Trang

19.4.12

Con đường ngắn nhất dẫn tới xung đột tại Đông Á

Ba trong số bốn cường quốc khu vực đang nổi sẽ hình thành các tiêu điểm cho một sự chuyển đổi quyền lực tổng thể sang phía Đông trong thế kỷ tới. Vì vậy, dù Washington sẽ không có phương tiện và cũng không muốn đảm bảo an ninh cho nhiều khu vực cùng lúc, nhưng giảm bớt các nỗ lực ở châu Á lúc này sẽ là điên rồ.

Tuần Việt Nam giới thiệu phân tích của ông Jonathan Levine, một giảng viên về chuyên ngành Nghiên cứu Mỹ và tiếng Anh tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh.


Sau Chiến tranh thế giới II, nền hòa bình tại Đông Á chủ yếu đã được gìn giữ nhờ sự hiện diện đáng kể của sức mạnh quân sự Mỹ. Sức mạnh Mỹ đã giữ nhiều chiếc nút trên miệng những cái chai ở khu vực này. Một sự hiện diện chưa đủ mạnh của Mỹ sẽ tháo xích cho con quỷ cũ hiện đang ngủ và gây ra thế tiến thoái lưỡng nan nguy hiểm chết người về an ninh. Các chi phí trong ngắn hạn mà Mỹ phải chịu khi hiện diện tại châu Á hiện nay sẽ không thấm vào đâu so với những chi phí dài hạn rất lớn mà Mỹ nên giảm bớt. Những con đường có nguy cơ dẫn tới xung đột tại Đông Á rất nhiều, nhưng đây chính là con đường ngắn nhất.

Trung Quốc và Đài Loan

Năm 1662, khi các chiến binh người Mãn Châu tìm cách củng cố triều đại nhà Thanh mới tại Bắc Kinh, các tàn dư của triều đại nhà Minh tiền nhiệm đã bỏ chạy sang hòn đảo Đài Loan xa xôi. Đài Loan đã tự điều hành như một "Vương quốc Đông Ninh" tự trị và bày mưu hủy hoại đại lục một cách tốt nhất. Phải tới năm 1683, Đông Ninh cuối cùng mới bị Hoàng đế Khang Hy chinh phục và hợp nhất vào đại lục.

Hòn đảo nhỏ bé và cằn cỗi này có quá ít tài nguyên thiên nhiên để đang được nhắc đến, và có càng ít lợi ích mà Trung Quốc có thể có được từ việc thực thi chủ quyền trực tiếp đối với hòn đảo này. Trung Quốc cũng sẽ mất nhiều và được ít nếu xảy ra chiến tranh với Đài Loan, nhưng cho đến giờ, sau ba cuộc khủng hoảng tại Eo biển Đài Loan, chiến tranh vẫn không phải là điều không thể xảy ra.

Câu hỏi hóc búa Đài Loan nằm ở niềm tự hào dân tộc, không phải ở những tính toán thực dụng. Từ khi Tưởng Giới Thạch bỏ trốn sang Đài Loan năm 1949, đây vẫn là một cái gai trong mắt người Cộng sản ở Bắc Kinh, khiến họ không thể tuyên bố một chiến thắng hoàn toàn trong cuộc cách mạng của mình.

Các tướng lĩnh của Trung Quốc đã phải điên đầu vì Đài Loan nhiều thập kỷ qua, và đã hài lòng với các chính sách mang tính hòa giải hơn đối với hòn đảo này mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và chính quyền ôn hòa của ông theo đuổi. Sự đã rồi về sức mạnh quân sự của Mỹ là lý do chính giúp giới lãnh đạo dân sự chiến thắng các trào lưu chủ nghĩa dân tộc trong những năm qua. Nếu Mỹ rút khỏi "sân khấu" này và từ bỏ các hỗ trợ về quân sự và chính trị cho Đài Loan, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA - quân đội Trung Quốc) sẽ đứng trước sức ép phải hành động quyết đoán hơn. Nếu không có đối trọng là sức mạnh răn đe của Mỹ, sẽ rất khó giữ cái đầu lạnh để chiến thắng.

Tái quân sự hóa Nhật Bản

Trong khi Mỹ tìm cách giảm bớt các cam kết quốc tế, nhiều nước phương Tây thấy rằng ý tưởng về một Nhật Bản tái quân sự hóa là đã quá muộn. Nhật Bản đã đi một chặng đường dài từ đống tro tàn năm 1945 và giờ đã đến lúc tự tháo bỏ cái cồng mang tên Hiến pháp bất bạo động sau chiến tranh thế giới II và đảm nhận các trách nhiệm tự bảo vệ mình.

Nhưng quan điểm này không được các nước láng giềng Nhật Bản ủng hộ. Sự tàn ác của phát xít Nhật trên mảnh đất châu Á vượt xa bất cứ thứ gì Mỹ từng trải nghiệm ở Chân Trâu Cảng. Nhà sử học lỗi lạc Chalmers Johnson ước tính quân đội Nhật đã cướp đi sinh mạng của 30 triệu người ở châu Á, 23 triệu trong số này là người Trung Quốc. Nhà báo, nhà sử học trẻ người Mỹ Iris Chang thậm chí còn so sánh với thảm kịch tàn sát người Do Thái mà Hitler đã gây ra.

Trong khi Đức bỏ ra ít nhất 6 năm để tạ lỗi và xa lánh với dù chỉ một cơn gió nhẹ của chủ nghĩa dân tộc, Nhật Bản lại tỏ ra lầm lì hơn trong việc thừa nhận các hành động dã man mà quân đội Nhật đã làm trước đây. Nhiều học giả và cả cựu Thủ tướng Shinzo Abe vào những thời điểm khác nhau đã phủ nhận hoàn toàn hoặc một phần các tội ác chiến tranh của Nhật Bản. Ông Abe và người tiền nhiệm Junichiro Koizumi đã liên tục đến thăm ngôi đền tưởng niệm những người đã chết trong chiến tranh của Nhật Bản từ giữa thế kỷ 19, trong đó có cả các tội phạm chiến tranh.

Câu chuyện lịch sử tàn ác này khiến các nước láng giềng của Nhật Bản tức giận. Dù Trung Quốc hiện đã có lực lượng quân sự đông đảo nhất thế giới, có vũ khí hạt nhân và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nỗi kinh hoàng và sự nghi ngờ đối với Nhật Bản vẫn còn rõ nét. Dù ý tưởng về một mối đe dọa mới mang tên Nhật Bản đối với châu Á khiến phương Tây cười nhạo, nhưng nó lại là rất thực tại Bắc Kinh - và sự đa nghi sẽ không thể tự nhiên biến mất. Tại phương Đông, từ lâu có niềm tin là chiếc ô an ninh của Mỹ giống như một chiếc nút bịt kín cái chai chủ nghĩa quân phiệt Nhật.

Khi Tập Cận Bình kêu gọi Mỹ đóng vai trò tại Đông Á, ông dường như đã rất thành thật về đề nghị này. Nếu các binh lính Mỹ rời Nhật Bản, hoặc hiệp định an ninh Nhật - Mỹ hết hiệu lực, người Nhật sẽ có thể xây dựng lại quân đội của mình: đó chính là điều Washington muốn nhưng là điều Bắc Kinh lo ngại. Từ bỏ sự bảo vệ của Mỹ sẽ dẫn tới sự xuất hiện của một thế tiến thoái lưỡng nan an ninh kiểu cổ điển, với việc Nhật Bản sẽ tìm cách thu hẹp bất cân bằng về năng lực với Trung Quốc.

Bất chấp các mối quan hệ dưới thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, quan hệ bằng hữu Trung - Nhật đã "đảo chiều" sau sự kiện Thiên An Môn. Từ năm 1989, Trung Quốc đã tập trung vào "giáo dục tình yêu nước" như một cách để gây sự chú ý vào các vấn đề trong nước mà Thiên An Môn đặt ra. Người ta dạy về chủ nghĩa dân tộc, tình cảm chống Nhật và nhắc nhớ công dân Trung Quốc về những hành động dã man trong quá khứ, cộng với một loạt cách hoạt động kỷ niệm công khai hàng năm.

Việc Nhật Bản xây dựng quân đội sẽ khiến Trung Quốc phát điên lên và sẽ thổi bùng một thái độ thù địch mạnh mẽ hơn từ trong nước. Một số nước láng giềng của Nhật Bản vẫn còn đau đớn với những trải nghiệm của mình trong Chiến tranh Thế giới II cũng sẽ phản đối việc Nhật Bản xây dựng quân đội. Với tài ngoại giao khéo léo, Trung Quốc có thể tự đặt mình vào vị trí người cứu tinh cho khu vực. Luôn tìm cách củng cố sức mạnh mềm của mình một cách đầy thiện ý, Bắc Kinh sẽ rất vui khi tấn công vào các thỏa thuận an ninh với các nước mà Washington bỏ đi trong lạnh nhạt.

Hàn Quốc

Đối với Mỹ, chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc năm 1953. Nhưng tại Bình Nhưỡng, cuộc chiến này vẫn đang tiếp tục đến ngày nay. Phương Tây sẽ khôn ngoan khi nhớ rằng một thỏa thuận hòa bình chính thức vẫn chưa bao giờ được ký kết giữa hai miền Triều Tiên và xét về mặt kỹ thuật thì xung đột vẫn tiếp diễn suốt 60 năm qua. Đối với các binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc, thái độ thù địch lúc nào cũng có thể trở lại. Nhưng bất chấp việc Triều Tiên "khua chiêng gõ trống" và áp dụng chính sách bên miệng hố chiến tranh, gần đây nhất là việc bắn pháo vào Đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, Triều Tiên vẫn tỏ ra kín đáo về khả năng đẩy vấn đề đi xa hơn.

Thực vậy, giới lãnh đạo Triều Tiên sẽ mắc lỗi nếu có những hành động phi lý. Tất cả những gì triều đại nhà họ Kim muốn là an ninh. Việc họ theo đuổi vũ khí hạt nhân chẳng qua là một câu trả lời cho nỗi lo ngại hiện hữu về nguy cơ can thiệp của Mỹ, nhất là sau khi cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush liệt Triều Tiên vào "Trục Ma quỷ". Cả những nhân vật hiếu chiến nhất ở Triều Tiên cũng thừa biết rằng trước sức mạnh răn đe hiện nay của Mỹ, thì việc kéo Hàn Quốc vào một cuộc chiến tranh chẳng khác nào là tự tử.

Nhưng nếu các binh lính Mỹ về nước, như một phần trong xu hướng chung rút khỏi châu Á của Mỹ, thì người Triều Tiên có thể đánh giá lại các lựa chọn của mình. Vốn tự cao về các năng lực của mình, họ sẽ muốn kết thúc vấn đề, hoặc ít nhất là sử dụng đòn bẩy mới để quấy rầy nước láng giềng phương Nam nhiều hơn. Bắc Kinh sẽ tìm cách ngăn chặn Triều Tiên trước khi họ có thể gây quá nhiều phiền phức (và làm ảnh hưởng tới quan hệ thương mại rất sinh lời của Trung Quốc với Hàn Quốc). Nhưng điều này sẽ đẩy Trung Quốc vào một tình thế cực kỳ khó xử: bảo vệ kẻ thù không đội trời chung của đồng minh thân cận nhất của mình tránh khỏi sự tấn công của người đồng minh đó! Đây giống như một "công thức" cho bất ổn.

Các sinh viên của tôi tại trường Đại học Thanh Hoa thường hỏi làm thế nào Mỹ có thể "kiểm soát thế giới". Tôi đã nói với họ rằng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Mỹ không phải là cái gì đó mà nước này tự nguyện hiến dâng, mà là một gánh nặng miễn cưỡng sau khi châu Âu từ bỏ vị trí bá chủ toàn cầu, vì nói một cách đơn giản là các cường quốc phương Tây không thể một mình gánh chịu nó.

Vị thế bá chủ của Mỹ đang suy yếu, Washington sẽ không có phương tiện và cũng không muốn đảm bảo an ninh cho nhiều khu vực cùng lúc. Nhưng ba trong số bốn cường quốc khu vực đang nổi - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, được biết đến với cái tên BRICs - đang nằm ở châu Á và sẽ hình thành các tiêu điểm cho một sự chuyển đổi quyền lực tổng thể sang phía Đông trong thế kỷ tới. Vì lợi ích của Mỹ sẽ phải phù hợp với điều này, nên việc giảm bớt các nỗ lực ở châu Á lúc này sẽ là điên rồ./.

Châu Giang (theo nationalinterest.org)

0 comments:

Đăng nhận xét