Đảng CSVN đang bị lúng túng giữa những nghịch lý mà nguyên nhân cốt lõi là vì muốn duy trì chế độ độc tài độc đảng bằng mọi giá.
Sáng ngày 5/1/2015, tại trụ sở Trung ương Đảng CSVN ở Hà Nội, trong Hội nghị trung uơng 10, TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc.
MỤC ĐÍCH HỘI NGHỊ:
- thông qua các dự thảo văn kiện cho Đại hội XII
- cho ý kiến về một số báo cáo, đề án
- tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
- giới thiệu bổ sung quy hoạch cán bộ cấp chiến lược
- bầu bổ sung Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
- giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng
- và một số vấn đề khác
TÓM LƯỢC BÀI DIỄN VĂN:
Về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII: có những chủ trương, chính sách chậm hoặc chưa vào cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng. Về nguyên nhân của nó, cần chú ý chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy (có nghĩa là không nhìn vấn đề theo chỉ đạo của Đảng).
Về báo cáo kinh tế-xã hội: rút ra bài học về sự cần thiết phải nâng cao năng lực, chất lượng phân tích, dự báo tình hình… Bộ Chính trị nhận thấy cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Xử lý đúng đắn, kịp thời những diễn biến mới, phức tạp liên quan tới Biển Đông và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữ gìn phẩm chất đạo đức.
Tuy nhiên, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực có mặt còn hạn chế. Kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định vững chắc; việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, bội chi ngân sách, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền có việc, có lúc chưa theo kịp những diễn biến phức tạp của tình hình. Một số vấn đề xã hội bức xúc kéo dài chưa được giải quyết có hiệu quả, dứt điểm. Đời sống nhân dân, nhất là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất chậm được cải thiện. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đáp ứng yêu cầu. Một số chủ trương của Đảng chậm được cụ thể hoá, chưa đi vào cuộc sống. Công tác xây dựng Đảng, nhất là việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên kết quả chưa được như mong muốn. Lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính, cải cách tư pháp có mặt chưa tiến bộ rõ rệt.
Về Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: đến nay tổ chức bộ máy vẫn có xu hướng ngày càng phình to, biên chế tăng cao, cấp phó còn nhiều; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chậm được cải thiện… cần nêu cao hơn nữa quyết tâm chính trị trong việc hoàn thiện bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị phù hợp hơn với điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Về Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí: cần tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025… thu gọn đầu mối, điều chỉnh cơ quan chủ quản và tăng cường công tác quản lý báo chí trong tình hình mới.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư: đây là vấn đề mới và khó cho nên trong quá trình tiến hành chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm… việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư… được tiến hành lần đầu, cho nên rất hệ trọng và nhạy cảm, liên quan đến uy tín và sự lãnh đạo chung của Đảng… không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá.
Về việc tiếp tục xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược: số lượng các đồng chí được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư hiện nay còn ít so với chỉ tiêu mà Đề án nêu ra; chất lượng cũng còn phải tiếp tục được nâng cao… việc quy hoạch cần được định kỳ rà soát, bổ sung theo tinh thần “động” và “mở”… Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 31/1/2015, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương sẽ hoàn thành việc rà soát, bổ sung tổng thể quy hoạch cán bộ…
NHẬN ĐỊNH:
Đảng CSVN đang bị lúng túng giữa những nghịch lý mà nguyên nhân cốt lõi là vì muốn duy trì chế độ độc tài độc đảng bằng mọi giá.
Nghịch lý giữa phát triển kinh tế-hội nhập quốc tế và định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ bản của phát triển kinh tế-hội nhập quốc tế là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, không có bàn tay lông lá của đảng thò vào, trong đó các quy luật của thị trường tự do được áp dụng, tư nhân đóng vai trò tối quan trọng, cạnh tranh bình đẳng… trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa cho phép đảng tiếp tục thao túng các công ty quốc doanh, hoạt động không quan tâm nhiều đến hiệu quả kinh tế, luôn thua kém khi ra đấu trường quốc tế.
Nghịch lý giữa chế độ chính trị bảo đảm và bảo vệ sự tham nhũng và nguy cơ sụp đổ chế độ do sự bất mãn của quần chúng. Ông Trọng từng nói ném chuột coi chừng bể bình hoa, cho nên người muốn ném chuột như ông Nguyễn Bá Thanh phải chuốt lấy đại nạn. Ông nói ‘nhất là việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên kết quả chưa được như mong muốn’. Điều này có nghĩa là đảng đang bị hai đại nạn cùng một lúc: đại nạn ‘tự diễn biến’ và đại nạn ‘các nhóm lợi ích’ và đảng đang bất lực.
Nghịch lý giữa hội nhập quốc tế và kiểm soát báo chí. Trong khi ông luôn nói điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tiển, tức tự do thông tin, thì ông lại đòi ‘thu gọn đầu mối, điều chỉnh cơ quan chủ quản và tăng cường công tác quản lý báo chí’ và ‘quản lý báo chí đến năm 2025′.
Nghịch lý giữa việc đảng muốn chi phối mọi hoạt động xã hội và đảng muốn bộ máy chính quyền không được phình ra, ông than ‘đến nay tổ chức bộ máy vẫn có xu hướng ngày càng phình to’, nếu chủ trương can thiệp vào mọi sinh hoạt của dân chúng thì phình to là chuyện đương nhiên.
Nghịch lý giữa một đảng chính trị đồ sộ với trên ba triệu đảng viên và tình trạng không có nhân tài, ông nói ‘số lượng các đồng chí được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư hiện nay còn ít so với chỉ tiêu mà Đề án nêu ra’, điều này chứng tỏ cán bộ đảng chẳng còn ai có lý tưởng mà vào đảng chính yếu là vì quyền lợi.
Nghịch lý giữa việc lấy phiếu tín nhiệm để thanh trừng nhau và sự run sợ là làm như vậy sẽ bể đảng, ông nói nó ‘rất hệ trọng và nhạy cảm, liên quan đến uy tín và sự lãnh đạo chung của Đảng… không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá’. Nội bộ thanh toán nhau mà các phe trong đảng lại cứ đổ thừa cho thế lực thù địch.
Nghịch lý giữa điều ông nói ‘Xử lý đúng đắn, kịp thời những diễn biến mới, phức tạp liên quan tới Biển Đông và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc’ và thực tế thực địa là TQ đang xây phi trường quân sự dài 2 cây số ở Đá Chữ Thập, Phi Luật Tân thất thanh báo động, nhưng CSVN bình chân như vại. Đã vậy, ngài Đại Tướng Bộ Trưởng Quốc Phòng mà cũng là ứng viên tổng bí thư trong Đại Hội 12 sắp đến, ông Phùng Quang Thanh, còn tuyên bố hôm 29/12/2015 “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc… Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”.
Ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 8/1/2015 bổ nhiệm 3 trung tướng: Trung tướng Nguyễn Chí Thành giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Trung tướng Trần Bá Thiều giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân. Trung tướng Phan Văn Vĩnh giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an. Một sự bổ nhiệm hơi lạ và không thấy nói có Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang đề nghị hay không.
Từ đây đến đại hội đảng, chỉ còn khoảng 12 tháng nữa, có thể có cuồng phong bão tố cho đảng CSVN, nhưng nếu không có động tính thì làm gì có thay đổi. Thay đổi không có nghĩa là nó đương nhiên sẽ tốt hơn, nhưng ít nhất là nó sẽ cho ra một cái gì mới. Và cái mới là cái mà đất nước Việt Nam hiện nay đang cần.
Lê Minh Nguyên