Trang

Diệp Kính Thiên: Nguyễn Tấn Dũng có thắng không?

Khả năng được đề cử chức Tổng bí thư khóa 12 cho Nguyễn Tấn Dũng có thể chắc chắn. Đây mới chỉ là hiệp một. Sang hiệp hai – bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa 12 – mới là chủ yếu.

Anh Ba Thanh: Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư nửa nhiệm kỳ đầu khóa XII ?

Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hé lộ một chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo đó là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"

5.6.12

Thời của báo 'lá cải' lên ngôi?

Rõ ràng, các nhà quản lý báo chí các cấp đều nhìn ra chân tướng vụ việc, vì sao báo "lá cải" nảy nở tràn lan. Nhưng các vị cũng đang đứng trước thách thức của chính mình. Của cái thời báo "lá cải" lên ngôi.

"Chính thống" và... "lá cải"

Thật buồn, chỉ còn khoảng hai chục ngày nữa, là đến dịp "giỗ chạp"- kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam 21/6, thì bỗng nhiên trên các trang mạng liên tục đưa tin cuộc chiến căng thẳng và quyết liệt giữa một vài tờ báo, được gọi là "chính thống" với một tờ báo, bị gọi là "lá cải", xung quanh chủ đề "lá cải hóa" của tờ báo này.
Khiến cho bạn đọc của báo chí, vốn mệt mỏi và bội thực vì những chuyện tham nhũng, thất thoát, suy đồi đạo đức xã hội, có dịp được thay đổi... khẩu vị, "tọa sơn quan báo (hổ) đấu" (!)
Đương nhiên, tờ báo bị gọi là "lá cải" đâu có chịu thua. Nó cũng dẫn ra đủ nhân chứng, vật chứng của phóng viên bản báo kia, khẳng định cách hành nghề thô lỗ, và "lá cải hóa" của "đối thủ" theo kiểu: Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ lại trả lời cả họ mày... thơm!
Ở cái thời buổi kim tiền này, dường như chả ai có đủ tư cách đạo đức, lên mặt dạy đời, dạy khôn... cho ai. Nhất là với đồng nghiệp. Vì chắc gì những tờ báo tự cho mình là chuẩn mực- đã là tờ báo hay và hấp dẫn.
Hay nó lại nhạt hoét, chán phèo, vô cảm với xã hội, nhân dân và bẽ bàng vì chả "ma" nào ngó. Và cái sự lên mặt dạy đồng nghiệp, lại xuất phát từ cái tâm lý thường tình, như ai đó đã nói: Trâu buộc ghét trâu ăn!
Vì thế, mà cuộc chiến chưa biết ngã ngũ thế nào, nhưng tiếng cười chê thì rào rào, khiến lượng hit của hai phía hẳn tăng vọt. Thôi thì thế cũng tạm gọi là...thành công.
Khốn khổ cho bạn đọc bỗng nhiên được chứng kiến cảnh khẩu chiến, chỉ có thể ngân nga mấy câu ca dao thâm thúy: Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau! Cùng một mẹ, thì đều mang... gien mẹ. Có  nào đột biến tài năng đâu mà đòi "tao gáy hay hơn mày". Hay là khi cần gáy to, thức tỉnh xã hội, thì cái anh  tự cho là gáy hay lại bị... tụt lưỡi gà?
Bình tâm suy nghĩ, thấy vỡ ra khối điều.
Đầu tiên, ngay khái niệm "chính thống" và "lá cải" đã hoàn toàn không chính xác. Các tờ báo được xuất bản theo quy định của pháp luật, của Luật Báo chí  đương nhiên đều là báo chính thống, bởi có tờ nào dám...đẻ "chui" đâu?
Mà dùng "chính thống" để đối trọng lại với "lá cải" thì không ổn lắm về ngữ nghĩa, lại cũng không đúng về bản chất. Bởi ngay một tờ báo chính thống cũng có thể "lá cải hóa" cơ mà? Và phải xin nói thẳng, cái xu hướng "lá cải hóa" các báo chính thống không phải là chuyện dị biệt của một tờ báo. Nó có vẻ như thành một xu hướng S.O.S!
Hãy cứ thử vào bất kỳ tờ báo điện tử chính thống nào mà xem. Cột được đọc nhiều nhất, chiếm ưu thế nhất, đương nhiên toàn cướp, giết, hiếp; toàn sốc- sex- sến...
Nó giống như một loại độc dược, khốn thay, người đọc lại thích thú và mê mải nhấm nháp. Để từ đó, biến thành con bệnh tự phát từ lúc nào. Những tội phạm trẻ vị thành niên, những tội ác loạn luân quái đản, ghê rợn xuất hiện ngày càng nhiều, liệu có phải bắt nguồn từ những liều độc dược được sản xuất... hợp pháp này không?
Người bệnh cuả "lá cải", nhẹ thì nghiện xem, nghiện đọc. Nặng thì bước chân vào con đường phạm tội. Nhưng tờ báo thì tăng hít, và đương nhiên, kéo theo là tăng tiền bạc. Chợt nhớ tới phát ngôn cực "hot", cực kỳ ấn tượng của người mẫu Ngọc Trinh: "Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?".
Ấn tượng, vì người đẹp này không chỉ rất thành thật công khai thừa nhận lối sống "tiền là trên hết", mà sau phát ngôn gây sốc cho cả cộng đồng mạng, bị ném đá tơi bời, Ngọc Trinh vẫn luôn xuất hiện tại các buổi dạ tiệc hoặc trên báo chí. Mặt hoa da phấn, tươi cười, phớt tỉnh mọi lời dèm pha.

Cái phớt tỉnh của một người đẹp, suy nghĩ thực ra rất nông cạn, nhạt nhẽo, xuẩn ngốc, nhưng lại dám xé toạc tấm màn đạo đức giả, và biết thóp tâm lý số đông, bất kể con đường "lý tưởng kim tiền" mình đi theo, rồi sẽ hạnh phúc hay bất hạnh, sẽ được nâng niu yêu thương hay vắt chanh bỏ vỏ bẽ bàng.
Công bằng mà nói, các tờ báo ăn theo chân dài Ngọc Trinh, khai thác đến cạn kiệt người mẫu này, phải cảm ơn cô. Bởi nếu không có những vụ việc gây sốc, giật gân đó, thì báo chí bây giờ, kiếm lượng hit bằng cách nào? Với một đội ngũ đông đảo hơn 700 tờ báo luôn ở thế mưu sinh cạnh tranh khốc liệt.
Nhưng các “ấn phẩm” sân sau của nhiều tờ báo Việt Nam hiện nay, thì đích thị phải gọi là “lá cải”. Dù ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH trả lời báo chí khẳng định: Ở Việt Nam không có loại hình này!
Nào là "Không biết sex ban ngày là quá dại", "70 tuổi vẫn quần quật bán dâm", "Bố chồng van xin được giặt quần lót của con dâu".... Nào là "Cao Thái Sơn ham của lạ", "Cặp bồ một lúc nhiều người?", "Làm tình với trai lạ trong toilet?".
Nào là "Nóng bỏng cảnh giường chiếu của Kim Sun Ah", "Dìm hàng bạn gái vì bị từ chối tình yêu", "Mãi tạo dáng, vợ cũ Ashley Cole bị lộ áo lót", "Tôi cặp bồ với anh rể chồng để tìm cảm giác mạnh".
Chỉ cần nhìn các tít bài, đã thấy ...hoa mắt, chóng mặt.
"Sự nhảm nhí được...cấp phép?"
Xin được trích câu nói của ông Đức Hiển (Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Pháp Luật T/p Hồ Chí Minh), vì nó quá đúng trong thực trạng quản lý báo chí hiện nay ở nước ta.
Báo "lá cải" không phải là giống gì mới mẻ.
Nó được "trồng" từ Vương quốc Anh. Đến nỗi quốc gia này được coi là quê hương của báo "lá cải". Nhưng có điều, nước Anh luôn phân biệt rạch ròi giữa báo lá cải và báo chính thống. Còn ông Marvin Kalb, Giám đốc Trung tâm Shorenstein về Báo chí, Chính trị và Vấn đề Công của Đại học Harvard từng định nghĩa: Báo "lá cải" là sự xuống ngôi của tin tức thời sự và sự lên ngôi của tin giải trí, sex và scandal.
Nhưng nếu có được tận mắt đọc các "ấn phẩm" của nhiều tờ báo Việt Nam, hẳn nước Anh phải nghiêng mình bái phục, vì sự lập lờ đánh lận con đen, kiểu "treo chính thống, bán... lá cải". Bởi có giấy phép xin ra đời một ấn phẩm của một tờ báo nào, lại dám nói rõ là chuyên khai thác các scandal, chuyên khai thác chuyện giường chiếu, bồ bịch tùm lum?
Hay toàn vì những tôn chỉ, mục đích phục vụ xã hội cao cả?
Liệu các cơ quan chức năng có thực sự kiểm soát được tình hình của hơn 700 tờ báo, ấn phẩm? Có thực sự kiểm soát được thực trạng các nhóm "đầu nậu"  thao túng, quyết định việc tổ chức và điều hành nội dung của những "tòa soạn báo lá cải"?


Theo một nhà báo kiêm một bloger, thì các "đầu nậu" này có một quy ước ngầm với nhau: Tổng biên tập chỉ làm nhiệm vụ đối ngoại, xem lại những bài do phóng viên của tòa soạn viết. Những bài do "đầu nậu" tổ chức, cứ vô tư đăng miễn đừng phạm chính trị là được. Thế nên, "lá cải" cứ tha hồ trăm hoa đua nở, trăm báo đua tiếng...

Chùm khế ngọt của báo "lá cải" bây giờ, chả lẽ phải được chuyển về đất Việt?
Lại nhớ câu nói của người xưa: Giữ cho văn hóa còn, thì đất nước còn? Báo chí không chỉ là chính trị. Báo chí còn là văn hóa, là đạo lý nhân quần.
Và khi "lá cải" trở thành nguồn độc dược âm thầm, lặng lẽ, tung hoành dọc ngang nào biết trên đầu có ai, đủ sức góp phần băng hoại đạo đức văn hóa xã hội, cũng là lúc các nhà quản lý GD, quản lý báo chí lên tiếng nghiêm khắc.
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH chỉ ra đúng cái "tâm đen": Có những tòa soạn tưởng nghiêm túc nhưng vẫn có tin bài lá cải. Theo tôi, đa số là... cố ý. Tôi không tin tòa soạn cho đăng những bài đó là thực tâm chống cái xấu, mà chỉ chạy theo lợi nhuận, chiêu bài kia chỉ là ngụy biện.
Bà Đặng Thị Vân An, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông) thì kiên quyết ở góc độ quản lý Nhà nước, một khi "lá cải" đã ... tràn lan: Nếu các ấn phẩm này vẫn tiếp tục cố tình vi phạm tôn chỉ, mục đích đã được cấp phép, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ TT&TT rút giấy phép hoạt động.
Còn ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Quản lý báo chí xuất bản (Sở TT&TT T/p. Hồ Chí Minh), hiểu rõ cái cung cách quản lý lỏng lẻo của các tòa báo. Nó cũng là cung cách quản lý báo chí ở tầm vĩ mô chăng: Ngay cả trụ sở đại diện chính của một số tờ báo cũng không nắm được hết các ấn phẩm phụ của mình.
Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng TT & TT thừa nhận: Đây là khuyết điểm lớn nhất, kéo dài, trong đó trách nhiệm trước hết là cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và cũng phải nói đến sự thiếu kiên quyết của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.
... Chúng ta không chấp nhận báo lá cải, hoặc nội dung lá cải. Mặc dù sự thật có một số báo vô tình hay hữu ý muốn "cải" một chút, để thu lợi ích trong ngắn hạn, thì họ không biết là đang đánh mất chính mình và phải trả giá trong dài hạn.
Rõ ràng, các nhà quản lý báo chí các cấp đều nhìn ra chân tướng vụ việc, vì sao báo "lá cải" nảy nở tràn lan. Có nguyên nhân từ cung cách quản lý cơ sở đến quản lý Nhà nước. Nhưng các vị cũng đang đứng trước thách thức của chính mình.
Của cái thời báo "lá cải" lên ngôi.
Tác giả: KỲ DUYÊN 

Shangri-La: Sự trở lại của Mỹ và sự vắng mặt của Bộ trưởng Trung Quốc

Đối thoại Shangri-La đơn thuần chỉ là một cuộc đối thoại. Nó không đưa ra bất kì quyết định, hay những tư vấn chính sách hoặc tuyên bố nào.

Đối thoại an ninh châu Á tổ chức tại Singapore từ 1-4/6, được biết đến với tên gọi Đối thoại Shangri-La theo tên khách sạn nơi tổ chức hội nghị. Đối thoại Shangri-La được tổ chức bởi Viện quốc tế về nghiên cứu chiến lược IISS, một trong những think-tank nghiên cứu chiến lược hàng đầu thế giới.

Cho tới năm 2010, đối thoại Shangri-la chỉ là nơi gặp đa phương của các bộ trưởng quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2010, Việt Nam là chủ trì hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng (ADMM+ ). Hội nghị này có sự tham gia của 10 bộ trưởng quốc phòng các nước ĐNA và 8 nước đối tác: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta (giữa) bắt tay Thứ trưởng quốc phòng Nhật Shu Watanabe tại hội nghị  - Ảnh: Reuters 

Tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La nằm ở hai khía cạnh. Một là, các bộ trưởng quốc phòng và quan chức cấp cao có cơ hội đưa ra các phát biểu quan trọng. Hai là, nhiều quan chức sử dụng đối thoại để sắp xếp các cuộc gặp không chính thức với những người đồng nhiệm.

Đối thoại Shangri-La đơn thuần chỉ là một cuộc đối thoại. Nó không đưa ra bất kì quyết định, hay những tư vấn chính sách hoặc tuyên bố nào.

Đối thoại Shangri-La năm nay có 13 phát biểu từ 18 thành viên ADMM cộng và Bộ trưởng Quốc phòng Timor-Leste, nước không phải là thành viên của ADMM+. Năm chiếc ghế trống do sự vắng mặt đáng chú ý của Bộ trưởng quốc phòng các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Brunei và Lào.
Sự vắng mặt của ông Lương Quang Liệt
Có 4 lí do giải thích việc tại sao Bộ trưởng Lương Quang Liệt của Trung Quốc vắng mặt tại Shangri-La lần này. Một là, ông không muốn là đối tượng chịu chỉ trích vì những hoạt động hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng quân sự cũng như các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực.
Hai là, đối thoại Shangri-La dành trọn một phiên cho chủ đề tranh chấp Biển Đông. Phiên thảo luận này có bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gasmin. Trung Quốc từ chối thảo luận vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ đa phương.
Ba là, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA không trực tiếp chịu trách nhiệm cho những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines. Ông Liệt tránh đặt mình vào thế khó xử khi phải bảo vệ những hành động của các cơ quan dân sự biển của Trung Quốc trong việc tạo nên cục diện hiện nay ở bãi cạn Scarborough.
Bốn là, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc không cần sử dụng cơ hội từ đối thoại Shangri-La để tổ chức các cuộc gặp riêng với các đối tác. Ông vừa gặp tất cả các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Phnom Penh, cũng như có cuộc gặp riêng với người đồng nhiệm Philippines. Ông Lương Quang Liệt cũng mới thăm Washington và người đồng nhiệm Mỹ có kế hoạch thăm Bắc Kinh cũng trong năm nay.
Hai điểm nhấn
Có hai điểm nhấn quan trọng tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Một là, bài phát biểu của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono về cấu trúc an ninh khu vực. Tổng thống Indonesia kêu gọi "một cấu trúc lâu bền.... Xây dựng một sự cân bằng năng động". Ông lưu ý vai trò trung tâm của mối quan hệ Mỹ - Trung và nói thêm "quan hệ giữa các cường quốc lớn không phải hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Các cường quốc bậc trung và nhỏ cũng có thể giúp khóa các cường quốc chủ yếu vào một cấu trúc bền vững.
Tàu chiến của Hải Quân Mỹ
Bài phát biểu của Tổng thống Yudhoyono cũng chạm đến vấn đề Biển Đông như một điểm nhấn. Ông lưu ý rằng "các tuyên bố lãnh thổ và tài phán chồng lấn còn cần một chặng đường dài mới có thể giải quyết". Ông bày tỏ sự lạc quan rằng "chúng ta có thể tìm cách biến các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông trở thành hợp tác tiềm năng"
Tổng thống Yudhoyono sau đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng tốc hợp tác. "Chúng ta không thể dành tới 10 năm nữa để nhóm làm việc ASEAN - Trung Quốc hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử COC; chúng ta trông đợi họ tăng tốc."
Điểm nhấn thứ hai trong Đối thoại Shangri-La là bài trình bày của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Nhiệm vụ của ông là giải thích việc Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp cho an ninh khu vực như thế nào trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phục hồi và ngân sách quốc phòng Mỹ đang cắt giảm.
Bộ trưởng Panetta đưa ra 4 nguyên tắc dẫn đường chính sách quốc phòng Mỹ: thúc đẩy các luật lệ và trật tự quốc tế; đào sâu và mở rộng các quan hệ đối tác song phương và đa phương; làm tương thích sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực; và đầu tư mới vào các năng lực cần thiết cho việc thực thi sức mạnh và các hoạt động của Mỹ ở CA-TBD.
Ông Panetta tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam và New Zealand. Tuy nhiên ông dành nhiều thời gian hơn để thảo luận về những lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác và trở thành đối tác.
Cuối cùng, Bộ trưởng Mỹ tán thành việc tổ chức thường xuyên hơn các cuộc gặp ADMM+ và ủng hộ việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông để quản lý các hành vi ở Biển Đông.
Cam kết gây ấn tượng nhất là tuyên bố của ông Panetta rằng Mỹ sẽ triển khi 60% lực lượng hải quân và không quân ở Thái Bình Dương và tăng số lượng các cuộc tập trận tại đây.
Việt Nam và ASEAN đứng ở đâu?
Bài phát biểu của ông Panetta có thể xem là sự đóng góp tích cực cho hòa bình và an ninh khu vực. Mỹ tiếp tục can dự vào khu vực để phục vụ lợi ích của nước này cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ. Mỹ ủng hộ các thể chế an ninh đa phương mà ASEAN là nòng cốt. Và Mỹ đặt ưu tiên trong việc làm sâu sắc mối quan hệ giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc.
Nay, đến lượt các quốc gia khu vực như Việt Nam và các thành viên ASEAN phải quyết định phản ứng như thế nào. Họ cần xem xét liệu có khuyến khích Trung Quốc hợp tác với Mỹ và nếu có, thì như thế nào.
Họ cần quyết định mức độ mà họ sẵn sàng tiến tới trong việc ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực thông qua tập trận và hợp tác quốc phòng.
Cuối cùng, Việt Nam và các nước khu vực phải quyết định họ có thể mang đến điều gì, từng nước riêng rẽ cũng như với tư cách một nhóm, để định dạng một cấu trúc an ninh khu vực dựa trên sự cân bằng năng động giữa các cường quốc.
Tác giả Carlyle A. Thayer là Giáo sư Emeritus, ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia. 
Tác giả: CARLYLE A. THAYER

"Kinh tế Trung Quốc xuống dốc thảm hại"

Trên trang mạng của chính phủ Trung Quốc số ra ngày 24/5/2012, cố vấn chính phủ nước này cho biết “kinh tế Trung Quốc đã xuống dốc thảm hại”.

Quan chức trên đã đưa ra lời nhận xét dựa trên những đánh giá về tình hình địa ốc trên toàn quốc, xuất khẩu và cả niềm tin của giới tiêu dùng đều sụt giảm.

Mặc dù kinh tế vẫn tiếp tục phát triển, nhưng công nhân xây dựng vẫn thất nghiệp hàng loạt và chỉ số tiêu dùng tháng Tư ở mức thấp nhấp nhất trong hơn 3 năm qua. Lượng đầu tư vào bất động sản ở mức thấp nhất kể từ năm 2001. Điểm đáng chú ý nhất là sự sụt giảm kinh tế lan đến cả các tỉnh vùng duyên hải, vốn dựa nhiều vào xuất cảng và tình trạng kinh tế thế giới, thậm chí đến cả những vùng hẻo lánh, kể cả các tỉnh nằm sâu trong lục địa, như tỉnh Tây An, Tây Bắc Trung Quốc.
Những khó khăn về kinh tế không mong muốn của Trung Quốc bắt đầu từ những nhà đầu tư táo bạo trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường tiêu dùng, do Trung Quốc là nơi tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới và là thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới.
Nếu kinh tế Trung Quốc sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Cho đến nay, Trung Quốc đã tăng trưởng rất nhanh mà không gặp phải một trở ngại nào, và trở thành động cơ chính cho nền kinh tế toàn cầu, trong khi châu Âu vẫn phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công và nước Mỹ thì vẫn "tập tễnh" trong thị trường nhà ở.
Thống kê của chính phủ cho thấy giá nhà của hơn 50% trong tổng số 70 đô thị lớn tại Trung Quốc đã sụt giảm, trong đó có Tây An. Bản báo cáo của Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poors và Moody's cảnh báo hôm 24/5 cho biết nhiều nhà đầu tư địa ốc Trung Quốc sẽ cạn vốn vì giá bán của các chung cư xuống thấp và họ vẫn còn nợ ngân hàng tiền lời vay vốn.
S.& P cũng cho rằng những nhà đầu tư có số vốn hạn chế dường như đang phải đối mặt với cuộc thử nghiệm về sự tồn tại của họ trong năm nay.
Diana Choyleva, một nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc có văn phòng tại Hồng Công cho biết kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 8,1% trong quý I/2012, con số lớn hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này cũng đã giảm so với quý IV/2011 và quý II/2012 được dự báo là khó có thể vượt qua con số của quý I.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự. Nhà nghiên cứu Choyleva cho biết: "Rõ ràng rằng nền kinh tế đã giảm sút nhiều hơn so với người ta tưởng cho đến tận gần đây. Họ đang có khó khăn trong tay".
Trung Quốc là một nước nhập khẩu quặng sắt và đồng lớn nhất thế giới, và Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn nhất của châu Âu về thiết bị nhà máy và hàng hóa đắt tiền. Mỹ sẽ ít bị ảnh hưởng vì kinh tế Trung Quốc xuống dốc vì tỉ lệ xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ ở mức dưới 1% trong tổng số sản lượng hồi năm ngoái.
Trong khoảng thời gian từ năm 2008-2009, chính phủ đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khá tốt do đó nhu cầu về nhà ở đã gia tăng khi người dân vùng quê lên đô thị tìm việc trong các hãng sản xuất, kinh tế. Trung Quốc lúc đó vẫn có thể phát triển trong khi kinh tế thế giới đã chững lại. Tuy nhiên, giờ đây thì thì dấu hiệu kinh tế khó khăn đã hiện rõ ở Tây An, một trụ cột của nền kinh tế vùng Tây Bắc Trung Quốc, nơi được coi là trung tâm chuyên chở và phân phối cũng như sản xuất từ máy cày đến bộ phận của máy bay.
Sun Yufang, một nhà buôn lò nướng các loại và máy đun nước nóng tại Thiên An cho biết: "gần như chẳng còn ai sắm sửa cho nhà của họ hoặc là thay thế đồ dùng đã cũ. Năm ngoái, tôi không cảm thấy ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn năm nay thì cảm nhận rất rõ. Tôi không thấy có lối thoát trừ khi người ta mua sắm trở lại". Ngồi trong cửa hàng rộng lớn mà không có lấy một người khách nào, bà Sun đã thổ lộ.
Đầu tuần, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã bày tỏ sự quan ngại về kinh tế Trung Quốc sau chuyến đi thị sát tại tỉnh Vũ Hán, khu vực trung tâm ở phía Đông. Sau đó, ông đã triệu tập phiên họp chính phủ hôm 23/5 và đã đưa ra một bản nghị quyết mạnh nhất về kinh tế Trung Quốc của chính phủ. Nghị quyết nêu rõ Chính phủ nên "đầu tư tăng trưởng ổn định tại những vị trí quan trọng hơn và tiến hành điều chỉnh chính sách ưu tiên và điều chỉnh mạnh mẽ hơn để phù hợp với xu hướng thay đổi".
Trên trang điện tử của chính phủ Trung Quốc số ra ngày 24/5 dẫn dẫn lời một cố vấn kinh tế cấp cao của chính phủ- Zhang Liqun cho biết "sự sụt giảm rõ rệt trong kinh tế đã đánh thức sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách".
Bản sơ kết ghi nhận số hàng đặt mua hằng tháng cho thấy hàng sản xuất tiếp tục giảm sút trong tháng 5 với chỉ số sụt xuống 48.7 từ 49.3 trong tháng 4. Chỉ số dưới 50 được cho là chậm phát triển.
Chính phủ đã kêu gọi sự khuyến khích kinh tế thông qua đẩy mạnh xây dựng đường sắt, trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng khác, nhưng gần như không còn nhiều để xây dựng thêm. Vì, thí dụ như ở Tây An đã có 3 sân bay dù số chuyến bay ít, đường xe lửa siêu tốc cũng đã hoàn thành, 3 đường xa lộ vòng đai để giải tỏa nạn kẹt xe, v.v..chẳng còn gì nhiều để đổ tiền vào thêm. May ra còn đường xe điện ngầm. Và ngày nay ở Trung cộng, không còn thấy những dự án xây cất như trước...
Cùng thời điểm đó, các công trình xây dựng khu chung cư đã sụt giảm rõ rệt sau khi chính phủ áp đặt qui định nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản hồi năm ngoái càng khiến thị trường nhà ở trở nên ế ẩm hơn.
Wei Li, một môi giới bất động sản của Tây An cho biết giá nhà đã giảm khoảng 20% kể từ năm ngoái đối với những căn hộ mới và còn đang dư thừa hàng trăm tòa nhà đang xây dựng ở ngoại ô. Tuy  nhiên, bà cho biết giá nhà tại khu vực trung tâm vẫn ổn định.
Thiên An là một thành phố cổ kính nằm ở phía Tây Trung Quốc. Ngày nay, Tây An cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc như một trung tâm kinh tế với 8 triệu dân. Nhưng người chủ cửa hàng và những người buôn bán khác từ khắp Tây bắc Trung Quốc cùng đổ về chợ đầu mối ở đây để mua hàng hóa, khiến Tây An trở thành một nơi sôi động nhất của Trung Quốc. Và bây giờ nhịp đập ấy đang cảm thấy yếu đo do chi tiêu dùng giảm mạnh.
Ma Xiechuan, một người bán thịt lợn cho biết lượng thịt anh bán ra hàng ngày đã giảm 1/3 và đây là sự sụt giảm nhanh nhất trong kinh doanh mà tôi từng thấy hơn 10 năm nay. Còn anh Yian Leilei, một người bán buôn khăn trải bàn và bọc ghế ô tô cho biết rằng việc buôn bán sụt giảm một cách nhanh chóng sau dịp tết của người trung Quốc vào ngày 23/1 và đã không thể phục hồi. Những thương gia đều cho rằng sức mua đã giảm đáng kể và khách hàng đã trở nên khó tính hơn bao giờ hết.
Thị trưởng của Thiên An, ông Dong Jun cũng đã bày tỏ sự lo lắng trên trang mạng của thành phố: "Tình hình kinh tế trong toàn thành phố từ tháng Một đến tháng Tư năm nay là không lạc quan. Tiếp tục duy trì tỷ lệ tăng trưởng như trước đây là một việc rất khó khăn".
Tác giả: HẰNG LINH THEO NEW YORK TIMES

Vịnh Cam Ranh: Chuyện thật như bịa!

Xuống địa phương thấy lúc nào cán bộ cũng bận họp, bận đi cơ sở. Vậy đi cơ sở làm gì khi mà những chuyện "tầy đình" xẩy ra lại không hay biết?
Mấy tuần gần đây, liên tiếp có nhiều chuyện "nóng" khiến dư luận bàn tán. Mới đây nhất, lại chuyện các thương lái Trung Quốc vào làm ăn buôn bán ở khắp đất nước ta cứ như chỗ... không người.
Chuyện "lắc và gật"
Làm ăn, buôn bán, chuyện sang tận "xứ người" đầu tư thời hội nhập cũng là "chuyện thường ngày ở huyện" nên không thể "bế quan tỏa cảng".

Chúng ta cũng sang tận bên kia đại dương, cách nửa vòng trái đất đầu tư khai thác còn gì.
Hội nhập mở cửa thì mọi thứ đều phải chấp nhận, vấn đề là sức đề kháng của cơ thể. Và thứ nữa là phải biết "gật' và biết "lắc" đúng lúc đúng việc.
Có quá nhiều bài học cho sự "lắc và gật".
Nhiều nhà máy đường, rồi nhà máy xi măng lò đứng có dạo ồ ạt tràn sang. Có đại biểu Quốc hội đăng đàn cảnh báo và nói rõ nếu chúng ta cứ "gật" như vậy sớm muộn đất nước ta sẽ trở thành bãi rác.
Chuyện "lắc và gật" dư luận còn lên tiếng trong nhiều dự án cụ thể: Cho thuê rừng đầu nguồn, nơi biên giới. Sân golf ở mũi Sa Vĩ địa bàn quan trọng địa đầu tổ quốc. Các dự án ở những vị trí chiến lược thời gian qua...cũng đã "nóng" tại Hội trường Quốc hội.
Người viết bài này đã từng đến dự án sân golf ở Móng Cái ngay sát cửa khẩu sông Bắc Luân.
Bên kia là đất láng giềng, nơi có dự án nhà máy điện hạt nhân, còn bên này là dự án sân golf.
Lồng bè do những người Trung Quốc điều hành tại Cam Ranh
Địa phương cho biết dự án này phải báo cáo lên trên. Trên đã thẩm định chu đáo nên mới "gật". Nhưng nhiều người đến đây vẫn thấy tiếc cho một bãi biển non nước hữu tình sát biên giới- bãi biển Trà Cổ- không được đầu tư lại mọc lên một dự án khác. Và quan trọng đây là một vị trí chiến lược như nhiều người đã từng lên tiếng.
Và chuyện không "lắc" không "gật"
Nhưng có những chuyện không "lắc", cũng không "gật" nhưng vẫn xẩy ra. Chuyện mua cua ở Cà Mau, mua dứa, mua khoai ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khi hỏi thì chính quyền sở tại không biết, cũng chả ai "gật".
Mới đây nhất, việc thương lái Trung Quốc vào tận quân cảng Cam Ranh nuôi cá. Khi báo chí lên tiếng thì địa phương mới giật mình chỉ đạo cơ sở báo cáo.
Lạ nhỉ, đất nước ta có tiếng là trật tự, kỷ cương, quản lý chặt chẽ từ trên xuống dưới cơ mà.
Việc gì ở đâu đều không thể thoát được sự quản lý. Ví như các vụ tội phạm. Nhiều vụ việc những tên tội phạm gây án không hề để lại dấu vết mà chúng ta đã nhanh chóng truy nã và phát hiện được chỉ trong ít thời gian...
Thế mà ở đây thương lái Trung Quốc không những vào thu mua cá mà còn tổ chức nuôi lồng bè cá chỉ cách quân cảng Cam Ranh có 300m.
Lại còn chuyện những người này đã kịp thời... lấy vợ "tại trận" như cái anh A Giót. Ông thương lái này lấy được một chị vợ ở ngay Cam Ranh mà địa phương cũng không biết mới là chuyện thật như bịa.
Khi nhiều thông tin đăng tải trên báo, Thành ủy Cam Ranh liền chỉ đạo UBND Cam Ranh báo cáo. Ngay sau đó UBND Khánh Hòa có văn bản khẩn yêu cầu TP Cam Ranh vào cuộc và phải báo cáo sớm.
Thật là một sự chỉ đạo khẩn trương. Tuy muộn!
Thôi thì các vụ khác họ có thu mua như cua, dứa, đỉa, hay như móng trâu, râu ngô non rồi "chuồn" thì còn có lý do, đằng này lại tổ chức cả 4 cơ sở thu mua cá và 1 cơ sở nuôi với rất nhiều lồng bè vào cỡ nhất nhì cơ mà.
Tài thật, tài không thể hiểu nổi.
Mà sao bây giờ hệ thống chính quyền ta chỗ nào cũng được Nhà nước trả lương lại làm ăn thế nhỉ? Không biết họ làm gì?
Đọc báo chí, nghe tin tức mà thấy giật mình. Đành rằng ở tận Trung ương không nắm được phải chỉ đạo báo cáo để nắm. Đằng này ngay việc của địa phương cũng không nắm được lại phải dưới báo cáo.
Thế những cuộc hội họp giao ban hàng ngày hàng tuần đều có, sao không có ai phản ảnh? Xuống địa phương thấy lúc nào cán bộ cũng bận họp, bận đi cơ sở. Vậy đi cơ sở làm gì khi mà những chuyện "tầy đình" xẩy ra lại không hay biết?
Không biết là điều đáng trách nhưng biết mà không báo cáo mới là chuyện đáng đặt dấu hỏi? Phải chăng là bao che hay còn gì nữa không?
Cam Ranh là quân cảng và giá trị của nó như thế nào,  người Việt Nam chắc ai cũng đều hiểu.
Việc bất chấp tất cả làm ngơ cho người nước ngoài vào đây làm những việc "bình thường mà không bình thường" nên chăng cần làm rõ.
Tác giả: ĐĂNG TẤN

Gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kế sách chống tham nhũng

Kính gửi: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghiên cứu, tham khảo để đưa ra những kế sách hay giúp nước.
HIẾN KẾ GIÚP NƯỚC
Trong thời nào cũng vậy, từ thời xa xưa trong những đời vua sáng trị vì đất nước đều trọng dụng những người tài có những kế sách hay giúp nước. Kế sách đó có thể là chống ngoại xâm hoặc để phát triển kinh tế. Trong thế giới ngày nay, một số nước đã có những kế sách hay để điều hành đất nước và trở nên giàu có. Nhiều đất nước trước đây với xuất phát điểm thấp, nền kinh tế nghèo nàn nhưng với sự điều hành tuyệt vời mà họ đã bứt phá trở lên giàu có mà các nước phải học tập. Điển hình như đất nước Hàn quốc, Sinhgapo…hay một số nơi như Hồng Kông, Đài Loan… và như đất nước Nhật Bản với tài nguyên không có gì và thiên tai đe dọa nhưng đã trở thành cường quốc trên thế giới. Quản lý đất nước cũng là một nghệ thuật, nghệ thuật pháp trị. Một số đất nước có thu nhập cao, đời sống cao, kinh tế phát triển trước đây cũng xuất phát điểm thấp nhưng nhờ việc quản lý đất nước giỏi mà đã thành công.
Chống tham nhũng và rửa tiền chính là góp thêm vốn cần thiết cho sự phát triển
Tôi là một người công dân nhưng được học, nghiên cứu về pháp luật. Là một người con trên quê hương Hà Nam. Tôi xin đem sức nhỏ bé của mình hiến kế để giúp đất nước ngày một phát triển.
Trong thời gian qua, đất nước ta đã có bước phát triển về kinh tế xã hội. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới Việt Nam là đất nước còn nghèo, kinh tế phát triển chưa bền vững còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Về thu nhập, mức sống của người dân Việt thuộc tốp sau của thế giới ( thu nhập còn thấp GDP đầu người khoảng 1200 USD/ năm). Tuy nhiên mức thu nhập chia ra thì như vậy nhưng thực tế đa số người dân làm gì có thu nhập khoảng 2 triệu 1 tháng trên đầu người, Tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo quá lớn có người chỉ thu nhập mấy trăm nghìn một tháng, điều đó là thực tế chúng ta phải nhìn nhận.
Nói đến trí tuệ người Việt Nam, trong cuộc kháng chiến cũng như trong thời bình. Việt Nam là đất nước mà con người chịu thương chịu khó, hiền hòa và có trí tuệ. Đối với hai đế quốc lớn trước đây, trường kỳ gian khổ nhưng chúng ta cũng đánh bại. Đến hàng nghìn năm Bắc thuộc nhưng ông cha ta vẫn vùng lên chống lại khi có cơ hội, là đất nước nhỏ bé nhưng đã đánh bại các thế lực xâm lược lớn. Trên thế giới có ở đâu có nữ tướng Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa và xưng Vương. Con người Việt Nam cũng như đất nước Việt Nam tài tình lắm. Tuy nhiên, trải qua bao biến cố lịch sử đau thương đã mấy chục năm mà đất nước Việt Nam cũng như người dân Việt Nam còn nghèo lắm. Đọc những bài báo nói về trẻ em ở vùng cao đi học mà rơi nước mắt. Các em học sinh cấp 2 ở vùng cao Hà Giang, Yên Bái phải ở nội trú những lán tự dựng lên. Cuộc sống quá khó khăn điện không có chỉ có ít gạo nhà mang đến. Chủ yếu các em ăn cơm tự thổi bằng củi đi kiếm. Những lúc rỗi các em bẫy được con chuột đó là bữa ăn tươi của các em. Đọc bài báo đó thật cảm động và thấy rằng những người có lương tri phải xót xa.
Chống tham nhũng và rửa tiền chính là góp thêm vốn cần thiết cho sự phát triển
Một thực tế trong thời gian gần đây, lực lượng công nhân đình công quá nhiều là do tình trạng lương không đủ sống, đời sống người lao động vô cùng khó khăn. Hiện nay, ta thấy ở các thành phố lớn có nhiều nhà xây đẹp lộng lẫy nhưng tỷ lệ đó rất ít ỏi so với số đông người dân còn nhiều khó khăn. Vậy sau gần 40 năm hòa bình mà dân ta còn khó khăn quá. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao đó là theo tiêu chí Việt Nam.  Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ ra một số yếu kém của đảng cần phải khắc phục ngay. Đảng đã rất thành thật và một thực tế nhức nhối còn đang diễn ra như:
- Người dân mất niềm tin vì tình trạng tham nhũng, lãng phí, tham ô, nhận hối lộ, chạy chức chạy quyền còn phổ biến. Tình trạng chênh lệch giàu nghèo mức báo động. Tình trạng đó gây lên nguy cơ người dân mất niềm tin vào Đảng, nguy cơ đối với Đảng, với Nhà nước mà chúng ta đang thực hiện  việc chỉnh đốn Đảng.
Ngoài ra ta thấy đại đa số người dân còn rất nghèo chưa được hưởng hạnh phúc sung sướng sau hòa bình mà còn đang hang ngày chật vật với miếng cơm manh áo.
- Về đất đai (nơi ở) của người dân quá đắt không phù hợp thu nhập đời sống của người Việt Nam. Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên MT đã nói: Đất đai đắt gấp 25 lần so với thu nhập và đời sống của người Việt Nam. Tình trạng các khu đất quy hoạch để ở mua bán đã lâu nhưng không có người xây dựng, thậm chí những biệt thự bỏ hoang mà người muốn một tý đất cắm dùi không có. Tình trạng đầu cơ đất gây lãng phí đất đai cũng như tiền bạc của nhà nước và nhân dân. Nếu số tiền đó không đổ vào đất là đầu tư chết thì đã đầu tư vào sản xuất kinh doanh để sinh lời. Thị trường BĐS bong bóng gây ra lạm phát tiêu cực. Như nước Mỹ hùng mạnh như vậy mà thị trường BĐS sụp đổ làm cả toàn cầu điêu đứng. Theo tôi đất nước ta còn nghèo và kém phát triển thì chúng ta phải khắc phục ngay một số việc sau tôi xin được hiến kế giúp Đảng, Chính phủ:
1. Tình trạng tham nhũng, lãng phí , hối lộ còn nhức nhối nó làm đất nước nghèo đi không phát triển được. Thống kê thế giới cho thấy các nước nghèo thu nhập thấp là những nước tham nhũng cao. Ví dụ như về đầu tư xây dựng, tham nhũng, lãng phí đã và đang rút ruột Nhà nước, các công trình không đảm bảo chất lượng đó là tiền của người dân bị xà xẻo. Nếu không bị tham nhũng, lãng phí ta sẽ có tiền để xây nhiều công trình cũng như làm nhiều việc phúc lợi xã hội tốt đẹp.
Chống tham nhũng (Ảnh minh họa)
Tham nhũng lãng phí hối lộ như là bệnh dịch lan tràn khắp mọi nơi làm bóp méo toàn bộ xã hội: Xét xử thì sai, công trình bị xà xẻo. Cán bộ công chức thì làm sai miễn là đem lại lợi lộc đầy túi có tiền thì việc gì cũng xong mà không có tiền thì trì hoãn không làm. Vào bệnh viện bệnh nhân bị đối xử bất công. Nhiều nơi, có tiền hối lộ thì được quan tâm còn không thì vô trách nhiệm. Ngay đến bậc tiểu học, vào được trường điểm trường tốt theo dư luận thì còn mất hàng chục triệu đồng. Tình trạng đó gây tâm lý hoang mang cho xã hội, từ các cháu còn nhỏ tuổi cho đến người lớn bị đầu độc về nhân cách khi thấy sự bất công của xã hội. Tình trạng mãi lộ đối với ngành công an giao thông diễn ra nhức nhối trong toàn xã hội. Tình trạng chạy chức, chạy quyền diễn ra phổ biến. Tham nhũng, lãng phí, hối lộ đã và đang làm tha hóa nhân cách người dân, gây bất bình đẳng trong xã hội và làm nghèo đất nước. Đảng và Chính Phủ rất đau xót trước vấn đề này và quan tâm chặn đứng nhưng hiệu quả chưa cao. Vậy tôi xin được hiến kế như sau để chặn đứng tham nhũng, lãng phí, tham ô, nhận hối lộ:
+ Khuyến khích người tố cáo tham nhũng, lãng phí, tham ô, nhận hối lộ. Người bị tố cáo mà có hành vi nêu trên phải đưa ra khỏi ngành không cho làm việc nữa (nếu là cán bộ nhà nước) và phải có cơ chế bồi thường gấp 10 lần số tiền đã tham nhũng, lãng phí, tham ô, nhận hối lộ. Người tố cáo là người đưa hối lộ thì cũng không bị xử lý về pháp luật. Bởi vì theo như hiện nay, người hối lộ là bất đắc dĩ mới phải hối lộ, nếu không có không giải quyết được việc. Đối với người có hành vi tham nhũng, lãng phí, tham ô, nhận hối lộ có công tố cáo, tự thú thì không phải chịu trách nhiệm xử lý về pháp luật chỉ phải bị xung quỹ nhà nước số tiền đã tham nhũng, lãng phí, tham ô, nhận hối lộ. Có cơ chế như vậy thì mới khuyến khích được việc tố cáo đối với những hành vi nêu trên, khuyến khích những thành phần tự thú nếu đã trót vi phạm.
Hơn nữa, trong nội bộ cũng không dám tham nhũng, lãng phí, tham ô, nhận hối lộ nữa vì sợ bị đồng bọn tố cáo lẫn nhau. Bởi vì, không thể một người tham nhũng, lãng phí, tham ô, nhận hối lộ được mà thành đường dây. Quy định như trên tôi cam đoan rằng không ai dại gì mà vi phạm pháp luật. Nếu quy định như trên thì người muốn tham nhũng, nhận hối lộ cũng không dám nhận nữa vì họ sợ bị tố cáo, sợ bị mất việc làm và bồi thường. Chỉ một quy định nhỏ thôi nhưng như cái vòng kim cô mà cán bộ công chức phải tuân thủ. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tham ô, hối lộ không còn nữa thì đất nước sẽ giàu, mọi cái đi vào trật tự, không còn tình trạng chạy chức chạy quyền nữa tìm được người tài giỏi ra giúp nước. Việc cai trị đất nước cũng là một thủ thuật pháp trị.  Mà tôi tin rằng chỉ nói xuông không được đâu, phải có thủ thuật từ đó mới chế ngự được lòng tham của con người.
Chống tham nhũng (Ảnh minh họa)
Cũng như các nước bạn (Singapore) chính phủ trong sạch nhất thế giới tại sao bạn làm được. Họ cũng có thủ thuật riêng xử lý rất nghiêm minh đối với tình trạng tham nhũng, lãng phí, tham ô, hối lộ. Quan chức Singapore muốn vi phạm cũng không dám vì có chế tài xử lý quá mạnh. Đất nước Singapore trong sạch họ mới giàu có như vậy. Đất nước nghèo đói là đất nước có tỷ lệ tham nhũng, tham ô, hối lộ, lãng phí cao nhất thế giới. Tuy những quy định trên có thể cứng nhắc, không được lòng với đa số những người có lòng tham, hay có cơ hội tham nhũng, nhận hối lộ tuy nhiên theo tôi phù hợp với đa số lòng dân. Quy định như trên có phần khác với bộ luật hình sự về xử lý người có hành vi hối lộ, tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên chúng ta cần sự bứt phá ngoạn mục đề cao việc tố cáo của người dân. Những người đưa hối lộ mà là người tố cáo thì cũng không bị xử lý ( bởi vì là bất đắc dĩ mới phải đưa hối lộ, hối lộ là một trào lưu ( văn hóa phong bì) như phân tích ở trên). Hay người có hành vi tham nhũng, lãng phí, tham ô mà tố cáo vụ việc (tự thú) thì cũng được khuyến khích, không bị xử lý chỉ bị nộp tiền đã tham nhũng, lãng phí, tham ô như đã nêu ở trên. Đây là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, diệt trừ tận gốc lòng tham của con người.

2. Về đất đai chính sách của ta chưa quản lý tốt để tình trạng đầu cơ lãng phí quá nhiều. Người thì có quá nhiều đất để không, người thì không có mảnh đất cắm dùi. Đất đai quá đắt không phù hợp với thu nhập của người dân. Nhiều người sinh ra lớn lên ở Hà Nội mà không có lấy chỗ ở phải sống chen chúc trật hẹp. Đây là một thực tế đau lòng. Vậy muốn khắc phục tình trạng này cần phải lập lại trật tự, không để tình trạng giá cả vô lý như vậy xảy ra. Người có nhu cầu ở thật mới đầu tư đất để ở, không để tình trạng đầu cơ lũng đoạn đất đai như hiện nay. Việc không quản lý đất đai tốt gây nên tình trạng lạm phát, giá cả leo thang, sự bất bình đẳng trong xã hội xảy ra (người có quá nhiều nhà đất không ở hết, người thì không có tý đất cắm dùi) gây lãng phí đất đai. Hơn nữa tiền của trong dân đổ hết vào đất đai là tiền chết. Nếu số tiền đó đưa vào ngân hàng hay đầu tư sản xuất kinh doanh thì phát sinh lợi nhuận có ích cho xã hội. Từ đó dòng tiền nhàn rỗi sẽ đổ vào ngân hàng, chống lạm phát. Tôi xin được hiến kế như sau:
- Đối với mỗi cặp vợ chồng chỉ được sở hữu một mảnh đất duy nhất đang ở. Ví dụ như họ có con cái lớn thì khi lấy vợ lấy chồng thành một cặp cũng được sở hữu một mảnh đất. Còn vợ chồng đã ly hôn nếu có con rồi thì cũng mỗi người được sở hữu một mảnh đất. Đối với trường hợp người dân có dư tiền mà muốn đầu tư thêm đất thì nhà nước vẫn cho phép mua nhưng đánh thuế cao khi chuyển nhượng mảnh đất thứ 2 trở lên. Đối với nhà đất mua dưới 5 năm mà bán đi đánh thuế 100% giá trị lô nhà đất. Từ 5 năm trở đi mới bán thì đánh thuế thấp hơn 100% giá trị nhà đất, đến tròn 10 năm mới bán thì thuế như hiện nay 2,5% giá trị nhà đất. Nếu quy định như trên không còn tình trạng vay tiền ngân hàng mà lướt sóng đầu tư đất nữa chỉ có ai có thực tiền mới đầu tư mà họ xem có lãi hay không mới dám đầu tư. Vì dưới 5 năm mà đánh thuế cao như vậy thì họ cũng không dám đầu tư làm gì chắc sẽ không có lãi bằng thứ khác. Dòng tiền nhàn rỗi sẽ vào ngân hàng hoặc họ sẽ đầu tư cái gì sinh lời hơn như sản xuất kinh doanh và người có nhu cầu ở thật mới mua nhà đất thì giá nhà đất sẽ về đúng thực chất giá trị.
Quy định như trên sẽ xảy ra tình trạng gian dối, người có đất sẽ gian dối đó là mảnh đất duy nhất họ đang ở để chịu thuế thấp (2,5% giá trị nhà đất như hiện nay) khi bán nhà đất. Nếu có tình trạng đó xảy ra thì khuyến khích người dân tố cáo. (xem xét cả tố cáo không có tên bởi người dân ngại va chạm). Quy định người bị tố cáo gian dối sẽ bị tước hết nhà đất đang sở hữu (kể cả ngôi nhà đang ở) xung quỹ nhà nước. Nếu quy định nghiêm như vậy thì theo tôi không ai dám gian dối nữa, vì nếu gian dối sẽ mất tất cả, do vậy ta đã phòng tránh được tình trạng gian dối về không chịu nộp thuế cao đối với việc mua bán mảnh đất thứ 2 trở lên (tức gian dối là kê khai mảnh đất duy nhất chứ không phải mảnh đất khác).

Vậy vấn đề đặt ra là người bán nhà đất và người mua nhà đất sẽ thông đồng với nhau để chịu thuế thấp thì lại có quy định. Nếu ai tố cáo việc gian dối khi khai thuế nêu trên thì người tố cáo (kể cả người tố cáo là người mua nhà đất) sẽ được ½ số nhà đất xung quỹ nhà nước nêu trên. Tức là nhà nước tặng cho họ ½ số nhà đất người bán nhà đất còn lại. Vì thường thì người mua nhà đất mới biết rõ về mảnh đất mình mua. Có quy định như vậy người bán nhà đất khi kê khai thuế gian dối sẽ không dám gian dối nữa và người mua nhà đất( là người tố cáo hoặc ai đó tố cáo) được số tài sản lớn như vậy thì họ mới tố cáo chứ nếu không được gì thì sẽ không ai tố cáo bởi vì gây ảnh hưởng đến bản thân (quyền lợi phải đi liền với nghĩa vụ). Tôi cam đoan rằng nếu quy định như trên thì rất ít người dám mạo hiểm mà gian dối, từ đó cơ quan chức năng cũng không cần đến người phải đi giải quyết, điều tra là có gian dối nộp thuế hay không rất phức tạp.
Làm được quy định đó dòng tiền nhàn rỗi trong dân sẽ ít đổ vào đất mà gửi ngân hàng hay sản xuất kinh doanh. Từ đó nền kinh tế mới phát triển được không để tiền chết và sẽ không lạm phát nữa do tình trạng lũng đoạn giá cả của đất đai như hiện nay.
Trên đây là một số kế tôi xin hiến cho Đảng, Chính Phủ. Với tấm lòng trong sáng, thành tâm mong muốn đất nước được giàu có, dân được ấm no hạnh phúc. Đó cũng là mong mỏi của Đảng và nhà nước ta. Nếu cần người để giúp ích cho đất nước tôi xin nguyện cống hiến sức mình bằng những sáng kiến cụ thể hơn trên nhiều lĩnh vực.
Tôi xin có một đề nghị nhà nước ta có thể mở một cuộc thi tìm những ý tưởng hiến kế giúp nước. Chắc chắn sẽ có nhiều ý tưởng hay ứng dụng trong việc quản lý đất nước như thời cha ông ta đã từng làm.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Địa chỉ Gmail: luong.hoa02@gmail.com. 

http://thutuongnguyentandung.net/ke-sach-chong-tham-nhung-gui-thu-tuong-nguyen-tan-dung-tham-khao.html

Học thuyết quân sự mới của Mỹ - đánh đòn phủ đầu Trung Quốc

“Mỹ sẵn sàng đánh đòn phủ đầu các căn cứ quân sự của Trung Quốc, mục tiêu là tiêu diệt lực lượng hạt nhân của Trung Quốc”.
Mỹ thực hiện "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" bề ngoài nhằm vào CHDCND Triều Tiên, nhưng thực chất là tấn công Trung Quốc.

Tân Hoa xã dẫn nội dung từ tờ “Thời báo Tài chính” Anh có bài viết nhan đề “Chiến lược mới của Mỹ bị chỉ trích mạnh mẽ”, cho rằng phương châm quân sự mới của Mỹ mang đậm màu sắc Chiến tranh Lạnh, “tác chiến hợp nhất trên không-trên biển (không-hải quân)” sẽ đẩy Mỹ vào hoạch định chiến tranh khiêu khích nguy hiểm nhằm vào Trung Quốc.

Bài viết cho rằng, phương châm quân sự mới của Mỹ, nhằm đáp trả khiêu khích quân sự của Trung Quốc ở mức độ nhất định, đang bị chỉ trích mạnh mẽ cả trong và ngoài nước, cho rằng nó hoàn toàn không cần thiết thể hiện thái độ khiêu khích với một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ.

Trong thời điểm Mỹ điều chỉnh triển khai chiến lược toàn cầu, gia tăng coi trọng châu Á, tư tưởng tác chiến “tác chiến hợp nhất trên không-trên biển” (AirSea Battle) là để cố gắng duy trì ưu thế quân sự ở những khu vực có tầm quan trọng chiến lược.

Trong 20 năm qua, cùng với việc cảm thấy lo ngại về xây dựng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Lầu Năm Góc đang dần dần hé lộ tư tưởng chiến lược này.

Trong tương lai, Hải quân Mỹ sẽ trang bị máy bay không người lái X-47B cho tàu sân bay.
Nhưng, trong thời điểm Mỹ cố gắng nắm chắc sự cân bằng thích hợp “cạnh tranh” và “hợp tác” trong quan hệ với Trung Quốc, có người (thậm chí gồm một số người trong nội bộ Quân đội Mỹ) cảnh báo, học thuyết quân sự mới này sẽ chọc giận Trung Quốc một cách hoàn toàn không cần thiết.

“Tác chiến hợp nhất trên không-trên biển đang ma quái hóa Trung Quốc” – Thượng tướng nghỉ hưu, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ James Cartwright vừa nói tuần trước. “Điều này không phù hợp với lợi ích của bất cứ ai”. - Tân Hoa xã viện dẫn lời bàn chưa được xác minh cho hay.

Học thuyết quân sự mới này mang đậm màu sắc Chiến tranh Lạnh. Vào thập niên 1970, do cảm thấy lo ngại về mối đe dọa quét sạch Tây Âu của Quân đội Liên Xô, các nhà hoạch định quân sự Mỹ đã phát triển học thuyết chiến tranh, được gọi là “tác chiến hợp nhất trên không-mặt đất” (không-lục quân). 

Từ vũ khí kiểu mới đến quan hệ giữa Mỹ và đồng minh, ở mức độ rất lớn, học thuyết này đã trở thành nền tảng chính sách quân sự của Mỹ giai đoạn cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Trên phương diện chính sách và chiến lược ảnh hưởng 20 năm tới, “tác chiến hợp nhất trên không-trên biển” có thể đóng vai trò quan trọng tương tự. Các quan chức cho biết, nó tập trung vào tăng cường quan hệ đồng minh của Mỹ ở châu Á, đồng thời đáp trả vũ khí và khả năng chiến đấu “chống can dự/ngăn chặn khu vực” (anti-access, area-denial) do nước khác phát triển.

“Điều này rất có thể là thách thức đặc trưng nhất của thời đại hiện nay và trong tương lai gần” – Đô đốc Jonathan Greenert, Bộ trưởng Tác chiến Hải quân Mỹ, Thượng tướng hải quân vừa nói tuần trước.

Mục tiêu chủ yếu "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" của quân Mỹ rõ ràng nhằm vào Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuần tới đã đến châu Á, giải thích với đồng minh của Mỹ về hàm nghĩa của học thuyết quân sự này.
Trong thời điểm quân Mỹ từng bước rút khỏi Chiến tranh Iraq và Afghanistan, phương châm quân sự mới tìm cách ứng phó với chủ đề chiến lược quan trọng hiện nay của quân Mỹ: sự trỗi dậy của châu Á; sự điều chỉnh trọng tâm theo yêu cầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực rộng lớn (chú trọng hơn về sức mạnh trên không và trên biển); tầm quan trọng của chiến tranh mạng.

Nhưng, bối cảnh phát triển của "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" có sự khác biệt một trời một vực với bối cảnh phát triển của học thuyết quân sự thời kỳ Chiến tranh Lạnh. 

Đối thủ trước đây là Liên Xô, Mỹ không có bất cứ quan hệ kinh tế thương mại nào với họ; còn hiện nay, Mỹ có quan hệ kinh tế thương mại sâu sắc với Trung Quốc - từ thương mại đến trái phiếu chính phủ Mỹ.

Trong bối cảnh chính trị tinh tế này, trong các trường hợp công khai, quan chức Mỹ kiên trì cho biết, "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" hoàn toàn không nhằm vào một nước nào, thậm chí cũng không nhằm vào khu vực nào, mà là có liên quan đến công nghệ đang nghiên cứu phát triển của rất nhiều quốc gia.

"Ý tưởng này không nên buộc chặt vào bất cứ tình cảnh riêng nào" - Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Thượng tướng Norton Schwartz vừa cho biết tuần trước khi được hỏi "mục tiêu chủ yếu phải chăng là Trung Quốc".
Nhưng, các quan chức Mỹ ngầm thừa nhận, từ tên lửa đạn đạo có thể bắn chìm tàu chiến, đến tàu ngầm và sức mạnh tác chiến mạng không ngừng phát triển của Trung Quốc, việc đầu tư cho vũ khí "chống can dự" của Trung Quốc khiến cho Lầu Năm Góc cảm thấy lo ngại, mà loại vũ khí này đang là thứ mà "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" phải đối phó.
Trong thời điểm Mỹ đưa ra phương châm quân sự mới, đúng vào lúc Lầu Năm Góc cắt giảm ngân sách. Lầu Năm Góc đã cắt giảm 485 tỷ USD ngân sách trong 10 năm tới, nếu Quốc hội Mỹ không thể đạt được một thỏa thuận ngân sách toàn diện trong năm nay, Lầu Năm Góc còn có thể buộc phải tiếp tục cắt giảm ngân sách với số tiền tương tự. 
Nhưng, nếu phải quán triệt có hiệu quả học thuyết "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển", thì phải tiến hành đầu tư to lớn cho máy bay ném bom tầm xa mới, tàu chiến, tàu ngầm và khả năng tác chiến mạng.
"Trong khoảng 12 năm qua, nếu bạn cần gì, chúng tôi cơ bản đều có thể sắp xếp ngân sách". George Flynn, một quan chức hoạch định cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, "thực tế mới về mặt tài chính đòi hỏi chúng tôi phải lựa chọn".

Cùng với việc đầu tư cho máy bay chiến đấu thế hệ mới, uy lực của "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" sẽ còn tiếp tục được tăng cường.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không hề giấu giếm quan điểm của họ - châu Á là một khu vực quan trọng hàng đầu trong chiến lược lâu dài của họ. 

Leon Panetta đã nói với học viên tốt nghiệp của Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis hồi tuần trước rằng: "Thế hệ của các bạn sẽ đối mặt với một trong những chương trình quan trọng, đó chính là duy trì và tăng cường ưu thế của Mỹ ở vùng biển Thái Bình Dương rộng lớn".

Theo quan điểm của một số nhà quan sát, "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" sẽ đẩy Mỹ vào hoạch định chiến tranh nhằm vào Trung Quốc. Một trong những văn kiện công khai của Lầu Năm Góc "Ý tưởng can dự tác chiến liên hợp" (Joint Operational Access Concept) đề nghị, trong tình huống xảy ra bất cứ cuộc xung đột nào, quân Mỹ "tiến hành tấn công chiều sâu (tung thâm) đối với sự phòng thủ chống can dự/ngăn chặn khu vực của đối phương". 

Lấy tên lửa chống hạm của Trung Quốc làm ví dụ, điều đó sẽ có nghĩa là chuẩn bị sẵn sàng phát động một cuộc tấn công quy mô lớn "đánh đòn phủ đầu" đối với các căn cứ quân sự của Trung Quốc.

"Rủi ro to lớn ở chỗ, cuộc tấn công này sẽ gây leo thang nghiêm trọng tình hình, Trung Quốc thậm chí có thể sẽ cho rằng, mục tiêu của Mỹ là tiêu diệt lực lượng hạt nhân của Trung Quốc" - Raoul Heinrichs, Đại học Quốc gia Australia cho biết.

Cụm chiến đấu tàu sân bay là bộ phận cốt lõi của "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" của Quân đội Mỹ.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/THX-Hoc-thuyet-quan-su-moi-cua-My-danh-don-phu-dau-Trung-Quoc/173693.gd