Trang

30.10.15

Khi chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh lừa tâm lý người dân?

“Nợ công của Việt Nam đang tăng cao và gần chạm giới hạn” - câu nói đầy hoang mang này được chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan phát biểu sau khi Chính phủ trình Quốc hội đề nghị cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế; trong khi đó, nợ công của VN vẫn đang ở mức an toàn! Không biết là, trước khi đưa ra lời phát biểu trên, bà Phạm Chi Lan có suy xét cặn kẽ đến tác hại của những lời nói trên hay chưa? 

Có thể, với nhiều người, phát biểu trên của bà Phạm Chi Lan là “quá thẳng” nhưng sai lầm lớn ở đây chính là: cách mà bà Phạm Chi Lan diễn giải đã đẩy vấn đề hiểu theo cách đầy tiêu cực.

Theo mức sàn chuẩn cho phép nợ VN thì: trần nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%. Hiện nay, nợ công VN là 61,3 %, điều đó chứng tỏ, nợ quốc gia vẫn ở ngưỡng an toàn! Chuyện sẽ không có gì để bàn nếu như bà Phạm Chi Lan không giật lên những câu nói rất “kêu” gây hoang mang dư luận như: “Bội chi ngân sách, nợ công chưa có xu hướng giảm, mà còn tiếp tục tăng lên. Mặc dù con số nợ công theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB) và Bộ Tài chính có sự chênh lệch. Bộ Tài chính đưa ra con số là 61,3%; trong khi WB cho biết nợ công của Việt Nam đã lên đến 64%. Song có một thực tế vẫn phải thừa nhận là mức độ nợ công của Việt Nam đang tăng cao và gần chạm giới hạn”. 

Đưa ra tuyên bố “Nợ công của Việt Nam đang tăng cao và gần chạm giới hạn” không khác nào bà Phạm Chi Lan muốn dẫn dắt dư luận đến với suy nghĩ VN sắp “vỡ nợ” tới nơi??? Dẫn chứng “Bộ Tài chính đưa ra con số là 61,3%; trong khi ngân hàng thế giới cho biết nợ công của Việt Nam đã lên đến 64%”, có nghĩa là theo bà, ngân hàng thế giới sẽ nhìn nhận khách quan hơn là Bộ Tài chính? Vậy thì, nhận định tờ báo danh tiếng của Anh - Financial Times “Kinh tế VN vẫn là điểm sáng” hẳn là phải có giá trị?!

Ta phải hiểu rằng, một doanh nghiệp đi vay tiền nhiều không có nghĩa là doanh nghiệp đó đang làm ăn thua lỗ mà có khi là do thiếu vốn đầu tư nên cần phải vay. Vấn đề là vay tiền để làm gì, tiền có đẻ ra tiền sanh lợi nhuận hay không? Không một ngân hàng thế giới hay một tổ chức tín dụng, doanh nghiệp quốc tế nào lớn mạnh lại khờ dại đầu tư vào VN mà không đem lại lãi. Những năm nay, giới doanh nhân, tập đoàn quốc tế chọn VN là nơi đầu tư, phát triển kinh tế đã chứng minh ngược lại với những gì một số chuyên gia kinh tế VN vẽ lên bức tranh đen tối cho nền kinh tế VN! 

Ông Gareth Leather, Chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á của Capital Economics đánh giá: “Trong những năm gần đây, Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ”. Theo số liệu của FDI Markets – bộ phận nghiên cứu về đầu tư nước ngoài của Financial Times, vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mặc cho các thị trường mới nổi khác chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Công bố trên phần nào cho thấy, nhiều doanh nghiệp VN giải thể trong thời gian qua như bà Phạm Chi Lan lên tiếng “báo động” nguyên nhân phần lớn là do doanh nghiệp VN còn quá non trẻ, thiếu kinh nghiệm làm kinh tế. Càng không có chuyện Nhà nước “tận diệt doanh nghiệp” VN như lời bà nói! Tại sao số lượng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VN không bị “tận diệt” mà ngược lại doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VN ngày càng tăng??? Lời nói của bà Phạm Chi Lan của ngày hôm nay và cách đó vài tuần lại có sự mâu thuẩn khác thường - còn nhớ, trước đây, bà từng khẳng định “VN là mô hình kỳ lạ nhất thế giới... nước không chịu phát triển kinh tế”? 

Không phải ngẫu nhiên mà tờ Financial Times nhận định: “Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng trung bình”. Cũng không phải đơn thuần mà các chuyên gia kinh tế ANZ dự báo, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam cho năm 2015 và 2016 sẽ duy trì ở mức 6,5% và lạc quan cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể tăng cao hơn nữa do những thành tựu đạt được trong quý I/2015 cao hơn dự kiến. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ngân hàng quốc tế WB công bố, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,2% vào năm 2012; tăng lên 5,4% năm 2013 và 6% năm 2014. Dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục trên đà tăng trưởng với mức 6,1% năm nay và 6,2% năm 2016... tất cả những nhận định trên đều có cơ sở của nó chứ không phải phán trên sự cảm tính!

Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập, phát triển, thu hút sự đầu tư của nước ngoài, mọi thứ đang xoay chuyển theo tình thế tốt đẹp, thế nên, khi đánh giá về vấn đề gì, các chuyên gia hãy nhìn nhận một cách “toàn cảnh” nhất – đừng chỉ nhìn một góc cạnh nào đó rồi vội vàng quy kết cứ như thể là VN mất khả năng thanh toán các khoản nợ, lâm vào cảnh đường cùng nên phải nhanh chống phát hành trái phiếu Chính phủ. Một dẫn chứng cụ thể, chúng ta đang xây dựng đất nước, VN đang mở cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn; muốn doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư phát triển, trước tiên ta phải có đường xá thuận tiện, mà muốn xây cầu cống rộng lớn phải cần đến số tiền lớn, nếu không vay thì lấy đâu ra??? 

Cũng liên quan đến lĩnh vực kinh tế, trước đây, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tài chính ngân hàng của E&Y Việt Nam (Ernst & Young), chuyên trách về lĩnh vực kiểm toán, tư vấn cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính tại Việt Nam, Lào cũng hô hào phát biểu trên báo điện tử Vnexpress rằng “ngân hàng VN đang ở đáy khủng hoảng”. Kết quả thì sao? Không những không có chuyện “khủng hoảng” như lời bà Thùy Dương nói mà sau đó thời gian ngắn, hàng loạt các ngân hàng được Bộ Công an làm trong sạch bộ máy điều hành, chặt đứt các vòi bạch tuột “hút máu” nền kinh tế đất nước; tạo tiền đề cho việc ổn định phát triển kinh tế như ngày hôm nay.  

Vẫn là gửi gấm cũ, chuyên gia kinh tế xin hãy cân nhắc thật kỹ tác hại của lời nói trước khi “đăng đàn” phát ngôn. Xin hãy nói đúng bản chất vấn đề, đừng giật gân, làm quá sự thật và đừng bao giờ nói những gì mình muốn để chứng tỏ sự “tồn tại” của mình. Nền kinh tế Việt Nam sẽ ít nhiều chịu tác động, ảnh hưởng từ các vị “chuyên gia”. Đừng vì sự vô tình trong “giao tình” mà “đạp đổ” đi những phấn đấu, cố gắng mà Nhà nước đang tái cơ cấu kinh tế tổng thể…!

Thanh An

1 nhận xét: