Trang

2.4.12

Từ cậu bé bán nước chè đến 'ông Tổng' Invest Consult Group

Là người đầu tiên xây dựng một công ty chuyên tư vấn về đầu tư và kinh doanh cho các đơn vị đầu tư nước ngoài ngay sau khi cánh cửa đổi mới mở ra năm 1987, ông Nguyễn Trần Bạt từng được đánh giá là “một luật sư và nhà tư vấn xuất sắc” trong cuốn Barons the Global 500 Leaders for the New Century.



Gần đây, Nguyễn Trần Bạt còn được công chúng trong và ngoài nước chú ý ở góc độ là tác giả của khoảng 15.000 trang viết là các bài báo, sách và các công trình nghiên cứu về đường lối phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tác phẩm mới nhất của ông do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản đầu năm nay mang tên Đối thoại với tương lai, dày 939 trang, đang được người hâm mộ chuyền tay nhau đọc, ngoài ra còn nhiều tác phẩm khác đã xuất bản từ năm 2005, như Văn hóa và con người, Cải cách và phát triển, Suy tưởng, Cội nguồn cảm hứng...

Bán nước chè dạo kiếm sống

- Thưa ông, là doanh nhân kiêm nhà nghiên cứu các vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa Việt Nam ở thời điểm hiện tại, ông đã sử dụng những ưu thế nào của mình khi tiếp cận các mục tiêu nghiên cứu trên?

Ưu thế của tôi là chọn cách tiếp cận có màu sắc văn hóa. Vì thế, những “món” tôi bày ra đều dễ bán. Mặt khác, vốn hoạt động trong lĩnh vực kinh tế ở quy mô rộng lớn, có điều kiện tiếp xúc với các nhà chính trị thế giới, hoặc gặp gỡ những người điều hành các tập đoàn lớn trên thế giới, nên tôi có những ưu thế riêng...

- Nhiều người chú ý đến một chi tiết trong tiểu sử của ông: từng là “cậu ấm” con nhà giàu, nhưng 10 tuổi đã lăn lộn kiếm sống ở Ga Hàng Cỏ với ấm nước chè dạo... Ký ức nào về Hà Nội thuở ấy ông nhớ nhất?
Với bạn bè  

Hồi 7 - 8 tuổi, một mình tôi có tới ba người phục vụ. Sau cải cách, gia đình tôi “vượt biên” từ Nghệ An ra Hà Nội và phải bán nước chè để sinh sống. Một người bạn vong niên của tôi - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc - kể rằng, hồi ấy ông cũng phải đi bán hàng dạo để sống. Chúng tôi bị chao đảo bởi những khốn khó xung quanh hơn là những khốn khó của chính mình.
Trong ký ức của tôi, Hà Nội 40 - 50 năm trước khá lịch lãm, là một vùng đất mà bất cứ người Nghệ nào đặt chân đến cũng thấy mình lạc lõng. Lúc ấy, từ xứ nhà quê ra, tôi đã cảm nhận được mình thô lỗ và nhỏ bé trước Hà Nội bởi cái giọng nói khó nghe của mình. Nhưng tôi cảm ơn Hà Nội vì đã đem lại cho tôi một nền tảng văn hóa mà thế hệ chúng tôi cảm thấy mình may mắn có được.

- Ông đã học như thế nào để trở thành một doanh nhân?

Tôi học hành khá có hệ thống. Ban ngày học Đại học Xây dựng, buổi tối chăm chỉ theo học văn và có được trình độ cử nhân ngữ văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng và đi làm, buổi tối tôi lại học thêm toán tin để hiểu biết về cơ học.

Có thời kỳ tôi đi dạy và là Chủ nhiệm bộ môn nền móng và công trình ngầm. Năm 1990, tôi học luật và sau khi tốt nghiệp, tôi tham gia Đoàn Luật sư. Về kinh tế, tôi tự học Kinh tế học phương Tây từ rất sớm, vào năm 1976, và học rất căn bản, bao gồm kinh tế học vĩ mô, vi mô, phát triển...

Học và đọc. Tôi là một người đọc chuyên nghiệp, 8 - 9 tuổi tôi đã tiếp xúc với những tác phẩm nổi tiếng thế giới. Đến năm 12 tuổi, tôi đã đọc không biết cơ man nào là sách vở... Tôi nghĩ văn học chính là công cụ cơ bản để nhào nặn những kiến thức rắc rối của tôi thành kiến thức xã hội học, nối các kiến thức rời rạc thành một thực thể trong con người tôi.

- Từ học đến hành, “phiên dịch” để nối kết các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, ông thấy công việc nào mình làm có ý nghĩa nhất trong hành trình đi đến thành công của mình?

- Cả cuộc đời mình tôi chưa bao giờ coi việc gì là phụ và làm việc gì cũng cực kỳ nghiêm túc. Trong quân ngũ, tôi là một người lính trung thành; khi đi làm, tôi là một kỹ sư năng nổ. Ở cương vị nào tôi cũng luôn hoàn thành mọi nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, dốc hết tâm huyết cho công việc.

Tôi bắt đầu biết yêu đất nước Việt Nam, con người Việt Nam từ khi tham gia vào cuộc chiến tranh. Và những ấn tượng tuyệt vời có được từ sự quan sát con người, đó chính là cái mà tôi nhận được từ cuộc chiến tranh đó.

- Theo ông, như thế nào gọi là thành đạt?

Hạt giống được gieo trồng cẩn thận khi mọc thành cây sẽ phát triển tốt tươi. Con người cũng vậy, được giáo dục kỹ lưỡng thì không khó thành đạt. Nhưng phải nhớ một điều, kể cả sự sống sót cũng là thành đạt, khi sự sống sót đó đã phải trải qua những điều kiện tưởng như không sống nổi. Dân tộc ta có thể tự hào vì đã sống trong những điều kiện tưởng như không thể sống sót được.

'Nhà tư tưởng trong kinh doanh'

- Năm 1987, công ty tư vấn do ông thành lập đã đi vào hoạt động và hầu như chưa có đối thủ cạnh tranh. Là một doanh nhân có tên tuổi, ông nghĩ thế nào về quá trình khởi nghiệp của mình?

Với cựu Đại sứ Hoa Kỳ Peter Peterson  

Năm 1986, nước ta mới bắt đầu tạo điều kiện cho những người có khát vọng kinh doanh. Là người thức tỉnh sớm về đời sống thương mại, tôi cũng sớm trở thành một giám đốc điều hành (CEO). Tôi không leo lên cao trong đời sống kinh doanh vì đất nước chúng ta tạo điều kiện cho thế hệ chúng tôi thức tỉnh muộn.
Nhưng tôi không phải là một nhà kinh doanh đúng nghĩa, mà là một nhà tư tưởng trong lĩnh vực kinh doanh. Kinh doanh chỉ là phương tiện để tôi tạo ra cuộc sống tài chính của một người đàn ông hơn là lý tưởng. Khi đã kiếm đủ tiền, tôi sẽ quay về làm khoa học.

Tiêu tiền khó hơn kiếm tiền

- Đồng vốn đầu tiên đã sinh lời trong tay ông như thế nào?

Lập gia đình rồi, đến năm 27 tuổi, tôi vẫn phải ở nhờ nhà bên ngoại. Suốt từ 1973 - 1990, tôi chỉ đau đáu một nỗi niềm: “Ước gì có tiền mua một căn hộ”. Và năm 1990, tôi đủ tiền mua cái villa đầu tiên, giá khoảng 100 lượng vàng. Sau 5 năm, tôi đã có một lượng tài sản giúp tôi có thể “sống” trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

- Thu nhập chính của Công ty từ khách hàng nước ngoài?

Đúng. Cho đến nay, 80 - 90% thu nhập của Công ty tôi vẫn là từ nước ngoài. Tôi hầu như chưa lấy tiền của người Việt. Vì tôi đã làm sớm, sớm đến mức lúc đó Chính phủ chưa nghĩ ra cách quản lý những đồng tiền ấy. Đó là cơ may của tôi.

- Luận về cách sử dụng đồng tiền, ông thấy khó hay dễ?

Nhiều người nói kiếm tiền khó. Tôi thấy tiêu tiền khó hơn. Nếu để tiền mặt sẽ dẫn đến chi tiêu bừa bãi, vợ con sinh ra hư hỏng. Nếu biến tiền thành tài sản thì khó cho việc chi tiêu. Làm thế nào để mình không hư hỏng cùng với sự tăng lên của đồng tiền là điều tôi đã nghĩ đến. Nhìn cách tiêu tiền là có thể hiểu được đạo đức của người kiếm tiền.

Tôi có những người bạn giàu nứt đố đổ vách, người là tỷ phú lớn của Đức, người sở hữu nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới..., nhưng họ đều là những người tiêu tiền một cách nề nếp. Dù đi máy bay riêng, nhưng họ vẫn có thể ăn trưa cùng tôi với một ổ bánh mì.

Trả lại người Việt những gì vốn có

- Trong các nghiên cứu của ông, vấn đề tựu trung nhất được đề cập là việc thúc đẩy hiệu quả tiến trình hội nhập của Việt Nam với thế giới. Vậy trong kinh doanh và trong cuộc sống nói chung, những vấn đề nào của người Việt thời hội nhập cần được “đối thoại”, thưa ông?
Thăm nhà văn Tô Hoài

Hội nhập là để chơi với nhau, làm ăn với nhau, mục đích là tìm kiếm lợi ích trong quá trình hội nhập. Trong cuốn Đối thoại với tương lai, tôi có đề cập việc “Hãy trả lại cho người Việt những đặc điểm tự nhiên vốn có và hãy tôn trọng những phẩm chất tự nhiên đó”.
Hãy để những phẩm chất đó được phát triển thư thái như các dân tộc khác và không nên cưỡng ép nó theo quan niệm chủ quan.

Chúng ta xua người Việt vào các cuộc thi đua, làm cho người Việt chạy theo một tiếng còi. Đó là sự vô trách nhiệm trước thân phận con người. Con người không phải là một thành viên mà là một cá thể, hãy để họ sống như chính họ.

- Ngoài những khái niệm “độc quyền” như kinh doanh trí tuệ, kinh doanh trí khôn..., Invest Consult Group của ông còn có một viện nghiên cứu tư nhân?

Tôi đã có ý tưởng thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển Invest Consult trong công ty của mình từ đầu năm 1999, sau khi trao đổi với cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và nhận được sự đồng tình của ông về tình trạng thiếu hụt một lực lượng phản biện khoa học với các dự án của Đảng và Nhà nước cũng như sự cần thiết phải có những ý kiến phản biện bài bản và những viện nghiên cứu độc lập.

Tháng 4/2000, Viện Nghiên cứu Phát triển Invest Consult ra đời với chức năng nghiên cứu các vấn đề về toàn cầu hóa, phát triển Việt Nam và phát triển doanh nghiệp.

Cùng với Viện, chúng tôi có các ấn phẩm lưu hành nội bộ và cung cấp cho khách hàng những sản phẩm nghiên cứu mới nhất khi họ có nhu cầu như các ấn phẩm Người hướng dẫn khoa học, Người hướng dẫn tài chính và doanh nghiệp, Thế giới ngày nay...

- Xin cảm ơn ông! 

Kim Hoa
DNSG Online




0 comments:

Đăng nhận xét