Trang

Diệp Kính Thiên: Nguyễn Tấn Dũng có thắng không?

Khả năng được đề cử chức Tổng bí thư khóa 12 cho Nguyễn Tấn Dũng có thể chắc chắn. Đây mới chỉ là hiệp một. Sang hiệp hai – bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa 12 – mới là chủ yếu.

Anh Ba Thanh: Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư nửa nhiệm kỳ đầu khóa XII ?

Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hé lộ một chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo đó là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"

20.3.12

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Phải trân trọng “mồ hôi” thuế của dân


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh phải thấu hiểu được người làm ăn, trân trọng “hạt mồ hôi” thuế của dân.
Tiếp tục phiên họp thứ 6, sáng 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. 
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế dự kiến sửa đổi, bổ sung 31/120 Điều của Luật hiện hành, gồm 3 nhóm vấn đề với 21 nội dung; trong đó bao gồm nhóm vấn đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; về phục vụ mục tiêu cải cách-hiện đại hóa và hội nhập phù hợp thông lệ quốc tế; về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế để phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo dự án Luật, tần suất kê khai thuế giá trị gia tăng sẽ giảm từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô nhỏ và vừa; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc; bỏ “chứng từ nộp thuế” trong hồ sơ hoàn thuế; rút ngắn thời hạn giải quyết trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp thứ sáu Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Luật bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế; cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) trong chống chuyển giá; quy định về cơ chế phân loại mã số, xác định trị giá, xuất xứ hàng hóa trước khi làm thủ tục xuất, nhập khẩu; quy định nộp dần tiền thuế đối với trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp đủ tiền thuế một lần.
Tán thành với nhiều nội dung của dự án Luật, song Thường vụ Quốc hội cũng còn nhiều băn khoăn về cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế, thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, mức phải nộp đối với trường hợp phân kỳ nộp thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng cơ chế quản lý rủi ro là vấn đề quan trọng, là nguyên tắc mới, áp dụng cơ chế quản lý rủi ro tạo nhiều thuận lợi cho cơ quan quản lý cũng như người nộp thuế. Song, nếu quản lý thuế theo cơ chế rủi ro phải thận trọng, bởi việc gian lận thuế là không thể tránh khỏi, phải tăng trường kiểm tra, kiểm soát để tránh thất thu, phân loại đối tượng quản lý rủi ro như thế nào, có nội dung, biện pháp cụ thể để bảo đảm quản lý rủi ro. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nên quy định trường hợp rủi ro ngay trong luật, đây là khái niệm quan trọng cần có điều để giải thích cụm từ này.
Về vấn đề xóa nợ và thẩm quyền xóa nợ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, nếu không quy định tiêu chí về tài sản, gia cảnh, nhân thân… thì rất khó xác định điều kiện xóa nợ, bởi rất có thể có sự móc nối giữa người nộp thuế và cơ quan quản lý để kéo dài thời hạn rồi xóa nợ. Cần quy định cho ai được xóa nợ? Chính phủ không nên đứng ra xóa nợ, không thể cái gì cũng giao cho Chính phủ, có thể phân loại nợ cho cơ quan chức năng làm. Cần luật định các tiêu chí, nên hạn chế giao cho Chính phủ quy định.
Tán thành với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị Luật quy định các tiêu chí rồi giao cho Bộ Tài chính căn cứ các quy định đó để phân quyền cho địa phương xử lý, không nên đưa về Chính phủ.
Ý kiến của thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng cho thấy, để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xóa nợ, cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật tiêu chí, điều kiện được xóa nợ theo hướng chỉ xóa nợ cho những khoản nợ mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành, bao gồm: kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập, hoạt động và các khoản nợ này đã áp dụng biện pháp thu hồi quá 10 năm nhưng không có khả năng thu hồi. Không nên quy định theo hướng cứ áp dụng cưỡng chế không được thì xóa nợ, dẫn đến tạo kẽ hở cho hành vi tiêu cực, thỏa thuận trốn thuế.
Mức thu chậm nộp thuế cũng là vấn đề được Thường vụ Quốc hội hết sức quan tâm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu , mức thu này phải nghiên cứu từ thực tiễn, 0,05% hay 0,1% đều không có ý nghĩa gì khi không đưa ra được một tiêu thức chung, mức phạt phải trên lãi suất cho vay thì mới khả thi.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tán thành với đề xuất Chính phủ thực hiện xóa nợ theo quy định của Luật, quy định các tiêu chí xóa nợ chặt chẽ hơn. Song, trách nhiệm tổ chức xóa nợ nên giao cả cho Bộ Tài chính và Chính phủ bởi có những khoản thuế lớn, tính chất phức tạp. Bộ trưởng cũng cho rằng mức phạt chậm nộp thuế 0,05% là đã phù hợp, mức này đã cao hơn lãi suất ngân hàng nhiều, nếu tính như Ủy ban Tài chính-Ngân sách (0,1%) thì quá cao và nếu cao quá sức chịu đựng, người nộp thuế sẽ quay lại mua chuộc người thu thuế.
Phải thấu hiểu được người làm ăn, trân trọng “hạt mồ hôi” thuế của dân – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh. Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật cần chú ý cả 2 đối tượng người thu thuế và người nộp thuế. Thuế là kết quả từ sản xuất kinh doanh, mà sản xuất kinh doanh thì bao giờ cũng có rủi ro, việc xử phạt phải tính toán mức độ phạt cho hợp lý, có sự phân biệt, cố tình chây ỳ mà bắt được sẽ phạt nặng, nhưng chậm nộp do rủi ro cần phải xem xét.
Các Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, nên rút ngắn thời gian có hiệu lực của Luật xuống, để đến tận năm 2014 là quá dài./.
(TTXVN)


Cải chính thông tin về biệt thự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


Thời gian qua trên mạng Internet có đăng tải bài viết “Ngắm biệt thự mới xây của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng”. Với nội dung mang tính chất xuyên tạc, từ nội dung trên đã kích động làm lệch lạc suy nghĩ của người dân cả nước về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bất bình trước sự việc trên, độc giả Nguyễn Văn Trung (Hà Nội) đã có bài viết phản hồi đính chính về “Sự thật lâu đài của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”
Gần đây, trên website “http://thietkewebbatdongsan.com”, có đăng tải bản cải chính thông tin của Nguyễn Hồng Hải (Giám đốc công ty TNHH phần mềm I-LAND) về sự thật lâu đài của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cung điện của bà Benazir Bhutto ở Dubai được nói đến trong bài viết
Trích đoạn: “Ngày 10/3/2012, với ý tưởng viết bài về biệt thự của người nổi tiếng, trên trang “bietthuviet.vn”, vì muốn thu hút số lượng người truy cập vào website, nhân viên Phạm Duy Khánh đã truy cập vào website phản động “một góc nhỏ”, sao chép toàn bộ nội dung bài viết “Ngắm biệt thự mới xây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” rồi đăng tải lại trên trang “bietthuviet.vn”. Với nội dung và chú thích ảnh được cho là ngôi biệt thự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng thực chất là hình ảnh cung điện Benazir Bhutto ở Dubai. Sau khi bài viết đăng lên, hàng loạt những hệ luỵ sau đó diễn ra, các blog, website đã lợi dụng, liên tục phát tán bài viết với nội dung xuyên tạc, phản động. Xét thấy hành vi của mình đã vi phạm pháp luật, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nay chúng tôi xin cải chính thông tin và gửi lời xin lỗi tới Thủ tướng Chính phủ cùng bạn đọc cả nước”.

Nội dung bản cải chính

Trang 1

Trang 2

Trang 3

19.3.12

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: Cảnh sát tiêu cực sẽ cho về vườn

Đó là tuyên bố của ông Nguyễn Bá Thanh – bí thư Thành ủy Đà Nẵng – trong buổi nói chuyện với gần 200 cán bộ chủ chốt của cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát chống tội phạm cướp giật của Đà Nẵng sáng 19-3.

Tại cuộc nói chuyện về công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, ông Thanh nhấn mạnh: “Tình hình giao thông đang có dấu hiệu hỗn loạn, băng nhóm tội phạm cũng manh nha. Vì vậy lực lượng cảnh sát rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố đáng sống”.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng làm nhiệm vụ
Lắp camera giám sát CSGT

Nói chuyện với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), ông Thanh cho biết năm 2012 sẽ có nhiều chủ trương chính sách mới vừa khuyến khích, động viên nhưng cũng phải có chế tài mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Theo ông, với việc xử lý quyết liệt trên địa bàn TP, từ gần 10 năm qua đã không có hiện tượng đua xe như các TP lớn khác. Ông Thanh yêu cầu CSGT tại bốn trạm cửa ô mỗi quý phải đổi tất cả quân một lần để tránh tình trạng cánh lái xe đường dài quen biết xin xỏ, nảy sinh tiêu cực. Ông ví von: “Đừng để giống như con cá trê ở lâu trong hang rồi mọc râu dài vươn ra ngoài”.

Lực lượng CSGT tại bốn trạm Hòa Phước, Hòa Hải, Kim Liên, Hòa Nhơn làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường ngoài tiền lương, thưởng theo chế độ còn được UBND TP hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/người/tháng (từ ngân sách TP), hưởng 10% tổng số tiền phạt vi phạm, thanh tra giao thông mỗi tháng hỗ trợ 2 triệu đồng. “Bộ phận làm việc trực tiếp ngoài đường được hỗ trợ cụ thể như vậy. Còn đối với bộ phận gián tiếp cuối năm đề xuất lên TP để có hướng giải quyết hỗ trợ thêm” – ông Thanh động viên.

Ngược lại, ông Thanh đặt hàng cho CSGT. “Với mức thu nhập như vậy, nếu biết làm thì mỗi tháng mỗi CSGT có thể có thu nhập hơn chục triệu đồng. Nhưng nếu chỉ cần phát hiện nhận chung chi một vài trăm nghìn đồng thì lập tức bị tước quân tịch, đuổi khỏi ngành, cho về vườn chứ không cần phải theo mức độ nặng nhẹ gì cả. Không có chuyện ưu tiên con gia đình chính sách hay ông này ông nọ mà xử nhẹ” – ông Thanh nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy yêu cầu trong tháng 3 mỗi CSGT phải viết một bản cam kết không nhận tiền hối lộ và luôn nhớ điều đã cam kết. Không chỉ vậy, Công an TP Đà Nẵng còn phải lắp đặt camera giám sát tại các trạm này. Mọi hoạt động của CSGT trong quá trình tiếp tài xế, người dân đều được lưu lại và chuyển về trung tâm chỉ huy của lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, cũng có thể linh hoạt một số trường hợp cuối năm bồi dưỡng cho CSGT có thể chấp nhận được, nhưng phải công khai mọi khoản.

Tăng quân, mua súng, sắm xe chống cướp

“Cảnh sát chống cướp giật sẽ có đủ điều kiện để làm việc” là lời hứa của ông bí thư với lực lượng cảnh sát chống cướp giật (thuộc Phòng cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an Đà Nẵng). Ông Thanh ghi nhận những chiến công của lực lượng này trong việc trấn áp loại tội phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, việc lực lượng này sử dụng môtô đồng loạt đã tạo ra hạn chế là tội phạm phát hiện, không còn bí mật nữa. Ông Thanh đề nghị cảnh sát chống cướp giật phải sử dụng những loại xe như người dân bình thường và “nâng cấp” thêm. Vấn đề này liên quan đến ngành giao thông nên ông Thanh đã yêu cầu trợ lý gọi điện ngay cho ông Đặng Việt Dũng – giám đốc Sở Giao thông vận tải (ông Dũng không có trong thành phần họp) – trong mười phút phải đến để cho ý kiến về việc này. Ông Dũng lập tức có mặt và cho biết sẽ cùng Công an TP nghiên cứu cho phù hợp.

Đại diện cảnh sát trật tự và chống cướp giật đề nghị được đầu tư thêm về kinh phí, phương tiện, nhân lực cho phù hợp với tình hình hiện nay. Ông Thanh lập tức đồng ý tăng thêm 20 quân cho lực lượng chống cướp giật, mua thêm súng của Đức và 50 môtô. Trước đề nghị tăng mức hỗ trợ trực, tuần tra cho chiến sĩ từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng, ông Thanh quả quyết: “Đã tăng thì tăng lên hẳn 100.000 đồng luôn để đảm bảo đời sống chiến sĩ”. Đầu tư mua ba máy đo độ ồn cho cảnh sát trật tự để chấm dứt tình trạng mỗi lần có việc lại phải đi mượn máy. Ngoài ra, TP sẽ đầu tư mở rộng trại giam Hòa Sơn thêm 5ha. Ngân sách TP mỗi năm dành 3,4 tỉ đồng đầu tư cho lực lượng chống cướp giật sẽ được chia đều cho công an và lực lượng biên phòng.

Theo ông Thanh, việc đầu tư cho lực lượng này không phải do tình hình phức tạp, mà đã tốt rồi nên muốn làm thêm cho tốt hơn. “Chúng ta đang xây dựng TP du lịch, TP đáng sống, vì vậy không thể hô bằng khẩu hiệu. TP đáng sống thì không thể để tội phạm tồn tại, TP du lịch thì không thể có lang thang, xin ăn, chèo kéo du khách được” – ông Thanh khẳng định.

ĐOÀN CƯỜNG

Báo Trung Quốc: Quân đội Nhân dân Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á


“Thực lực quân sự Việt Nam đã được nâng lên một cách vững chắc, quân số đông, tác chiến mạnh, sức chiến đấu và sức mạnh tổng hợp đều đứng đầu các nước Đông Nam Á”.
Quân đội Nhân dân Việt Nam
Quân đội Nhân dân Việt Nam
1. Thực lực quân sự đứng đầu Đông Nam Á
Tạp chí Ngoại giao của Trung Quốc nhận định như trên và phân tích thêm: lực lượng vũ trang của Việt Nam chủ yếu bao gồm quân đội nhân dân và dân quân tự vệ, còn có cả cảnh sát biển và công an nhân dân. Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập năm 1944, lúc đầu chỉ có 34 người, gọi là “Đội tuyên truyền giải phóng quân” Việt Nam, trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và giải phóng miền Nam, đến nay quy mô và sức mạnh chiến đấu không ngừng lớn mạnh.
Theo “Sách Trắng Quốc phòng” công bố năm 2009 của Việt Nam, hiện nay lực lượng thường trực của quân đội Việt Nam (bao gồm cả bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương) có tổng cộng 450 nghìn người, lực lượng dự bị khoảng 5 triệu người.
Bộ đội chủ lực là thành phần cốt cán của quân đội nhân dân Việt Nam , bao gồm lục quân, hải quân, phòng không không quân, bộ đội biên phòng.
Lục quân Việt Nam hiện chia thành 8 Quân khu, một số Quân đoàn, Sư đoàn bộ binh, Lữ đoàn tăng thiết giáp, Lữ đoàn tác chiến đặc chủng, Lữ đoàn pháo binh dã chiến, Sư đoàn công binh, Sư đoàn xây dựng kinh tế.
Trang bị vũ khí chủ yếu gồm có 850 xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55, 300 xe tăng hạng nhẹ PT-76, 100 xe trinh sát thiết giáp BRDM-1/2, 300 xe chiến đấu bộ binh BMP-1/2, 1.100 xe thiết giáp chở quân BTR-40/50/60/152, khoảng 2.300 cỗ pháo kéo xe và một số dàn phóng tên lửa, pháo cao xạ, pháo tự hành, tên lửa chống tăng và tên lửa đất đối không.
Hải quân Việt Nam thành lập năm 1955, hiện biên chế thành 4 vùng hải quân ven biển, trang bị chủ yếu gồm hai tàu ngầm mini mua của Bắc Triều Tiên năm 1977, 6 tàu hộ vệ, 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ “Cheetah”, 37 tàu tuần tra và một số tàu rà quét thủy lôi, tàu đổ bộ và tàu tiếp tế hậu cần.
Phòng không không quân Việt Nam thành lập năm 1963, được sáp nhập từ Bộ Tư lệnh phòng không và Cục không quân, hiện được biên chế thành một số Sư đoàn phòng không và Sư đoàn không quân, bên dưới có Trung đoàn máy bay tấn công, Trung đoàn máy bay tiêm kích, Trung đoàn máy bay vận tải, Trung đoàn pháo cao xạ, Trung đoàn rađa.
Tên lửa S-300PMU1 của quân đội Nhân dân Việt Nam
Tên lửa S-300PMU1 của quân đội Nhân dân Việt Nam
Trang bị chủ yếu gồm có 140 máy bay MiG-21, 7 máy bay SU-27SK, 4 máy bay SU-30MKK, 53 máy bay SU-22, 4 máy bay chống tàu ngầm Be –12, 26 trực thăng chống tăng MiG-24, 10 trực thăng chống tàu ngầm Ka-28 và một số máy bay huấn luyện, tên lửa không đối không, không đối đất, đất đối không.
Bộ đội biên phòng Việt Nam thành lập năm 1959, có chức năng cơ bản là thực hiện quản lý biên giới quốc gia, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ biên giới trên bộ, hải đảo, vùng biển và trật tự an ninh ở khu vực cửa khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Hải quân Việt Nam vùng IV luyện tập
Hải quân Việt Nam vùng IV luyện tập
Ngoài quân đội nhân dân, dân quân tự vệ Việt Nam cũng là bộ phận cấu thành chủ yếu của lực lượng vũ trang Việt Nam. Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng vẫn ở vị trí sản xuất và công tác, thời bình là lực lượng lao động sản xuất chính, thời chiến là lực lượng chiến lược của chiến tranh nhân dân.
Dân quân tự vệ chủ yếu thuộc các loại hình bộ binh, phòng không, pháo binh, công binh, trinh sát, giao thông, phòng chống hóa học, điều trị y tế và dân quân tự vệ trên biển, trong đó dân quân tự vệ trên biển mới được thành lập từ năm 2009 nhằm đối phó với những đe dọa an ninh trên biển.
Việt Nam còn có lực lượng cảnh sát biển, thành lập năm 1998. Vì thế, Việt Nam hiện nay có ba bộ phận lực lượng vũ trang trên biển là hải quân, cảnh sát biển và dân quân tự vệ biển, cho thấy Việt Nam hết sức coi trọng an ninh trên biển.
2. Chú trọng Biển Đông, đẩy nhanh hiện đại hóa hải quân không quân
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã bắt đầu tiến trình hiện đại hóa quân đội. Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9, nhất là từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh cục bộ kỹ thuật cao đối với Irắc, Việt Nam đã ý thức được rằng hình thái chiến tranh trong tương lai sẽ có thay đổi to lớn, vũ khí trang bị truyền thống và dạng thức tác chiến truyền thống đã không thể thích hợp với yêu cầu chiến tranh trong tương lai.
Mục tiêu tổng thể trong xây dựng quân đội của Việt Nam là “Cách mạng hóa, chính quy hóa, tinh nhuệ hóa và từng bước hiện đại hóa”.
Chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam
Chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam
Vì thế, Việt Nam đã mở rộng chi phí quốc phòng, từ chỗ chú trọng xây dựng quy mô chuyển sang xây dựng chất lượng quân đội, chú trọng nguyên tắc phát triển phối hợp giữa các quân binh chủng và ưu tiên phát triển hải quân – không quân, đồng thời tiếp tục tăng cường xây dựng lực lượng dự bị như dân quân tự vệ.
Việt Nam bắt đầu thực hiện phương châm chiến lược “thu hẹp lục quân mở rộng hải quân”, coi việc bảo vệ lãnh thổ trên biển và tài nguyên biển là trọng tâm của chiến lược quân sự mới, tăng cường một cách có trọng điểm khu vực ven biển miền Trung Nam Bộ và bố trí binh lực ở các đảo mà Việt Nam đã chốt giữ , làm nổi bật nhiệm vụ xây dựng hải quân và không quân.
Tàu chiến Moliya
Tàu chiến Moliya
Năm 2001, Việt Nam đã cho ra đời “Kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang thế kỷ mới”, đề xuất thay đổi toàn diện vũ khí trang thiết bị của ba quân chủng lục quân, hải quân và không quân, trọng tâm là ưu tiên đảm bảo hiện đại hóa phòng không không quân và hải quân, đồng thời lắp đặt các loại trang thiết bị cảnh báo, trinh sát, chỉ huy, cơ động và đảm bảo cung cấp hậu cần.
“Sách Trắng Quốc phòng” năm 2009 của Việt Nam cũng nhiều lần nhấn mạnh phải xây dựng quân đội hiện đại hóa có trang bị vũ khí tiên tiến, trong khi tự nghiên cứu chế tạo, liên hợp sản xuất trang thiết bị, đồng thời mua sắm khối lượng lớn vũ khí trang thiết bị tiên tiến của nước ngoài, nâng cao tính năng vũ khí trang thiết bị của bản thân, trong đó mua sắm vũ khí trang thiết bị cho hải quân và phòng không không quân đã chiếm tỉ lệ rất lớn.
Hình ảnh Su-30MK2 mới của Việt Nam trên báo Trung Quốc
Hình ảnh Su-30MK2 mới của Việt Nam trên báo Trung Quốc
Cuối năm 2003, Việt Nam đã đặt mua của Nga 4 máy bay chiến đấu SU-30MK đa tính năng. Đồng thời, không quân Việt Nam đã hợp tác với Ixraen và Nga cải tiến hệ thống rađa của máy bay MiG-21, lắp đặt trên máy bay thiết bị trinh sát chụp ảnh ban đêm. Năm 2005, Việt Nam lại đặt mua hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 trang bị cho một số đại đội pháo binh.
Không quân Việt Nam còn mua máy phản lực huấn luyện L-39C/máy bay tấn công hạng nhẹ của Séc, nhập khẩu một bộ phận máy bay luấn luyện KT-1, T-50 của Hàn Quốc và Ba Lan.
Tháng 3/2005, Việt Nam và Ba Lan đã ký Hiệp định mua vũ khí trị giá 150 triệu USD, mua 12 chiếc máy bay tuần tra trên biển M-28, 4 máy bay trực thăng cứu hộ trên biển W-3RM và 8 hệ thống trinh sát trên biển MSC-400 của Ba Lan. Năm 2009, Việt Nam lại ký hiệp định với Nga, mua của Nga 12 máy bay chiến đấu đa chức năng SU-30MK2.
Su-27 của Không quân Việt Nam
Su-27 của Không quân Việt Nam
Để thích ứng với yêu cầu đặt ra trong tương lai, Hải quân Việt Nam đã có kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, hy vọng đến trước năm 2015 sẽ hoàn thành đổi mới trang thiết bị, để Hải quân Việt Nam trở thành một lực lượng hải quân trên biển hiện đại có đầy đủ các binh chủng, có khả năng tác chiến cơ động và khả năng tấn công hỏa lực tầm xa tương đối mạnh, đến trước năm 2050 sẽ hình thành một lực lượng tác chiến đa chiều độc lập ở biển xa.
Từ năm 1995 đến nay, Hải quân Việt Nam đã lần lượt đặt mua hơn 10 chiếc tàu chiến mang tên lửa có tên “Poisonous spider” của Nga, 12 chiếc tàu tuần tra của Thụy Điển, 2 tàu ngầm mini của Bắc Triều Tiên.
Tàu ngầm Kilo 636
Tàu ngầm Kilo 636
Sau năm 2000, Việt Nam bắt đầu mua tàu mặt nước cỡ lớn của nước ngoài. Năm 2003, Việt Nam đã ký hiệp định trị giá 120 triệu USD với Nga, có kế hoạch mua của Nga 12 chiếc tàu chiến tốc độ cao mang tên lửa có tên “Lightning”.
Việt Nam còn mua các loại tàu tấn công/tuần tra tốc độ cao của Hàn Quốc có các tên “Dolphin”/ “Wildcat”; mua của Ba Lan 4 tàu hộ vệ hạng nhẹ “Miners”, 1 tàu huấn luyện “Nick Ward”, 8 tàu tuần tra bờ biển “Pilica”, và một tàu tuần tra cỡ lớn “Aubrey Lutz” đã cải tiến.
Năm 2007, Việt Nam lại mua của Nga 2 tàu hộ vệ “Cheetah” và một hệ thống tên lửa chống hạm trên bờ mới nhất để lắp ráp tên lửa hành trình chống hạm có tốc độ siêu âm “Ruby”.
Để khắc phục những bất cập về năng lực tác chiến dưới nước, năm 2009, Việt Nam đã ký một hợp đồng lớn với Nga, mua 6 chiếc tàu tàu ngầm lớp “KILO” chạy bằng động cơ diezen trị giá 1,8 tỉ USD, đồng thời chuẩn bị thành lập lực lượng tàu ngầm.
Việt Nam đang đẩy mạnh giao lưu hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới trên lĩnh vực quân sự
Việt Nam đang đẩy mạnh giao lưu hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới trên lĩnh vực quân sự
Bên cạnh việc mua sắm vũ khí của Nga, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác quân sự với nhiều quốc gia trên thế giới nhằm mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị nâng tầm của Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực ít nhất là trong lĩnh cực quân sự.
Theo Phunutoday

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ký kết với Bộ Đất đai Hạ tầng Nhật Bản

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Đất đai Hạ tầng Nhật Bản

Sáng 17/3/2012, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Đất đai Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật bản Shogo Tsugaw và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc phát triển Dự án đô thị sinh thái tại một số Tỉnh, Thành phố Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Đất đai Hạ tầng Nhật bản
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Đất đai Hạ tầng Nhật bản
Đây là bước khởi đầu cho chương trình hợp tác lâu dài giữa Bộ Đất đai Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật bản và Bộ Xây dựng Việt Nam đã được Bộ trưởng Nhật bản MLIT Takeshi Maeda và Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thống nhất từ cuối năm 2011.

Theo bà Phan Mỹ Linh, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (PTĐT), để chuẩn bị cho những cam kết giữa Việt Nam và Nhật bản trong Biên bản ghi nhớ vừa được ký kết, các chuyên gia Nhật bản cùng Bộ Xây dựng đã khảo sát 2 vùng đô thị khu vực ngoại ô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Những tiêu chí lựa chọn địa điểm chính thức để lập Dự án, Cục PTĐT cùng Đoàn khảo sát sẽ báo cáo Lãnh đạo 2 Bộ quyết định trong thời gian gần nhất.

Theo BaoXayDung

17.3.12

Nông dân ngày càng thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong nền kinh tế


Hôm qua (16-3), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhằm kiểm điểm kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam và xác định trọng tâm phối hợp trong thời gian tới.
Báo cáo về tình hình nông dân và hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, cho thấy, những năm qua, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam .  Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam . Ảnh: TTXVN
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường, hiện trung bình mỗi năm hệ thống trung tâm dạy nghề của Hội đã trực tiếp dạy nghề và phối hợp dạy nghề cho khoảng 200 nghìn người; giới thiệu việc làm cho khoảng 45 nghìn lao động và trên 4 nghìn người đi xuất khẩu lao động. Năm 2011, các cấp Hội tiếp tục vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp gần 72.600 hộ vay để sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2011, các cấp Hội đã vận động Quỹ vì người nghèo được 67.450 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa và xây mới được 17.645 căn nhà tình thương; tổ chức được hơn 10.000 lớp tập huấn tại chỗ; thăm hỏi tặng quà cho hơn 200.000 hộ gia đình nông dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền lên đến 20 tỷ đồng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương tinh thần lao động cần cù, sáng tạo; đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, ý chí kiên cường vượt qua khó khăn, thách thức và những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực mà nông dân nước ta đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trong năm qua, thể hiện ngày càng rõ vai trò nòng cốt của nông nghiệp, nông dân trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những thành tựu đạt được, trên còn nhiều điểm chúng ta không thể thỏa mãn, bởi một bộ phận không nhỏ đời sống của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng nông thôn còn kém phát triển; nông dân còn thiếu thông tin và định hướng trong sản xuất; tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn…
Để khắc phục những tồn tại trên, Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới Chính phủ cùng với Hội nông dân cần tăng cường phối hợp, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Hai bên cùng nỗ lực xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí, đây cũng là giải pháp hữu hiệu để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Hội nông dân Việt nam phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong thực hiện công tác an sinh và phúc lợi xã hội, an sinh xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực bảo vệ quyền lợi chính đáng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân…
Nguồn: Đại Đoàn Kết

15.3.12

Nghị quyết của Bộ Chính trị: Xây dựng nền hành chính vì dân


Công tác cải cách hành chính của Thủ đô Hà Nội vẫn chưa đạt yêu cầu. Đó là một trong những hạn chế được chỉ ra trong báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) giai đoạn 2001-2010. 

Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 đã chỉ ra rằng, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC mới góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của TP. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm để Hà Nội thể hiện sức vươn của mình trong việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, vì dân.

Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND phường Kim Mã. Ảnh: Bảo Lâm
Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ

Một trong những tồn tại hiện nay của Hà Nội trong vấn đề CCHC là nhận thức và trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) không đồng đều. Tính đến năm 2010, trong số 2.152 CBCC làm việc tại bộ phận "một cửa" chỉ có 664 chuyên trách, nhưng có đến 1.488 kiêm nhiệm. Theo Quyết định 84/2009/ QĐ-UBND của UBND TP về việc "Ban hành quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội", chỉ có bộ phận "một cửa" của UBND cấp xã mới sử dụng cán bộ hợp đồng và cán bộ chuyên môn làm kiêm nhiệm, còn "một cửa" cấp huyện và cấp sở phải sử dụng công chức chuyên trách; song trên thực tế tại UBND cấp huyện và cấp sở còn bố trí nhiều hợp đồng lao động (cấp huyện là 29%, cấp sở là 19,4%) và CBCC làm kiêm nhiệm (cấp huyện là 19,5%, cấp sở là 26,1%). Việc UBND cấp xã còn sử dụng nhiều cán bộ hợp đồng và công chức làm kiêm nhiệm với tỷ lệ 69,1% tổng số CBCC tại "một cửa" cũng là vấn đề không thể để kéo dài. Đặc biệt, sự chênh lệch giữa cường độ làm việc của cán bộ bộ phận "một cửa" ở một số UBND cấp xã, cấp huyện và cấp sở so với một bộ phận cùng cấp là rất lớn. Những tồn tại trên có nguyên nhân cả từ phía khách quan (cơ chế bố trí sử dụng cán bộ, tính phức tạp của hồ sơ...) còn có nguyên nhân từ phía năng lực và hiệu quả làm việc của CBCC. Một số đơn vị chất lượng hồ sơ tiếp nhận không cao, do vậy cũng làm khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết của các cơ quan chuyên môn, hồ sơ phải chuyển lại bộ phận “một cửa” để yêu cầu tổ chức, công dân bổ sung, hoàn thiện lại hồ sơ theo đúng quy định. Tình hình dễ tạo kẽ hở cho các hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong quá trình giải quyết. Phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, còn biểu hiện sách nhiễu, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là những việc khó, phức tạp, nổi cộm. Bên cạnh đó, các vấn đề về nâng cấp trụ sở làm việc; đầu tư công nghệ thông tin (CNTT); việc tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" ở các lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, GPMB, lao động, thương binh và xã hội… chưa trôi chảy.

Nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm trong công tác CCHC thời gian qua, TP Hà Nội thừa nhận điều đó đã phần nào ảnh hưởng đến việc phát huy nguồn lực của TP để phát triển KT-XH, tạo ra những khó khăn, bức xúc đối với công dân, tổ chức, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan công quyền. Vì thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV xác định, đẩy mạnh CCHC là một trong hai khâu đột phá. Thành ủy Hà Nội đã xây dựng chương trình "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCCVC giai đoạn 2011-2015". Theo đó, TP sẽ duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa" tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, từ TP tới cơ sở; 100% TTHC có liên quan đến tổ chức và cá nhân được thực hiện thông qua cơ chế "một cửa, một cửa liên thông"; đào tạo 1.000 công chức nguồn cho cơ sở; 100% CBCCVC đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo vị trí chức danh; 100% các sở, ban, ngành, các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện áp dụng hệ thống ISO trong quản lý hành chính nhà nước theo mô hình, quy trình thống nhất; cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 (tải được các mẫu đơn, hồ sơ) và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 (điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ); hoàn thành kế hoạch đầu tư, nâng cấp trụ sở cấp huyện, cấp xã…

Nâng cao đạo đức công vụ

Có thể thấy, nguyên nhân của những hạn chế trong công tác CCHC thời gian qua là do vai trò quản lý, điều hành còn lỏng lẻo của lãnh đạo một số đơn vị. Thực tế đã chứng minh, ở cơ quan, đơn vị nào người đứng đầu có chuyên môn vững, thực sự có quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt thì ở nơi ấy kết quả của công tác CCHC rõ nét, có hiệu quả thiết thực và ngược lại. Đã qua một chặng đường dài cùng cả nước thực hiện công tác CCHC và TP Hà Nội lại luôn xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, cải cách TTHC và công tác cán bộ là khâu đột phá nên đến giờ không thể để tình trạng "quan tâm chưa đúng mức về CCHC" tồn tại trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Trong giai đoạn tới, Hà Nội xác định làm tốt hơn nữa việc phân công nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và đưa CCHC là một trong những nội dung để đánh giá, bình xét thi đua. Bên cạnh đó, TP sẽ tăng cường tập huấn, kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị. Riêng việc kiểm tra đột xuất, năm 2012, TP sẽ đổi mới bằng cách sẽ kiểm tra một vài đơn vị xã, phường trong một quận, huyện rồi mời những người trực tiếp làm công tác CCHC của các đơn vị thuộc quận, huyện đó cùng họp để rút kinh nghiệm chung. Cách làm này sẽ nhằm tạo sự chuyển biến nhanh hơn, phù hợp với các đơn vị trên cùng một địa bàn. TP kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các trường hợp sai phạm. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về những vi phạm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của CBCC thuộc phạm vi quản lý. Theo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCCVC giai đoạn 2011-2015", TP sẽ chú trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện CCHC và trách nhiệm, thái độ phục vụ của từng CBCC thực hiện nhiệm vụ liên quan đến TTHC.

Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục triển khai Nghị định 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát TTHC. Trong đó có nội dung tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính của UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Theo đó, Văn phòng UBND TP là đầu mối tiếp nhận; địa chỉ tiếp nhận là Phòng Kiểm soát TTHC (trực thuộc Văn phòng UBND TP). Với địa chỉ này, tổ chức, công dân có thể phản ánh, kiến nghị những vướng mắc trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của CBCC VC; sự không phù hợp của quy định hành chính với thực tế, quy định không hợp pháp và tất cả những vấn đề liên quan đến quy định hành chính. Có 3 hình thức để tổ chức, công dân phản ánh, kiến nghị là: văn bản, điện thoại và phiếu lấy ý kiến. Trên cơ sở kết quả đánh giá, phân loại phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, lãnh đạo UBND TP có trách nhiệm ký văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định. Đối với nội dung phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan hành chính nhà nước, trong vòng không quá 15 ngày, cá nhân, tổ chức sẽ nhận được văn bản thông báo về kết quả xử lý, kết quả này cũng sẽ được báo cáo với Chủ tịch UBND TP.

Với quyết tâm cao cùng với mục tiêu và lộ trình cụ thể, TP Hà Nội đã sẵn sàng tâm thế cho công cuộc xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, vì dân, xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia.

Hiền Chi

Ôtô, xe máy phải đóng phí bảo trì đường bộ từ 1/6


Từ ngày 1/6, các phương tiện cơ giới sẽ bị thu phí bảo trì đường bộ, tuy nhiên hiện Chính phủ chưa quy định rõ mức phí từng loại xe.
Trạm thu phí có thể xóa bỏ sau khi có quỹ bảo trì đường bộ.
Trạm thu phí có thể xóa bỏ sau khi có quỹ bảo trì đường bộ.
Thủ tướng vừa ban hành Nghị định về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Nguồn hình thành quỹ từ phí sử dụng đường bộ thu được hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới, bao gồm: ôtô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, máy kéo và môtô hai bánh, môtô ba bánh. Quỹ cũng được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm.
Phí sử dụng đường bộ thu được đối với ôtô được phân chia cho quỹ trung ương 65% và cho các địa phương là 35%. Tuy nhiên, hiện chưa quy định rõ mức đóng phí trên đầu phương tiện.
Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm quản lý nhà nước về đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng và tổ chức công tác quyết toán Quỹ trung ương theo quy định; chủ trì xem xét đề xuất của Hội đồng quản lý quỹ về điều chỉnh các quy định liên quan đến nguồn thu của quỹ và sửa đổi…
Năm 2010, Bộ Giao thông Vận tải đã soạn thảo 2 phương án thu phí bảo trì đường bộ. Một là thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới với ôtô và xe máy, đồng thời giữ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước hiện nay. Hai là thu gián tiếp qua xăng và xóa bỏ các trạm thu phí.
Theo dự thảo phương án một, quỹ bảo trì sẽ được thu trực tiếp theo đầu phương tiện cơ giới, với 7 mức đối với ôtô (180.000-1.440.000 đồng/tháng), 4 mức với môtô, xe máy (80.000-150.000 đồng/năm). Số phí thu được khoảng gần 6.000 tỷ đồng mỗi năm để đầu tư bảo trì các tuyến đường bộ trên cả nước.
Đối với ôtô, từng loại xe sẽ có mức thu khác nhau và thu theo tháng với chu kỳ 1, 3 hoặc 6 tháng. Còn xe máy sẽ thu hàng năm thông qua công tác tuyên truyền vận động và phối hợp với cơ quan bảo hiểm bán bảo hiểm môtô, xe máy.
Đoàn Loan

14.3.12

Vụ ông Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng và bài học với truyền thông

"Qua truyền thông đại chúng, vụ ông Đoàn Văn Vươn không còn là vấn đề của Hải Phòng mà trở thành vấn đề của cả nước, nhất là trong thời điểm toàn Đảng chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về chỉnh đốn Đảng", ông Lưu Đình Phúc, trưởng phòng quản lý báo chí Trung ương, Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông nói tại hội thảo bàn về nguồn lực đất đai và vai trò của truyền thông.


Hội thảo do do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển tổ chức sáng nay (14/3) tại Hà Nội.
Ông Lưu Đình Phúc: Trong đấu tranh chống tiêu cực, báo chí cần tránh thái độ nửa vời. Ảnh: Lê Nhung
Câu chuyện báo chí tác nghiệp trong vụ sai phạm đất đai ở Tiên Lãng cho thấy nhiều vấn đề đáng nghiên cứu về vai trò báo chí, truyền thông trong giám sát việc phân chia tài nguyên đất đai.
Luôn đi đầu, nhưng phải tỉnh táo
"Báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng",ông Lưu Đình Phúc nhận định. Với sức lan tỏa nhanh và rộng lớn, thông tin từ báo chí cũng góp phần cung cấp chứng cứ ban đầu cho cơ quan điều tra. Đặc biệt trong bối cảnh vấn đề đất đai luôn là điểm nóng.
Ông Phúc phân tích, điều đáng ghi nhận ở báo chí qua vụ ông Đoàn Văn Vươn là ở tính xung kích, đấu tranh không khoan nhượng trước những hành vi tiêu cực, góp phần làm trong sạch nội bộ chính quyền ở địa phương. Báo chí cũng đã thể hiện thái độ quyết liệt với mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ đúng sai vụ việc. Đồng thời đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm thông qua các bài phỏng vấn chuyên gia, nhà quản lý, cựu quan chức...
Nói như ông Vũ Văn Luân, thư ký liên chi hội nuôi trồng thủy hải sản huyện Tiên Lãng, “nếu không có báo chí, sự việc cưỡng chế ở Tiên Lãng đã đi theo một hướng khác”.
Một số nhà báo trực tiếp tác nghiệp ở Tiên Lãng cũng đã kể lại hành trình đi tìm sự thật và những khó khăn, chật vật do bị cản trở trong quá trình tác nghiệp. Để có được thông tin chính thống từ phía chính quyền, không chỉ báo chí mà nhiều cơ quan, đoàn thể khác đi giám sát cũng gặp không ít trở ngại.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Đặng Hùng Võ, cũng có nhiều  bài học cần rút ra và giới truyền thông cũng cần phải rất tỉnh táo khi vào cuộc phanh phui các vụ việc tiêu cực tương tự. Đặc biệt trong bối cảnh những thành công trong quá trình tác nghiệp ở Tiên Lãng đang dẫn đến tâm lý báo chí cũng sẽ dễ dàng “thắng” trong các vụ việc tương tự.
Ông Vũ Văn Luân: Nếu không có báo chí, vụ Tiên Lãng đã đi theo một hướng khác. Ảnh: Lê Nhung
Ông Võ cho hay, là một trong những người được truyền thông tiếp cận phỏng vấn ngay khi vụ cưỡng chế vừa xảy ra nên ông dễ dàng quan sát và phân tích được phản ứng của một số cơ quan truyền thông với vụ việc. Có tờ báo chọn cách im lặng, có tờ đưa tin chung chung, cũng có những cơ quan báo chí lớn ban đầu đưa tin từ góc nhìn này, nhưng sau đó đã lựa chiều để đưa theo góc độ khác. Nhưng về cơ bản, báo chí đã dẫn dắt được sự việc, dẫn dắt được dư luận và là một trong các nhân tố thúc đẩy sự vào cuộc của Thủ tướng.
Báo chí phải đi đến cùng
Sở dĩ đưa ra khuyến cáo rằng giới truyền thông cần “tỉnh táo” trong những sự việc tương tự bởi theo thống kê của chính ông Võ, tỷ lệ các bài viết về tham nhũng trong đất đai, xây dựng trong gần 10 năm trở lại đây có những thay đổi đáng chú ý.
Thống kê sơ bộ của ông Võ từ 12 báo lớn cho thấy giai đoạn 2000 - 2001, số lượng bài vở chống tham nhũng khá dồi dào trong khi sang đến thời kỳ 2006 - 2009 sau vụ PMU18, tin bài giảm đáng kể.
Ngay những vụ tiêu cực mà báo chí đã phanh phui như thống kê của ông Lưu Đình Phúc cũng là những vụ rất điển hình và báo chí đã thông tin chi tiết.
Theo ông Võ, báo chí đang đứng trước thách thức là trong nhiều vụ việc khác diễn biến tinh vi, phức tạp, nhà báo không dễ tiếp cận được tài liệu như trong vụ Tiên Lãng.
Từ góc độ nhà quản lý báo chí, ông Lưu Đình Phúc tổng kết nhiều bài học cần rút ra nhân sự kiện tác nghiệp ở Tiên Lãng. Chẳng hạn, báo chí cần đi đến cùng trong đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực, tránh thái độ nửa vời. Bởi thực tế câu chuyện ông Vươn đã từng được một tờ báo của Bộ Công thương phản ánh từ năm 2008 nhưng báo chí chưa thực sự đeo bám vụ việc đến cùng.
Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng một số tờ báo địa phương đã vào cuộc với quan điểm của chính quyền địa phương nên đã làm giảm tính phản biện, khách quan của thông tin.
Nhiều tờ báo chạy theo xu hướng thông tin một chiều phê phán chính quyền, ngôn ngữ kích động, kèm theo hàng trăm phản hồi. “Đây là cách làm thiếu thận trọng, không lường hết vấn đề chính trị có thể phát sinh”,ông Phúc nói.
Lắng nghe phản ánh của các nhà báo về việc bị cản trở khi tác nghiệp, ông Phúc cho rằng ngoài nỗ lực tự thân để kiếm tìm thông tin, nhà báo cần được tạo điều kiện hơn nữa. Chẳng hạn cơ quan công quyền chủ động cung cấp thông tin, phát ngôn phải thống nhất, tránh sơ hở…
Những thách thức trên cần sớm được gỡ bỏ khi nhà báo được bảo vệ bởi một hành lang pháp lý thông thoáng. Theo ông Phúc, đó là khi luật Báo chí bổ sung đầy đủ quy định về quyền tiếp cận thông tin. Là khi các nhà báo được trang bị kiến thức pháp luật để đưa tin chính xác, khách quan. Và đặc biệt là nhà báo cần đeo bám đến cùng vụ việc, đấu tranh không khoan nhượng trước hành vi tham nhũng, tiêu cực. Có như vậy nhà báo mới làm tròn trách nhiệm xã hội của mình.
Lê Nhung (vietnamnet)