Trang

Diệp Kính Thiên: Nguyễn Tấn Dũng có thắng không?

Khả năng được đề cử chức Tổng bí thư khóa 12 cho Nguyễn Tấn Dũng có thể chắc chắn. Đây mới chỉ là hiệp một. Sang hiệp hai – bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa 12 – mới là chủ yếu.

Anh Ba Thanh: Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư nửa nhiệm kỳ đầu khóa XII ?

Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hé lộ một chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo đó là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"

Hiển thị các bài đăng có nhãn tiêu cực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tiêu cực. Hiển thị tất cả bài đăng

22.6.12

GS Hoàng Tụy:Giáo dục không làm giảm tiêu cực, đáng xấu hổ


"Trong một xã hội mà xung quanh quá nhiều dối trá, rất hiếm trung thực, nếu đặt thiếu niên trước những thử thách trung thực quá sức thì cũng chẳng khác nào đưa trẻ ra phơi nhiễm giữa một vùng đang dịch bệnh, làm sao tránh khỏi bị nhiễm bệnh? Cho nên, chẳng lạ gì khi kỳ thi nào cũng có chuyện, mà những chuyện đã bị phanh phui chỉ là phần nổi của tảng băng chìm" - GS Hoàng Tụy.

Rất đau xót vì xã hội không nghe lời nói thật

PV:- Hiện tại dư luận vẫn đang xôn xao về clip ném phao thi tại Đồi Ngô, Bắc Giang với hai phản ứng ngược hẳn nhau: Người thì bảo là cậu học sinh quay clip là có tội, không được chống tiêu cực bằng một biện pháp tiêu cực, thậm chí có người còn đòi hỏi xử lý. Nhiều người khác lại cho rằng, phải xem lại, không thể nhận định như thế được. Theo GS, tại sao lại có phản ứng trái ngược nhau đến như vậy?

GS Hoàng Tụy: - Clip tố cáo gian lận lại do một thí sinh quay, đó là tình huống khá đặc biệt, dễ hiểu rằng có những nhận định khác nhau, tùy vị trí mỗi người trong xã hội. Nhưng khách quan và công bằng thì phải thấy rằng, khi cả hội đồng giám thị đồng lòng tiêu cực thì muốn có chứng cớ để tố cáo còn có cách nào khác nếu không làm như thí sinh kia?

Cho nên nếu thật sự muốn chống tiêu cực thì phải chấp nhận hành động quay clip của thí sinh. Không thể lên án việc thí sinh quay clip là có tội, mà ngược lại nên khen như một việc tốt.

GS Hoàng Tụy. Ảnh Lê Anh Dũng
PV:- Người Việt hay nói "thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng" nhưng khi một sự thật đã được đưa ra ánh sáng, nhiều người có liên quan lại muốn tránh đi. Phải chăng nói vậy thôi chứ nghe nói thật thì khó quá?

GS Hoàng Tụy: - Trong xã hội, khi người dân phản ứng với những hành động bất công, tiêu cực,  chúng ta đã nhìn thấy nhiều trường hợp cơ quan hữu trách thiên về tìm mọi sai phạm, nếu có, của người dân để buộc tội và xử lý chứ không nhìn thẳng vào bản chất vấn đề đang khiến người dân bức xúc.


Rất nhiều vụ, nhiều người có trách nhiệm không đi sâu tìm hiểu bản chất sự việc để xử lý thỏa đáng mà lại nhìn người dân đang bất bình với con mắt thiếu thiện cảm, coi họ và đối xử với họ như những … đối thủ.

Vụ một nhà báo ở TP HCM bị bắt vì tìm cách phanh phui tiêu cực của cảnh sát giao thông cũng do xuất phát từ một cách nhìn lệch lạc như thế. Cứ nhìn với con mắt đối lập thì rất khó yên dân.

Nói như vậy để thấy thái độ không muốn nghe lời nói thật không chỉ có trong giáo dục. Đó là tình trạng rất không hay nhưng lại rất phổ biến trong xã hội ta hiện nay.

PV:- Là một người cả đời tâm huyết với giáo dục, GS thấy sao khi ngành dạy làm người lại khó nghe lời nói thật như vậy?

GS Hoàng Tụy: - Đó thật sự là điều rất đáng buồn. Tất nhiên, xã hội hiện nay nhiều gian dối, tiêu cực. Nhà trường là bộ phận của xã hội, tất yếu phải chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, đó chỉ mới nhìn một mặt, một chiều.

Nhìn chiều ngược lại thì trong tình hình ấy nếu giáo dục tốt hơn vẫn có thể trong chừng mực nhất định ảnh hưởng ngược lại làm cho xã hội bớt đi những chuyện tiêu cực đáng xấu hổ. Nhưng lâu nay giáo dục của chúng ta không làm được việc đó. Trong một số trường hợp, nhà trường còn góp phần làm những tiêu cực trong xã hội tăng thêm.

Đừng bắt trẻ phơi nhiễm thói dối trá

PV:- Bằng chứng tiêu cực ở Đồi Ngô và tỷ lệ tốt nghiệp rất cao vừa công bố dường như là lý do để nhiều nhà chuyên môn một lần nữa đề nghị nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?

GS Hoàng Tụy: - Quả là việc học và thi của chúng ta có nhiều vấn đề rất cần phải bàn lại, nhất là kiểu thi tốt nghiệp hiện nay của ta quá lạc hậu, có quá nhiều điều chưa ổn, không hiệu quả mà lại vô cùng lãng phí.


Sau kỳ thi THPT năm nay nhiều người càng thấy rõ không lý gì duy trì mãi một kỳ thi tốn kém mà chỉ có tinh chất vờ vịt vì chỉ loại nhiều lắm vài phần trăm số thí sinh là những em học quá kém mà không cần thi cũng có thể loại được theo học bạ.

Tuy nhiên cũng có ý kiến ngược lại, cho rằng tâm lý học sinh là có thi mới học, cho nên vẫn cần thiết phải thi. Ở đây cần nhận rõ: vấn đề không phải là thi hay bỏ thi mà là thi và học như thế nào?

Cách chúng ta đã và đang làm hiện nay lạc hậu ở chỗ khi học ở các lớp dưới thì học không cẩn thận, kiểm tra, thi học kỳ không nghiêm, để học sinh ngồi nhầm lớp thoải mái, rồi cuối cấp dồn lại bắt học sinh học ngày học đêm trong mấy tháng, thi rất nhiều môn, toàn là thi viết, trong 2-3 ngày liền, với hình thức kỳ thi quốc gia cho nên rất tốn kém và bận rộn cho cả xã hội, tạo ra áp lực căng thẳng cho cả học sinh và phụ huynh.

Vì chỉ mấy ngày thi mà quyết định kết quả học tập suốt 12 năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro học tài thi phận, khiến nhiều học sinh quá lo lắng, dễ đẩy các em đến những hành động đối phó gian dối liều lĩnh, với cả sự đồng cảm và giúp sức của phụ huynh và các thầy cô giáo.

Đó là chưa nói một yếu tố khác cực kỳ quan trọng: trong một xã hội mà xung quanh quá nhiều dối trá, rất hiếm trung thực, nếu đặt thiếu niên trước những thử thách trung thực quá sức các em thì cũng chẳng khác nào đưa trẻ ra phơi nhiễm giữa một vùng đang dịch bệnh, làm sao tránh khỏi bị nhiễm bệnh.

Cho nên, chẳng lạ gì kỳ thi nào cũng có chuyện quay cóp, gian dối, mà những chuyện đã bị phanh phui chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

PV:- Vậy chúng ta nên làm như thế nào, thưa GS?

GS Hoàng Tụy: - Việc học và thi trong nhà trường cũng giống như trong một nhà máy làm ra sản phẩm gồm nhiều bộ phận riêng rẽ (mô đun) ghép lắp lại, người ta phải kiểm tra kỹ chất lượng từng mô đun mỗi khi sản xuất xong, đến khi rắp lại, chỉ kiểm tra chất lượng lắp ráp.

Theo đó, mỗi môn học mỗi học phần như một mô đun, học môn nào, học phần nào phải kiểm tra, thi nghiêm túc ngay môn đó, phần đó, đến cuối cấp không thi lại từng môn, từng học phần nữa, mà chỉ phải làm một tiểu luận hoặc qua một kỳ thi nhẹ nhàng, với mục đích chủ yếu là kiểm tra trình độ văn hóa phổ quát (giống như kiểm tra chất lượng lắp ráp các mô đun trong nhà máy).

Ngay như thi tú tài thời Pháp thuộc, cách đây 3/4 thế kỷ mà cũng chỉ thi viết vài môn chính như Văn và Toán, còn một số môn khác chỉ thi vấn đáp khá nhẹ nhàng (thường học sinh trong năm đã học nghiêm chỉnh thì không cần chuẩn bị kỹ vẫn có thể qua được phần vấn đáp dễ dàng; phần này lại có thể chuyển sang phiên thi sau, cách đó 3 tháng) .

Với cách học và thi như vậy, dễ kiểm soát chất lượng học tập và mới có thể dần dần xây dựng một nền giáo dục trung thực, lành mạnh, điều kiện tiên quyết tiến lên một xã hội văn minh.

Không thể có tăng trưởng kinh tế lành mạnh trên một nền văn hóa giáo dục lệch lạc!

PV:- Một câu hỏi cuối cùng, thưa GS. Gần đây, chúng ta chứng kiến quá nhiều chuyện đáng buồn trong ngành giáo dục: phụ huynh đạp đổ cổng trường để mua đơn cho con vào học, việc chạy trường chạy điểm được coi như một hiện tượng bình thường, gian lận trong thi cử bị bắt tận tay, mọi giá trị được quy đổi thành giá trị mua bán, tiền bạc. GS bình luận như thế nào về sự phát triển lệch pha giữa kinh tế và văn hóa như vậy?

GS Hoàng Tụy: - Đây là những điều đáng lý ra phải nhìn thấy từ vài ba chục năm trước. Tiếc rằng, vì nhiều lẽ khác nhau, người ta có xu hướng chạy theo những thành tích ảo, giả tạo hoặc tưởng tượng hơn là đi vào thực chất. Trên hay dưới đều vậy, bệnh này chẳng phải chỉ riêng của ngành giáo dục mà là bệnh chung của cả hệ thống quản lý kinh tế xã hội của chúng ta.


Giáo dục và cả văn hóa đều bị xếp sau những ưu tiên khác cho nên những hiện tượng lạc hậu, tiêu cực về giáo dục, văn hóa cứ ngày càng phát triển. Mà sự xuống cấp của xã hội về văn hóa giáo dục, ngược lại sẽ tác động tai hại đến kinh tế, chỉ có điều không phải ai cũng nhận thức được tác động đó vì nó ngấm ngầm, gặm nhấm từ từ.

Thời gian gần đây kinh tế xuống nhanh cũng một phần do văn hóa giáo dục trở thành chỗ nghẽn ngày càng nghiêm trọng cho sự phát triển của xã hội. Không thể nào có một nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh dựa trên một nền văn hóa giáo dục suy đồi. Điều đó ngày xưa Phan Châu Trinh cũng đã nhìn thấy khi cụ khởi xướng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh để cứu nước.

Hoàng Hạnh (thực hiện)



11.6.12

Điểm danh các dự án ODA có sai phạm, tiêu cực

Có thể nói, ở nhiều dự án có sử dụng vốn vay ODA có những dạng sai phạm khá phổ biến như: kê khai sai, kê khai khống giá trị, quyết toán sai, quyết toán trùng chi phí, làm giả hóa đơn, chứng từ để rút tiền dự án ..

Trong những ngày gần đây, một số tờ báo cho rằng, cơ quan chức năng Việt Nam ít phát hiện các vụ việc tiêu cực trong việc sử dụng vốn ODA. Các vụ được phát hiện mới có thể kể tên là: vụ tham nhũng tại PMU 18 (xảy ra năm 2006), mới đây, năm 2011, là vụ Huỳnh Ngọc Sĩ-giám đốc ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây bị kết án 20 năm tù do nhận hối lộ 262.000 USD từ các nhà thầu Nhật Bản. Vụ mới đây nhất, bộ Ngoại giao Đan Mạch tuyên bố ngừng ¾ dự án tài trợ vốn ODA cho Việt Nam do nghi ngờ có gian lận về tài chính, do phản ứng từ một số cơ quan thực hiện dự án, 2 bên vẫn đang tiếp tục họp, xác định cho đúng bản chất vụ việc.

Nhưng trên thực tế, không chỉ có 3 vụ việc trên. Đã có một loạt các dự án vay vốn ODA thực hiện trong vòng 5 năm trở lại đây, có nhiều tiêu cực, sai phạm. Có điều không phải dự án nào cũng được xác định là có yếu tố tham nhũng, phải khởi tố các vụ án điều tra hình sự. Có thể điểm sơ qua một số  vụ việc sai phạm, tiêu cực dưới đây: có những vụ việc được đưa công bố nhưng có những việc chưa được công khai đầy đủ cho báo chí:
Tại dự án xây dựng cầu Thanh Trì và đoạn tuyến Nam vành đai III Hà Nội do bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 5.635 tỷ đồng (chủ yếu vay vốn ODA từ JBIC-Nhật Bản), năm 2011, kết thúc cuộc thanh tra ở đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) xác định giá thành xây lắp của dự án bị đội lên quá cao so với mặt bằng chung của Việt Nam từ 30-40%. Tại dự án này, cơ quan chức năng xác định: ban quản lý dự án (PMU Thăng Long) thanh toán, hạch toán một số khoản tiền không đúng  như thanh toán sai đơn giá tại gói thầu số 3 gần 1,76 tỷ đồng; thanh toán trùng lắp khối lượng tại gói thầu 3 A trên 2,4 tỷ đồng; chi phí, hạch toán một khoản chi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án chưa đúng quy định số tiền trên 3,6 tỷ đồng...Cơ quan chức năng còn cho rằng, tổng mức đầu tư thiếu chính xác, lớn hơn thực tế về khối lượng, giá trị tại các gói thầu xây lắp chính với tổng giá trị lên tới trên 1.010 tỷ đồng.
Tại dự án thủy lợi Phước Hòa (thực hiện tại 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước) có tổng mức đầu tư trên 5.594 tỷ đòng trong đó vốn vay ODA từ ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 2.518 tỷ đồng, vốn vay AFD 1.062 tỷ đồng. Tại dự án này, năm 2011, TTCP cũng đã phát hiện những sai phạm trong quá trình lập hồ sơ mời thầu đã làm cho giá dự thầu tăng 17-26% so với giá mời thầu; việc nghiệm thu khối lượng và thanh toán, tính bù giá vật liệu với nhà thầu chưa đúng theo hợp đồng, nghiệm thu trùng lắp, vượt giá trị dự phòng, nghiệm thu các loại bảo hiểm theo hợp đồng cao hơn giá trị thực hiện...tổng cộng gần 17 tỷ đồng; thiếu cơ sở phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành với giá trị 32,5 tỷ đồng.
Tại một dự án khác của ngành giao thông-dự án cải tạo, nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn khẩn cấp và giai đoạn II sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản cũng có hàng loạt sai phạm khiến TTCP, trong một kết luận thanh tra ban hành năm 2010 đã kiến nghị xử lý số tiền lên tới trên 170,7 tỷ đồng do các sai phạm như: thanh toán tiền dịch hồ sơ nhưng không hề có sản phẩm; không phạt các nhà thầu do thực hiện hợp đồng chậm; sử dụng vốn dự án xây dựng hạng mục không có trong danh mục đầu tư dự án; lãng phí tiền do lỗi thiết kế; dùng tiền ngân sách nộp thay nhà thầy tiền thuế nhập khẩu mua ô tô...
Đó là một số dự án có qui mô lớn. Còn ở những dự án qui mô nhỏ, sai phạm, tiêu cực không phải là ít và ít được công khai nhưng mức độ sai phạm, thất thoát cũng rất lớn. Ví dụ như hợp phần Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững (SUDA) thuộc dự án FSPS II tại Cà Mau cũng do Đan Mạch hỗ trợ vốn ODA, số tiền bị tham nhũng, sử dụng sai mục đích chiếm tới gần 50% số kinh phí được tài trợ. Cụ thể từ năm 2007 đến năm 2009, FSPS II tổ chức và giao cho trung tâm Khuyến ngư tỉnh Cà Mau tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho nông dân về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh... Tổng kinh phí cho các chương trình ước tính hơn 6,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thông Nhận nguyên là phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cà Mau kiêm giám đốc FSPS II và ông Nguyễn Trung Chánh, nguyên giám đốc trung tâm Khuyến ngư Cà Mau đã chỉ đạo các nhân viên cấp dưới lập khống các khoản chi phí cho học viên, tổ chức các buổi hội thảo "khống"...qua đó chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích hơn 3,1 tỷ đồng. Cho đến giữa năm 2011, 2 ông này và 3 cán bộ khác có liên quan đã bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra (đến nay chưa đưa ra xét xử).
Điểm lại các vụ việc nêu trên cho thấy, không phải các cơ quan chức năng của Việt Nam không chủ động thanh tra, kiểm tra, phát hiện các vụ việc sai phạm, tiêu cực trong việc tiếp nhận, sử dụng vốn ODA.
Có thể nói, ở nhiều dự án có sử dụng vốn vay ODA có những dạng sai phạm khá phổ biến như: kê khai sai, kê khai khống giá trị, quyết toán sai, quyết toán trùng chi phí, làm giả hóa đơn, chứng từ để rút tiền dự án ..Nhưng các bộ, ngành, cơ quan chức năng đã chưa có sự tổng hợp, đánh giá đầy đủ để tìm ra những giải pháp để siết chặt quản lý, sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn này. Và ngoại trừ vụ việc xảy ra tại dự án FSPS II tại Cà Mau có truy tố người phạm tội, ở hầu hết các dự án khác, người ta cũng mới chỉ quy trách nhiệm, kiểm điểm nhẹ nhàng đến cấp đơn vị quản lý dự án chứ hầu như không quy rõ, xử lý trách nhiệm cá nhân. Đây có thể là một nguyên nhân chính khiến các việc làm trái quy định, tiêu cực tiếp tục xảy ra ở nhiều dự án có sử dụng vốn ODA về sau này.
Cũng từ những vụ việc xảy ra như ở các dự án nói trên, đã có những khuyến cáo, đề xuất thành lập cơ quan quản lý vốn ODA độc lập của Việt Nam để thường xuyên có hoạt động kiểm tra, giám sát các dự án ODA từ trung ương xuống địa phương chứ không chỉ dừng lại ở cơ quan quản lý cấp vụ ở bộ Kế hoạch và đầu tư; tiến hành thanh tra, kiểm tram kiểm toán ngay  trong quá trình triển khai các dự án ODA chứ không chờ dự án kết thúc mới tiến hành hậu kiểm...Nhưng thực tế, rõ ràng những khuyến cáo này đã không được tiếp thu đầy đủ.
Tác giả: NGUYỄN HÀ

8.6.12

Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang làm đất nước yếu đi


Tôi rất tâm đắc với nhận định của ĐB tỉnh Quảng Trị, ông Lê Như Tiến và ĐB tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Đồng Hữu Mạo trong phiên thảo luận về tình hình KTXH đất nước năm 2011 và những tháng đầu năm nay khi cho rằng: Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang làm yếu đi kỷ cương phép nước và làm yếu đi nền kinh tế; làm hại cho sự phát triển xã hội của đất nước.
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thảo luận về tình hình KTXH nhưng không ít ĐBQH đã đề cập tới nạn tham nhũng, lãng phí cũng là có cái lý của họ. Bởi, tham nhũng, lãng phí đang có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực trong nền kinh tế: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư, xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ… Những lĩnh vực mà theo như nhận xét của ĐB là rất màu mỡ. Đáng nói hơn, chính từ những sai phạm ấy đã dẫn đến những hệ luỵ khôn lường cho đất nước: Không chỉ suy yếu về kinh tế mà chúng ta còn khiến lòng tin vào chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong dân bị giảm sút nghiêm trọng. Một khi lòng tin mai một thì vô hình trung, chúng ta đã đánh mất đi "hậu phương” vững chắc, sự đồng lòng của toàn dân.

Bắt đúng bệnh, cắt đúng thuốc nhưng những con bệnh có chịu uống thuốc và uống có đủ liều không? - băn khoăn ấy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - ĐBQH Hà Nội cho thấy: Tham nhũng, lãng phí quả đã là "quốc nạn” nếu không làm sao chúng ta phải lo trị bệnh cấp tốc đến như vậy! Trên thực tế, để trị quốc nạn này dù khó nhưng vẫn làm được. Vấn đề chỉ là chúng ta có đủ dũng khí, đủ bản lĩnh và đủ quyết tâm hay không? Cử tri và nhân dân đang trông chờ vào vai trò của mỗi đảng viên, đặc biệt là vai trò của những đảng viên đồng thời là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đứng đầu các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật. "Đã là trọng bệnh thì phải dùng biệt dược, không thể chỉ xoa bóp ngoài da” và phải có biện pháp "cưỡng chế” họ uống thuốc đặc trị - đòi hỏi ấy không phải chỉ của ĐBQH mà còn là đòi hỏi của cử tri và nhân dân cả nước trong cuộc chiến chống tham nhũng vì sự phồn vinh của dân tộc.

Hoàng Mai

http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1366&chitiet=51224&Style=1
Báo Vì Dân đặt lại tiêu đề