Trưa Chủ nhật 3/6, phát biểu trước các thủy thủ tàu vận tải USNS Richard E. Byrd hiện đang neo đậu để sửa chữa ở Vịnh Cam Ranh, ông Panetta tuyên bố: "Đây là môt chuyến đi lịch sử".
Ông nói: "Việc chiếc tàu đang có mặt tại đây và được công nhân Việt Nam bảo dưỡng là chỉ dấu to lớn cho thấy chúng ta đã tiến xa tới đâu".
Tuy nhiên, nhiều phân tích gia cho rằng trước con mắt theo dõi sít sao của Trung Quốc, Hà Nội luôn muốn tỏ ra là giữ cân bằng trong quan hệ với Bắc Kinh và Washington.
BBC đã có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, bên lề diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La 11 ở Singapore.
Trước hết, ông Vịnh cho biết nhận định của ông về các vấn đề an ninh đang thu hút sự quan tâm của thế giới.
|
Ông Vịnh đã có mặt tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 11 ở Singapore |
Ông Nguyễn Chí Vịnh: Nhận xét của chúng tôi khi tham dự hội nghị lần này là nhu cầu hợp tác về quốc phòng-an ninh [trên thế giới] đang tăng lên rõ rệt.
Một diễn đàn không chính thức như thế này mà tập trung được rất nhiều lãnh đạo các quốc gia, quốc phòng, học giả, nhà báo... Tiếng nói chung của hội nghị là mong muốn tìm được cơ hội và đường hướng để tạo ổn định và hòa bình cho từng quốc gia.
Bên cạnh xu thế chung của thời đại là hòa bình, ổn định và phát triển, thế giới trong năm vừa qua cũng gặp nhiều vấn đề về an ninh và không chỉ ở một khu vực. Điển hình là ở Trung Đông và Bắc Phi; hay Đông Bắc Á, rồi châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Vì sao lại có nhiều bất ổn như vậy khi mà thế giới ngày một văn minh hơn? Tôi nghĩ một lý do là hệ lụy của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mọi quốc gia đều phải tìm con đường đi của mình [để thoát khỏi khủng hoảng].
Thứ hai nữa là trong thời gian ngắn, châu Á-Thái Bình Dương đã trở nên một khu vực thu hút sự chú ý nhiều nhất trên thế giới. Ngay Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng đã nhận định, rằng châu Á-Thái Bình Dương là tương lai của thế kỷ 21.
Chính vì vậy, khu vực này tạo ra nhiều lợi ích , đương nhiên dẫn đến nhiều cọ xát vì lợi ích và xảy ra xung đột.
Về Biển Đông tôi cho rằng về đại cục thì đã có tiến bộ nhưng vẫn còn tiềm ẩn và xảy ra những điều đáng tiếc, vì các nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, chưa tạo dựng được luật chung trong cách ứng xử và phân chia lợi ích trong khu vực.
|
Bộ trưởng Panetta gặp binh sỹ trên tàu USNS Richard E. Byrd hôm Chủ nhật |
BBC: Theo ông nhận định thì nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông có lớn hay không và làm sao để kiểm soát nguy cơ này?
Ông Nguyễn Chí Vịnh: Theo tôi nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang không lớn vì nếu xảy ra vào lúc này, nó sẽ không chỉ diễn ra giữa hai nước mà sẽ lôi kéo rất nhiều quốc gia.
Hậu quả của nó cũng sẽ không dừng lại ở các nước trực tiếp liên quan, mà ảnh hưởng tới tất cả các nước có lợi ích trong khu vực. Vì vậy không một nước nào đủ liều lĩnh để tạo ra xung đột quân sự trên biển.
Tuy nhiên các mâu thuẫn và bất bình đẳng trong ứng xử và tìm kiếm lợi ích trên Biển Đông thì vẫn hiện hữu, vẫn diễn ra và cần đấu tranh để đẩy lùi chúng.
BBC: Đúng một năm trước đây, đã có biểu tình phản đối chính sách Biển Đông của Trung Quốc ở trong nước. Lúc đó ông có kêu gọi người dân nên tin tưởng vào cách giải quyết của chính phủ. Vậy một năm qua, chính phủ đã có cách giải quyết như thế nào?
Ông Nguyễn Chí Vịnh: Không chỉ một năm mà một thời gian tương đối dài vừa qua, Đảng CSVN và Nhà nước Việt Nam đã rất quan tâm tới việc xử lý các vấn đề trên Biển Đông với ba mục tiêu rõ ràng.
Trước hết là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, như quy định cụ thể trong Luật Biển mà ông Thủ tướng đã phát biểu trước Quốc hội.
Thứ hai là bảo đảm quan hệ hòa bình, hữu nghị và từng bước phát triển với các nước láng giềng, đặc biệt là với Trung Quốc. Không thể đặt vấn đề Biển Đông ra ngoài quan hệ chung với Trung Quốc.
Đây cũng là động lực giúp giải quyết mục tiêu thứ nhất ở trên vì chỉ khi nào có mối quan hệ bình đẳng, hiểu biết lẫn nhau thì mới có thể yên tâm về một nền hòa bình bền vững, giữ ổn định nhưng lại bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ.
Mục tiêu thứ ba là làm cho người dân hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, các khái niệm như vùng đặc quyền kinh tế... và rằng Việt Nam đã và sẽ làm những gì có thể để bảo vệ chủ quyền nhưng cũng không đem thảm họa khác cho dân tộc, là chiến tranh.
Tôi nghĩ là người dân đã có hiểu biết cơ bản về những điều mà tôi vừa nói.
'Hoạt động kinh tế'
BBC: Nói đến một nước lớn khác, thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang có chuyến thăm Việt Nam. Nghị trình của ông Panetta ở Việt Nam là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Chí Vịnh: Hoạt động chủ yếu là ông Panetta sẽ đàm phán với Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Ông cũng sẽ tới chào lãnh đạo chính phủ Việt Nam.
Ngoài ra ông Panetta sẽ thăm cảng Ba Ngòi ở Vịnh Cam Ranh, nơi mà Tỉnh Khánh Hòa cùng Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam đang sửa chữa tàu vận tải quân sự cho Mỹ.
Ông còn thăm cơ quan MIA (Tìm kiếm người Mỹ mất tích trong cuộc chiến Việt Nam). Đây là lĩnh vực hợp tác mà cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều hài lòng.
BBC: Ông Panetta đã tới thăm hải cảng Cam Ranh, nơi mà Hoa Kỳ từng sử dụng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Bởi vậy hành động này được cho là mang tính biểu tượng lớn. Liệu có quan ngại rằng một nước thứ ba nào khác, hay nói thẳng ra là Trung Quốc, sẽ lo lắng về việc Việt Nam "xích lại quá gần" với Hoa Kỳ?
Ông Nguyễn Chí Vịnh: Trước hết cần nói về Cam Ranh. Vịnh Cam Ranh là khu vực rất rộng lớn, quân cảng chỉ là một phần. Trong khu vực quân cảng, Việt Nam không có hợp tác với nước nào và cũng không cho tàu thuyền bất kỳ nước nào vào trong cả.
Bên cạnh đó, có một khu vực kinh tế rất lớn là cảng Ba Ngòi, do Tỉnh Khánh Hòa quản lý. Tại đây, có một xưởng sửa chữa tàu biển và cho tới nay một số tàu vận tải của Mỹ đã vào sửa chữa.
Trong quá trình phát triển kinh tế đối ngoại, Tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Tàu thủy Việt Namđã ký hợp đồng để sửa chữa cho các tàu dân sự và vận tải quân sự nhưng không vũ trang của nước ngoài, ở mức tiểu tu và bảo dưỡng nhỏ vì trình độ của Việt Nam còn hạn chế.
Nếu [nước nào] hiểu đúng tình hình thực tế như vậy thì tôi cho là không có lý do gì để quan ngại cả.
Đây là hoạt động kinh tế bình thường. Cảng Ba Ngòi đã đón tàu vận tải Mỹ vào sửa chữa và cũng sẽ đón tàu của Trung Quốc, Nhật Bản, Nga... nếu như có nhu cầu trên cơ sở hợp đồng kinh tế.
BBC: Chúng tôi vừa có cuộc nói chuyện với Thượng nghị sỹ John McCain, trong đó ông McCain tỏ ra lạc quan về việc Mỹ có thể bán một số loại vũ khí sát thương cho Việt Nam trong tương lai. Thưa, ông có thể bình luận gì về việc này?
Ông Nguyễn Chí Vịnh: Việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam mang ý nghĩa biểu tượng là chủ yếu vì không thể có quan hệ lành mạnh, bình đẳng mà nước này lại cấm vận với nước kia.
Bỏ cấm vận sẽ tạo tin tưởng rằng Mỹ tôn trọng Việt Nam. Chừng nào chưa bỏ cấm vận thì Mỹ cũng chưa thể nói rằng hai bên đã có quan hệ lành mạnh và bình đẳng.
Tuy nhiên đây là công việc mang tính chính trị là chủ yếu, còn cho tới nay Việt Nam chưa có nhu cầu mua vũ khí, trang bị của Mỹ.
BBC: Một trong các điều kiện mà Hoa Kỳ đòi hỏi nhằm bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam là phải cải thiện nhân quyền. Theo ông đánh giá, khác biệt về nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn lớn hay không?
Ông Nguyễn Chí Vịnh: Theo tôi còn khác biệt là do Mỹ chưa hiểu đầy đủ về Việt Nam. Tôi không thấy có điều gì để nói là vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Hành động vi phạm pháp luật, cản trở tiến bộ xã hội, bị xã hội lên án, cơ quan nhà nước xử lý thì không thể gọi là vi phạm nhân quyền được.
Tôi mong là quan chức Mỹ tìm hiểu Việt Nam kỹ hơn, sang Việt Nam nhiều hơn thì sẽ không nói là Việt Nam thiếu nhân quyền.
BBC