Trang

Diệp Kính Thiên: Nguyễn Tấn Dũng có thắng không?

Khả năng được đề cử chức Tổng bí thư khóa 12 cho Nguyễn Tấn Dũng có thể chắc chắn. Đây mới chỉ là hiệp một. Sang hiệp hai – bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa 12 – mới là chủ yếu.

Anh Ba Thanh: Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư nửa nhiệm kỳ đầu khóa XII ?

Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hé lộ một chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo đó là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Luật Đất đai. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Luật Đất đai. Hiển thị tất cả bài đăng

9.1.12

Chống tham nhũng để củng cố “cái nóc”


Chống tham nhũng để củng cố “cái nóc”

Tiết mục "Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đăng báo Nhân Dân, có bài bàn về "Mới tắm từ vai”, chỉ có bốn chữ ngắn gọn thế thôi đã đủ để mọi bạn đọc biết ngay đến chỗ yếu đang là nỗi lo lắng của mọi người về Đảng: cơ quan đầu não, lãnh đạo Trung ương các cấp còn đứng ngoài tự phê bình và phê bình (tắm nhưng chưa gội đầu, rửa mặt).

Nhiều năm, lãnh đạo Trung ương vẫn tưởng đã "miễn dịch” với mọi tiêu cực. Đầu năm 1990, tiếp xúc với các lão thành cách mạng và cán bộ cao cấp nghỉ hưu để nghe góp ý kiến vào đợt xây dựng chỉnh đốn Đảng do Bộ Chính trị chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói: "Từng đồng chí trong Bộ Chính trị kể từ Tổng Bí thư sẽ tiến hành tự kiểm điểm.”

Nhiều nơi lợi dụng bất cập của Luật Đất đai để lấn chiếm,  mua rẻ của nông dân rồi bán giá thị trường cao gấp nhiều lần Ảnh: QUỐC ANH
Nhiều nơi lợi dụng bất cập của Luật Đất đai để lấn chiếm, mua rẻ của nông dân
rồi bán giá thị trường cao gấp nhiều lần Ảnh: QUỐC ANH
Tổng Bí thư đã vạch rõ, trong Đảng có những "vùng cấm” vì người ta đã gắn uy tín của Đảng với cá nhân cán bộ, lãnh đạo và cho rằng đụng chạm tới sai lầm, khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo là đụng chạm tới uy tín của Đảng do vậy phải bảo vệ bằng mọi giá không thể công khai kiểm điểm sai lầm, khuyết điểm của lãnh đạo Trung ương. Đặc biệt khi đồng chí Nguyễn Văn Linh nói nhà đã dột từ nóc thì bên trong dù tiện nghi sang trọng cũng ẩm mốc, mục nát, con người dù cường tráng, thông minh cũng dễ nhiễm bệnh yếu hèn. Ai cũng mừng thấy Tổng Bí thư đã nhìn thẳng vào sự thật. Rất tiếc đợt xây dựng chỉnh đốn Đảng được chuẩn bị công phu nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Từ Đại hội VII đến Đại hội VIII, "vùng cấm” vẫn không loại bỏ được, lãng phí, tham nhũng không sao ngăn chặn nhưng không có lãnh đạo nào bị kỷ luật.

10 năm sau (năm 1999- 2000) cán bộ hư hỏng nhiều hơn, có cả những cán bộ quản lý, lãnh đạo. Tổng Bí thư lúc này là đồng chí Lê Khả Phiêu. Nhắc đến những khó khăn của đất nước, trả lời báo Tuổi Trẻ, đồng chí đã nói: "Hồi trước, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói là nhà dột từ nóc, giờ cái nhà không phải chỉ dột từ nóc mà dột nhiều chỗ khác nữa”. Một lần nữa lại tổ chức xây dựng chỉnh đốn Đảng sau Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII). Dân tỏ ra hài lòng thấy lãnh đạo cao từ Tổng Bí thư tự phê bình và phê bình trước. Cuộc chỉnh đốn Đảng đã đạt một số kết quả nhưng không tiếp tục phát huy được. Đồng chí Lê Khả Phiêu đã nói: "Chúng ta làm chưa triệt để do chủ nghĩa cá nhân chi phối khá nặng nề trong mỗi người, kể cả cấp cao. Chúng ta chưa đặt đúng vấn đề là mỗi cán bộ, đảng viên phải tự soi mình xem có luôn giữ được trong sạch không, đặc biệt các ông trên”. Kết quả còn rất hạn chế vì lãnh đạo cao phê bình còn hình thức, ông này còn nóng nảy, ông kia thế này, thế khác, chứ chưa dám đi thẳng vào vấn đề cần thiết nhất như đồng chí Lê Khả Phiêu nêu ví dụ: "Tại sao anh hư hỏng, lộng quyền, xa dân”.

Hơn 10 năm tiếp theo, từ Đại hội Đảng IX đến Đại hội Đảng X (2001 - 2011), tự phê bình đôi lúc cũng được nhắc đến nhưng không thực hiện đều nữa, nhất là bên trên. Khác hẳn 10 năm trước, lãnh đạo các cấp giàu có đông hơn, cả ở trung ương và địa phương. Tình trạng năm 2010, 2011 còn khác tình trạng năm 1990 ở những cán bộ lãnh đạo giàu có khác thường không che giấu được nữa vì lương, nguồn thu nhập bao nhiêu mọi người đều biết, tham nhũng trở nên lộ liễu, quen mắt dần. Chỗ dột đáng sợ nhất là từ trên. Có quyền, có tiền lại biến chất, lòng tham không đáy. Từ Đại hội Đảng IX tham nhũng đã là mối đe dọa đến sự tồn vong của chế độ và đến hiện nay mối đe dọa này đã quá lớn. Tham nhũng có phần do chủ quan ta gây ra. Không nhìn thẳng vào sự thật này sẽ vẫn cảm thấy không hiểu nổi tại sao Đảng và Nhà nước ta càng chống thì tham nhũng càng gia tăng. Sự thật bày ra trước mắt chúng ta, đâu có quá khó nhận ra.

Nghị quyết của Đại hội Đảng VI (1986) đã quyết định phải tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đã có giải thích cặn kẽ rằng, đã nắm tài chính, ngân hàng nhà nước, quyết định mọi thu, chi, lại kiêm buôn bán, kinh doanh, sản xuất,vừa đá bóng vừa thổi còi, rất dễ xảy ra tham nhũng. Thế nhưng một số bộ, ngành và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố không muốn tách. Vì vậy, cơ chế bộ chủ quản và cấp hành chính chủ quản vẫn được duy trì mặc dù Đảng và Nhà nước thường xuyên nhắc nhở phải đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để xóa bỏ cơ chế chủ quản. Một số bộ và mỗi UBND tỉnh, thành phố quản lý hàng trăm DNNN, có bộ quản lý gần 5000 DNNN. Lãnh đạo mỗi bộ và mỗi UBND tỉnh, thành phố nắm giữ một số vốn hàng trăm tỷ đồng, có nơi hàng nghìn tỷ đồng cùng với khối lượng tài sản công rất lớn: cửa hàng, nhà xưởng, đất công, xe công của những DNNN dưới quyền. Cơ quan chủ quản đối với DNNN dưới quyền có nhiều đặc quyền và từ đây dẫn đến nhiều đặc lợi, trong thực chất là tham nhũng đối với lãnh đạo không liêm khiết. Mỗi bộ có DNNN dưới quyền thường là cái vòng khép kín từ A đến Z, từ quy hoạch, tư vấn, quyết định đầu tư đến đấu thầu, thi công... đều trong vòng tròn thuộc một bộ khó ai giám sát dược, kể cả Quốc hội. Một "vùng cấm” đứng trên và đứng ngoài pháp luật, trong đó một số nhóm lợi ích cấu kết với nhau tạo nên thế lực tác động đến các chính sách. Có đại biểu Quốc hội gọi đây là nơi sản sinh ra những tỷ phú có chức có quyền. Trong cái vòng khép kín ấy có nơi Đảng bộ vẫn phát triển nhưng đảng viên kết nạp phải do tỷ phú có chức quyền thông qua, phải là chỗ dựa của họ. Báo chí đã vạch rõ, trong mỗi vòng khép kín không có tham nhũng mới lạ. Tại cuộc hội thảo chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản do Bộ Xây dựng tổ chức giữa năm 2004, Bà Dương Thu Hương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội đã nêu câu hỏi:

"Liệu chúng ta có thể xóa được hết "các vòng khép kín” không? Nếu cứ bàn thảo rầm rộ mà không làm được thì nói thật với các đồng chí tôi cũng cảm thấy xấu hổ lắm...”.
Xóa rất khó vì "cái vòng khép kín” ấy lại ở dưới cái ô "cơ chế chủ quản”. Bao nhiêu lãnh đạo ở Trung ương và địa phương giàu có, thành những tỷ phú nhờ cơ chế chủ quản. Không đếm được nhưng chắc chắn không ít. Cơ chế lỗi thời này là con đẻ của thời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp. Khi đổi mới Đảng đã quyết tâm xóa bỏ nhưng không sao xóa nổi, nó vẫn tồn tại đến hiện nay vì không có cơ chế nào mang lại nhiều lợi ích cho cục bộ và cá nhân bằng cơ chế chủ quản. Một số lãnh đạo kể cả cao cấp đã suy thoái về đạo đức, lối sống không phải tại địch mà chủ yếu là tại cơ chế do ta đặt ra. Còn một số chính sách, cơ chế khác đang bị cán bộ có chức quyền lợi dụng mang lại lợi ích cho cá nhân, dựa vào những sơ hở để tham nhũng một cách hợp pháp, Luật Đất đai là một ví dụ điển hình. Nông dân chỉ được sử dụng đất đang canh tác và không thể có ngược đời nào hơn là cán bộ có chức quyền ở địa phương mới là chủ sở hữu đất nông dân đang canh tác và còn có quyền thu hồi đất.

Từ bốn năm (1994 - 1997) bất ổn ở nông thôn Thái Bình đến vụ cưỡng đoạt đất đai trái phép ở Tiên Lãng (Hải Phòng) ngày 5-1-2012, trải qua 19 năm Luật Đất đai có hiệu lực, nhiều cán bộ cấp huyện, xã, có nơi cả cấp tỉnh trên cả nước đã lợi dụng những bất cập của Luật để tước đoạt, lấn chiếm, mua rẻ đất của nông dân rồi bán với giá thị trường, cao gấp nhiều lần. Những tổn thất lớn lao do cơ chế chủ quản và Luật Đất đai gây ra đã chứng minh rất cụ thể tham nhũng không chỉ do ta góp phần gây ra và còn nuôi dưỡng nó thông qua những cơ chế, chính sách, luật còn quá nhiều sơ hở nhưng không loại bỏ được, không chỉnh sửa được để tồn tại năm này qua năm khác.
Từ lâu, chống tham nhũng đã là vấn đề sống còn. Đặc biệt từ sau khi có Nghị quyết về xây dựng Đảng được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư vừa qua, chống tham nhũng lại càng cực kỳ cấp bách. Muốn đẩy lùi tình trạng suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ cao cấp, trước hết phải đẩy mạnh chống tham nhũng. Cần nhấn mạnh, nếu chúng ta tiếp tục chống tham nhũng như thời gian qua thì chắc chắn không thể đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống. Phải chống quyết liệt, mạnh mẽ hơn và nếu vậy cần tăng cường, củng cố Ban Chỉ đạo trung ương phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo hiện nay kiêm nhiệm quá nhiều. Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng”, họp ngày 7-3-2012, đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã nói: "Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng và các thành viên đều hoạt động kiêm nhiệm”.

Ý kiến đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Quốc hội trực tiếp chỉ đạo được nhiều người đồng tình. Ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trả lời báo Tuổi trẻ, đã đề nghị:

"Về mô hình Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng không nên để bên cơ quan hành pháp, vì đây là cơ quan phải điều hành hàng ngày về kinh tế - xã hội. Ví dụ như chủ tịch tỉnh tốt hay không tốt mà khi đã là người đá bóng thì không thể khách quan bằng anh thổi còi. Nếu hỏi để cơ quan này ở đâu thì theo tôi có thể để ở Quốc hội”.

Thái Duy