Trang

Diệp Kính Thiên: Nguyễn Tấn Dũng có thắng không?

Khả năng được đề cử chức Tổng bí thư khóa 12 cho Nguyễn Tấn Dũng có thể chắc chắn. Đây mới chỉ là hiệp một. Sang hiệp hai – bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa 12 – mới là chủ yếu.

Anh Ba Thanh: Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư nửa nhiệm kỳ đầu khóa XII ?

Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hé lộ một chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo đó là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

6.6.12

Vì sao cờ Trung Quốc hiên ngang giữa TP. Lào Cai ?

Hiện trên mạng đang lan truyền thông tin cờ Trung Quốc treo hiên ngang trước khách sạn LAOCAI STAR HOTEN ngay giữa TP. Lào Cai chỉ cách Hà Khẩu (TQ) chừng hơn một km, như khẳng định chủ quyền lãnh thổ của họ. Lá cờ Trung Quốc dường như treo đã lâu nên màu đã bạc bên cạnh lá cờ Việt Nam và một lá cờ màu xanh là cờ ASEAN 

Nhìn cho rõ hỡi quan chức Lào Cai. 
Điều rất lạ, lá cờ Việt Nam thì ủ rũ còn lá cờ Trung Quốc thì bay phần phật rất hiên ngang (có vẻ phần đuôi lá cờ Trung Quốc được gắn lên cờ xanh để nhìn rõ hơn), còn lá cờ xanh bên cạnh thì ủ rũ chả khác gì cờ Việt Nam.

Cờ Trung Quốc bay hiên ngang phần phật, cờ Việt Nam ủ rũ, khúm núm. 
Nhiều người tò mò hỏi: Không biết ai cho phép người ta treo cờ Trung Quốc trên đất Việt Nam, đây là hình ảnh nhạy cảm, dễ gây cho người dân hiểu là mảnh đất đã được ai đó bán cho Trung Quốc rồi? 
Cờ Trung Quốc treo trước khách sạn LAOCAI STAR HOTEN.
Với lá cờ xanh của ASEAN có thể giải thích vì các nước ASEAN đã cùng tổ chức kéo cờ nhằm thể hiện rõ quyết tâm và ý thức xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, phát huy vai trò và hình ảnh của ASEAN đoàn kết tại khu vực và trên trường quốc tế.

Các nước ASEAN đang nỗ lực không ngừng đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN theo lộ trình đã đề ra, đồng thời khuyến khích sự tham gia và đóng góp tích cực của người dân ASEAN nỗ lực chung này.

Vậy còn lá cờ Trung Quốc đươc treo chính giữa kia là sao? lý do của nó là gì? Đề nghị tỉnh Lào Cai làm rõ, ai cho phép làm việc ngang ngược như cố tình này? và trả lời dư luận.

Biển Đông: "Đa phương" chọi lại "bành trướng"

Chưa bao giờ an ninh và phát triển lại thành hai mặt của một đồng tiền như ở các diễn đàn này, và cũng chưa bao giờ tiếng nói của các nhà lãnh đạo quốc tế, từ kinh tế, quân sự đến lập pháp lại cùng đồng thanh phản đối cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông như hiện nay.

Đó là cảm tưởng chung khi theo dõi hai hội nghị quốc tế quan trọng gần đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới, WEF (Bangkok, từ 31/5-1/6) và Đối thoại An ninh Shangri-La (Singapore, từ 1-3/6) họp liền kề nhau tại hai thủ đô của ASEAN. Chủ đề của WEF là kiến tạo tương lai khu vực thông qua kết nối (shaping the region's future through connectivity), nhưng tranh chấp biển Đông đã trở thành trọng tâm của của các cuộc thảo luận, dù không ghi trong nghị trình. Còn gặp gỡ Shangri-La, diễn đàn routine về an ninh và quốc phòng bấy lâu nay, giờ đây trở thành một hội nghị quốc tế lớn để bàn về cấu trúc an ninh mới trong khu vực và các vấn đề liên quan.

Làm sao để vừa có an ninh, vừa phát triển?

Trong khuôn khổ của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Bangkok (WEF), một buổi tọa đàm về an ninh cho Đông Á thông qua sự hợp tác giữa ASEAN với Mỹ và Trung Quốc đã được tổ chức. Thượng nghị sĩ Susan Collin, thuộc tiểu bang Maine, đảng Cộng hòa, thành viên của Ủy ban Quân lực và Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ đã mạnh mẽ mở đầu phát biểu của bà về "Cách thức các quốc gia ASEAN hợp tác với Mỹ và Trung Quốc nhằm xây dựng một cơ chế an ninh cho Đông Á" trong khuôn khổ Hội nghị WEF.

Từ "khiêu khích" được nhắc lại nhiều lần trong bài phát biểu của bà Collins khi nói về các hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông. Nữ thượng nghị sỹ Hoa Kỳ gọi những động thái của Trung Quốc là "phiêu lưu liều lĩnh". Trao đổi với các diễn giả khác trong buổi tọa đàm, bà Collins cho rằng Trung Quốc "đang tạo ra một cuộc khủng hoảng trong khu vực". "Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, vốn không được xác định rõ ràng ở nhiều chỗ, làm cho việc giải quyết vấn đề trở nên rất khó khăn".

Khi được hỏi, liệu Mỹ sẽ hành động như thế nào nếu căng thẳng hiện nay ở Biển Đông leo thang thành xung đột quân sự, bà Collins cho biết: "Mỹ đối phó với sự phát triển của hải quân Trung Quốc bằng cách thiết lập các căn cứ để có thể tiếp cận hải quân ở khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Mỹ không mong muốn bất cứ sự xung đột nào với Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng rằng các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc sẽ được giải quyết một cách hợp tác với sự giúp đỡ của ASEAN".

Phát biểu trước đại diện của 28 quốc gia và nhiều đoàn quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh và quốc phòng hàng năm của khu vực CÁ-TBD, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thông báo từ nay đến 2020, Mỹ sẽ chuyển 60% hạm đội của nước này đến CA-TBD, trong khuôn khổ "tái cân bằng lực lượng" nhằm bảo đảm sựu hiện diện liên tục và mạnh mẽ của Mỹ tại khu vực này. Đây là thông điệp rõ ràng và nhất quán về chiến lược mới của Mỹ ở châu Á.

Quyết định trên của Mỹ là một phần trong những nỗ lực "chắc chắn và thận trọng" nhằm nâng cao vai trò của Mỹ tại một khu vực vốn được coi là "sống còn" không chỉ đối với hiện tại mà cả tương lai của Mỹ. Chiến lược mới này thực chất đã được Tổng thống Obama loan báo trước thế giới hồi tháng 1/2012. Tại diễn đàn an ninh quan trọng lần này, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã "đắp da thịt cho bộ xương chiến lược" của nước Mỹ (Theo cách nói của Tạp chí The Diplomat ngày 2/6).

Tuyên bố của ông Panetta có thể được xem nhằm trấn an các đồng minh và đối tác mới của Mỹ ở khu vực đang đau đầu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi hắc búa: "Làm thế nào để vừa có an ninh, vừa phát triển?" trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong việc đồi chủ quyền hầu hết toàn bộ Biển Đông.

Khi các đồng minh và đối tác mới của Mỹ bày tỏ lo ngại rằng, liệu Washington có đủ khả năng tài chính để thực hiện chiến lược mới của mình hay không, ông Panetta khẳng định, khủng hoảng ngân sách trong nước sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược "chuyển trục" về châu Á của Mỹ.

Giấc mơ Nghiêu Thuấn và hành động của Trung Quốc

Cũng tại Diễn đàn Shangri-La, Tổng thống Indonesia Susilo Yudhoyono đã thuyết trình một bài diễn văn có tiếng vang khi ông đề cập tới cấu trúc bền vững cho hòa bình trong khu vực. Cấu trúc này được thiết kế trên nền tảng địa-chính trị mới, địa-chính trị của quan hệ hợp tác đang chuyển hóa khi các quốc gia cùng tiến vào kỷ nguyên châu Á-TBD. Tổng thống Yudhoyono cũng nêu rõ định hướng phát triển trong chính sách ngoại giao của Indonesia, từ một quốc gia hướng nội đã trở thành một thành viên năng động của ASEAN. Ông đặt tên cho chiến lược đối ngoại mới đó là chính sách ngoại giao "với triệu người bạn mà không có kẻ thù nào".

Để kiến tạo cấu trúc bền vững nói trên, trụ cột đầu tiên phải xây dựng là một chủ nghĩa khu vực mạnh mẽ và năng động. Biểu tượng cho ý chí này chính là cam kết không mệt mỏi để hiện thực hóa tầm nhìn của cộng đồng ASEAN. Chủ nghĩa khu vực "mở" đã tạo ra các cơ hội chiến lược để chuyển hóa một cách căn bản các quan hệ địa-chính trị mới ở ĐNÁ. Và đương nhiên, chủ nghĩa khu vực năng động này phải gắn kết chặt chẽ với chủ nghĩa dân tộc lành mạnh. Làm sao cho các quốc gia nhận thức được bản sắc khu vực như là bộ phận cấu thành bản sắc dân tộc của quốc gia mình.

Một cấu trúc khu vực bền vững chỉ có thể thành tựu khi nó được xây dựng trên một thế cân bằng động. Duy trì được thế cân bằng động này là nhận thức quan trọng trong quá trình xây dựng các quan hệ đối tác giữa các cường quốc. Thế cân bằng động này luôn chịu sức ép thường trực. Làm sao để quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực luôn luôn hòa hiếu, bền vững và mang tính hợp tác trong một thời gian dài? Làm sao để các quốc gia vừa và nhỏ có thể khuyến khích các cường quốc tương tác với nhau trong khuôn khổ của cấu trúc khu vực bền vững ấy, thông qua nhiều phương tiện khác nhau, mà Hội nghị Cấp cao Đông Á mấy năm gần đây là một hình thức sống động.

Trong khi tình hình Biển Đông cho đến nay vẫn chưa có gì sáng sủa, nhất là Trung Quốc vẫn đang tranh chấp với Philippines tại bãi cạn Scarborough (Dịp Đối thoại Shangri-La năm ngoái thì Trung Quốc xông vào thềm lục địa của Việt Nam và hai lần cắt dây cáp của tàu Bình Minh của Việt Nam). Ngay trong mùa hè này, Trung Quốc ngang ngược cấm ngư dân đánh bắt cá trên Biển Đông, trong khi họ cho người vào tận cảng Cam Ranh của Việt Nam để nuôi trồng hải sản (?)

Mặc dù hai Thượng nghị sỹ trong đoàn Mỹ dự Đối thoại Shangri-La là McCain và Lieberman kiên quyết phản đối các đòi hỏi phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng các nước trong khu vực vẫn đề phòng một cuộc tấn công quân sự chớp nhoáng của Trung Quốc trên Biển Đông. Đặt mọi sự thành chuyện đã rồi là một chiến thuật "xưa như Diễm" của Trung Quốc. Vì vậy, dù có niềm tin vào "con bài" sức mạnh quân sự, các nước khu vực không thể không tiến hành cuộc vận động ngoại giao quốc tế nhằm hóa giải tranh chấp trên Biển Đông và dù trong mực độ có giới hạn, vẫn phải tranh thủ sự ủng hộ của các nước ASEAN, nhất là những thành viên cùng cảnh ngộ.

Nguyễn Thiều Quang

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/75254/bien-dong---da-phuong--choi-lai--banh-truong-.html

5.6.12

Shangri-La: Sự trở lại của Mỹ và sự vắng mặt của Bộ trưởng Trung Quốc

Đối thoại Shangri-La đơn thuần chỉ là một cuộc đối thoại. Nó không đưa ra bất kì quyết định, hay những tư vấn chính sách hoặc tuyên bố nào.

Đối thoại an ninh châu Á tổ chức tại Singapore từ 1-4/6, được biết đến với tên gọi Đối thoại Shangri-La theo tên khách sạn nơi tổ chức hội nghị. Đối thoại Shangri-La được tổ chức bởi Viện quốc tế về nghiên cứu chiến lược IISS, một trong những think-tank nghiên cứu chiến lược hàng đầu thế giới.

Cho tới năm 2010, đối thoại Shangri-la chỉ là nơi gặp đa phương của các bộ trưởng quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2010, Việt Nam là chủ trì hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng (ADMM+ ). Hội nghị này có sự tham gia của 10 bộ trưởng quốc phòng các nước ĐNA và 8 nước đối tác: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta (giữa) bắt tay Thứ trưởng quốc phòng Nhật Shu Watanabe tại hội nghị  - Ảnh: Reuters 

Tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La nằm ở hai khía cạnh. Một là, các bộ trưởng quốc phòng và quan chức cấp cao có cơ hội đưa ra các phát biểu quan trọng. Hai là, nhiều quan chức sử dụng đối thoại để sắp xếp các cuộc gặp không chính thức với những người đồng nhiệm.

Đối thoại Shangri-La đơn thuần chỉ là một cuộc đối thoại. Nó không đưa ra bất kì quyết định, hay những tư vấn chính sách hoặc tuyên bố nào.

Đối thoại Shangri-La năm nay có 13 phát biểu từ 18 thành viên ADMM cộng và Bộ trưởng Quốc phòng Timor-Leste, nước không phải là thành viên của ADMM+. Năm chiếc ghế trống do sự vắng mặt đáng chú ý của Bộ trưởng quốc phòng các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Brunei và Lào.
Sự vắng mặt của ông Lương Quang Liệt
Có 4 lí do giải thích việc tại sao Bộ trưởng Lương Quang Liệt của Trung Quốc vắng mặt tại Shangri-La lần này. Một là, ông không muốn là đối tượng chịu chỉ trích vì những hoạt động hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng quân sự cũng như các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực.
Hai là, đối thoại Shangri-La dành trọn một phiên cho chủ đề tranh chấp Biển Đông. Phiên thảo luận này có bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gasmin. Trung Quốc từ chối thảo luận vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ đa phương.
Ba là, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA không trực tiếp chịu trách nhiệm cho những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines. Ông Liệt tránh đặt mình vào thế khó xử khi phải bảo vệ những hành động của các cơ quan dân sự biển của Trung Quốc trong việc tạo nên cục diện hiện nay ở bãi cạn Scarborough.
Bốn là, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc không cần sử dụng cơ hội từ đối thoại Shangri-La để tổ chức các cuộc gặp riêng với các đối tác. Ông vừa gặp tất cả các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Phnom Penh, cũng như có cuộc gặp riêng với người đồng nhiệm Philippines. Ông Lương Quang Liệt cũng mới thăm Washington và người đồng nhiệm Mỹ có kế hoạch thăm Bắc Kinh cũng trong năm nay.
Hai điểm nhấn
Có hai điểm nhấn quan trọng tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Một là, bài phát biểu của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono về cấu trúc an ninh khu vực. Tổng thống Indonesia kêu gọi "một cấu trúc lâu bền.... Xây dựng một sự cân bằng năng động". Ông lưu ý vai trò trung tâm của mối quan hệ Mỹ - Trung và nói thêm "quan hệ giữa các cường quốc lớn không phải hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Các cường quốc bậc trung và nhỏ cũng có thể giúp khóa các cường quốc chủ yếu vào một cấu trúc bền vững.
Tàu chiến của Hải Quân Mỹ
Bài phát biểu của Tổng thống Yudhoyono cũng chạm đến vấn đề Biển Đông như một điểm nhấn. Ông lưu ý rằng "các tuyên bố lãnh thổ và tài phán chồng lấn còn cần một chặng đường dài mới có thể giải quyết". Ông bày tỏ sự lạc quan rằng "chúng ta có thể tìm cách biến các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông trở thành hợp tác tiềm năng"
Tổng thống Yudhoyono sau đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng tốc hợp tác. "Chúng ta không thể dành tới 10 năm nữa để nhóm làm việc ASEAN - Trung Quốc hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử COC; chúng ta trông đợi họ tăng tốc."
Điểm nhấn thứ hai trong Đối thoại Shangri-La là bài trình bày của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Nhiệm vụ của ông là giải thích việc Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp cho an ninh khu vực như thế nào trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phục hồi và ngân sách quốc phòng Mỹ đang cắt giảm.
Bộ trưởng Panetta đưa ra 4 nguyên tắc dẫn đường chính sách quốc phòng Mỹ: thúc đẩy các luật lệ và trật tự quốc tế; đào sâu và mở rộng các quan hệ đối tác song phương và đa phương; làm tương thích sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực; và đầu tư mới vào các năng lực cần thiết cho việc thực thi sức mạnh và các hoạt động của Mỹ ở CA-TBD.
Ông Panetta tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam và New Zealand. Tuy nhiên ông dành nhiều thời gian hơn để thảo luận về những lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác và trở thành đối tác.
Cuối cùng, Bộ trưởng Mỹ tán thành việc tổ chức thường xuyên hơn các cuộc gặp ADMM+ và ủng hộ việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông để quản lý các hành vi ở Biển Đông.
Cam kết gây ấn tượng nhất là tuyên bố của ông Panetta rằng Mỹ sẽ triển khi 60% lực lượng hải quân và không quân ở Thái Bình Dương và tăng số lượng các cuộc tập trận tại đây.
Việt Nam và ASEAN đứng ở đâu?
Bài phát biểu của ông Panetta có thể xem là sự đóng góp tích cực cho hòa bình và an ninh khu vực. Mỹ tiếp tục can dự vào khu vực để phục vụ lợi ích của nước này cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ. Mỹ ủng hộ các thể chế an ninh đa phương mà ASEAN là nòng cốt. Và Mỹ đặt ưu tiên trong việc làm sâu sắc mối quan hệ giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc.
Nay, đến lượt các quốc gia khu vực như Việt Nam và các thành viên ASEAN phải quyết định phản ứng như thế nào. Họ cần xem xét liệu có khuyến khích Trung Quốc hợp tác với Mỹ và nếu có, thì như thế nào.
Họ cần quyết định mức độ mà họ sẵn sàng tiến tới trong việc ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực thông qua tập trận và hợp tác quốc phòng.
Cuối cùng, Việt Nam và các nước khu vực phải quyết định họ có thể mang đến điều gì, từng nước riêng rẽ cũng như với tư cách một nhóm, để định dạng một cấu trúc an ninh khu vực dựa trên sự cân bằng năng động giữa các cường quốc.
Tác giả Carlyle A. Thayer là Giáo sư Emeritus, ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia. 
Tác giả: CARLYLE A. THAYER

"Kinh tế Trung Quốc xuống dốc thảm hại"

Trên trang mạng của chính phủ Trung Quốc số ra ngày 24/5/2012, cố vấn chính phủ nước này cho biết “kinh tế Trung Quốc đã xuống dốc thảm hại”.

Quan chức trên đã đưa ra lời nhận xét dựa trên những đánh giá về tình hình địa ốc trên toàn quốc, xuất khẩu và cả niềm tin của giới tiêu dùng đều sụt giảm.

Mặc dù kinh tế vẫn tiếp tục phát triển, nhưng công nhân xây dựng vẫn thất nghiệp hàng loạt và chỉ số tiêu dùng tháng Tư ở mức thấp nhấp nhất trong hơn 3 năm qua. Lượng đầu tư vào bất động sản ở mức thấp nhất kể từ năm 2001. Điểm đáng chú ý nhất là sự sụt giảm kinh tế lan đến cả các tỉnh vùng duyên hải, vốn dựa nhiều vào xuất cảng và tình trạng kinh tế thế giới, thậm chí đến cả những vùng hẻo lánh, kể cả các tỉnh nằm sâu trong lục địa, như tỉnh Tây An, Tây Bắc Trung Quốc.
Những khó khăn về kinh tế không mong muốn của Trung Quốc bắt đầu từ những nhà đầu tư táo bạo trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường tiêu dùng, do Trung Quốc là nơi tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới và là thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới.
Nếu kinh tế Trung Quốc sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Cho đến nay, Trung Quốc đã tăng trưởng rất nhanh mà không gặp phải một trở ngại nào, và trở thành động cơ chính cho nền kinh tế toàn cầu, trong khi châu Âu vẫn phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công và nước Mỹ thì vẫn "tập tễnh" trong thị trường nhà ở.
Thống kê của chính phủ cho thấy giá nhà của hơn 50% trong tổng số 70 đô thị lớn tại Trung Quốc đã sụt giảm, trong đó có Tây An. Bản báo cáo của Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poors và Moody's cảnh báo hôm 24/5 cho biết nhiều nhà đầu tư địa ốc Trung Quốc sẽ cạn vốn vì giá bán của các chung cư xuống thấp và họ vẫn còn nợ ngân hàng tiền lời vay vốn.
S.& P cũng cho rằng những nhà đầu tư có số vốn hạn chế dường như đang phải đối mặt với cuộc thử nghiệm về sự tồn tại của họ trong năm nay.
Diana Choyleva, một nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc có văn phòng tại Hồng Công cho biết kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 8,1% trong quý I/2012, con số lớn hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này cũng đã giảm so với quý IV/2011 và quý II/2012 được dự báo là khó có thể vượt qua con số của quý I.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự. Nhà nghiên cứu Choyleva cho biết: "Rõ ràng rằng nền kinh tế đã giảm sút nhiều hơn so với người ta tưởng cho đến tận gần đây. Họ đang có khó khăn trong tay".
Trung Quốc là một nước nhập khẩu quặng sắt và đồng lớn nhất thế giới, và Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn nhất của châu Âu về thiết bị nhà máy và hàng hóa đắt tiền. Mỹ sẽ ít bị ảnh hưởng vì kinh tế Trung Quốc xuống dốc vì tỉ lệ xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ ở mức dưới 1% trong tổng số sản lượng hồi năm ngoái.
Trong khoảng thời gian từ năm 2008-2009, chính phủ đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khá tốt do đó nhu cầu về nhà ở đã gia tăng khi người dân vùng quê lên đô thị tìm việc trong các hãng sản xuất, kinh tế. Trung Quốc lúc đó vẫn có thể phát triển trong khi kinh tế thế giới đã chững lại. Tuy nhiên, giờ đây thì thì dấu hiệu kinh tế khó khăn đã hiện rõ ở Tây An, một trụ cột của nền kinh tế vùng Tây Bắc Trung Quốc, nơi được coi là trung tâm chuyên chở và phân phối cũng như sản xuất từ máy cày đến bộ phận của máy bay.
Sun Yufang, một nhà buôn lò nướng các loại và máy đun nước nóng tại Thiên An cho biết: "gần như chẳng còn ai sắm sửa cho nhà của họ hoặc là thay thế đồ dùng đã cũ. Năm ngoái, tôi không cảm thấy ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn năm nay thì cảm nhận rất rõ. Tôi không thấy có lối thoát trừ khi người ta mua sắm trở lại". Ngồi trong cửa hàng rộng lớn mà không có lấy một người khách nào, bà Sun đã thổ lộ.
Đầu tuần, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã bày tỏ sự quan ngại về kinh tế Trung Quốc sau chuyến đi thị sát tại tỉnh Vũ Hán, khu vực trung tâm ở phía Đông. Sau đó, ông đã triệu tập phiên họp chính phủ hôm 23/5 và đã đưa ra một bản nghị quyết mạnh nhất về kinh tế Trung Quốc của chính phủ. Nghị quyết nêu rõ Chính phủ nên "đầu tư tăng trưởng ổn định tại những vị trí quan trọng hơn và tiến hành điều chỉnh chính sách ưu tiên và điều chỉnh mạnh mẽ hơn để phù hợp với xu hướng thay đổi".
Trên trang điện tử của chính phủ Trung Quốc số ra ngày 24/5 dẫn dẫn lời một cố vấn kinh tế cấp cao của chính phủ- Zhang Liqun cho biết "sự sụt giảm rõ rệt trong kinh tế đã đánh thức sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách".
Bản sơ kết ghi nhận số hàng đặt mua hằng tháng cho thấy hàng sản xuất tiếp tục giảm sút trong tháng 5 với chỉ số sụt xuống 48.7 từ 49.3 trong tháng 4. Chỉ số dưới 50 được cho là chậm phát triển.
Chính phủ đã kêu gọi sự khuyến khích kinh tế thông qua đẩy mạnh xây dựng đường sắt, trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng khác, nhưng gần như không còn nhiều để xây dựng thêm. Vì, thí dụ như ở Tây An đã có 3 sân bay dù số chuyến bay ít, đường xe lửa siêu tốc cũng đã hoàn thành, 3 đường xa lộ vòng đai để giải tỏa nạn kẹt xe, v.v..chẳng còn gì nhiều để đổ tiền vào thêm. May ra còn đường xe điện ngầm. Và ngày nay ở Trung cộng, không còn thấy những dự án xây cất như trước...
Cùng thời điểm đó, các công trình xây dựng khu chung cư đã sụt giảm rõ rệt sau khi chính phủ áp đặt qui định nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản hồi năm ngoái càng khiến thị trường nhà ở trở nên ế ẩm hơn.
Wei Li, một môi giới bất động sản của Tây An cho biết giá nhà đã giảm khoảng 20% kể từ năm ngoái đối với những căn hộ mới và còn đang dư thừa hàng trăm tòa nhà đang xây dựng ở ngoại ô. Tuy  nhiên, bà cho biết giá nhà tại khu vực trung tâm vẫn ổn định.
Thiên An là một thành phố cổ kính nằm ở phía Tây Trung Quốc. Ngày nay, Tây An cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc như một trung tâm kinh tế với 8 triệu dân. Nhưng người chủ cửa hàng và những người buôn bán khác từ khắp Tây bắc Trung Quốc cùng đổ về chợ đầu mối ở đây để mua hàng hóa, khiến Tây An trở thành một nơi sôi động nhất của Trung Quốc. Và bây giờ nhịp đập ấy đang cảm thấy yếu đo do chi tiêu dùng giảm mạnh.
Ma Xiechuan, một người bán thịt lợn cho biết lượng thịt anh bán ra hàng ngày đã giảm 1/3 và đây là sự sụt giảm nhanh nhất trong kinh doanh mà tôi từng thấy hơn 10 năm nay. Còn anh Yian Leilei, một người bán buôn khăn trải bàn và bọc ghế ô tô cho biết rằng việc buôn bán sụt giảm một cách nhanh chóng sau dịp tết của người trung Quốc vào ngày 23/1 và đã không thể phục hồi. Những thương gia đều cho rằng sức mua đã giảm đáng kể và khách hàng đã trở nên khó tính hơn bao giờ hết.
Thị trưởng của Thiên An, ông Dong Jun cũng đã bày tỏ sự lo lắng trên trang mạng của thành phố: "Tình hình kinh tế trong toàn thành phố từ tháng Một đến tháng Tư năm nay là không lạc quan. Tiếp tục duy trì tỷ lệ tăng trưởng như trước đây là một việc rất khó khăn".
Tác giả: HẰNG LINH THEO NEW YORK TIMES

Vịnh Cam Ranh: Chuyện thật như bịa!

Xuống địa phương thấy lúc nào cán bộ cũng bận họp, bận đi cơ sở. Vậy đi cơ sở làm gì khi mà những chuyện "tầy đình" xẩy ra lại không hay biết?
Mấy tuần gần đây, liên tiếp có nhiều chuyện "nóng" khiến dư luận bàn tán. Mới đây nhất, lại chuyện các thương lái Trung Quốc vào làm ăn buôn bán ở khắp đất nước ta cứ như chỗ... không người.
Chuyện "lắc và gật"
Làm ăn, buôn bán, chuyện sang tận "xứ người" đầu tư thời hội nhập cũng là "chuyện thường ngày ở huyện" nên không thể "bế quan tỏa cảng".

Chúng ta cũng sang tận bên kia đại dương, cách nửa vòng trái đất đầu tư khai thác còn gì.
Hội nhập mở cửa thì mọi thứ đều phải chấp nhận, vấn đề là sức đề kháng của cơ thể. Và thứ nữa là phải biết "gật' và biết "lắc" đúng lúc đúng việc.
Có quá nhiều bài học cho sự "lắc và gật".
Nhiều nhà máy đường, rồi nhà máy xi măng lò đứng có dạo ồ ạt tràn sang. Có đại biểu Quốc hội đăng đàn cảnh báo và nói rõ nếu chúng ta cứ "gật" như vậy sớm muộn đất nước ta sẽ trở thành bãi rác.
Chuyện "lắc và gật" dư luận còn lên tiếng trong nhiều dự án cụ thể: Cho thuê rừng đầu nguồn, nơi biên giới. Sân golf ở mũi Sa Vĩ địa bàn quan trọng địa đầu tổ quốc. Các dự án ở những vị trí chiến lược thời gian qua...cũng đã "nóng" tại Hội trường Quốc hội.
Người viết bài này đã từng đến dự án sân golf ở Móng Cái ngay sát cửa khẩu sông Bắc Luân.
Bên kia là đất láng giềng, nơi có dự án nhà máy điện hạt nhân, còn bên này là dự án sân golf.
Lồng bè do những người Trung Quốc điều hành tại Cam Ranh
Địa phương cho biết dự án này phải báo cáo lên trên. Trên đã thẩm định chu đáo nên mới "gật". Nhưng nhiều người đến đây vẫn thấy tiếc cho một bãi biển non nước hữu tình sát biên giới- bãi biển Trà Cổ- không được đầu tư lại mọc lên một dự án khác. Và quan trọng đây là một vị trí chiến lược như nhiều người đã từng lên tiếng.
Và chuyện không "lắc" không "gật"
Nhưng có những chuyện không "lắc", cũng không "gật" nhưng vẫn xẩy ra. Chuyện mua cua ở Cà Mau, mua dứa, mua khoai ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khi hỏi thì chính quyền sở tại không biết, cũng chả ai "gật".
Mới đây nhất, việc thương lái Trung Quốc vào tận quân cảng Cam Ranh nuôi cá. Khi báo chí lên tiếng thì địa phương mới giật mình chỉ đạo cơ sở báo cáo.
Lạ nhỉ, đất nước ta có tiếng là trật tự, kỷ cương, quản lý chặt chẽ từ trên xuống dưới cơ mà.
Việc gì ở đâu đều không thể thoát được sự quản lý. Ví như các vụ tội phạm. Nhiều vụ việc những tên tội phạm gây án không hề để lại dấu vết mà chúng ta đã nhanh chóng truy nã và phát hiện được chỉ trong ít thời gian...
Thế mà ở đây thương lái Trung Quốc không những vào thu mua cá mà còn tổ chức nuôi lồng bè cá chỉ cách quân cảng Cam Ranh có 300m.
Lại còn chuyện những người này đã kịp thời... lấy vợ "tại trận" như cái anh A Giót. Ông thương lái này lấy được một chị vợ ở ngay Cam Ranh mà địa phương cũng không biết mới là chuyện thật như bịa.
Khi nhiều thông tin đăng tải trên báo, Thành ủy Cam Ranh liền chỉ đạo UBND Cam Ranh báo cáo. Ngay sau đó UBND Khánh Hòa có văn bản khẩn yêu cầu TP Cam Ranh vào cuộc và phải báo cáo sớm.
Thật là một sự chỉ đạo khẩn trương. Tuy muộn!
Thôi thì các vụ khác họ có thu mua như cua, dứa, đỉa, hay như móng trâu, râu ngô non rồi "chuồn" thì còn có lý do, đằng này lại tổ chức cả 4 cơ sở thu mua cá và 1 cơ sở nuôi với rất nhiều lồng bè vào cỡ nhất nhì cơ mà.
Tài thật, tài không thể hiểu nổi.
Mà sao bây giờ hệ thống chính quyền ta chỗ nào cũng được Nhà nước trả lương lại làm ăn thế nhỉ? Không biết họ làm gì?
Đọc báo chí, nghe tin tức mà thấy giật mình. Đành rằng ở tận Trung ương không nắm được phải chỉ đạo báo cáo để nắm. Đằng này ngay việc của địa phương cũng không nắm được lại phải dưới báo cáo.
Thế những cuộc hội họp giao ban hàng ngày hàng tuần đều có, sao không có ai phản ảnh? Xuống địa phương thấy lúc nào cán bộ cũng bận họp, bận đi cơ sở. Vậy đi cơ sở làm gì khi mà những chuyện "tầy đình" xẩy ra lại không hay biết?
Không biết là điều đáng trách nhưng biết mà không báo cáo mới là chuyện đáng đặt dấu hỏi? Phải chăng là bao che hay còn gì nữa không?
Cam Ranh là quân cảng và giá trị của nó như thế nào,  người Việt Nam chắc ai cũng đều hiểu.
Việc bất chấp tất cả làm ngơ cho người nước ngoài vào đây làm những việc "bình thường mà không bình thường" nên chăng cần làm rõ.
Tác giả: ĐĂNG TẤN

Học thuyết quân sự mới của Mỹ - đánh đòn phủ đầu Trung Quốc

“Mỹ sẵn sàng đánh đòn phủ đầu các căn cứ quân sự của Trung Quốc, mục tiêu là tiêu diệt lực lượng hạt nhân của Trung Quốc”.
Mỹ thực hiện "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" bề ngoài nhằm vào CHDCND Triều Tiên, nhưng thực chất là tấn công Trung Quốc.

Tân Hoa xã dẫn nội dung từ tờ “Thời báo Tài chính” Anh có bài viết nhan đề “Chiến lược mới của Mỹ bị chỉ trích mạnh mẽ”, cho rằng phương châm quân sự mới của Mỹ mang đậm màu sắc Chiến tranh Lạnh, “tác chiến hợp nhất trên không-trên biển (không-hải quân)” sẽ đẩy Mỹ vào hoạch định chiến tranh khiêu khích nguy hiểm nhằm vào Trung Quốc.

Bài viết cho rằng, phương châm quân sự mới của Mỹ, nhằm đáp trả khiêu khích quân sự của Trung Quốc ở mức độ nhất định, đang bị chỉ trích mạnh mẽ cả trong và ngoài nước, cho rằng nó hoàn toàn không cần thiết thể hiện thái độ khiêu khích với một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ.

Trong thời điểm Mỹ điều chỉnh triển khai chiến lược toàn cầu, gia tăng coi trọng châu Á, tư tưởng tác chiến “tác chiến hợp nhất trên không-trên biển” (AirSea Battle) là để cố gắng duy trì ưu thế quân sự ở những khu vực có tầm quan trọng chiến lược.

Trong 20 năm qua, cùng với việc cảm thấy lo ngại về xây dựng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Lầu Năm Góc đang dần dần hé lộ tư tưởng chiến lược này.

Trong tương lai, Hải quân Mỹ sẽ trang bị máy bay không người lái X-47B cho tàu sân bay.
Nhưng, trong thời điểm Mỹ cố gắng nắm chắc sự cân bằng thích hợp “cạnh tranh” và “hợp tác” trong quan hệ với Trung Quốc, có người (thậm chí gồm một số người trong nội bộ Quân đội Mỹ) cảnh báo, học thuyết quân sự mới này sẽ chọc giận Trung Quốc một cách hoàn toàn không cần thiết.

“Tác chiến hợp nhất trên không-trên biển đang ma quái hóa Trung Quốc” – Thượng tướng nghỉ hưu, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ James Cartwright vừa nói tuần trước. “Điều này không phù hợp với lợi ích của bất cứ ai”. - Tân Hoa xã viện dẫn lời bàn chưa được xác minh cho hay.

Học thuyết quân sự mới này mang đậm màu sắc Chiến tranh Lạnh. Vào thập niên 1970, do cảm thấy lo ngại về mối đe dọa quét sạch Tây Âu của Quân đội Liên Xô, các nhà hoạch định quân sự Mỹ đã phát triển học thuyết chiến tranh, được gọi là “tác chiến hợp nhất trên không-mặt đất” (không-lục quân). 

Từ vũ khí kiểu mới đến quan hệ giữa Mỹ và đồng minh, ở mức độ rất lớn, học thuyết này đã trở thành nền tảng chính sách quân sự của Mỹ giai đoạn cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Trên phương diện chính sách và chiến lược ảnh hưởng 20 năm tới, “tác chiến hợp nhất trên không-trên biển” có thể đóng vai trò quan trọng tương tự. Các quan chức cho biết, nó tập trung vào tăng cường quan hệ đồng minh của Mỹ ở châu Á, đồng thời đáp trả vũ khí và khả năng chiến đấu “chống can dự/ngăn chặn khu vực” (anti-access, area-denial) do nước khác phát triển.

“Điều này rất có thể là thách thức đặc trưng nhất của thời đại hiện nay và trong tương lai gần” – Đô đốc Jonathan Greenert, Bộ trưởng Tác chiến Hải quân Mỹ, Thượng tướng hải quân vừa nói tuần trước.

Mục tiêu chủ yếu "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" của quân Mỹ rõ ràng nhằm vào Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuần tới đã đến châu Á, giải thích với đồng minh của Mỹ về hàm nghĩa của học thuyết quân sự này.
Trong thời điểm quân Mỹ từng bước rút khỏi Chiến tranh Iraq và Afghanistan, phương châm quân sự mới tìm cách ứng phó với chủ đề chiến lược quan trọng hiện nay của quân Mỹ: sự trỗi dậy của châu Á; sự điều chỉnh trọng tâm theo yêu cầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực rộng lớn (chú trọng hơn về sức mạnh trên không và trên biển); tầm quan trọng của chiến tranh mạng.

Nhưng, bối cảnh phát triển của "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" có sự khác biệt một trời một vực với bối cảnh phát triển của học thuyết quân sự thời kỳ Chiến tranh Lạnh. 

Đối thủ trước đây là Liên Xô, Mỹ không có bất cứ quan hệ kinh tế thương mại nào với họ; còn hiện nay, Mỹ có quan hệ kinh tế thương mại sâu sắc với Trung Quốc - từ thương mại đến trái phiếu chính phủ Mỹ.

Trong bối cảnh chính trị tinh tế này, trong các trường hợp công khai, quan chức Mỹ kiên trì cho biết, "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" hoàn toàn không nhằm vào một nước nào, thậm chí cũng không nhằm vào khu vực nào, mà là có liên quan đến công nghệ đang nghiên cứu phát triển của rất nhiều quốc gia.

"Ý tưởng này không nên buộc chặt vào bất cứ tình cảnh riêng nào" - Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Thượng tướng Norton Schwartz vừa cho biết tuần trước khi được hỏi "mục tiêu chủ yếu phải chăng là Trung Quốc".
Nhưng, các quan chức Mỹ ngầm thừa nhận, từ tên lửa đạn đạo có thể bắn chìm tàu chiến, đến tàu ngầm và sức mạnh tác chiến mạng không ngừng phát triển của Trung Quốc, việc đầu tư cho vũ khí "chống can dự" của Trung Quốc khiến cho Lầu Năm Góc cảm thấy lo ngại, mà loại vũ khí này đang là thứ mà "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" phải đối phó.
Trong thời điểm Mỹ đưa ra phương châm quân sự mới, đúng vào lúc Lầu Năm Góc cắt giảm ngân sách. Lầu Năm Góc đã cắt giảm 485 tỷ USD ngân sách trong 10 năm tới, nếu Quốc hội Mỹ không thể đạt được một thỏa thuận ngân sách toàn diện trong năm nay, Lầu Năm Góc còn có thể buộc phải tiếp tục cắt giảm ngân sách với số tiền tương tự. 
Nhưng, nếu phải quán triệt có hiệu quả học thuyết "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển", thì phải tiến hành đầu tư to lớn cho máy bay ném bom tầm xa mới, tàu chiến, tàu ngầm và khả năng tác chiến mạng.
"Trong khoảng 12 năm qua, nếu bạn cần gì, chúng tôi cơ bản đều có thể sắp xếp ngân sách". George Flynn, một quan chức hoạch định cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, "thực tế mới về mặt tài chính đòi hỏi chúng tôi phải lựa chọn".

Cùng với việc đầu tư cho máy bay chiến đấu thế hệ mới, uy lực của "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" sẽ còn tiếp tục được tăng cường.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không hề giấu giếm quan điểm của họ - châu Á là một khu vực quan trọng hàng đầu trong chiến lược lâu dài của họ. 

Leon Panetta đã nói với học viên tốt nghiệp của Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis hồi tuần trước rằng: "Thế hệ của các bạn sẽ đối mặt với một trong những chương trình quan trọng, đó chính là duy trì và tăng cường ưu thế của Mỹ ở vùng biển Thái Bình Dương rộng lớn".

Theo quan điểm của một số nhà quan sát, "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" sẽ đẩy Mỹ vào hoạch định chiến tranh nhằm vào Trung Quốc. Một trong những văn kiện công khai của Lầu Năm Góc "Ý tưởng can dự tác chiến liên hợp" (Joint Operational Access Concept) đề nghị, trong tình huống xảy ra bất cứ cuộc xung đột nào, quân Mỹ "tiến hành tấn công chiều sâu (tung thâm) đối với sự phòng thủ chống can dự/ngăn chặn khu vực của đối phương". 

Lấy tên lửa chống hạm của Trung Quốc làm ví dụ, điều đó sẽ có nghĩa là chuẩn bị sẵn sàng phát động một cuộc tấn công quy mô lớn "đánh đòn phủ đầu" đối với các căn cứ quân sự của Trung Quốc.

"Rủi ro to lớn ở chỗ, cuộc tấn công này sẽ gây leo thang nghiêm trọng tình hình, Trung Quốc thậm chí có thể sẽ cho rằng, mục tiêu của Mỹ là tiêu diệt lực lượng hạt nhân của Trung Quốc" - Raoul Heinrichs, Đại học Quốc gia Australia cho biết.

Cụm chiến đấu tàu sân bay là bộ phận cốt lõi của "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" của Quân đội Mỹ.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/THX-Hoc-thuyet-quan-su-moi-cua-My-danh-don-phu-dau-Trung-Quoc/173693.gd

31.5.12

Chạy đua vũ trang điên cuồng ở châu Á

Tác giả: Conn Hallinan
Người dịch: Dương Lệ Chi
29-05-2012
Châu Á hiện đang chạy đua vũ trang chưa từng có, đây không chỉ là cuộc đua căng thẳng dữ dội trong khu vực mà còn là sự cạnh tranh của các nước châu Á với những nỗ lực nhằm giải quyết sự chênh lệch giữa đói nghèo và phát triển kinh tế. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo – được tính bằng hệ số Gini, đo sự bất bình đẳng – đã tăng từ 39% đến 46% ở Trung Quốc, Ấn Độ, và Indonesia. Mặc dù các gia đình giàu vẫn tiếp tục có được nhiều của cải hơn và nhận được phần lớn hơn trong chiếc bánh kinh tế, “Trẻ em sinh ra trong những gia đình nghèo có khả năng tử vong khi còn là trẻ sơ sinh có thể lớn hơn gấp 10 lần” so với những em được sinh ra trong các gia đình giàu có, theo Changyong Rhee, trưởng kinh tế gia thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á.
          Súng đạn thay cho thực phẩm
Xu hướng bất bình đẳng này đặc biệt sâu sắc ở Ấn Độ, nơi tuổi thọ trung bình thì thấp và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thì cao, nền giáo dục chắp vá, mù chữ phổ biến rộng rãi, cho dù tình trạng của đất nước là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Theo một tổ chức từ thiện độc lập, Quỹ Naandi, khoảng 42% trẻ em Ấn Độ bị suy dinh dưỡng. Bangladesh, một đất nước nghèo khó hơn, nhưng ở tất cả các lĩnh vực này thì tốt hơn nhiều.
Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo: dấu hiệu chạy đua vũ trang châu Á?
Năm ngoái, Ấn Độ là nước mua vũ khí hàng đầu trên thế giới, đã mua máy bay chiến đấu hiệu suất cao của Pháp, với số hàng trị giá 20 tỷ đô la. Ấn Độ cũng đang chế tạo loại tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân, cũng như mua tàu ngầm và tàu chạy trên mặt nước. Ngân sách quân sự của Ấn gia tăng 17 % trong năm nay, lên tới 42 tỷ đô la.

“Thật là nực cười. Chúng ta đang chạy đua vũ trang vô nghĩa, bằng chi phí của những người nghèo”, ông Praful Bidwai, thuộc Liên minh Giải trừ Vũ khí Hạt nhân và Hòa Bình đã nói với báo The New York Times.

Trung Quốc cũng đang gia tăng việc mua vũ khí, gồm tăng cường hải quân, chế tạo một máy bay tàng hình thế hệ mới, và chế tạo một tên lửa đạn đạo có khả năng vô hiệu hóa tàu sân bay Mỹ đến gần bờ biển của họ. Ngân sách quân sự của Bắc Kinh gia tăng với tốc độ khoảng 12% một năm, khoảng 106,41 tỷ đô la, lớn thứ hai trên hành tinh. Tổng ngân sách dành cho an ninh quốc gia của Mỹ – không tính các cuộc chiến tranh khác mà Washington đang tham gia, hơn 800 tỷ đô la, mặc dù một số người ước tính ngân sách này nhiều hơn 1.000 tỷ đô la.

Mặc dù Trung Quốc có những bước tiến lớn trong việc xóa đói giảm nghèo, nhưng khoảng 250 triệu người Trung Quốc chính thức được coi là nghèo, và nền kinh tế nóng hổi của đất nước trước đây thì đang nguội. “Các số liệu chi tiêu và sản lượng trong tháng 4 chưa thấy hy vọng rằng nền kinh tế của Trung Quốc đang chạm đáy”, Mark Williams, trưởng kinh tế gia châu Á tại Capital Economics, nói với báo Financial Times.

Điều này cũng đúng đối với hầu hết các nước ở châu Á. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Ấn Độ đã giảm từ 9% xuống còn 6,1% trong hai năm rưỡi qua.
          Căng thẳng trong khu vực
Căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực làm gia tăng một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng. Đài Loan đang mua bốn tàu khu trục có tên lửa dẫn đường loại Perry, do Mỹ sản xuất, và Nhật Bản đã chuyển phần lớn lực lượng quân sự của họ từ các hòn đảo phía bắc sang phía nam, đối diện với Trung Quốc.

Philippines đang bỏ ra gần 1 tỉ đô la để mua máy bay và radar mới, và gần đây tiến hành tập trận chung với Hoa Kỳ. Nam Triều Tiên vừa thử nghiệm thành công một tên lửa hành trình tầm xa. Washington đang phục hồi quan hệ quân sự với Indonesia do đảo quốc này kiểm soát các đường biển chiến lược mà hầu hết việc vận chuyển thương mại và cung cấp năng lượng trong khu vực đi ngang qua đó.
Tên lửa tầm ngắn hiện đại EXTRA của Israel 
Úc cũng đang tái định hướng quốc phòng về phía đối mặt với Trung Quốc và ông Stephen Smith, Bộ trưởng Quốc phòng Úc đã kêu gọi Ấn Độ “giữ vai trò mà họ có thể và vai trò mà họ nên giữ, như một cường quốc đang trỗi dậy đối với an ninh và ổn định trong khu vực”.

Nhưng “vai trò” đó không có gì là rõ ràng, và một số người đã xem tuyên bố của ông Smith là một nỗ lực để kéo New Delhi vào một mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh. Thử nghiệm tên lửa đạn đạo hạt nhân Agni V gần đây của Ấn Độ phần lớn được xem như nhắm vào Trung Quốc.

Ấn Độ và Trung Quốc đã đánh nhau trong một cuộc chiến biên giới ngắn ngủi nhưng kinh hoàng hồi năm 1962, và Ấn Độ tuyên bố Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 15.000 dặm vuông lãnh thổ của Ấn Độ. Ngược lại, Trung Quốc, tuyên bố gần như toàn bộ 40.000 dặm vuông của bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ là của họ. Mặc dù ông Manmohan Singh, Thủ tướng Ấn Độ, nói rằng “nói chung, quan hệ của chúng tôi [với Trung Quốc] là khá tốt”, nhưng ông cũng thừa nhận “vấn đề biên giới là một vấn đề lâu dài”.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã cãi nhau ngắn ngủi hồi năm ngoái khi một tàu chiến Trung Quốc yêu cầu tàu tấn công đổ bộ của Ấn Độ Airavat nhận diện chính họ, ngay sau khi con tàu này rời khỏi cảng ở Hà Nội, Việt Nam. Không có gì xảy ra trong vụ việc này, nhưng kể từ đó, Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đã nhấn mạnh sự cần thiết về “an ninh hàng hải” và “bảo vệ bờ biển của chúng tôi, các ‘tuyến đường giao thông trên biển’, và các khu vực phát triển ngoài khơi”.

Lập trường mạnh mẽ của Trung Quốc ở biển Đông đã gây căng thẳng với Việt Nam, Đài Loan, Brunei, và Malaysia. Một sự đối đầu giữa một tàu chiến của Philippines và nhiều tàu giám sát của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough hồi tháng trước vẫn còn đang được kềm chế ở mức độ thấp.
Chiến đấu cơ đa năng tàng hình thế hệ 5 T-50 PAK FA của Nga 
Thái độ của Trung Quốc quyết đoán hơn trong khu vực phần lớn bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan năm 1995-1996, khi hai tàu sân bay Hoa Kỳ làm bẽ mặt Bắc Kinh trong vùng biển của họ. Rủi ro để có thể xảy ra chiến tranh trong cuộc khủng hoảng này thì không lớn – Trung Quốc không có khả năng xâm lược Đài Loan – nhưng chính phủ Clinton đã có cơ hội để chứng minh sức mạnh hải quân của Mỹ. Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân kể từ sự kiện đó.

Sự “chuyển hướng” của chính phủ Obama về phía châu Á, gồm việc gia tăng quân sự ở đảo Wake và đảo Guam, triển khai 2.500 lính thủy quân lục chiến ở Úc, đã gia tăng căng thẳng trong khu vực, và việc xử lý vấn đề biển Đông một cách cứng rắn của Bắc Kinh, đã mở ra cho Washington cánh cửa để bước vào tranh chấp.

Trung Quốc có cảm thấy khó chịu về vùng biển nhà của họ – người ta có thể hiểu điều đó, đưa ra lịch sử 100 năm qua – nhưng không có bằng chứng là họ bành trướng. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói hồi tháng 2, “Không có nước nào, kể cả Trung Quốc, đã tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Hoa Nam”. Bắc Kinh dường như chưa sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự. Bắc Kinh đã học được vài bài học từ cuộc xâm lược Việt Nam thảm khốc năm 1979.

Mặt khác, Bắc Kinh rất lo ngại về những nước kiểm soát vùng biển trong khu vực, một phần là vì khoảng 80% nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc đi qua điểm mấu chốt trên biển, do Hoa Kỳ và các đồng minh của họ kiểm soát.
          Cảnh báo của Eisenhower
Sự căng thẳng ở châu Á là có thật, nếu không phải nói là gay gắt và sâu xa như các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ mô tả. Trung Quốc và Ấn Độ thật sự có “vấn đề” về biên giới nhưng Trung Quốc cũng coi chính họ và New Delhi “không phải là đối thủ cạnh tranh mà là đối tác”, và thậm chí đã đề nghị làm liên minh để giữ không cho “các cường quốc bên ngoài” – được hiểu là: Hoa Kỳ và NATO – can thiệp vào khu vực.

Câu hỏi thực sự là, liệu châu Á có thể lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mà không làm gia tăng hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng và với kết quả là sự bất ổn chính trị có khả năng theo sau? “Sự bất bình đẳng ngày càng lớn sẽ đe dọa sự tăng trưởng bền vững ở châu Á. Một quốc gia bị chia rẽ và bất bình đẳng không thể là một nước thịnh vượng”, ông Rhee, kinh tế gia thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á, nói.

Hơn nửa thế kỷ trước, Tổng thống và là Tổng Tư lệnh tối cao Dwight Eisenhower đã lưu ý rằng: “Mỗi khẩu súng được chế tạo, mỗi tàu chiến được hạ thủy, mỗi tên lửa được phóng ra, đều có nghĩa là… một hành vi trộm cắp từ những người đói khổ mà không có ăn, từ những người bị lạnh mà không mặc… cuộc sống hoàn toàn không phải là như thế… đó chính là đem nhân loại lên treo trên cây thánh giá”.

Người Mỹ đã bỏ qua lời cảnh báo của tổng thống Eisenhower. Các nước châu Á sẽ làm tốt nếu chú ý.
Nguồn: FPIF/ Huffington Post
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012