Trang

31.8.14

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đòi hỏi dân chủ, pháp quyền của nhân dân là tất yếu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ nhận thức rõ đòi hỏi về dân chủ, pháp quyền của nhân dân, của xã hội là đòi hỏi mang tính tất yếu, khách quan và cũng là xu thế của thời đại.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc.
Sáng 29/8, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.

Báo cáo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trình bày nêu rõ: Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các vấn đề về tổ chức cơ quan điều tra, về thi hành án; chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và thi hành án; chỉ đạo công tác bổ trợ tư pháp; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác đào tạo cán bộ tư pháp và các chức danh tư pháp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về tư pháp; hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật…

Các bộ, ngành và địa phương được chỉ đạo khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Kết luận số 92 và các văn bản của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương hết sức nghiêm túc. Nhận thức của cán bộ, công chức, đảng viên về công tác cải cách tư pháp được nâng lên rõ rệt.

Thời gian tới, Ban Cán sự Đảng Chính phủ tập trung chỉ đạo công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đáp ứng mục tiêu cải cách tư pháp; tập trung các nguồn lực cho việc hoàn thành các chương trình, đề án về cải cách tư pháp; tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, công tác thi hành án; kiện toàn tổ chức và hoạt động của luật sư, trợ giúp pháp lý, công chứng, giám định; xây dựng đội ngũ và đào tạo đội ngũ công chức; bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động tư pháp…

Ban Cán sự Đảng Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, cho ý kiến về những định hướng lớn trong các dự án luật, pháp lệnh để thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Đồng thời, sớm cho ý kiến về một số đề án, dự án do các bộ, ngành chuẩn bị liên quan đến cải cách tư pháp; chỉ đạo việc tăng cường triển khai Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại tại 13 tỉnh; cho ý kiến về các giải pháp phát triển đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý, tăng cường năng lực tranh tụng của luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng…

Trong buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Chính phủ nhận thức rõ đòi hỏi về dân chủ, pháp quyền của nhân dân, của xã hội là đòi hỏi mang tính tất yếu, khách quan và cũng là xu thế của thời đại; yêu cầu đặt ra phải xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phải xây dựng cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp mạnh.

Nhận thức rõ điều này, Chính phủ đã hết sức cố gắng trong quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về công tác tư pháp, cải cách tư pháp.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã nêu lên những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém để ra sức khắc phục, để làm tốt hơn; những nhiệm vụ sát sườn cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Đó là những nhiệm vụ được quan tâm chỉ đạo thường xuyên ở các phiên họp của Chính phủ, đặc biệt là nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đáp ứng mục tiêu cải cách tư pháp; thúc đẩy hoàn thành các chương trình, đề án về cải cách tư pháp…

“Tinh thần chung của Chính phủ sẽ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quán triệt chủ trương của Trung ương, Hiến pháp, pháp luật, nỗ lực, cố gắng phát huy kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém, thậm chí là khuyết điểm, phấn đấu làm tốt hơn, hiệu quả hơn công tác tư pháp, cải cách tư pháp”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác xử lý giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân; chỉ đạo, nghiên cứu để sớm có đội ngũ luật sư công hỗ trợ tư pháp giúp cho người dân đi khiếu kiện và kể cả hỗ trợ cho chính quyền trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; kiểm tra việc triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp, chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề vướng mắc…

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Chính phủ đã nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 92; đồng thời đánh giá cao những kết quả toàn diện mà Chính phủ đạt được trong công tác tư pháp, cải cách tư pháp cũng như những nhiệm vụ được Chính phủ đề ra và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch nước đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Trung ương liên quan đến công tác tư pháp, cải cách tư pháp, đặc biệt là công tác tuyên truyền; hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án luật; trong quá trình luật hóa Hiến pháp 2013 cần hết sức quan tâm phân công trách nhiệm, kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa các cơ quan.

Tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó có cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp; chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng; cải cách chế độ công chức, công vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tăng cường hơn nữa công tác phòng chống tội phạm bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết cho hoạt động tư pháp.

Chủ tịch nước khẳng định, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong giải quyết những vướng mắc liên quan đến hoạt động giám định tư pháp.

Với các đề xuất, kiến nghị của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, của Thủ tướng, Chủ tịch nước yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tiếp thu, xem xét, xử lý, chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Theo VGP

0 comments:

Đăng nhận xét