Cuộc tập trận hải quân JIMEX 12 giữa Ấn Độ với Nhật Bản tại tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) từ ngày 9/6 và cuộc tập trận lặng lẽ hơn với Hàn Quốc tại Busan (Hàn Quốc) hơn một tuần trước đó đã đánh dấu những bước đi mới trong quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Á.
Những động thái thắt chặt quan hệ quốc phòng liên khu vực đã mở ra nhiều sự lựa chọn hơn cho các cường quốc ở khu vực Đông Bắc Á vốn đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ Mỹ và áp lực từ những tranh chấp song phương với Trung Quốc.
Từ "gọng kiềm lớn" tại Đông Bắc Á...
Mật độ xuất hiện ngày càng tăng của Ấn Độ ở Đông Bắc Á được đánh giá như một diễn biến tích cực, góp phần giải tỏa sức ép đang ngày càng tăng từ các điểm nóng về xung đột lãnh thổ, xung đột ý thức hệ trong khu vực này. Khi tính chủ động về quan hệ quốc phòng của Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đang bị bó buộc trong các khuôn khổ đồng minh chiến lược với Mỹ và sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thì Ấn Độ nổi lên như một giải pháp kịp thời mang tính tối ưu.
Một điểm đồng nhất cơ bản góp phần thúc đẩy quan hệ giữa ba quốc gia này chính là tư duy phát triển hài hòa, gắn kết lợi ích của mỗi quốc gia với lợi ích phát triển chung của khu vực. Tư duy đó được thể hiện trong học thuyết Hashimoto (1997) - phát triển từ học thuyết Fukuda (1977) của Nhật Bản hướng quốc gia này đến việc xây dựng lòng tin, chung sống hòa bình vì sự thịnh vượng chung của khu vực. Tư duy này cũng là nội dung chính trong chiến lược ngoại giao dài hạn nhằm xây dựng một mạng lưới Châu Á mới (2008) của Hàn Quốc. Trong khi, đối với Ấn Độ, tư duy "bất bạo động", chung sống hòa bình cùng phát triển đã từ lâu trở thành truyền thống của cường quốc này. Tư duy đó được hiện thực hóa ngay từ khi giành độc lập năm 1947 dưới sự lãnh đạo của thánh Mahatma Gandhi, được phát triển bởi học thuyết Gujral (1997), nhất quán trong hoạt động đối ngoại của tất cả các nguyên thủ Ấn Độ nhằm tăng cường lòng tin trong hợp tác Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.
Thêm vào đó, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc lần lượt là những nền kinh tế đứng đầu trong khu vực Châu Á, chỉ sau Trung Quốc, nên cả ba quốc gia này đều có nhu cầu hợp tác lẫn nhau để mở rộng phạm vi ảnh hưởng và tăng cường vị thế bản thân trên trường quốc tế, cũng như thúc đẩy quan hệ mậu dịch để tăng cường sức phát triển của ba nền kinh tế lớn. Sức cạnh tranh mạnh mẽ và sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng là mẫu số chung góp phần gắn kết ba cường quốc này với nhau.
Nhận thức được điều đó, Ấn Độ chủ động thúc đẩy tăng cường quan hệ với hai cường quốc này bằng những hoạt động ngoại giao cụ thể. Dựa trên tinh thần Bản tuyên bố đối tác Ấn - Nhật trong kỷ nguyên Châu Á mới (04/2005), hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2006 và ký kết Tuyên bố chung về Hợp tác An ninh (10/2008) như một sự công nhận nhằm khẳng định vai trò của Ấn Độ đối với an ninh đường biển của Nhật Bản. Trong quan hệ Ấn - Hàn, mối quan hệ "đối tác hợp tác kinh tế lâu dài cho hòa bình và thịnh vượng (CEPA)" (10/2004) cũng được nâng lên tầm đối tác chiến lược vào tháng 1/2010. Từ tháng 03/2007, Ấn Độ và Hàn Quốc đều đang tăng cường hợp tác trên lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và hướng đến quan hệ liên minh - quan hệ cấp cao nhất giữa hai quốc gia.
Với những bước đi nhanh gọn, thực tế, Ấn Độ đã sớm khẳng định được sự cần thiết của mình trong khu vực Đông Bắc Á, hình thành "gọng kiềm" thứ nhất sát sườn "người khổng lồ" Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới hiện nay.
....đến "gọng kìềm nhỏ" tại Đông Nam Á
Được công bố từ năm 1993, chính sách Hướng Đông (Look East Policy) của Ấn Độ bao gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (1993-2003) tập trung trọng điểm vào Đông Nam Á, tạo nền tảng bền vững cho giai đoạn 2 (từ 2003) phát triển các mối quan hệ ở Đông Nam Á vào chiều sâu, từ đó thúc đẩy hợp tác Đông Bắc Á. Trong 10 năm đầu tư tập trung vào Đông Nam Á, hiện nay Ấn Độ đã là thành viên chủ chốt trong các cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực này như Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hợp tác cấp cao Đông Á mở rộng (EAS), có cơ chế đối thoại chiến lược ASEAN - Ấn Độ. Với quan hệ song phương, Ấn Độ đã thiết lập được nhiều mối quan hệ mang tính chiến lược trong khu vực như Indonesia (2005), Việt Nam (2007), Thái Lan (2012).
Đồng thời, Ấn Độ cũng tăng cường các hoạt động hợp tác quốc phòng thông qua việc hỗ trợ công nghệ, huấn luyện sĩ quan song phương và tổ chức tập trận đa phương. Gần đây nhất là cuộc tập trận Milan được tổ chức hai năm một lần trên vịnh Bengal (1 - 6/2/2012) có sự tham gia của 7 quốc gia Đông Nam Á là Brunei, Philippin, Myanmar, Thái Lan, Indonesa, Singapore, Malaysia. Ấn Độ còn chủ động xây dựng các thể chế liên khu vực như Sáng kiến vùng vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa khu vực - (BIMSTEC), Tổ chức Hợp tác khu vực vành đai Ấn Độ Dương (IOR-ARC), Kế hoạch Colombo, Hợp tác sông Mêkong - Sông Hằng (MGC)... nhằm làm vành đai hỗ trợ làm cầu nối cho quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á. Là địa bàn chịu ảnh hưởng lớn nhất từ Trung Quốc, "gọng kiềm" này vì thế được Ấn Độ gia cố rất kỹ lưỡng.
Mối quan hệ giữa những "người khổng lồ"
Sau 20 năm thực hiện, Ấn Độ đang nỗ lực hoàn thành Chính sách Hướng Đông của mình, tạo nên "hai gọng kiềm" từ Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Mặc dù trong tuyên bố của chính sách này không nhằm đối phó với "mối lo sợ về Trung Quốc", nhưng đây là quá trình đầu tư dài hạn, nhất quán và thể hiện tầm nhìn mang tính địa - chiến lược có lợi cho Ấn Độ. Thế gọng kiềm này tác động trực tiếp lên hai khu vực ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc, như một động thái để đối phó với quá trình Trung Quốc thay thế Mỹ hợp tác quân sự với Pakistan - tác nhân kiềm hãm Ấn Độ ở khu vực Nam Á, tạo nên thế lưỡng nan an ninh giữa ba quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Điều này cũng giải thích vì sao Trung Quốc đang thi hành chính sách hai mặt không chỉ với Mỹ, mà còn tìm cách tranh thủ Ấn Độ trong mối quan hệ đối tác chiến lược vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Trung Quốc đang cần giảm dần sự can thiệp của các đối thủ trong việc xây dựng chiến lược Chuỗi Ngọc trai (String of Pearls) nhằm chi phối tuyến vận tải chở dầu từ Biển Đông sang Ấn Độ Dương - một ưu tiên chiến lược dài hạn đang được Trung Quốc thực thi. Thậm chí hải quân Trung Quốc còn tạo ra các sự kiện nhằm "dằn mặt" những chuyến thăm hợp tác hữu nghị của lực lượng hải quân Ấn Độ đến các quốc gia Đông Á còn lại. Tuy nhiên, với một thế trận lòng tin được xây dựng chặt chẽ, phản ứng của Ấn Độ trước thái độ khiêu khích đều là những động thái mang tính ôn hòa. Trong một diễn biến mới nhất, Ấn Độ đã cử 4 tàu hải quân đến thăm thành phố Thượng Hải, Trung Quốc từ ngày 13-17/6 nhằm tăng cường an ninh hàng hải tại các tuyến đường biển nối liền hai khu vực.
Trái lại với thái độ hồ nghi của Trung Quốc, những bước đi của Ấn Độ tại khu vực Đông Á lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Mỹ. Trong chuyến công du mới nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đến Ấn Độ trong tháng này, Mỹ đã tuyên bố ủng hộ Ấn Độ như là đối tác chiến lược chủ chốt của Mỹ ở Châu Á. Quan điểm này là bước triển khai của chính sách do Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu vào tháng 5/2007, khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ấn Độ với tư cách một cường quốc lãnh đạo Châu Á. Washington rõ ràng đã bộc lộ rõ mưu đồ "cài răng lược" - xây dựng các "biểu tượng đồng minh" của Mỹ xen kẽ nhằm hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc - với sự hiện diện rõ ràng của "tứ giác kiềm tỏa" là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, một phần của ASEAN và nay có thêm Ấn Độ. Chính sách Hướng Đông của New Delhi trùng với thế "cài răng lược" của Mỹ ở khu vực Đông Á và xa hơn là Châu Úc, nên cũng dễ hiểu khi Ấn Độ nhận được sự hậu thuẫn toàn lực của Mỹ.
Nhìn chung, với hai "thế gọng kiềm" được tạo ra từ chính sách Hướng Đông, Ấn Độ đang tiến những bước vững chắc trong việc gia tăng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế, đặc biệt là trong thế so sánh tương quan với Trung Quốc. Tuy thế trận của mỗi cường quốc đều nhằm vào những mục đích khác nhau, nhưng với sự xuất hiện của Ấn Độ - một cường quốc có tiềm lực mạnh nhưng lại cạnh tranh ôn hòa (ngoại trừ mối quan hệ Ấn Độ - Pakistan), cục diện Đông Á nói riêng và quan hệ quốc tế nói chung có thể đạt được những tiến bộ nhất định trong quá trình giải tỏa các điểm nóng. Với xu thế hợp tác và hội nhập nổi trội và quá trình phụ thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ, cuộc đấu trí giữa những "người khổng lồ" hoàn toàn có cơ sở để kết thúc theo tư duy "bất bạo động" của người Ấn.
Lục Minh Tuấn
(Khoa Quan Hệ Quốc Tế, ĐHKHXH&NV TPHCM)
0 comments:
Đăng nhận xét