Cũng sẽ phải cân nhắc lại cách đặt vấn đề vì sao những dự án thất thoát ngàn tỷ đồng, đủ nuôi cả một huyện trong cả năm, lại ít được quan tâm hơn chuyện một người mẫu bán dâm.
Để không mất thời gian của những người tò mò, xin thưa ngay là không phải lấy tựa bài chẳng ăn nhập gì nhau để "câu" độc giả cho bài viết này. Mà chúng ta bắt đầu suy luận theo kiểu "Tại sao gái đứng đường lại giống "ông già Noel"?" của nhóm tác giả kinh tế Steven D. Levitt và J. Dubner từ các nghiên cứu của The Economist mới đây.
Theo suy luận này thì các cô gái bán hoa và các "ông già Noel" ở Mỹ giống nhau ở chỗ đều tận dụng cơ hội mùa vụ để tăng thêm thu nhập và tăng giá.
Nếu dịch vụ ông già Noel tăng giá vào dịp lễ, thì số lượng và giá của các cô gái bán hoa cũng tăng khi nhu cầu mua dâm tăng.
Thế còn chuyện hoa hậu mại dâm và thất thoát ở Vinalines có gì liên quan? Hãy bắt đầu từ mức giá 2.000 đô la và thậm chí có thông tin là 30.000 đô la cho những lần đi khách của các chân dài, tăng giảm theo thứ bậc từ C đến A.
Ảnh minh họa. Nguồn: DNSG |
Trong thương mại, hiện tượng phân biệt giá xảy ra khi có sự khan hiếm hoặc sự khác biệt. Giả như cũng một chiếc túi xách nữ, nguyên vật liệu như nhau nhưng Hermes, Louis Vuitton, Chanel giá hàng chục ngàn đô la so với một chiếc túi không tên tuổi chỉ khoảng vài chục đô la.
Cũng như thế, hàng trăm, hàng ngàn cô gái đang đứng đường với giá vài trăm ngàn đồng sẽ thấy tủi nhục hơn rất nhiều khi biết "đồng nghiệp" của mình lại có giá gấp hàng - chục - ngàn - lần. Khác biệt là rất lớn dù "công việc" không khác gì nhau.
Việc bắt người bán dâm từ đề tài thuộc phạm trù "tủi nhục - xấu hổ" được dư luận chuyển sang khai thác thành phạm trù định giá "cao cấp - không cao cấp".
Theo "lý thuyết mùa vụ" nói trên, khi số lượng người mua tăng lên đột biến ắt sẽ dẫn đến sự tăng số lượng người bán.
Động lực xúc tác khiến số người bán tăng lên ở đây là cơn say tiền của xã hội, cùng với đó là sự xuống cấp về đạo đức khi món hàng lại là thân xác và nhân phẩm. Hai ngàn đô la xem ra là cái giá quá đắt cho một cô gái mất nhân phẩm và quá rẻ với một kẻ ranh ma giàu lên bất ngờ.
Để đánh giá nhân phẩm, có nên so sánh 2.000 đô la bán thân của hoa hậu với 10 đô la nhân viên hải quan nhận hối lộ, sẵn sàng bán rẻ danh dự công chức lẫn thể diện quốc gia?
Bởi vì, nhân phẩm và liêm chính đều là những phẩm chất cần có của một con người có đạo đức. Sự phân biệt giá trong thương mại xuất hiện khi có một số khách hàng được người bán xếp vào diện sẵn - sàng - trả - giá - cao. Mua một món đồ, mục đích của những khách hàng này nhiều khi không phải là giá trị sử dụng mà là giá trị cộng thêm về đẳng cấp, về phong cách hưởng thụ để khu biệt với số đông.
Sẵn - sàng - trả - giá cao ở đây chỉ có các đại gia. Ở ta, không có khái niệm thượng lưu hay quý tộc.
Tất cả những người giàu có, cỡ đi xe Rolls Royce Phantom trở lên đều được xếp vào hàng đại gia, dù xuất phát điểm hoặc động cơ làm giàu của họ có thể là bán cá, đốn rừng hay buôn lậu.
Lấy giá thấp nhất của một lần "mây mưa" phi pháp với chân dài hạng C là 2.000 đô la, quy đổi ra tiền đồng là gần 50 triệu đồng, bằng số tiền công chức thu nhập khá ở thành phố để dành trong nửa năm, còn nếu quy đổi ra lúa và thu nhập của người nông dân thì thời gian để dành (nếu có thể) là vài ba năm.
So sánh để thấy rằng không - thể - nào một người bình thường có được cơ hội vui vẻ cùng chân dài. Chỉ có đại gia thừa rất nhiều tiền hoặc tiêu tiền không phải của mình mới chấp nhận đánh đổi một lần qua đêm với chân dài như thế.
Vì thế, theo cách loại suy thì sẽ có cơ sở khi đưa những kẻ tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng trong những dự án kiểu Vinalines, Vinashin hoặc các dự án ODA PCI vào đối tượng tình nghi mua dâm hoa hậu.
Nếu như biết tội nghiệp cho cô hoa hậu "bán hoa" hết cơ hội làm lại cuộc đời khi bị phơi hình trên mặt báo, thì cũng cần thấy sự nguy hiểm đối với xã hội của những đại gia không chỉ là chuyện liên quan đến tình dục lệch lạc, mà liên quan đến số tiền đốt cho thú vui bệnh hoạn đó.
Nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn trong đánh giá nhân phẩm và liêm chính đã dẫn đến những nhầm lẫn trong lựa chọn đại diện cho cái đẹp và cán bộ, dẫn đến những hậu quả nhỡn tiền: những cô gái mất phẩm hạnh vẫn có thể thành hoa hậu, còn cán bộ dù làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng vẫn được đề bạt lên chức cao hơn.
Cũng sẽ rất sai nếu tách biệt chuyện tham nhũng và lãng phí đại sự với chuyện "lá cải" của những kẻ thụ hưởng bất bình thường, kể cả cách thụ hưởng tình dục theo cách phi pháp.
Cũng sẽ phải cân nhắc lại cách đặt vấn đề vì sao những dự án thất thoát ngàn tỷ đồng, đủ nuôi cả một huyện trong cả năm, lại ít được quan tâm hơn chuyện một người mẫu bán dâm.
Đó hoàn toàn không thuộc đề tài của cuộc tranh luận báo "lá cải" và không "lá cải" đang diễn ra.
Bởi vì, nếu theo cách suy luận gái bán dâm ít nguy hiểm hơn kẻ mua dâm nêu trên, thì báo "lá cải" thật ra ít nguy hiểm hơn cơ chế đẻ ra những tờ "lá cải", và ít nguy hiểm hơn rất nhiều "nguyên liệu" mà xã hội đang tạo ra những thông tin "lá cải" đó.
Theo Anh Thư/ DNSG
0 comments:
Đăng nhận xét