Các ông vua ngày xưa hiểu rất rõ sức mạnh "đẩy thuyền và lật thuyền cũng là dân" nên thường "tìm kế sâu rễ bền gốc" đó là "khoan thư sức dân". Nhiều quan tham bị phát hiện và xử rất nghiêm, rất nhanh chóng chứ không phải báo cáo qua các cấp, không bị "bẻ cong" hay "nén bạc đâm toạc tờ giấy".
Lợi ích nhóm là sự biến tướng hay phát triển của chủ nghĩa cá nhân. Nguy hiểm của lợi ích nhóm cao hơn hẳn chủ nghĩa cá nhân vì nó dám nhân danh tổ chức, nhân danh tập thể để "làm quan phát tài".
|
LTS: Nhân dân bao giờ cũng là cội nguồn sức mạnh thành công của một quốc gia. Điều đó, càng trở nên bức thiết với đất nước Việt Nam đang trên hành trình hội nhập và phát triển. Trong dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ 19/5, Tuần Việt Nam nhận được bài viết về chủ đề này của tác giả Nguyễn Đăng Tấn. Tuần Việt Nam xin đăng tải dưới đây.
Bác Hồ đặt DÂN trong mọi mối quan tâm của Người. Suốt cuộc đời, tư tưởng ấy luôn thường trực trong suy nghĩ và hành động. Bác cho rằng Đảng không phải là tổ chức để "làm quan phát tài" mà để phục vụ dân.
Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Bác đã chỉ ra một loạt những căn bệnh làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng. Một trong những căn bệnh đó là quan liêu, xa dân và sự tha hóa của một bộ phận cán bộ đảng viên.
Chưa đến được với đồng bào
Bệnh của đảng cầm quyền như Bác cảnh báo chính là bệnh quan liêu, xa dân, là đứng trên quần chúng, khi gian khổ thì được dân đùm bọc khi hưởng thụ thì không nghĩ đến dân.
Đánh giá về vai trò của quần chúng, Bác viết: "Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại". Và "Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết". Bởi vì: So với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên.
Bác khuyên cán bộ là phải học hỏi quần chúng, gần gũi quần chúng. Những điều Bác dặn nhiều cán bộ đã không làm được. Họ mới đến được với đồng chí mà... chưa đến được với đồng bào.
Bác Hồ đặt DÂN trong mọi mối quan tâm của Người. Ảnh tư liệu |
Khi về một nhà máy hay xí nghiệp nào, Bác không báo trước, không cho đón rước linh đình, treo khẩu hiệu long trọng. Bác đến thăm thực chất là về với dân. Nơi đầu tiên Người thường ghé thăm là bếp ăn tập thể. Người xem từng suất ăn, nhắc nhở lãnh đạo phải quan tâm đến bữa ăn của người lao động.
Có lần xuống một địa phương, mặc dù được mời cơm nhưng Bác từ chối, trên đường về ăn cơm nắm cùng với những người phục vụ. Hình ảnh ấy được chính quyền tỉnh Quảng Ninh ghi nhớ, xây thành nơi lưu niệm như bài học quý giá.
Về với đồng bào, Bác trực tiếp đi tát nước cùng dân, đi thăm từng cánh đồng, thửa ruộng, hỏi han và chỉ đạo cụ thể "trồng cây gì nuôi con gì".
Người phê bình một số cán bộ thường ngộ nhận cho là dân dốt nên không thèm học hỏi dân, hoặc khi làm được một số việc thành công đã vội cho mình là tài giỏi, và cảnh báo: "Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng".
Gần dân là truyền thống và cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Các ông vua ngày xưa hiểu rất rõ sức mạnh "đẩy thuyền và lật thuyền cũng là dân" nên thường "tìm kế sâu rễ bền gốc" đó là "khoan thư sức dân". Nhiều quan tham bị phát hiện và xử rất nghiêm, rất nhanh chóng chứ không phải báo cáo qua các cấp, không bị "bẻ cong" hay "nén bạc đâm toạc tờ giấy".
Căn bệnh "tha hóa"
Trong bốn nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, có nguy cơ tham nhũng như Đảng đã nhận định. Tham nhũng đã làm băng hoại đạo đức lối sống, làm suy yếu tổ chức Đảng. Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) một lần nữa Đảng lại cảnh báo về nguy cơ trên.
Về vấn đề này, Bác đã chỉ ra nguyên nhân từ rất sớm, đó chính là căn bệnh tha hóa. Tha hóa của một bộ phận cán bộ đảng viên xuất phát từ bệnh hẹp hòi, chủ nghĩa cá nhân, từ đó làm suy yếu đến sức mạnh chiến đấu của Đảng. Họ coi tổ chức Đảng như một tổ chức để "làm quan, phát tài", để lôi kéo bè phái, "cánh hẩu" với nhau.
Trong tác phẩm "Sửa đổi lề lối làm việc" Bác phê phán gay gắt những cán bộ, đảng viên mắc phải bệnh trên, từ đó sinh ra các thứ bệnh nguy hiểm như:
- Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài
- Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.
- Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.
Ngày nay đó chính là những căn bệnh rất phổ biến mà như Người phân tích sâu sắc: "Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa, v.v... đều do bệnh hẹp hòi mà ra!...
Vì ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách đẩy ra..."
Chúng ta bây giờ thường hay nói đến lợi ích nhóm, đấy là xuất phát từ những căn bệnh trên mà ra.
Hệ lụy của bệnh đó trong công tác cán bộ là không tìm được, hay không muốn sử người tài, người giỏi hơn mình, không bố trí được người phù hợp với công việc "ham dùng những cán bộ hợp với mình", "ưa ai thì kéo vào, không ưa ai thì đẩy ra".
Chúng ta đã có nhiều bài học khi sáp nhập hoặc chia tách tỉnh, huyện hoặc các công ty, xí nghiệp thời gian vừa qua. Chính những căn bệnh trên đã ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ. Tệ nạn bè phái nhóm nọ nhóm kia tranh giành vị trí, quyền lực dẫn đến đấu đá nhau quyết liệt. Ở một vài địa phương thì lôi kéo con em dòng họ hợp thành bè phái.
Trong xã hội hệ lụy đó là những nguy cơ làm suy yếu sức mạnh của nền kinh tế. Họ đặt lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nặng hơn lợi ích tập thể, lợi ích đất nước. Đất đai, tài nguyên nhiều khi chưa phục vụ cho phát triển đất nước mà vào những mục đích khác nhau của nhóm lợi ích.
Nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ của lợi ích nhóm dẫn đến chi phối cả chủ trương chính sách. Điều này nguyên TBT Lê Khả Phiêu đã nhấn mạnh: Sự tồn tại của cái gọi là dây lợi ích quyền lực, của nhóm lợi ích, của mối quan hệ quyền lực và đồng tiền chi phối dẫn đến tình trạng lạm quyền, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, cục bộ.
Trong chuyện "nóng" về đất đai hiện nay cũng là hệ lụy của những căn bệnh trên. Nhiều vụ giải phóng, cưỡng chế đã nhân danh chính quyền để thu hồi đất của dân trái luật. Vụ Đoàn Văn Vươn là một ví vụ cho việc xa rời dân, không tin dân và hơn hết phải chăng là lợi ích nhóm?
Bác phê phán rất nặng chủ nghĩa cá nhân coi đó là nguy cơ của mọi nguy cơ làm suy yếu Đảng, làm giảm lòng tin của quần chúng với dân. Lợi ích nhóm là sự biến tướng hay phát triển của chủ nghĩa cá nhân. Nguy hiểm của lợi ích nhóm cao hơn hẳn chủ nghĩa cá nhân vì nó dám nhân danh tổ chức, nhân danh tập thể để "làm quan phát tài".
Nếu như chỉ vì cá nhân thì dễ phát hiện dễ bị lôi ra ánh sáng nhưng nhân danh tổ chức, tập thể thì có thể lẩn trốn, che đậy.
Những cảnh báo trên của Người cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn nguyên giá trị. Nguy cơ quan liêu, xa dân, tha hóa của một bộ phận cán bộ đảng viên là những lực cản trên con đường thực hiện mục tiêu "dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng, văn minh" mà cả dân tộc đang hướng tới.
Học tập Bác chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay để có giải pháp. Và điều quan trọng là nói phải đi đôi với làm, "nói và làm" như chính cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát động.
Tác giả: NGUYỄN ĐĂNG TẤN (TVN)