Trang

Diệp Kính Thiên: Nguyễn Tấn Dũng có thắng không?

Khả năng được đề cử chức Tổng bí thư khóa 12 cho Nguyễn Tấn Dũng có thể chắc chắn. Đây mới chỉ là hiệp một. Sang hiệp hai – bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa 12 – mới là chủ yếu.

Anh Ba Thanh: Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư nửa nhiệm kỳ đầu khóa XII ?

Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hé lộ một chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo đó là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Trần Bạt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Trần Bạt. Hiển thị tất cả bài đăng

22.6.12

Nguyễn Trần Bạt:Không có gì tử tế trên nền văn hóa kém

Chúng ta rất đau khổ vì nền kinh tế của chúng ta những năm trước tăng trưởng 7-8% mà năm nay có khi chỉ tăng được 5% thôi, nhưng chúng ta không hề xấu hổ, không đau khổ trước việc chúng ta chế biến thịt súc vật chết để bán cho mọi người. Chúng ta chỉ xấu hổ vì nghèo đi mà chúng ta quên mất xấu hổ vì sự xấu đi về mặt đạo đức. Chuyện đó là chuyện quan trọng hơn tất cả những gì chúng ta bàn ở trên – ông Nguyễn Trần Bạt.

Chúng ta chưa có kinh nghiệm mô tả sự thật
Ông Nguyễn Trần Bạt
PV: - Tuần vừa rồi, bài phát biểu ngắn kết thúc năm học của một giáo viên Trường trung học Wellesley, bang Massachusetts, Mỹ đã được dư luận Mỹ tiếp nhận như một lời nói thật, một cảnh báo giáo dục: “Các em chẳng có gì đặc biệt cả”. Xin ông hãy lý giải, tại sao một đất nước tôn trọng tư duy độc lập cá nhân như Mỹ, lời nhận xét trên đáng lẽ là bình thường nhưng lại được tiếp nhận một cách cầu thị nồng nhiệt đến vậy?

Ông Nguyễn Trần Bạt: - Điều đó thể hiện người Mỹ đã thức tỉnh. Từ xưa tới nay, họ luôn luôn coi mình là tiêu chuẩn, nước Mỹ luôn là "miền đất hứa".

Mặc dù sống khá lâu trong sự thành đạt nhưng khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay đã khiến họ bỗng nhận ra tính bình thường của xã hội mình.

Và đấy là một dấu hiệu vĩ đại của nước Mỹ khi nó còn giữ được năng lực thức tỉnh, nhận ra chính mình, biết đón chào một ý kiến như vậy.

Tôi hoan nghênh nước Mỹ, hoan nghênh thái độ ấy và hoan nghênh cả ông thầy dám đưa ra tuyên bố trái với thói quen vốn có của người Mỹ.

Tôi rất thích ví dụ bạn đưa ra và tôi thích câu hỏi này. Tôi đề nghị trong chừng mực nào đó, báo chí các bạn giúp cho những ông bố và bà mẹ Việt Nam nên có thái độ này, những cô giáo thầy giáo Việt Nam nên có thái độ này và các nhà lãnh đạo Việt Nam nên có thái độ này.

Chúng ta cũng nên chào đón thái độ khiêm nhường đó của các nhà lãnh đạo, của các thầy các cô như người Mỹ đang làm. Đây là một ví dụ tốt, là một ví dụ mà tôi rất thích, một ví dụ rất đẹp về giáo dục.

PV: - Người Việt mình có câu “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, theo ông, trên thực tế chúng ta có thói quen nói thật và nghe được lời nói thật hay không? Tại sao những lời nói thật hay những phản biện lại khó lọt tai đến thế, trong khi ai cũng tưởng rằng mình cởi mở, sẵn lòng nghe góp ý dù có… trái với mình đến đâu đi nữa?

Ông Nguyễn Trần Bạt: - Tôi vừa mới thảo luận với con trai tôi về sự thật và tính hiệu quả của việc mô tả sự thật. Tôi nghĩ, chúng ta có thể không chê bai sự thật, có thể tôn thờ sự trung thực nhưng chưa biết cách mô tả sự thật một cách hấp dẫn để con người biết yêu mến sự thật.

Tôi muốn kể với bạn câu chuyện như thế này. Có hai anh em nhà nghèo bữa ăn chỉ có cơm không, không có thức ăn gì. Hai anh em bảo nhau, bây giờ em ăn trước, nhưng để em ăn cho ngon thì anh mô tả sự ngon ngọt của thức ăn để em có cảm  giác ăn ngon.

Cậu anh mô tả con gà quay lên như thế nào, món bò xào như thế nào, món cá kho như thế nào… Người em tiết hết dịch vị ra và ăn bát cơm không rất ngon lành. Người em ăn xong, đến lượt người em mô tả cho người anh ăn. Người em ăn no rồi cho nên chỉ nói một câu đơn giản: ước gì có một con bò để làm thịt cho anh ăn.

Đấy là hai cách tiếp cận khác nhau đối với một sự thật là người ta cần phải được hỗ trợ kỹ thuật để ăn cho ngon một bữa cơm nghèo. Một ví dụ khác: Một vị nhà giàu đi tuyển người thuyết phục người làm như sau: "Bác ở với người ta, sáng ăn rồi mãi đến chiều mới được ăn. Chứ bác đến ở với nhà em là cứ sáng ăn - chiều ăn, sáng ăn - chiều ăn". Sáng ăn và chiều ăn là một sự thật nhưng ở hai cách mô tả này hoàn toàn khác nhau.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, cách mô tả nào hấp dẫn hơn.Sự thật không phải là một khái niệm đơn giản, sự thật là một khái niệm phức tạp, có nội hàm phong phú và nó là một trong ba khía cạnh của cái đẹp,chỉ có điều chúng ta không được rèn luyện, không đủ bản lĩnh, không đủ kinh nghiệm để mô tả sự thật.

Chúng ta vẫn thường bảo là "thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng". Sự thật mà biến nó, sắp xếp nó, cân đong đo đếm nó tương đương với thuốc đắng thì chúng ta là kẻ ngốc nghếch không biết giá trị của sự thật và không biết cách thể hiện sự thật. Chúng ta phải rèn luyện khả năng biết mô tả sự thật để làm cho người ta "xơi" nó mà không cảm thấy vị đắng của thuốc.

Thật không dễ nghe khi sự thật được nói ra xâm phạm tới lợi ích của người đối thoại. Trong trường hợp này, phải làm rõ, lợi ích của người đó có chính đáng hay không, nếu có, thì người nói ra sự thật đó có lỗi.

Nếu lợi ích ấy không chính đáng, việc người đó có nghe hay không là phụ thuộc vào nghệ thuật mô tả của người nói. Nếu lời nói thật được mô tả một cách hấp dẫn, có văn hóa thì khả năng được tiếp nhận của nó sẽ cao hơn.

Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng, người phải nghe sự thật có văn hóa thấp mà lại là người mạnh. Chúng ta không bao giờ nên đối thoại với những người như thế, phải dùng một cách khác, không phải là tiếp cận văn hóa mà là tiếp cận sức mạnh, sức mạnh của số đông chính nghĩa.

Vì sao phụ huynh Việt Nam tự “đánh lừa” mình?

PV: - Ở Việt Nam, có một nghịch lý đang tồn tại trong việc giáo dục các cô các cậu học trò nhỏ: Trong nhà thì bố mẹ ông bà ra sức chăm sóc, chiều chuộng…thầm hy vọng con mình sẽ là “thiên tài” hoặc có tài năng độc đáo….nhưng ra ngoài xã hội thì chính họ lại rất sợ cụm từ “học trò cá biệt”, “học sinh đặc biệt”... Hiện tượng này phản ánh điều gì vậy, thưa ông? Liệu nó có ảnh hưởng gì đến chuyện trẻ con không có tư duy độc lập, mà thường bị hòa vào đám đông?

Ông Nguyễn Trần Bạt: - Xã hội nào cũng thế. Xã hội của bầy thú cũng thế. Nó sống được, tự tin được là vì vẻ đẹp riêng của chính nó và vì những giá trị mà nó nghĩ rằng nó có. Nhưng nó tồn tại được, thoát chết được bằng sự kín đáo của nó.

Hai trạng thái ấy chính là hai trạng thái khuyến khích hình thành bản lĩnh của con người: yêu mình, tự tin vào bản lĩnh, sức mạnh, sự hoành tráng của mình với kín đáo, khôn khéo, đi, bò, trườn dưới tên bay đạn lạc.

Về khía cạnh thứ hai, tư duy độc lập và nói ra tư duy độc lập tùy thuộc môi trường vĩ mô. Nếu từ nhỏ không được diễn đạt tư duy độc lập, nếm trải cái đúng và cái sai của nó, nếm trải sự ném đá và sự hoan hô trước mỗi một tư duy độc lập được diễn đạt ấy, thì người ta sẽ không có kinh nghiệm.

Và nếu phải phê phán, hãy phê phán môi trường vĩ mô khiến trẻ con không biết nói tiếng nói độc lập của mình, chứ không thể dồn sai lầm đó vào khuyết tật có tính nhân chủng học của người Việt.

PV: - Như ông nói, đó là phản ứng tự nhiên. Vậy nguyên nhân nào về mặt xã hội khiến phụ huynh Việt Nam hành xử theo cách như vậy?

Ông Nguyễn Trần Bạt: - Việc quảng bá quá nhiều về tài năng, luôn luôn “nhắc nhở” các bậc phụ huynh rằng hiền tài là nguyên khí quốc gia, đã làm hỏng người Việt. Coi nhân tài là "nguyên khí" dẫn đến việc phụ huynh sẽ cố gắng để trong nhà mình có chút "nguyên khí".

Và họ đành tự đánh lừa mình để yên tâm mà sống. Chúng ta nói quá nhiều chuyện hiền tài là nguyên khí quốc gia, trong khi quên mất rằng con người mới là nguyên khí của đời sống.

“’… Chúng ta đang biến vô đạo đức trở thành sản phẩm giáo dục”?

PV: - Dư luận đã lên tiếng khá nhiều về sự vô cảm thậm chí nhẫn tâm với đồng loại như nạn thực phẩm bẩn, độc hại tràn lan ngày càng nhiều và không có dấu hiệu suy giảm. Cái quả đắng này phải chăng nảy sinh từ những vấn đề cơ bản trong giáo dục thế hệ tương lai hiện nay: nạn chạy trường, chạy điểm, không chú ý giáo dục nhân cách sống…?

Ông Nguyễn Trần Bạt: - Ngay cả nơi đào tạo tốt nhất như trường Havard thì thái độ, nhận thức, văn hóa cũng vẫn còn có hạn chế, đầu ra của nó cũng không phải luôn luôn là sản phẩm tốt. Đó là điều khiến người Mỹ thức tỉnh và hoan nghênh phát biểu: “Các em chẳng có gì đặc biệt cả”. 

Nói như vậy để thấy, những hiện tượng bạn nói ở trên không phải là hệ quả trực tiếp của giáo dục. Chúng là hệ quả của một thứ quan trọng hơn giáo dục, là cha đẻ của giáo dục: VĂN HÓA.

Nạn thực phẩm bẩn, độc hại tràn lan, lấy thịt lợn chết làm mắm tép chưng thịt là một biểu hiện “rực rỡ” về sự thoái hóa đạo đức, thoái hóa văn hóa của con người.

Nhưng điều đáng báo động hơn là, chúng không phải là trạng thái hoang dã mà là trạng thái có giáo dục của tính hoang dã, trạng thái phát triển ổn định và bền vững của trạng thái phi đạo đức của con người.

Con người đang chế tạo ra những sản phẩm phi đạo đức một cách rất có trình độ. Những người không học tốt về hóa rất khó để có thể cho melamine vào sữa.

Phải có trình độ khoa học và năng lực nhất định mới có thể tạo ra trạng thái sữa có melamine, xay thịt trộn mắm tép thơm lừng để ngụy trang thịt xúc vật chết. Chúng ta đang chểnh mảng trong việc giáo dục đạo đức cho nên các hiện tượng vô đạo đức đã lẻn vào đời sống của nhà trường và đời sống của xã hội.

Chúng ta rất đau khổ vì nền kinh tế của chúng ta những năm trước tăng trưởng 7-8% mà năm nay có khi chỉ tăng được 5% thôi, nhưng chúng ta không hề xấu hổ, không đau khổ trước việc chúng ta chế biến thịt súc vật chết để bán cho mọi người. Chúng ta chỉ xấu hổ vì nghèo đi mà chúng ta quên mất xấu hổ vì sự xấu đi về mặt đạo đức. Chuyện đó là chuyện quan trọng hơn tất cả những gì chúng ta bàn ở trên.

Vậy mà cho đến thời điểm này, chưa có một tiếng kêu cứu có chất lượng nhà nước nào, tổ chức nào, đặc biệt là tổ chức giáo dục. Tôi mong các vị lãnh đạo ở các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… hãy nghe tiếng kêu cứu này.

PV: - Trong một bài phỏng vấn mới đây, GS Hoàng Tụy cho rằng: “Không thể nào có một nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh dựa trên một nền văn hóa suy đồi. Người ta lý giải chuyện đó là sự lệch pha giữa văn hóa và kinh tế”. Ý kiến của một chuyên gia kinh tế như ông như thế nào?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi thích câu nói ấy của bác Hoàng Tụy. Tôi khái quát vấn đề của bác Hoàng Tụy lên là: Không thể xây dựng được bất kỳ cái gì tử tế trên cái nền đồi bại của văn hóa.

PV: - Theo cá nhân ông, làm thế nào để khắc phục được vấn đề trên?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Câu hỏi đó phải đi thường xuyên với con người, với tư cách là một nỗi niềm của mỗi một con người. Rằng chúng ta đang làm đồi bại một nền văn hóa hay chúng ta là thành viên của một nền văn hóa đồi bại.

Ra khỏi sự đồi bại về văn hóa bằng cách nào? Điều gì là động lực của sự đồi bại hóa của nền văn hóa đến như vậy? Truyền thông có nghĩa vụ phải làm thế nào để ý kiến của GS Hoàng Tụy đã được tôi khái quát hoá lên thành một câu hỏi có mặt trong từng bữa cơm, giấc ngủ, từng nụ hôn của con người.

Tôi không khái quát hóa việc ra khỏi sự đồi bại về văn hoá như thế nào? Vì mỗi người góp phần vào sự đồi bại hóa của nền văn hóa một cách khác nhau, với những “công nghệ” khác nhau. Chúng ta chỉ cần thức tỉnh, rút các yếu tố làm đồi bại nền văn hóa của mình ra khỏi xã hội, tự nhiên xã hội sẽ sạch sẽ.

Hoàng Hạnh (Thực hiện)

5.6.12

Nguyễn Trần Bạt - Từ cậu bé bán nước chè dạo đến ông chủ tập đoàn

Từ một cậu ấm nhưng sau một biến cố của cuộc đời, Nguyễn Trần Bạt đã phải đi bán nước chè dạo ở Ga Hàng Cỏ lúc mới 7 tuổi. Nhưng mấy chục năm sau, cậu bé ấy đã trở thành người chuyên cung cấp dịch vụ cho các tập đoàn đa Quốc Gia. Hiện ông Bạt là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Invest Consult Group với doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.

Nguyễn Trần Bạt 
Phải giải phóng mình khỏi sự nghèo khổ, ngu dốt, tầm thường

Ông đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời, thậm chí có lúc đã phải mất đứa con gái vì không đủ tiền chữa bệnh cho con... Những năm tháng khốn khó ấy có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

Tôi ở Nghệ An ra Hà Nội năm lên 9 tuổi. Trước cách mạng, ông nội tôi là địa chủ, ông ngoại tôi cũng là địa chủ. Lúc còn thanh niên, bố tôi học ở Hà Nội và đỗ tú tài.

Bố tôi vào Đảng từ những năm 1940, nhưng sau đó phải tạm dừng sinh hoạt Đảng cho đến năm 1960 vì là con địa chủ. Những bế tắc trong đời sống chính trị của bố, làm cho mẹ tôi phải đi ra Hà Nội để tìm lối thoát cả vật chất lẫn tinh thần, và tôi cũng theo mẹ ra đi từ năm 9 tuổi.Gia đình tôi lúc bấy giờ rất khốn khó. Bố tôi là một ông tú mà phải đi bán thuốc lá dạo, tôi thì bán nước chè ở Ga Hàng Cỏ (Hà Nội), cả nhà tôi đều phải làm như thế cả.Tôi từ một cậu ấm đã trở thành một đứa trẻ nghèo, ra đường lao động để kiếm sống. Cái đấy có lợi hay có hại tùy theo cách đánh giá, nhưng với tôi nỗi đau khổ ấy là một thực tế giày vò trong nhiều năm tháng.

Được biết ông vừa mới hoàn thành một quyển sách được đặt tên là “Tự do”?

Tôi xem nghèo khổ là một trong những yếu tố làm mất tự do của đời sống của con người. Rất đáng buồn là xã hội chúng ta có một thời kỳ rất dài thi vị hóa sự nghèo khổ và kỳ thị sự giàu có như một đối tượng vô đạo.Người ta chỉ tìm thấy sự xấu xa ở những người giàu có và chỉ nhìn thấy đạo đức ở những kẻ nghèo khổ. Những định kiến như thế kéo lùi chúng ta bao nhiêu năm.Cần phải phá bỏ quan niệm như thế. Người giàu vẫn phải có đạo đức, phải làm thế nào để giàu có trong đức hạnh của mình, cái đấy là rất quan trọng.Có một số kẻ trước đây nghèo khó bây giờ có tiền rồi thì cho con mua ô tô, mua xe máy @, SH..., nhìn những ví dụ như vậy tôi rất thương. Những con người nghèo khó về vật chất đang biến dần thành những người nghèo khó về mặt tâm hồn, đến mức ngay cả khi không còn nghèo khó về mặt vật chất nữa thì sự nghèo khó về mặt tâm hồn vẫn tiếp tục ám ảnh cuộc đời họ.Còn tôi ý thức sự nghèo khó về mặt vật chất và phấn đấu để thoát khỏi nó, nhưng tôi vẫn tâm niệm phải giữ nguyên được những giá trị khác.

Ông quan niệm thế nào về tiền bạc?

Tôi cho rằng sự giàu có là một tất yếu mà con người phải phấn đấu. Mỗi một con người phải phấn đấu để có nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự nghèo khổ, phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự ngu dốt và phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự tầm thường.Đấy chính là ba cái nấc để mô tả lộ trình phấn đấu của con người. Có thể có người làm dần từng bước, có thể làm song song cả ba việc hoặc hai việc.

Ông đã cho ra đời 3 cuốn sách mang tính suy tưởng triết học. Ông viết sách vì muốn đưa cuộc đời vào sách, đưa sách vào cuộc đời hay vì một sự thôi thúc nào đó?

Tôi là một người không thiếu tiền, nhưng tôi yêu cuộc đời giống như một người bạn nghèo, tôi yêu cả nhược điểm của nó. Ai đó có thể căm thù, ghét bỏ, phê phán người nọ, người kia, nhưng ở tôi không có điều ấy.Tôi yêu cuộc đời một cách chân thật, yêu cả khuyết tật, nhược điểm của nó. Nền kinh tế bao cấp đối với tôi có những khía cạnh khó khăn, khổ sở nhưng cũng có cả những khía cạnh trìu mến, vì nền kinh tế bao cấp chứa đựng rất nhiều kỷ niệm tinh thần của tôi.Đi thanh niên xung phong, đi bộ đội, rồi những vấp váp trong cuộc đời có thể để lại cho tôi những vết sẹo, nhưng tôi xem những vết sẹo ấy như những kỷ niệm về một thời ấu trẻ.Tôi chưa bao giờ căm thù nó cả. Tôi viết sách là để thể hiện tình yêu của tôi đối với cuộc sống, để góp một phần nho nhỏ của tôi vào sự hợp lý hóa đời sống tinh thần của con người và tôi làm việc ấy một cách yên lặng, một cách âm thầm.

Lập Công ty để “phiên dịch” cho hai hệ thống kinh tế

Con đường doanh nhân của ông được hình thành như thế nào?

Từ những thay đổi của thời cuộc vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, tôi đã đi đến suy nghĩ rằng chúng ta phải mở cửa. Khi đó, sẽ có hai cộng đồng người gặp nhau, ở mức độ nhất định chúng ta chưa biết gì về ngoại thương, về ngân hàng…, còn những người nước ngoài thì biết tất cả nhưng chưa biết gì về xã hội Việt Nam.Hai cộng đồng người ấy gặp nhau sẽ cần người “phiên dịch”. Cty Invest Consult Group ra đời để đóng vai trò người “phiên dịch”, và tôi kiếm tiền bằng việc “phiên dịch” sự khác biệt giữa hai hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội, giữa phương Tây phát triển và Việt Nam đang đi tìm con đường phát triển.Đến bây giờ vai trò ấy vẫn chưa hết, tuy nhiên, sự “phiên dịch” được tập trung vào những đối tượng tinh tế hơn, phức tạp hơn và trên những khía cạnh phong phú hơn.

Ông đã gặp những khó khăn gì khi đóng vai trò “phiên dịch” cho hai hệ thống đó?

Xã hội chúng ta là xã hội sùng bái công nghiệp, vì thế tất cả các đối tượng phi công nghiệp đều bị ngờ vực và tôi bị ngờ vực là đương nhiên. Tôi có nghĩa vụ phải giải thích với xã hội, giải thích với các nhà lãnh đạo rằng cái mà chúng tôi làm là cái mà xã hội cần.Năm 1989, tôi có tổ chức một cuộc hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh về xây dựng thị trường tài chính và thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau đó, tôi đã được gọi lên để chất vấn và chịu kỷ luật về việc truyền bá những khái niệm “nhạy cảm”... Xã hội chúng ta đã từng có một thời với những chuyện như thế.

Chúng ta chưa có văn hóa doanh nhân

Là một doanh nhân thành đạt, ông nhận xét gì về doanh nhân và văn hóa doanh nhân ở Việt Nam hiện nay?

Hình ảnh của doanh nhân Việt Nam đang hình thành và rõ nét dần cùng với hình ảnh nền kinh tế Việt Nam, cho nên, chúng ta cùng xây dựng các đường nét phác thảo chứ không nên vẽ các ví dụ cụ thể để cố định hóa nhận thức của thế hệ trẻ về cái gọi là doanh nhân.Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì, theo tôi, có đến 70-80% các doanh nhân Việt Nam vẫn kiếm lợi dựa vào việc khai thác các mặt hạn chế của thể chế của chúng ta về kinh tế. Chúng ta chưa có văn hóa doanh nhân. Xã hội chúng ta mới bắt đầu những bước chập chững đầu tiên để xây dựng một cộng đồng doanh nhân.Văn hóa doanh nhân là những đặc trưng được kết tinh bởi kinh nghiệm hoạt động của doanh nhân, chúng ta mới bắt đầu những bước đầu tiên, chúng ta chưa có nền văn hóa như vậy. Chúng ta không nên nêu vấn đề ấy để cưỡng bức xây dựng một nền văn hóa doanh nhân. Văn hóa doanh nhân sẽ đến cùng với sự hình thành của nền kinh tế.

Việt Nam hội nhập vào WTO mà chưa có văn hóa doanh nhân, liệu có đáng lo, thưa ông?

Không! 3/4 hay 4/5 nhân loại đều gia nhập WTO và đều ngẩn ngơ như người Việt cả nhưng có ai chết đâu. Tại sao chúng ta lo lắng? Chúng ta tưởng rằng chúng ta là anh hùng, chúng ta vĩ đại, chúng ta sợ mất tiếng, chúng ta sợ lép vế nhưng chúng ta cũng giống như thiên hạ thôi, chúng ta sẽ phát triển cùng thiên hạ. Không cần phải lo chuyện chúng ta vào WTO mà chưa có văn hóa doanh nhân.

Xin cảm ơn ông.

(Theo Tiền Phong Chủ Nhật)

2.4.12

Từ cậu bé bán nước chè đến 'ông Tổng' Invest Consult Group

Là người đầu tiên xây dựng một công ty chuyên tư vấn về đầu tư và kinh doanh cho các đơn vị đầu tư nước ngoài ngay sau khi cánh cửa đổi mới mở ra năm 1987, ông Nguyễn Trần Bạt từng được đánh giá là “một luật sư và nhà tư vấn xuất sắc” trong cuốn Barons the Global 500 Leaders for the New Century.



Gần đây, Nguyễn Trần Bạt còn được công chúng trong và ngoài nước chú ý ở góc độ là tác giả của khoảng 15.000 trang viết là các bài báo, sách và các công trình nghiên cứu về đường lối phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tác phẩm mới nhất của ông do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản đầu năm nay mang tên Đối thoại với tương lai, dày 939 trang, đang được người hâm mộ chuyền tay nhau đọc, ngoài ra còn nhiều tác phẩm khác đã xuất bản từ năm 2005, như Văn hóa và con người, Cải cách và phát triển, Suy tưởng, Cội nguồn cảm hứng...

Bán nước chè dạo kiếm sống

- Thưa ông, là doanh nhân kiêm nhà nghiên cứu các vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa Việt Nam ở thời điểm hiện tại, ông đã sử dụng những ưu thế nào của mình khi tiếp cận các mục tiêu nghiên cứu trên?

Ưu thế của tôi là chọn cách tiếp cận có màu sắc văn hóa. Vì thế, những “món” tôi bày ra đều dễ bán. Mặt khác, vốn hoạt động trong lĩnh vực kinh tế ở quy mô rộng lớn, có điều kiện tiếp xúc với các nhà chính trị thế giới, hoặc gặp gỡ những người điều hành các tập đoàn lớn trên thế giới, nên tôi có những ưu thế riêng...

- Nhiều người chú ý đến một chi tiết trong tiểu sử của ông: từng là “cậu ấm” con nhà giàu, nhưng 10 tuổi đã lăn lộn kiếm sống ở Ga Hàng Cỏ với ấm nước chè dạo... Ký ức nào về Hà Nội thuở ấy ông nhớ nhất?
Với bạn bè  

Hồi 7 - 8 tuổi, một mình tôi có tới ba người phục vụ. Sau cải cách, gia đình tôi “vượt biên” từ Nghệ An ra Hà Nội và phải bán nước chè để sinh sống. Một người bạn vong niên của tôi - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc - kể rằng, hồi ấy ông cũng phải đi bán hàng dạo để sống. Chúng tôi bị chao đảo bởi những khốn khó xung quanh hơn là những khốn khó của chính mình.
Trong ký ức của tôi, Hà Nội 40 - 50 năm trước khá lịch lãm, là một vùng đất mà bất cứ người Nghệ nào đặt chân đến cũng thấy mình lạc lõng. Lúc ấy, từ xứ nhà quê ra, tôi đã cảm nhận được mình thô lỗ và nhỏ bé trước Hà Nội bởi cái giọng nói khó nghe của mình. Nhưng tôi cảm ơn Hà Nội vì đã đem lại cho tôi một nền tảng văn hóa mà thế hệ chúng tôi cảm thấy mình may mắn có được.

- Ông đã học như thế nào để trở thành một doanh nhân?

Tôi học hành khá có hệ thống. Ban ngày học Đại học Xây dựng, buổi tối chăm chỉ theo học văn và có được trình độ cử nhân ngữ văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng và đi làm, buổi tối tôi lại học thêm toán tin để hiểu biết về cơ học.

Có thời kỳ tôi đi dạy và là Chủ nhiệm bộ môn nền móng và công trình ngầm. Năm 1990, tôi học luật và sau khi tốt nghiệp, tôi tham gia Đoàn Luật sư. Về kinh tế, tôi tự học Kinh tế học phương Tây từ rất sớm, vào năm 1976, và học rất căn bản, bao gồm kinh tế học vĩ mô, vi mô, phát triển...

Học và đọc. Tôi là một người đọc chuyên nghiệp, 8 - 9 tuổi tôi đã tiếp xúc với những tác phẩm nổi tiếng thế giới. Đến năm 12 tuổi, tôi đã đọc không biết cơ man nào là sách vở... Tôi nghĩ văn học chính là công cụ cơ bản để nhào nặn những kiến thức rắc rối của tôi thành kiến thức xã hội học, nối các kiến thức rời rạc thành một thực thể trong con người tôi.

- Từ học đến hành, “phiên dịch” để nối kết các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, ông thấy công việc nào mình làm có ý nghĩa nhất trong hành trình đi đến thành công của mình?

- Cả cuộc đời mình tôi chưa bao giờ coi việc gì là phụ và làm việc gì cũng cực kỳ nghiêm túc. Trong quân ngũ, tôi là một người lính trung thành; khi đi làm, tôi là một kỹ sư năng nổ. Ở cương vị nào tôi cũng luôn hoàn thành mọi nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, dốc hết tâm huyết cho công việc.

Tôi bắt đầu biết yêu đất nước Việt Nam, con người Việt Nam từ khi tham gia vào cuộc chiến tranh. Và những ấn tượng tuyệt vời có được từ sự quan sát con người, đó chính là cái mà tôi nhận được từ cuộc chiến tranh đó.

- Theo ông, như thế nào gọi là thành đạt?

Hạt giống được gieo trồng cẩn thận khi mọc thành cây sẽ phát triển tốt tươi. Con người cũng vậy, được giáo dục kỹ lưỡng thì không khó thành đạt. Nhưng phải nhớ một điều, kể cả sự sống sót cũng là thành đạt, khi sự sống sót đó đã phải trải qua những điều kiện tưởng như không sống nổi. Dân tộc ta có thể tự hào vì đã sống trong những điều kiện tưởng như không thể sống sót được.

'Nhà tư tưởng trong kinh doanh'

- Năm 1987, công ty tư vấn do ông thành lập đã đi vào hoạt động và hầu như chưa có đối thủ cạnh tranh. Là một doanh nhân có tên tuổi, ông nghĩ thế nào về quá trình khởi nghiệp của mình?

Với cựu Đại sứ Hoa Kỳ Peter Peterson  

Năm 1986, nước ta mới bắt đầu tạo điều kiện cho những người có khát vọng kinh doanh. Là người thức tỉnh sớm về đời sống thương mại, tôi cũng sớm trở thành một giám đốc điều hành (CEO). Tôi không leo lên cao trong đời sống kinh doanh vì đất nước chúng ta tạo điều kiện cho thế hệ chúng tôi thức tỉnh muộn.
Nhưng tôi không phải là một nhà kinh doanh đúng nghĩa, mà là một nhà tư tưởng trong lĩnh vực kinh doanh. Kinh doanh chỉ là phương tiện để tôi tạo ra cuộc sống tài chính của một người đàn ông hơn là lý tưởng. Khi đã kiếm đủ tiền, tôi sẽ quay về làm khoa học.

Tiêu tiền khó hơn kiếm tiền

- Đồng vốn đầu tiên đã sinh lời trong tay ông như thế nào?

Lập gia đình rồi, đến năm 27 tuổi, tôi vẫn phải ở nhờ nhà bên ngoại. Suốt từ 1973 - 1990, tôi chỉ đau đáu một nỗi niềm: “Ước gì có tiền mua một căn hộ”. Và năm 1990, tôi đủ tiền mua cái villa đầu tiên, giá khoảng 100 lượng vàng. Sau 5 năm, tôi đã có một lượng tài sản giúp tôi có thể “sống” trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

- Thu nhập chính của Công ty từ khách hàng nước ngoài?

Đúng. Cho đến nay, 80 - 90% thu nhập của Công ty tôi vẫn là từ nước ngoài. Tôi hầu như chưa lấy tiền của người Việt. Vì tôi đã làm sớm, sớm đến mức lúc đó Chính phủ chưa nghĩ ra cách quản lý những đồng tiền ấy. Đó là cơ may của tôi.

- Luận về cách sử dụng đồng tiền, ông thấy khó hay dễ?

Nhiều người nói kiếm tiền khó. Tôi thấy tiêu tiền khó hơn. Nếu để tiền mặt sẽ dẫn đến chi tiêu bừa bãi, vợ con sinh ra hư hỏng. Nếu biến tiền thành tài sản thì khó cho việc chi tiêu. Làm thế nào để mình không hư hỏng cùng với sự tăng lên của đồng tiền là điều tôi đã nghĩ đến. Nhìn cách tiêu tiền là có thể hiểu được đạo đức của người kiếm tiền.

Tôi có những người bạn giàu nứt đố đổ vách, người là tỷ phú lớn của Đức, người sở hữu nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới..., nhưng họ đều là những người tiêu tiền một cách nề nếp. Dù đi máy bay riêng, nhưng họ vẫn có thể ăn trưa cùng tôi với một ổ bánh mì.

Trả lại người Việt những gì vốn có

- Trong các nghiên cứu của ông, vấn đề tựu trung nhất được đề cập là việc thúc đẩy hiệu quả tiến trình hội nhập của Việt Nam với thế giới. Vậy trong kinh doanh và trong cuộc sống nói chung, những vấn đề nào của người Việt thời hội nhập cần được “đối thoại”, thưa ông?
Thăm nhà văn Tô Hoài

Hội nhập là để chơi với nhau, làm ăn với nhau, mục đích là tìm kiếm lợi ích trong quá trình hội nhập. Trong cuốn Đối thoại với tương lai, tôi có đề cập việc “Hãy trả lại cho người Việt những đặc điểm tự nhiên vốn có và hãy tôn trọng những phẩm chất tự nhiên đó”.
Hãy để những phẩm chất đó được phát triển thư thái như các dân tộc khác và không nên cưỡng ép nó theo quan niệm chủ quan.

Chúng ta xua người Việt vào các cuộc thi đua, làm cho người Việt chạy theo một tiếng còi. Đó là sự vô trách nhiệm trước thân phận con người. Con người không phải là một thành viên mà là một cá thể, hãy để họ sống như chính họ.

- Ngoài những khái niệm “độc quyền” như kinh doanh trí tuệ, kinh doanh trí khôn..., Invest Consult Group của ông còn có một viện nghiên cứu tư nhân?

Tôi đã có ý tưởng thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển Invest Consult trong công ty của mình từ đầu năm 1999, sau khi trao đổi với cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và nhận được sự đồng tình của ông về tình trạng thiếu hụt một lực lượng phản biện khoa học với các dự án của Đảng và Nhà nước cũng như sự cần thiết phải có những ý kiến phản biện bài bản và những viện nghiên cứu độc lập.

Tháng 4/2000, Viện Nghiên cứu Phát triển Invest Consult ra đời với chức năng nghiên cứu các vấn đề về toàn cầu hóa, phát triển Việt Nam và phát triển doanh nghiệp.

Cùng với Viện, chúng tôi có các ấn phẩm lưu hành nội bộ và cung cấp cho khách hàng những sản phẩm nghiên cứu mới nhất khi họ có nhu cầu như các ấn phẩm Người hướng dẫn khoa học, Người hướng dẫn tài chính và doanh nghiệp, Thế giới ngày nay...

- Xin cảm ơn ông! 

Kim Hoa
DNSG Online