Trang

26.9.12

Kiểm soát đấu thầu qua mạng để chống "lợi ích nhóm"


Đấu thầu điện tử (đấu thầu qua mạng) được kỳ vọng là phương thức quan trọng để ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ và "phá vỡ" tình trạng thiếu cạnh tranh, đấu thầu theo kiểu hình thức, khép kín như hiện nay. Nhưng vấn đề đặt ra cho dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) là kiểm soát phương thức đấu thầu này như thế nào để không “lợi bất cập hại”.

Đấu thầu qua mạng được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tiêu cực.

Lạm dụng luật để chỉ định thầu

Tình trạng “chỉ định thầu” đang “vô hiệu hóa các quy định về cạnh tranh, kiểm soát sự độc lập của nhà thầu nước ngoài” trong Luật Đấu thầu. Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, xu hướng chỉ định thầu hiện nay vẫn còn nhiều với 75% các gói thầu còn chỉ định thầu, chiếm đến 45% tổng vốn đầu tư. Đã vậy, toàn bộ quá trình đấu thầu chủ yếu do chủ đầu tư quyết định khép kín và không có cơ quan giám sát, thẩm tra.

Vẫn còn có tình trạng dàn xếp, thông đồng giữa các nhà thầu khiến cho việc đấu thầu chỉ mang tính hình thức. “Chỗ dựa” chính để áp dụng hình thức chỉ định thầu là “việc lạm dụng các điều khoản chưa rõ ràng trong luật” như phản ánh của ông Ninh Viết Định (Trưởng ban Quản lý đấu thầu – Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

Do đó, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung thêm hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng (đấu thầu điện tử). Thực tế qua thí điểm đấu thầu điện tử giai đoạn I (trong 3 năm 2009-2011) cho thấy, phương thức đấu thầu này đã góp phần “giảm chi phí giao dịch, tăng sức cạnh tranh để mỗi gói thầu có giá phù hợp nhất, thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả đầu tư công, đấu thầu” như ý kiến của ông Nguyễn Xuân Đào (Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Bộ KH&ĐT).

Không để “điện tử hóa” nửa vời

Thực tiễn thí điểm cho thấy, ban hành các quy định cụ thể về tỷ lệ đấu thầu qua mạng là yêu cầu cần thiết để đấu thầu qua mạng không phải là một “lỗ hổng mới” cho các nhóm lợi ích “chui lọt”. Theo đề xuất của một số chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, đưa tỷ lệ cụ thể  dự án của địa phương được thực hiện đấu thầu qua mạng vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) là cách để phát triển hình thức đấu thầu qua mạng (30-40% và tăng dần theo từng giai đoạn).

Bên cạnh đó là những chế tài rõ ràng, cụ thể đối với các gói thầu quy định đấu thầu qua mạng, trách nhiệm của các bên mời thầu như việc cung cấp danh sách các nhà thầu thường tham gia đấu thầu các dự án của đơn vị đó; có thể áp dụng chế tài “không công nhận kết quả trúng thầu” nếu bên mời thầu không tuân thủ qui định đấu thầu qua mạng.

Theo khoản 1 Điều 64 dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), văn bản điện tử giao dịch qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hợp lệ khi có chữ ký số của người đại diện hợp pháp. Như vậy đặt ra vấn đề cần có qui định về chữ ký điện tử và mã hóa dữ liệu để các giao dịch đấu thầu qua mạng được hợp pháp hóa đúng phương thức, không để cảnh “đấu thầu qua mạng, xác nhận trúng thầu bằng… phương pháp giấy tờ dấu đỏ”.

Ngoài ra, quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng; trình tự đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất… nếu không được qui định chi tiết sẽ là “lối nhỏ” cho các hành vi thông đồng, dàn xếp như đối với hình thức chỉ định đấu thầu có cơ hội “tái xuất”…

Một lộ trình hiện đại hóa công tác đấu thầu, góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ được mở ra bằng việc áp dụng rộng rãi phương pháp đấu thầu qua mạng trên nền tảng các qui định pháp lý chặt chẽ, rõ ràng và đơn giản hóa thủ tục. Tất cả đang được trông chờ ở dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ IV sắp tới.

Qua 3 năm thực hiện thí điểm giai đoạn I,  hệ thống đấu thầu điện tử đã có hơn 30.000 thông báo mời thầu, hơn 1.000 kế hoạch đấu thầu và 3.500 bên mời thầu và hơn 1.000 nhà thầu đăng ký sử dụng hệ thống; triển khai thành công hơn 200 gói thầu.

Trong giai đoạn 2 (từ nay đến năm 2015) Bộ KH&ĐT đã báo cáo với Chính phủ, đề nghị nâng từ 3 đơn vị thí điểm ban đầu (UBND TP.Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam) lên 15 đơn vị trong năm 2012.

(Nguồn: Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ KH&ĐT)

0 comments:

Đăng nhận xét