Trang

11.6.12

Quyền lực của dân

Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 là một hoạt động chính trị có ý nghĩa to lớn đối với công cuộc phát triển đất nước ta. Bài viết này đề cập một trong những nội dung cốt lõi của Hiến pháp: đó là quyền lực của dân.
Bản chất của Hiến pháp
Theo các nhà lý luận kinh điển, Hiến pháp là bản "Khế ước xã hội", là bản cam kết của tất cả mọi người với nhau và giữa nhân dân với Nhà nước về những quyền và nghĩa vụ được phân định, ràng buộc Nhà nước và ràng buộc nhân dân về các quyền và nghĩa vụ. Hiến pháp cũng được coi như một bản "Hợp đồng" về những vấn đề cơ bản nhất giữa một bên là nhân dân một nước với một bên là những người được nhân dân ủy quyền trong việc tổ chức, sử dụng quyền lực của nhân dân được tổ chức thành Nhà nước. Quyền lực chỉ được trao cho Nhà nước theo sự thỏa thuận, ủy quyền của nhân dân với những điều kiện được nhân dân chấp nhận và được nhân dân giám sát; và do đó, không thể có thứ quyền lực nằm ngoài khế ước xã hội. Như vậy, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, ổn định lâu dài, có vị trí pháp lý cao nhất của một quốc gia, là luật gốc cho tất cả các đạo luật khác, có vị trí quan trọng nhất trong việc điều chỉnh đời sống chính trị của một quốc gia.
Quyền lực của dân  
Trong Hiến pháp, vấn đề được quan tâm hàng đầu là các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Trở lại bốn bản Hiến pháp của nước ta (Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và 1992), có thể thấy Hiến pháp 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo là một mẫu mực về các quyền này. Hiến pháp 1946 đã có những quy định rất rõ, ngay từ Điều 1 "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo". Tiếp theo là Điều 21 "Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia"; Điều 10 "Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài", v.v... Việc tiếp thu, kế thừa những tinh hoa của Hiến pháp 1946 và các bản Hiến pháp sau đó là rất cần thiết trong việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. 

Ngày nay, Nhà nước ta đã được khẳng định là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa "của dân, do dân và vì dân" và "Toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân". Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích của công dân, phải đề ra các chủ trương, chính sách để các quyền ấy được thực thi trong thực tế. Bộ máy nhà nước hoạt động trên cơ sở tuân thủ pháp luật theo nguyên tắc "thượng tôn pháp luật"; công chức chỉ được thực hiện những nhiệm vụ mà pháp luật cho phép; phải thực hiện công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. Tòa án phải được độc lập trong xét xử; chỉ tuân theo pháp luật, không bị chi phối bởi bất kỳ quyền lực nào. Người dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, có quyền tham gia ý kiến đối với Hiến pháp cũng như các đường lối, chủ trương phát triển đất nước, bãi miễn những công chức không làm tròn nhiệm vụ. 

Một số vấn đề cụ thể

Khẳng định những quyền cơ bản của công dân. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 1992 có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là những quyền tự do, dân chủ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của con người; là khát vọng, mục tiêu đấu tranh của dân tộc ta qua hàng nghìn năm lịch sử từ trước đến nay; mặt khác, khi các quyền được quy định và được thực thi nghiêm túc, con người sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn lực và điều kiện phát triển toàn diện, tạo ra những giá trị mới cho công cuộc xây dựng đất nước. Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) cũng đã khẳng định: "Quan tâm hơn nữa việc chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết" (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 239). Vì vậy, các quyền con người, quyền công dân cần được phân biệt, có quy định rõ ràng, hoàn chỉnh, đặt thành một chương riêng, ngay sau Chương 1 về chế độ chính trị.
Cần bỏ cụm từ "theo quy định của pháp luật" trong các quy định về quyền công dân trong Hiến pháp 1992 (Điều 69 quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, quyền được hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật"). Thực tế cho thấy quy định này đã tạo ra những hạn chế, vì khái niệm "pháp luật" ở đây rất rộng, bao gồm từ luật cho đến các quyết định của các cấp hành chính. Những trường hợp quyền con người, công dân bị hạn chế hoặc tạm đình chỉ phải được quyết định bằng luật do Quốc hội ban hành.

Đất đai đang là vấn đề nóng bỏng, đang được nhân dân trông chờ ở những sửa đổi quan trọng. Hiến pháp cần quy định rõ quyền của dân trong các trường hợp lập quy hoạch, kế hoạch, chuyển mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, giá đất, quyền sử dụng đất và thu hồi đất, tái định cư và đời sống của nhân dân ở khu vực đất bị thu hồi, v.v... bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Hiến pháp cần có những quy định cụ thể riêng đối với các "nhóm yếu thế" (người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, người già cô đơn, vùng dân tộc ít người, người nhiễm HIV/AID, v.v...), chủ yếu là về lao động, việc làm; về bảo đảm lương thực; quyền được chăm sóc, được hưởng thụ các dịch vụ về an sinh xã hội. Cần quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước bảo đảm các điều kiện và phát huy khả năng của các tổ chức xã hội để người yếu thế được hưởng thụ các quyền ấy.

2. Chú trọng hơn nữa quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Lâu nay, quyền làm chủ của người dân được thực hiện qua hình thức dân chủ đại diện, tức là thông qua các cơ quan dân cử, còn hình thức dân chủ trực tiếp chưa được triển khai rộng rãi. Cần nghiên cứu, quy định thêm như sau:
- Về dân chủ đại diện, Hiến pháp 1992 đã quy định "Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân" (Điều 6). Thực tế cho thấy trong các cuộc bầu cử (Quốc hội, Hội đồng Nhân dân), cần có cơ chế để phát huy đầy đủ quyền của dân trong việc lựa chọn, bầu cử những người được dân tín nhiệm.

- Về dân chủ trực tiếp, cần có cơ chế để công dân bầu trực tiếp một số chức danh trong bộ máy chính quyền địa phương, như bầu chủ tịch xã, chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh (hoặc thị trưởng đô thị). Công dân được tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp và thiết thực hơn nữa những vấn đề quan trọng về kinh tế, xã hội của địa phương (như Điều 53 Hiến pháp 1992 đã quy định), v.v... Điều quan trọng là cộng đồng công dân cần nâng cao hơn nữa nhận thức về quyền lực của dân, khẳng định ý thức "công dân", xóa bỏ tư duy "thần dân", nâng cao hơn nữa trình độ, kiến thức làm chủ và năng lực bảo vệ quyền làm chủ của mình.

Về mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, việc tổ chức ba cấp chính quyền địa phương hoàn chỉnh (tỉnh, huyện, xã) như hiện nay đã dẫn đến sự rập khuôn, máy móc về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức, gây ra tình trạng bộ máy cồng kềnh, thiếu năng động, chậm giải quyết các vấn đề thiết thực của địa phương. Hợp lý hơn cả, để gần dân hơn, nên tổ chức chính quyền hai cấp hoàn chỉnh ở nông thôn và một cấp hoàn chỉnh ở đô thị, cụ thể là không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở cấp huyện, quận, phường.

Các tổ chức xã hội ở địa phương cần có tiếng nói chính thức tại các cuộc họp của Hội đồng Nhân dân khi bàn những vấn đề quan trọng về kinh tế, xã hội của địa phương (không chỉ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu các đoàn thể nhân dân địa phương được mời tham dự, như quy định tại Điều 125 Hiến pháp 1992).


  • Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
  • 0 comments:

    Đăng nhận xét