Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, nhưng hàng ngày vẫn có nhiều người dân phải bỏ mạng oan ức vì hậu quả của chiến tranh, đó là bom mìn còn sót lại!. Báo Vì Dân mời bạn đọc tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân |
“Để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD khác cho tái định cư và đảm bảo an sinh xã hội ở vùng bị ô nhiễm bom mìn”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tối 2/4 tại Nhà hát lớn Hà Nội, trước sự có mặt của nhiều quan khách quốc tế, các đại sứ quán cũng như các nhân chứng sống của thực trạng bom mìn còn rải khắp lãnh thổ Việt Nam. Buổi giao lưu nhằm phát động, huy động nguồn lực trong và ngoài nước chung tay khắc phục hậu quả của bom mìn sau chiến tranh.
Xử lý bom mìn |
Cũng theo Phó thủ tướng Nhân, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để nâng cao năng lực và huy động nhiều nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn, làm sao sau vài chục năm tới cơ bản giải quyết hậu quả. “Đó là nhiệm vụ của Chính phủ và là trăn trở của hơn 80 triệu dân Việt Nam”, ông Nhân nói và nhấn mạnh thêm bom mìn, vật liệu nổ không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước mà còn đe dọa tính mạng người dân hàng ngày hàng giờ. Hàng năm, Việt Nam đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho việc rà phá, cấp cứu hỗ trợ các nạn nhân…
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "Rà phá bom mìn là nhiệm vụ của Chính phủ và là trăn trở của hơn 80 triệu dân Việt Nam".
Nhắc đến hậu quả của bom mìn sót lại sau chiến tranh, dù đã qua đi gần 40 năm, Phó thủ tướng dẫn con số hơn 40.000 người chết (trong đó tới 30.000 trẻ em) và 60.000 người bị thương. “Chính phủ Việt Nam sẽ huy động tối đa nguồn lực để khắc phục hậu quả chiến tranh song cũng rất cần sự giúp đỡ của các nước, đặc biệt là Mỹ, để đẩy nhanh tiến độ”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Cán bộ, chiến sĩ công binh Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đưa quả bom tìm thấy sau chiến tranh đến vị trí hủy |
Trước đó, giao lưu tại chương trình, ông Nguyễn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (một trong 6 tỉnh có mật độ bom mìn dày đặc) cho biết, người dân có thể gặp bom mìn khi cuốc ruộng, đào móng nhà, làm thủy lợi, thậm chí cả khi mò hến. Tuy địa phương đã có nhiều nỗ lực trong tìm kiếm, rà phá bom mìn, song kết quả vẫn rất hạn chế.
Còn anh Hồ Văn Lữ (bản Của, xã Hưng Tân, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tuy sinh ra sau chiến tranh song luôn bị ám ảnh bởi bom mìn. Anh từng tận mắt chứng kiến hai vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ xảy ra ở địa phương khiến nhiều cháu nhỏ thiệt mạng. “Tôi chỉ mong muốn Nhà nước, các tổ chức quốc tế quan tâm rà phá hết bom mìn, làm sạch đất đai để bà con yên tâm sinh sống và canh tác”, anh Lữ chia sẻ.
Ngay trong buổi tối, 34 tổ chức trong nước đã tài trợ 7,5 tỷ đồng và 9 tổ chức quốc tế tài trợ 15 triệu USD cho Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Trong đó, riêng Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) ủng hộ 6,3 triệu USD.
Tháng 4/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mình sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn; đẩy nhanh tốc độ rà phá bom mìn.
Hiện cả nước còn khoảng 6,6 triệu ha đất (trên 21% diện tích đất nước) bị ô nhiễm bởi 800.000 tấn bom mìn các loại, chưa kể số còn sót lại trên biển. Ban chỉ đạo 504 đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ giải phóng diện tích này trong khoảng thời gian dưới 100 năm. 5 năm tới, việc rà phá, làm sạch sẽ tập trung ở 6 tỉnh có mật độ bom mìn còn sót lại nhiều nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ngoài ra, trước năm 2015, Ban chỉ đạo cũng cần lập xong bản đồ ô nhiễm bom, mìn trên toàn quốc.
0 comments:
Đăng nhận xét