Tưởng hiểu được chữ Trinh cao sang, hóa ra mới mở được "cái ngàn vàng" thô lậu!
Tư duy là một khái niệm trìu tượng, nhưng nó có thể bị "đọc vị", hay hoặc dở, mềm dẻo hoặc xơ cứng của con người qua một sự việc, một ý tưởng. "Mở" mà vô tình thành ra "kín", gây ra hỉ, nộ, ái, ố như đề thi về "cái ngàn vàng" của Đại học FPT mới đây, thì đủ biết, giáo dục còn nhiều tranh cãi và chông gai lắm, trên hành trình phát triển.
Tưởng "mở" mà... đóng kín?
Dưới đầu đề: Đại học FPT cho thí sinh phân tích về... "cái màng trinh" (ngày 9/4/2012), báo GDVN đã khiến dư luận xã hội choáng váng. Choáng vì cái tít quá bạo, quá mạnh, đến mức không ít người trố mắt, tò mò đọc. Lượng hit chắc tăng vọt.
|
Đề thi về "chữ trinh" khiến nhiều người xôn xao. Ảnh minh họa |
Gần như ngay lập tức, một cuộc tranh cãi náo nhiệt nổ ra ngay trên các báo. Phe ủng hộ, và phe phản đối, cùng mạnh ngang nhau.
"Cái mới" phá cách đương nhiên bao giờ cũng hấp dẫn, cũng cuốn hút không ít người có tư duy cởi mở. Nhưng nó cũng phải hứng chịu búa rìu dư luận, mình đầy...thương tích, của những chuẩn mực truyền thống.
Nữa là "cái mới" đây lại là cái "ngàn vàng".
Nó cũ rích như trái đất, khi sự sống xuất hiện, có đàn ông và đàn bà. Nhưng nó cũng là "cái cũ" quá gần gũi và nhạy cảm, đầy kiêng kỵ của tâm lý lề thói phương Đông. Đàn ông thì cười tủm tỉm. Đàn bà thì...đỏ mặt.
Phe bênh vực đề thi này không ít. Như một độc giả của báo GDVN đã thẳng thừng: Ai phản đối đề thi 'trinh tiết' của ĐH FPT là người quá cổ hủ. Bởi: Đề thi đã đi theo một hướng hoàn toàn mới, khiến cho tôi rất hứng thú. Tôi nghĩ rằng, bắt đầu từ đề thi này sẽ tạo ra hướng đi mới cho cách ra đề thi trong ngành GD Việt Nam....
Ghê quá, vai trò đề thi "cái ngàn vàng"!
Một người cùng cánh với phe "tân tiến" này là GS Sinh học Nguyễn Lân Dũng: Tôi không thấy có gì trái ngược với thuần phong mỹ tục cả... Loại đề mở này rất hay, nó khác hẳn với loại đề bình luận sáo mòn về những chuyện mà học sinh rất ít trải nghiệm.
Nhưng sự bênh vực cho đề thi của GS sinh học lại dưới góc nhìn... sức khỏe sinh sản nhiều hơn phạm vi một đề thi văn chương: Học sinh cấp THCS đã dắt nhau vào nhà nghỉ rồi cơ mà. Chính vì tránh né không giáo dục một cách đàng hoàng về sức khỏe sinh sản mới dẫn đến biết bao bi kịch về tình dục sớm, tình dục không an toàn.
Còn giảng viên Nguyễn Hùng Vỹ (ĐHQGHN), có một phát hiện bất ngờ, vì chính ông- cách đây 30 năm- khi đó là sinh viên đã làm bài thi có chủ đề này. Nhưng ông lấy làm thất vọng, vì: Sau hơn 30 năm một chuyện hết sức bình thường khi đưa vào đề thi tuyển sinh lại được xem là "lạ"....Đó là tư tưởng trì trệ, dấu hiệu của xã hội chậm phát triển.
Bị bỏ vào trong rọ "cổ hủ" là những ai?
Là GS Ngôn ngữ học Nguyễn Minh Thuyết- "Đề thi của ĐH FPT thô tục đến khó chấp nhận": Không biết tận dụng những trang văn ý nhị, sâu xa của đại thi hào Nguyễn Du để đánh giá cảm thụ văn học... lại còn gắn với "màng nọ màng kia"(!).
Là Hiệu Minh, một blogger khá nổi tiếng, người sống nhiều năm ở Mỹ, nơi quan niệm về trinh tiết người phụ nữ rất thoáng, cũng bất bình: Đem chủ đề "màng trinh" vào thi ĐH... là đã vi phạm luật về giới tính, hạ thấp nhân phẩm của phụ nữ, đối xử với vị thành niên một cách thô bạo khi bắt các cháu bàn chuyện nhạy cảm này.
Là Phó GS. TS Văn Giá (ĐH Văn Hóa): Đề thi này mắc một sai lầm nghiêm trọng mà hễ tinh ý một chút dễ nhận ra. Người ra đề đã không giấu được chủ kiến của mình, bộc lộ nhiệt tình nghiêng về phía phụ nữ ngày nay không nhất thiết phải giữ trinh tiết, thậm chí quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng chẳng là điều gì nghiêm trọng.
Sự tranh cãi bất phân thắng bại đó, khiến người viết phải tìm lại nguyên bản gốc của đoạn bốn câu Kiều.
Đọc kỹ, thấy ngỡ ngàng bởi cái đề thi.
Bốn câu thơ được trích dẫn nằm trong văn cảnh sau 15 năm lưu lạc bán mình chuộc cha, nàng Kiều tái hồi Kim Trọng. Trước tâm lý bẽ bàng và mặc cảm thân phận không còn "trong sạch" của Kiều, chàng Kim thốt lên:
Xưa nay trong đạo đàn bà/ Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường/ Có khi biến, có khi thường/ Có quyền, nào phải một đường chấp kinh/ Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay.
Đó quả là khái niệm "chữ Trinh" cực kỳ mới mẻ, hiện đại của chàng Kim. Là cách đánh giá cao nhất, đầy trân trọng phẩm giá, sự trung trinh của nàng Kiều, ngay cả khi cuộc đời nàng bị đầy đọa thân xác. "Chữ Trinh" dưới cách nhìn táo bạo của chàng Kim, (ở đây chính là của đại thi hào Nguyễn Du trong xã hội phương Đông phong kiến) mới là tinh thần chủ đạo của đoạn thơ.
Cái "chữ Trinh" ở nơi phẩm cách nàng Kiều, còn được tác giả Phạm Thượng Chí trong Nam Phong tạp chí, (số 30/1919) miêu tả tài tình:
Có cái đức nghiêm của người liệt nữ, mà lại có cái vẻ tình của khách phong lưu, đức hạnh đủ khiến tính, tài tình đủ khiến yêu, giá trị đủ khiến quý, thân thế đủ khiến thương. Vì cảnh ngộ phải nặng kiếp đào hoa, trong tình ý vốn ra người tiết nghĩa, ở nơi ô trọc mà vẫn giữ được tiết thanh cao, gặp cảnh gian nan mà không hề đến nỗi đắm đuối....
Đó là "chữ Trinh" tiết liệt của phẩm cách nàng trong suốt cuộc đời 15 năm chìm nổi dâu bể. Vậy nhưng từ đó, đề thi của ĐH FPT lại dẫn tới loanh quanh còn mỗi cái trinh tiết đàn bà, còn mỗi chữ "màng trinh" cụ thể, thô thiển, còn mỗi chuyện nên hay không nên quan hệ tình dục trước hôn nhân. Thì quả thực, người ra đề hiểu về đoạn thơ quá hời hợt, nông cạn và sai lạc.
Đề được khen là mở mà tư duy ra đề lại ...đóng kín, duy nhất vào mỗi cái "màng trinh".
Mặc dù, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH FPT cho rằng: Việc thí sinh lựa chọn quan điểm nào không quyết định tới điểm số, mà quan trọng là thí sinh biết cách phân tích, lập luận đưa ra những ví dụ xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình. Điều chúng tôi đánh giá chính là tư duy của thí sinh được thể hiện qua bài viết luận.
Khổ nỗi, tư duy ra đề của thầy còn hời hợt, không thẩm thấu hết tinh thần đoạn thơ, đánh đố sự tò mò, nghĩ ngợi non nớt của học sinh, thì đòi hỏi học sinh mới lớn làm sao có được tư duy và nhận thức đúng về "chữ Trinh". Nhất là các em sống luôn trong thế giới mạng, đủ các truyện tục, hình ảnh, phim ảnh khiêu dâm trôi nổi?
ĐH FPT hoàn toàn có thể ra một đề thi mở về tình dục trước và sau hôn nhân trong thời hiện đại, thể hiện một tư duy táo bạo, phá cách, chống lại sự sáo, sự nhạt. Tại sao lại kéo cụ Nguyễn Du vào một cách vừa khiên cưỡng, vừa tệ hại thế này?
Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? (300 năm lẻ về sau nữa/ Biết có ai người khóc Tố Như?
Câu thơ như một quẻ bói định mệnh. Hơn 300 năm sau, các GS, TS, các nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo..., vẫn tiếp tục "khóc" cho cụ Tiên Điền, cho chữ Trinh thanh cao và đáng trọng của nàng Kiều đặt sượng sùng, thô bạo không đúng chỗ bởi cách hiểu tầm thường, dung tục.
"Muốn hiểu hiện đại, cần thạo nhảy ...cổ điển"
|
Khái niệm "chữ Trinh" của chàng Kim cực kỳ mới mẻ, hiện đại. Ảnh minh họa |
Dù có sự sai lạc về "chữ Trinh" của đoạn thơ trong truyện Kiều, đề thi vẫn được không ít người ủng hộ? Vì sao?
Đó là bởi tâm lý xã hội nói chung, lâu nay đã chán ngắt cái kiểu ra đề thi sáo mòn, học vẹt của ngành giáo dục. Nó khiến học sinh chán học văn, quay lưng lại với môn văn. Khiến văn chương với bản chất chân- thiện- mỹ phải đứng lẻ loi bẽ bàng. Cũng vì thế, nó là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến người Việt trong xã hội hiện nay tàn nhẫn hơn, vô cảm hơn, đê tiện hơn...
Đó là bởi hiện tượng lớp trẻ ngày càng "sống thoáng", thoát ly hẳn nền tảng văn hóa, đạo lý truyền thống, khiến không ít bậc cha mẹ, người lớn lo lắng. Họ đòi hỏi giáo dục cần phải dạy cho con em đối mặt với một thực tiễn đầy biến động, đầy rủi ro, cạm bẫy với lớp trẻ, để hướng đạo mà không nên né tránh.
Ở góc độ hình thức, đề thi này đã đáp ứng được sự bức xúc đó, chủ đề mới, bạo, đòi hỏi học sinh độc lập tư duy.
Thế nhưng về bản chất, tinh thần chủ đạo của "chữ Trinh" trong truyện Kiều khác hẳn với yêu cầu về chủ đề "màng trinh" của đề thi. Chả thế, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đề thi xúc phạm đến đại thi hào Nguyễn Du. Và nhiều ý kiến của các nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, nhà sư phạm khá gặp nhau ở một điểm- phê phán sự thô thiển của đề thi.
GS Nguyễn Minh Thuyết có lý, khi nhận định, nếu thí sinh bộc lộ quan điểm, nhận thức sai lệch thì ai uốn nắn, ai điều chỉnh cho các em?
Và có đúng là những ý kiến phản đối đề thi, phản ánh sự trì trệ của xã hội về tư tưởng trong chuyện này không, như thất vọng của ông Nguyễn Hùng Vỹ?
Theo người viết bài, không phải vậy. Vì cái nhìn của xã hội hiện nay khá thoáng, thậm chí chấp nhận cả những trường hợp "không chồng mà chửa mới ngoan" cơ mà...
Nhưng người ta phản ứng, bởi cách ra đề sai phạm ở nhiều yếu tố, hiểu chữ Trinh quá phiến diện. Nói như blogger Hiệu Minh, là xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Kể cả ông Nguyễn Hùng Vỹ, cũng phải thừa nhận: Đề thi của GS Lê Đình Kỵ (ra cách đây 30 năm) là Tây Thi. Còn đề thi của FPT là ... Đông Thi. Nhại lại nhưng có thể không hiểu lắm về Truyện Kiều nên nó vụng về.
Nàng Tây Thi xưa của thời Xuân Thu, sắc nước hương trời, đến độ ngay cả khi nàng nhăn mặt cũng khiến người ta mê đắm. Còn nàng "Đông Thi của ĐH FPT", mới chỉ nghe, người đời đã... nhăn mặt. Bởi sự tầm thường. Bởi sự khác biệt về bản chất, như chữ Trinh của một phẩm cách nàng Kiều, với cái "màng trinh" thô tục.
Chợt nhớ tới bài học vỡ lòng đầu tiên mà Vũ sư Vũ Hiếu, người dạy khiêu vũ rất nổi tiếng ở Hà Nội một thời (nay ông đã khuất núi):
Muốn nhảy được các điệu hiện đại như Chachacha, Disco, phải thạo và nắm vững cách nhảy các điệu cổ điển như Tango, Vanxơ.... Nếu không hiểu cổ điển, không biết "đi" các điệu cổ điển, học nhảy hiện đại ngay, thì dấu ấn sai phạm luôn bộc lộ trong các bước nhảy. Đừng tưởng cứ "ngoáy mông", uốn éo vô tội vạ đã là hiện đại, là biết nhảy!
Lớn như chuyện văn hóa, chuyện dạy người, nhỏ như chuyện ra đề thi cũng giống như học khiêu vũ vậy.
Nhất là đối với Công ty FPT, nơi có ĐH FPT tập trung rất đông người trẻ có quan niệm và cách sống hiện đại, táo bạo, dám phá cách. Người ta chưa thể quên cái bản Hịch nhại Hịch Tướng sĩ hơi ngoa ngôn và hơi xược, cũng như chưa quên cái vũ hội sexy năm nào thật phản cảm.
Văn hóa rất cần có nền tảng. Trên cái nền tảng, cái phông đó, mới có thể tiếp cận với văn minh, hiện đại một cách chọn lọc. Đừng nghĩ cứ học lỏm, cứ bắt chước tây- tầu, là biến thành ...hiện đại. Đó là tư duy hiện đại một cách lai căng và ăn sổi ở thì, là...đập phá chứ không phải là khai phá! Đó cũng là cái hổng bi thảm của văn hóa và dạy người.
Thế nên, tưởng hiểu được chữ Trinh cao sang, hóa ra mới mở được "cái ngàn vàng" thô lậu!
***
Toàn văn Đề thi của ĐH FPT:
"Trong kiệt tác Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã từng chia sẻ quan niệm của mình thông qua phát ngôn của nhân vật Kim Trọng về"chữ trinh":
"Xưa nay trong đạo đàn bà
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường
Có khi biến, có khi thường
Có quyền, nào phải một đường chấp kinh".
cho dù chính ông cũng từng khẳng định:"Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu".
Ngày xưa, nếu cô dâu bị mất trinh thì coi như mất hết, hôn nhân đổ vỡ, người vợ bị đem trả lại. Nhưng ngày nay, đối với nhiều bạn trẻ, cái màng trinh không còn ý nghĩa quan trọng như thế, thậm chí nhiều người còn ủng hộ quan điểm tình dục trước hôn nhân.
Vậy theo bạn, người phụ nữ có nhất thiết phải phải giữ trinh tiết trước khi về nhà chồng? Và hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người phụ nữ còn trinh hay không?
Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo và các quan sát của bạn trong cuộc sống."
Kỳ Duyên (VNN)