Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ tin báo chí nói Moscow dự định thiết lập các căn cứ hải quân mới ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Trong ngày thứ Năm 26/7, khi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đang trong ngày đầu tiên ở Nga, hãng tin Nga RIA-Novosti dẫn lời Tư lệnh Hải quân Nga nói nước ông đang đàm phán để đồn trú hải quân ở Việt Nam, Cuba và quần đảo Seychelles.
Nhưng vào thứ Sáu 27/7, Bộ Quốc phòng Nga nói ông Chirkov chưa bao giờ có bình luận như vậy.
Hải quân Nga đã rời Cam Ranh năm 2002 |
Việc thiếu tiền sau năm 1991 đã khiến đa số căn cứ của Nga ở nước ngoài phải đóng cửa.
Moscow rút khỏi quân cảng Cam Ranh vào năm 2002, và hiện quân Nga chỉ đồn trú ở Ukraine và Syria.
Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ phục hồi sức mạnh quân sự của Nga.
Những năm gần đây, Moscow đã mở rộng hoạt động của hải quân ở nước ngoài, trong đó có tham gia chống cướp biển gần Somalia.
Bác bỏ
Theo hãng tin RIA-Novosti, Phó Đô đốc Viktor Chirkov tuyên bố Nga "đang tiếp tục làm công việc bảo đảm việc đồn trú các lực lượng của Hải quân Nga ở ngoài lãnh thổ Liên bang Nga".
Nhưng sau đó Bộ Quốc phòng lại khẳng định ông Chirkov chưa bao giờ nói thế, và rằng chủ đề này không hề được nhắc trong cuộc phỏng vấn.
"Các vấn đề về quan hệ quốc tế không thuộc trách nhiệm tư lệnh hải quân," bộ này nói trong thông cáo trên trang web chính thức.
Bộ Quốc phòng Nga nói những lời được trích dẫn là "tưởng tượng của tác giả, người tìm cách ưu tiên chuyện giật gân thay vì đạo đức nghề nghiệp".
Năm 2002, khi ông Putin đang làm tổng thống nhiệm kỳ đầu, Nga rút khỏi Cam Ranh, từng là căn cứ lớn nhất của hải quân Nga ở nước ngoài.
Việc đóng cửa xảy ra sau khi thời hạn thuê 25 năm kết thúc và Việt Nam đòi tiền thuê cao hơn. Nhưng giới phân tích nói mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ cũng đóng một phần vai trò.
Hiện Nga chỉ có căn cứ ở Sevastopol thuộc Ukraine và một đồn hậu cần nhỏ ở cảng Tartus của Syria.
Tuyên bố chung Việt - Nga ngầm phê phán kế hoạch tên lửa của Mỹ |
Cho tàu vào 'bảo dưỡng'
Tường thuật chính thức của Thông Tấn xã Việt Nam về chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trương Tấn Sang không nhắc gì đến Cam Ranh.
Tuyên bố chung của hai nước sau cuộc gặp giữa ông Sang và Tổng thống Putin ngày 27/7 cũng không đề cập việc này.
Tuyên bố chỉ nói hai bên "ghi nhận rằng hợp tác kỹ thuật quân sự và quan hệ đối tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh không ngừng phát triển, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và góp phần cùng nhau đối phó với các thách thức và nguy cơ an ninh mới".
Trong khi đó, trang web Đài Tiếng nói Nước Nga đăng cuộc phỏng vấn của họ với Chủ tịch Trương Tấn Sang.
Ông Sang được dẫn lời nói Việt Nam "sẵn sàng cung cấp cho Nga cơ hội để tạo ra cơ sở hậu cần tại cảng Cam Ranh".
"Tuy nhiên, Việt Nam không có ý định chuyển lãnh thổ của mình cho các căn cứ quân sự nước ngoài," theo bản tin tiếng Việt của đài này.
Hoa Kỳ lưu tâm
Trong ngày thứ Sáu, tin "mở căn cứ nước ngoài" của Nga cũng khiến một phát ngôn nhân của Lầu Năm Góc từ Washington phải lên tiếng rằng Hoa Kỳ "không lo ngại" về ý định này.
Ông George Little tuyên bố: "Chính phủ Nga có quyền lợi ở nhiều nơi. Họ có quyền thúc đẩy các quyền lợi đó."
Ông cũng nói Hoa Kỳ đang thúc đẩy quan hệ gần hơn với Việt Nam.
"Họ đã cho phép tàu chở hàng của Mỹ được vào vùng biển Việt Nam, trong đó có Vịnh Cam Ranh," phát ngôn nhân của quân đội Mỹ nói.
Trước khi Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng bác bỏ, nhiều cơ quan truyền thông Mỹ chạy tin này, với bình luận rằng ý định mở rộng quân sự của Nga ra nước ngoài có thể khiến quan hệ với Mỹ thêm xấu đi.
Hãng tin Bloomberg ghi nhận bản tuyên bố chung Việt - Nga chỉ trích kế hoạch của Mỹ muốn mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa.
Tuyên bố Việt - Nga nói "không được phép bảo đảm an ninh của một quốc gia này bằng cách gây phương hại đến an ninh của một quốc gia khác, bao gồm việc mở rộng các liên minh quân sự - chính trị và thành lập các hệ thống phòng thủ chống tên lửa toàn cầu và khu vực".
Giới quan sát ở Mỹ chú ý tin này còn vì lo ngại Nga muốn đóng quân ở Cuba, chỉ cách quần đảo Florida Keys 90 cây số.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little nói ông không nêu lo ngại về việc này.
"Tôi có nghe tin tức, nhưng không biết có thỏa thuận đạt được giữa Nga và Cuba về việc đặt căn cứ," ông phát biểu với giới phóng viên hôm 27/7.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/07/120728_russia_bases_denial.shtml
0 comments:
Đăng nhận xét