nam Thái Sơn (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) vào cao điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân. Máy gặt đập liên hợp, máy cày, xe kéo lúa hoạt động rôm rả khắp nơi...

“Vụ này cầm chắc 50 giạ/công (1.000m), khá nhất từ trước tới giờ” - nông dân Trần Văn Dung, ngụ ấp Hòa Thuận, khoe. Lấy vợ năm 22 tuổi, Dung được bố mẹ chia cho 20 công ruộng làm vốn. Mấy năm đầu tắt mặt tối, kinh tế gia đình anh vẫn chưa có gì chuyển biến do diện tích đất canh tác không nhiều. Cuộc sống bắt đầu thay đổi khi anh mạnh dạn dành ra 8 triệu đồng - một số tiền không nhỏ vào thời điểm cách đây gần 20 năm - mua thửa đất hơn 40 công ở gần nhà.
Thu hoạch lúa ở ấp Sơn Hòa, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang - Ảnh: Tấn Đức

Giảm chi phí

Đây là đất nhiễm phèn nặng, hầu như chỉ cỏ năn và cây tràm sống nổi. Ngày qua ngày, với lòng kiên trì, quyết tâm “đổi đời” từ đất, vợ chồng Dung miệt mài cuốc bỏ từng gốc tràm to cả vòng tay rồi đào mương xổ phèn, kết hợp san ủi mặt ruộng, mở dần diện tích canh tác lúa.
Vụ đầu năng suất chỉ 15-17 giạ/công, sau đó nâng dần lên gấp rưỡi, gấp đôi. Lợi nhuận từ trồng lúa vợ chồng Dung dành hết để mua thêm đất và phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất.
Anh nông dân trẻ cũng chịu khó học hỏi, nghe ở đâu có kỹ thuật mới là tìm đến xem có thể áp dụng trên ruộng nhà. Cách đây ít năm, Dung học được cách phun thuốc bảo vệ thực vật bằng xe tự chế. Trở về, Dung thiết kế rồi nhờ xưởng cơ khí tại địa phương gia công các bộ phận, tạo hình một chiếc xe gọn nhẹ, bánh làm bằng ống tuýp sắt bẻ cong lại để giảm thiệt hại cho cây lúa khi xe vận hành.
Trước đây, việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho ruộng lúa bằng phương pháp thủ công. Một người đeo bình xịt cả ngày còng lưng làm việc cũng chỉ phun được 20 công, nay có xe thay thế, mỗi ngày phun cả trăm công đất.
Cộng với việc sắm máy cày thay con trâu, con bò rồi máy gặt đập liên hợp thay công cắt, Dung đã giảm chi phí sản xuất hơn 500.000 đồng mỗi công.
Nhờ vậy, mới bước vào hàng bốn mươi (sinh năm 1971), anh Dung đã có tất cả những gì mà một gia đình nông dân bình thường ao ước cả đời: căn nhà xây hoành tráng trị giá cả tỉ đồng, thêm chiếc máy cày, máy xịt thuốc và hơn 150 công đất.
“Ruộng lớn chỉ cần lãi 1-2 vụ là đủ mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, giảm hẳn chi phí đầu vào. Nhưng quan trọng hơn, phương tiện cơ giới đã giải quyết được tình trạng thiếu lao động mùa vụ, khi thu hoạch rộ giá thuê mướn nhân công đội lên gấp đôi, gấp ba nhưng cũng không tìm ra, khiến việc đồng áng của mình bê trễ hết” - anh Dung nói.
Cùng suy nghĩ này, nông dân Lê Tấn Đạt (34 tuổi, hàng xóm của anh Dung) phân tích thêm: làm vài bảy công đất thì không có dư tiền mua sắm máy móc. Đi thuê phương tiện thì người ta ngại di chuyển xa, tốn kém nhiều mà công cán không bao nhiêu. Đó là chưa kể nếu đất anh nằm ở trong, không cặp bờ kênh thì coi như hết đường vận chuyển phương tiện cơ giới. Rốt cuộc chủ ruộng lấy công làm lời là chính.
“Tui biết một gia đình có 8 công đất, vậy mà ngày nào 4-5 lao động trong nhà họ cũng dậy từ lúc trời chưa sáng để nấu cơm mang theo ra đồng, vẫn làm không hết việc. Trong khi đó mình tôi làm gần 250 công, chỉ cần thuê thêm một lao động ở mùa là xong vì có máy móc phụ mình hết rồi” - anh Đạt so sánh.
Mong tăng mức hạn điền
Những lão nông tri điền ở ấp Sơn Tiến đều biết con đường trở thành “chúa đất” của ông Lê Văn Phải (Út Phải, 60 tuổi): “Khi địa phương bắt đầu thực hiện chính sách giãn dân và đẩy mạnh khai phá đất hoang hóa trên địa bàn, nhờ có máy cày ông Út Phải đã nhanh chóng phất lên.
Do khó có khả năng khai phá bằng sức người, nhiều nông dân không tiền đã nhờ ông đem máy cày đến san ủi, cải tạo đất rồi trả công bằng một phần diện tích ruộng được cấp. Từ đó, ông nhanh chóng có được nhiều thửa ruộng tốt”.
Rồi ông bỏ tiền mua những thửa ruộng xấu, không bằng phẳng, còn dậy phèn với giá chỉ 5-6 giạ lúa/công, dùng máy cơ giới cải tạo thành ruộng tốt. Cứ thế, diện tích đất của ông đã tăng vùn vụt, có lúc lên tới hơn 600 công.
Bốn người con của ông khi lập gia đình, ra riêng đều được ông chia cấp cho mỗi người cả trăm công. Sau đó họ lại mua thêm đất nên có người mới ngoài 20 tuổi đã có hơn 200 công ruộng cùng nhiều phương tiện cơ giới khác trị giá hàng trăm triệu đồng. Mỗi vụ lúa thu lãi 400-500 triệu đồng.
“Gia đình nào chỉ có 10-20 công đất thì làm không hiệu quả, vì rất khó đưa máy móc vào nhằm giảm chi phí sản xuất. Đó là chưa tính do khó khăn phải đi vay vốn, lãi suất xấp xỉ lợi nhuận trồng lúa. Gặp lúc giá lúa lại trồi sụt thất thường khó tránh khỏi thua lỗ, phải bán đất trả nợ. Cho nên tui kiến nghị cần sớm nâng mức hạn điền từ 30 công lên 60 công đối với khu vực Nam bộ để ai có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm thì đầu tư vô, ai không có khả năng thì dồn cho người khác, chuyển đổi nghề phù hợp hơn” - ông Út Phải kiến nghị.
Cũng như ông Út Phải, ba anh em ông Hai Huần, Ba Hiền, Tư Trọng ở ấp Sơn Hòa từ chỗ chỉ có vài chục công ruộng do cha mẹ chia, nhờ cần mẫn khai hoang cộng với dành dụm tiền mua đất bắt “đất đẻ ra đất”, giờ đây ba anh em ông đã làm chủ tổng số hơn 500 công đất lúa.
Nhu cầu tích tụ ruộng đất cho cuộc làm ăn lớn xem ra vẫn chưa dừng lại khi họ tiếp tục đầu tư hàng tỉ đồng mua sắm máy cày, máy gặt đập liên hợp, xây cất hệ thống kho sức chứa hàng ngàn giạ lúa để có thể chủ động đầu ra khi giá thị trường biến động.
Theo ông Giang Văn Lịch (78 tuổi) - nguyên chủ tịch UBND thị trấn Hòn Đất, quá trình khai hoang mở đất diễn ra trong khoảng 20 năm trở lại đây đã tạo ra một cuộc “cách mạng tích tụ ruộng đất” tại xã Nam Thái Sơn.
Bằng cách đầu tư cho đất để đất sinh lợi, hàng trăm gia đình đã nhanh chóng trở thành những chủ ruộng lớn với diện tích mỗi hộ lên tới hàng trăm công. Ông Lịch lý giải: “Năm 1941 có 752 gia đình nông dân từ hai tỉnh Nam Định, Thái Bình di cư vào đây lập nghiệp theo chính sách khai hoang, lập đồn điền của Pháp.
Với bản tính cần cù, sáng tạo, tương thân tương ái, họ đã trụ vững trên vùng đất này. Không chỉ cải tạo thành công hàng ngàn hecta đất hoang được giao cấp, mà họ còn vươn ra sang nhượng ruộng đất của những nông dân ly hương, chuyển nghề.
Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến Nam Thái Sơn trở thành địa phương tích tụ ruộng đất hiếm thấy ở đồng bằng sông Cửu Long”.
TẤN ĐỨC (TT)

17.3.12

Nông dân ngày càng thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong nền kinh tế


Hôm qua (16-3), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhằm kiểm điểm kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam và xác định trọng tâm phối hợp trong thời gian tới.
Báo cáo về tình hình nông dân và hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, cho thấy, những năm qua, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam .  Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam . Ảnh: TTXVN
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường, hiện trung bình mỗi năm hệ thống trung tâm dạy nghề của Hội đã trực tiếp dạy nghề và phối hợp dạy nghề cho khoảng 200 nghìn người; giới thiệu việc làm cho khoảng 45 nghìn lao động và trên 4 nghìn người đi xuất khẩu lao động. Năm 2011, các cấp Hội tiếp tục vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp gần 72.600 hộ vay để sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2011, các cấp Hội đã vận động Quỹ vì người nghèo được 67.450 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa và xây mới được 17.645 căn nhà tình thương; tổ chức được hơn 10.000 lớp tập huấn tại chỗ; thăm hỏi tặng quà cho hơn 200.000 hộ gia đình nông dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền lên đến 20 tỷ đồng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương tinh thần lao động cần cù, sáng tạo; đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, ý chí kiên cường vượt qua khó khăn, thách thức và những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực mà nông dân nước ta đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trong năm qua, thể hiện ngày càng rõ vai trò nòng cốt của nông nghiệp, nông dân trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những thành tựu đạt được, trên còn nhiều điểm chúng ta không thể thỏa mãn, bởi một bộ phận không nhỏ đời sống của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng nông thôn còn kém phát triển; nông dân còn thiếu thông tin và định hướng trong sản xuất; tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn…
Để khắc phục những tồn tại trên, Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới Chính phủ cùng với Hội nông dân cần tăng cường phối hợp, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Hai bên cùng nỗ lực xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí, đây cũng là giải pháp hữu hiệu để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Hội nông dân Việt nam phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong thực hiện công tác an sinh và phúc lợi xã hội, an sinh xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực bảo vệ quyền lợi chính đáng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân…
Nguồn: Đại Đoàn Kết