Trang

Diệp Kính Thiên: Nguyễn Tấn Dũng có thắng không?

Khả năng được đề cử chức Tổng bí thư khóa 12 cho Nguyễn Tấn Dũng có thể chắc chắn. Đây mới chỉ là hiệp một. Sang hiệp hai – bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa 12 – mới là chủ yếu.

Anh Ba Thanh: Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư nửa nhiệm kỳ đầu khóa XII ?

Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hé lộ một chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo đó là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"

Hiển thị các bài đăng có nhãn cách mạng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn cách mạng. Hiển thị tất cả bài đăng

21.6.12

Báo chí sống trong dân và trung thực chia sẻ với dân

Đó là sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng theo kỳ vọng của Karl Marx : "báo chí sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ. Trong hy vọng và lo lắng, có điều gì báo chí nghe được ở cuộc sống, báo chí sẽ lớn tiếng loan tin cho mọi người đếu biết, báo chí tuyên bố sự phán xét của mình đối với những tin tức đó"*.


Dõi theo những phóng sự nóng bỏng, những thông tin giàu sức cảnh báo, với nội dung truyền cảm đầy tính thuyết phục mà để thu thập được, những người làm báo phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, kể cả không loại trừ khả năng bị đe doạ đến tính mạng, sẽ hiểu ra được cuộc chiến đấu trên trận địa này không kém phần cam go. Sự nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, tính chính xác trong nhìn nhận và phân tích sự kiện của một số nhà báo tài năng thể hiện trên nhiều trang của những tờ báo được công chúng đón chờ, đã thổi một luồng sinh khí vào đời sống xã hội.
Phóng viên tác nghiệp
Xã hội nhận ra ở đó cách nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật, phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, từ đó, tạo ra một áp lực của dư luận xã hội đấu tranh chống lại những tiêu cực, những trì trệ, thoái hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ trong bộ máy đang kìm hãm sự phát triển của đất nước. Những trang báo, những cây bút ấy đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của báo chí. Cũng chính vì thế, người đọc thực sự biết ơn những cây bút trung thực và can đảm dám nói lên sự thật, cho dù có phải trả giá đắt cho việc đó.

Thì chả phải những nhà báo tâm huyết như Thức, như Thục Vy, như Vương, những nhân vật trong cuốn phim "Đàn Trời" đang chiếu trên tivi đã suýt chết vì thiên phóng sự giàu sức tố cáo đó sao! Thế lực bảo kê cho tội ác lại do Chủ tịch Tỉnh cầm đầu. Và một khi quyền lực Nhà nước câu kết với bọn ăn cắp cùng với thế lực "xã hội đen" hình thành nên một tổ chức "mafia" lũng đoạn các hoạt động kinh tế, thì về bản chất, nó đã trở thành vấn đề xã hội chính trị cực kỳ nguy hiểm, uy hiếp sự tồn vong của chế độ. Đừng quên rằng hình ảnh trong phim chỉ chuyển tải được một phần rất nhỏ cuộc sống thực mà chúng ta đang sống. Nhà báo chân chính phải dám đối diện với những thế lực đen tối trong cuộc sống thực đó.

Phải chăng đây chính là "cuộc chiến đấu khổng lồ" nhằm "chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi" mà Bác Hồ đã thiết tha căn dặn trong "Di Chúc"?. Để giành thắng lợi, "cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân"**. Báo chí góp phần trực tiếp và sắc bén vào sự nghiệp cao cả đó.

Đây là sự kế thừa và phát huy truyền thống của báo chí cách mạng. Chỉ chẳng thế sao nếu nhớ lại bài báo "Thà ít mà tốt" trên báo Sự Thật số 49 ngày 4/3/1923 V.Lenin từng phẫn nộ về việc "Nhà nước Xô viết... đã chất đầy một đống rác rưởi đủ loại", trong đó không thiếu những kẻ "quyết ngoạm một miếng rồi chuồn".

V. Lenin vạch rõ : "Thế là đã năm năm, chúng ta ra sức cải tiến bộ máy nhà nước của ta. Nhưng đó chỉ là một hoạt động phí công, một hoạt động qua năm năm, đã chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng hoạt động đó chỉ là vô hiệu, thậm chí còn vô ích, hay thậm chí còn có hại là khác". Bài báo ấy đã như một phát súng lệnh đẩy tới cuộc đấu tranh chống lũ tham nhũng đang là bọn cướp ngày nhân danh nhà nước để đục khoét của công.

V.Lenin đòi hỏi "về điểm này không thể có một chút do dự nào cả...hãy đuổi cổ bọn lợi dụng và bọn ăn cắp đã chui vào Đảng" ***.

Có lẽ không chỉ là 5 năm thất bại trong việc làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước ấy, mà đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản đẩy tới sự sụp đổ của Nhà nước Xô Viết.

Bài học này vẫn còn nguyên vẹn cho đến hôm nay. Vì vậy mà báo chí, vũ khí sắc bén của nhân dân, với sức mạnh khó so sánh của nó, phải đi tiên phong trong "cuộc chiến đấu khổng lồ" này. Và trong cuộc chiến đang diễn ra, báo chí có được một lợi thế mà trước đây chưa thể có. Đó là những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin khiến cho sự bưng bít thông tin trở thành ngớ ngẩn.

Nhà báo thời nay, dù tự giác hay tự phát đều tiếp nhận được nguồn sức mạnh từ thành tựu ấy. Vấn đề đặt ra là bản lĩnh và trình độ của nhà báo có phát huy được nguồn sức mạnh đó hay không. Đã từng có những cây bút xông xáo, nhạy bén và quyết liệt. Và cũng đã có không ít người phải trả giá cho chuyện đó.

Không thiếu những phóng viên bị hành hung, bị đập máy ảnh khi tiếp cận hiện trường để thu thập thông tin. Với một môi trường pháp lý quá lỏng lẻo và bất cập, tinh thần thượng tôn pháp luật quá yếu kém, thì một số người cầm quyền hư hỏng sợ nhà báo như sợ cọp, sẽ tìm mọi cách đối phó, bất hợp tác và toan tính những hành vi mua chuộc, đe dọa, trấn áp. Vì vậy, cũng không thiếu những nhà báo thiếu bản lĩnh đã buông bút, thậm chí bẻ cong ngòi bút.

Với cuộc chiến đấu không cân sức này, sứ mệnh của báo chí đang được thử thách trong cơn sóng cả của dòng thác cuộc sống. Chỉ có điều, cuộc sống thì vẫn miệt mài tuôn chảy không theo trình tự tuyến tính mà là phi tuyến tính, luôn nảy sinh những nhân tố mới, những tương tác mới tạo ra khả năng hình thành những hợp trội không dự báo trước được.

Cũng giống như tốc độ của dòng sông được quyết định từ sức cuộn chảy từ bên dưới, dòng thác cuộc sống cũng vậy. Ý chí và sức mạnh của nhân dân rồi sẽ quyết định sự phát triển của chính nó. Chẳng thế mà Victor Hugo, đại văn hào Pháp khẳng định "Hãy nhìn vào dân chúng, bạn sẽ thấy chân lý".
Và đồng hương của ông, Napoléon Đệ nhất, người đã từng ngạo mạn tuyên bố "Nhà nước là ta" cũng đã phải nhẫn nhục nói rằng : "Nhà nước là cái gì? Không là cái gì cả, nếu nó không có dư luận". Nhà độc tài thông minh ấy đã hiểu được xét đến cùng, sức mạnh của cái Nhà nước mà ông ta nắm trong tay, là đến từ đâu.

Dõi theo cái logic này, sẽ hiểu ra cách lựa chọn của Thomass Jefferson: "nếu phải chọn một chính phủ không cần báo chí với một báo chí không cần chính phủ thì ông chọn cái thứ hai ". Đừng quên rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776, để mở đầu cho"Tuyên ngôn Độc lập" ngày 2.9.1945.

Thoạt nghe, cứ ngỡ như là một cực đoan, song nếu biết rằng, vị tổng thống thứ ba của Hợp chủng quôc Hoa Kỳ chủ trương rằng chính quyền Liên Bang nên đóng vai trò càng nhỏ càng hay. Với chủ trương ấy, 37 năm sau, Abraham Lincoln đã mô tả chính quyền Hoa Kỳ phải là "của Dân, do Dân và vì Dân". Khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, Thomass Jefferson tuyên bố : "Không một người tù nào cảm thấy nhẹ nhàng hơn tôi khi tôi trút được gánh nặng quyền lực".

Cho nên, cái lý của sự lựa chọn đó, xét đến cùng là ở sứ mệnh đích thực báo chí như nó cần phải có mà nếu thiếu nó thì cái nhà nước của dân, do dân và vì dân khó lòng thực thi được chức năng đích thực của nó khi nó là "là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra từ thực tế hiện thực, lại chảy trở về hiện thực như một dòng thác đầy sinh khí "*.  Chỉ có thể trở thành "dòng thác đấy sinh khí ", chứ không là những bản sao lười nhác công văn chỉ thị dội từ trên xuống, khi báo chí thực hiện đúng sứ mệnh thiêng liêng của mình. Nhân kỷ niệm ngày nhà báo 21.6, thô thiển nhắc lại đôi điều nói trên tưởng cũng là một việc nên làm!
_________________________________________
*   C.Mác và  Ph. Ang-ghen Toàn Tập. Tập I. NXBCTQG 1995. tr.237, tr.99
**  Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. NXBCTQG. Hà Nội 1996, tr. 505
** Lênin Toàn tập. Tập 45. NXB tiến bộ Matxcơva. 1978. Bản tiếng Việt, tr.15-18

Tác giả: GS TƯƠNG LAI
tuanvietnam